THI HÀO JÓZSEF ATTILA: TỰ SÁT HAY TAI NẠN?

Thứ năm - 05/05/2005 23:51

(NCTG) Cuối tháng Tư vừa qua, cả nước Hung tưng bừng kỷ niệm 100 năm ngày sinh của thi hào József Attila, “người con của đường phố và ruộng đồng”. “Ngày thi ca Hungary”, được tổ chức vào đúng sinh nhật Hungary, đã là sự vinh danh ở mức cao nhất nhà thơ vĩ đại này của nước Hung, đúng vào một năm được tổ chức UNESCO tôn vinh là “Năm József Attila”.

Thi hào Jószef Attila (1905-1937)

Tuy nhiên, cũng nhân dịp này, một “nghi án” đã được mổ xẻ trở lại và bàn bạc nhiều. Ấy là, cái chết ở độ tuổi rất trẻ (32) của nhà thơ, là một vụ tự sát hay đơn thuần là tai nạn? Bởi lẽ, trong một thời gian dài, chúng ta luôn được biết rằng ông đã tự sát vì bế tắc trong cuộc đời. Cái nhìn chính thức về tiểu sử nhà thơ, cũng vậy. Đây cũng là cái tin được lan đi toàn thế giới trên các mặt báo, một ngày sau khi nhà thơ qua đời.

Cho dù, có một nhân chứng cho rằng vào buổi tối định mệnh ấy, József Attila không hề cư xử như người muốn tự kết liễu cuộc đời mình!

*

Năm 2001, một cuốn sách về cái chết của thi hào József Attila, trong đó giả thuyết nhà thơ đã bị tử nạn giao thông, đã được ấn hành. Tác giả cuốn sách, ông Garamvölgyi László, trong đời thực, là Giám đốc Thông tin của Sở cảnh sát Quốc gia Hungary. Sách được phát hành với lượng ấn bản 15 ngàn và gây sóng gió lớn trong làng văn và xã hội Hung, vì cách đặt vấn đề của tác giả trong sách: với những nghiệp vụ hình sự, Garamvölgyi László tìm cách chứng tỏ rằng “nhà thơ của giai cấp vô sản” đã không tự sát, mà chỉ bị tai nạn.

Hẳn là chính Garamvölgyi cũng nhận thấy giả thuyết của ông chưa được mọi người chấp nhận nên sau 4 năm, ông lại bổ sung, chỉnh lý và đưa thêm nhiều “bằng chứng” vào kỳ tái bản cuốn “József Attila qua đời như thế nào?”, đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của thi hào. Một lần nữa, dựa trên ý kiến thẩm định của các chuyên gia cũng như các biên bản y khoa của giới bác sĩ đương thời, Garamvölgyi cho rằng nhà thơ đã không hề bị mắc loại bệnh thần kinh có thể dẫn dến tự sát, như người đời vẫn đồn đại.

Những dữ kiện hình sự cũng như những gì được nhắc đến xung quanh cái chết của nhà thơ cũng cho thấy việc ông ra đi không có “màu sắc” của một vụ tự sát điển hình. Những ai tự sát bằng cách lao vào tàu hỏa, thường làm việc đó ở nơi vắng vẻ, ít người qua lại, để không ai ngăn cản hay thuyết phục được họ, trái với trường hợp của József Attila: ông bị mắc ở khoảng giữa hai toa tàu thứ 15 và 16, của một đoàn tàu chở hàng chạy khá chậm từ ga Szárszó (gần vùng hồ Balaton). Đây là nơi nhà thơ thường đi dạo để thư giãn đầu óc và luôn có đông người qua lại.

Budavári János, nhân chứng duy nhất còn sống cho đến nay, cho rằng József Attila đơn thuần chỉ muốn vượt đường tàu để qua đường. “Ông ấy không nói gì cả. Chắc tàu đến quá bất ngờ, hoặc ông ấy đang chìm trong những suy tưởng. Dạo ấy ông ấy nhiều lần đã chìm đắm như thế” - năm 1995, trả lời Đài truyền hình Szárszó, ông Budavári János hồi tưởng. Theo vị nhân chứng này, dường như József Attila không nhận ra là tàu đã chuyển bánh và đúng lúc ấy, ông muốn qua đường bằng cách chui qua khoảng giữa của các toa tàu. Chiếc áo khoác dài màu đen của ông đã bị mắc vào đoàn tàu đã khởi hành, khiến nhà thơ bị xoắn 3-4 vòng và tử thương.

Trong buổi họp báo ra mắt cuốn “József Attila qua đời như thế nào?”, tác giả Garamvölgyi đã phân tích những vết thương trên người nhà thơ và tái hiện hầu như từng phút của József Attila trong cái ngày 3-12-1937 định mệnh ấy. Garamvölgyi cũng tranh luận với các nhà nghiên cứu văn học sử, những người cho rằng József Attila đã để lại 5 lá thư tuyệt mệnh. Bởi lẽ, theo ông, trong con mắt một cảnh sát, cả 5 lá đó không phải là loại thư tuyệt mệnh của một người chuẩn bị tự sát.

Ngày cuối cùng trong đời, József Attila vẫn làm thơ, dịch thuật, vì ông nhận được một lời hứa là sẽ được in một tập thơ. József Attila dự dịnh sẽ có một chương trình luyện tập thể lực để chuẩn bị đi làm: trước đó, lãnh đạo tạp chí “Lời đẹp” (Szép szó) đã đến thăm nhà thơ, mời ông làm việc, thậm chí còn hứa trao tặng ông một giải thưởng trị giá 10 ngàn đồng và sẽ tạo điều kiện để ông có thể sáng tạo một cách tốt nhất. Như vậy, vào ngày 3-12-1937, József Attila không có cớ gì để tự sát - đó là khẳng định của tác giả Garamvölgyi trong cuốn sách thứ 20 của mình.

*

Tự sát hay tai nạn? Câu hỏi đó, dù đã được Garamvölgyi lý giải trong cuốn sách của ông, những có lẽ sẽ vĩnh viễn được liệt vào hàng những câu hỏi không có lời giải đáp. Bởi lẽ, nó liên quan đến niềm tin và ý niệm của con người về sự ra đi của một nhà thơ lớn.

Thời gian cuối đời, József Attila thường xuyên bị ốm đau, thần kinh căng thẳng. Trong đời, đã nhiều lần ông nhắc đến cái chết trong thi ca, đặc biệt là hình ảnh đường ray tàu hỏa có một cái gì đó hấp dẫn đặc biệt đối với József Attila (thời học sinh, ông đã từng nằm lên đường ray tàu).

Từ năm lên 9 tuổi, nhà thơ đã tự vẫn không thành và sau này, trong những năm sống cùng bà Szántó Judit, ít nhất ông đã tìm cách tự kết liễu đời mình 3 lần. Cái chết vì tự sát ở độ tuổi còn rất trẻ của József Attila, là một cái chết được văn giới và cư dân Hung chấp nhận, vì tính bi thảm của nó, cũng như, vì đương thời coi đó là một cái chết “đẹp”, “xứng đáng” với một tài năng xuất chúng, nhưng đầy mâu thuẫn như József Attila.

Tuy nhiên, một trăm năm ngày sinh của József Attia, có lẽ việc ông ra đi như thế nào không còn là điều quan trọng. Còn lại với đời, là hình ảnh của một con người mãnh liệt, với những vần thơ mãnh liệt và tràn đầy sức biểu cảm: “Đời tôi không mẹ cũng không cha - Tổ quốc cũng không, chẳng Chúa thờ - Không nôi, không mảnh khăn che mặt - Thiếu cả ái tình, thiếu thiết tha!”, để rồi đến khi ra đi “Cỏ mang thần chết về xanh mộ - Trên trái tim tôi đẹp tuyệt trần”! (*)

Ghi chú:

(*) “Với trái tim trong trắng” (Tiszta szívvel) - Nguyễn Thụ dịch trong tập “Gió trắng”, Nhà xuất bản Thanh Niên, Hà Nội 2004.

Nguyễn Hoàng Linh


 
 Từ khóa: József Attila
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn