“CHARLIE HEBDO” VÀ TÔI, KHÔNG GÌ CÓ THỂ BỊT MIỆNG

Thứ năm - 07/01/2016 15:13

(NCTG) “Nếu Hồi giáo mà không được hiện đại hóa và cải cách thì khủng bố sẽ không bao giờ biến mất”, nhận định của nhà văn Talisma Nasreen trong bài viết mới nhất trên “Charlie Hebdo”.

Nhà văn Talisma Nasreen - Ảnh: indiatvnews.com

Nhà văn Talisma Nasreen - Ảnh: indiatvnews.com

Lời giới thiệu: Số đặc biệt một năm thảm sát tòa soạn “Charlie Hebdo” vừa ra thứ Tư này, 1 triệu bản.

Trang nhất vẽ một Thượng đế râu dài, lưng đeo súng, trang phục dính máu, với tựa đề: “Một năm rồi, kẻ sát nhân vẫn chạy rông”.

Bên trong gồm di cảo của các nhà hí họa đã bị giết - Cabu, Wolinski, Charb, Tignous, Honoré - và những bài đóng góp từ bên ngoài: Bộ trưởng Văn hóa, các ngôi sao điện ảnh, văn nghệ sĩ, trong số đó phải kể đến nữ văn sĩ Talisma Nasreen. 

Sinh năm 1962 tại Bangladesh, trong một gia đình Hồi giáo thủ cựu, Nasreen được cho đi học để trở thành bác sĩ phụ khoa, nhưng sau đó đã quyết định cầm bút. Sáng tác cả thơ lẫn văn xuôi trong đó có truyện ngắn, truyện dài, tiểu luận, ở thể loại nào bà cũng hăng hái đấu tranh đòi nữ quyền, chống áp bức từ phía đàn ông, đặc biệt là những kẻ nhân danh tôn giáo.

Xuất bản năm 1994, tiểu thuyết “Lajja” (Hổ nhục) của bà tố cáo sự bạo ngược cuồng tín của Islam với cộng đồng Hindu. Gây nên làn sóng biểu tình mạnh mẽ, bị cấm lưu hành tại Bangladesh, “Lajja” đem lại cho tác giả một fatwa (án lệnh tôn giáo) tử hình từ một tổ chức Hồi giáo cực đoan và trát câu lưu từ chính quyền. 

Cũng từ đó bắt đầu cuộc đời lưu vong trốn tránh mãi mãi của Nasreen. Đầu tiên bà xin cư trú ở vùng giáp biên giới Ấn Độ - Bangladesh, nhưng bị chính phủ nước này từ chối nên buộc phải chạy sang Thụy Điển và sống trong ẩn dật cùng nỗi ám ảnh bị ám sát.

Người ta cho biết, bà chỉ thoát khỏi án tử nếu đốt hết sách của mình và công khai xin lỗi cộng đồng Hồi giáo.
Số báo đặc biệt một năm sau cuộc thảm sát - Ảnh: politico.eu
Số báo đặc biệt một năm sau cuộc thảm sát - Ảnh: politico.eu

Cách đây vài năm, được mời đến trụ sở của “Charlie Hebdo” tại Paris, tôi choáng váng trước công việc, trí thông minh và tài năng của các nhà hí họa này. Cuộc chiến đấu kiên cường mà họ dành cho tự do ngôn luận vang cùng nhịp đập với cuộc chiến đấu của tôi. Fatwa hay những lời dọa giết chưa bao giờ khiến họ đầu hàng. Khi vẽ những bức biếm họa trêu chọc Muhammad, họ biết họ đang đùa với tử thần: thế nhưng họ vẫn cầm cọ. Văn phòng của họ bị đập phá tan tành, tên họ nằm trong danh sách đen của Al-Qaida: thế nhưng họ chưa bao giờ đóng cửa.

Một cách tự nhiên, tôi cảm thấy đoàn kết cùng số phận của họ. Fatwa, lệnh câu lưu, lưu vong, không gì có thể bịt miệng tôi. Những nhà hí họa này là những cá nhân đặc biệt. Họ trở thành các bậc thầy trong nghệ thuật trào phúng và họ vẫn cứ tiếp tục cười đùa ầm ĩ. Triết lý của họ tương tự như của tôi: từ chối hoàn toàn chủ nghĩa cực đoan, bạo lực và khủng bố nhân danh tôn giáo. Họ cũng lo ngại cho số phận và sự an toàn của tôi. Là công dân một xã hội dân chủ của một trong những quốc gia an ninh bậc nhất thế giới, họ có vẻ như chẳng lo lắm đến sinh mạng của mình.

Lúc ấy, tôi khó tưởng tượng được rằng có ngày bọn khủng bố sẽ tấn công trụ sở này, giơ súng hạ từng người một, và trên hành tinh không còn quốc gia nào có thể được coi như an ninh một trăm phần trăm.

Việc “Charlie Hebdo” tiếp tục hiện hữu là một chiến thắng của tự do ngôn luận. Chẳng cần nhiều tài năng để trở thành khủng bố, sử dụng súng tự động và giết người vô tội. Ngược lại, cần rất nhiều tài năng để viết báo hay vẽ báo. Cái chết của những con người tinh tú này dưới tay một nhúm điên khùng man rợ, nhân danh Thượng đế và Đấng tiên tri của chúng, với mục đích đoạt tấm vé lên thiên đường, là sự lăng nhục với phẩm giá con người. Thế đấy, khắp nơi trên hành tinh, các thanh nam thanh nữ cả tin đang bị nhồi sọ và biến thành những Hồi giáo cuồng tín!

Tôi bị sốc từ khi hay tin về cuộc thảm sát tại trụ sở “Charlie Hebdo”. Tôi có cảm tưởng rằng sẽ có ngày phải chịu chung số phận với họ, dưới tay lũ cuồng tín Hồi giáo. Có thể lúc đó tôi đang viết đoạn cuối một cuốn tiểu thuyết hay một tập thơ… Chúng đột nhập văn phòng của tôi như một lũ trộm để tàn sát tôi, tặng tôi loạt đạn vào sọ và hô to “Allahu akbar” (Chúa trời là đấng vĩ đại nhất). Nếu chúng có khả năng gây tội ác ở một thành phố như Paris, ngay trước mũi cảnh sát bảo vệ, thì điều này hoàn toàn có thể xảy ra ở nơi tôi đang sống. Nhưng ra sao thì ra: không bao giờ chúng có thể bịt miệng tôi, cũng như không bao giờ có thể bịt miệng Charlie.

Các trí thức Phương Tây luôn bày tỏ sự ủng hộ với tín đồ Hồi giáo dù một nhóm Hồi giáo đã gây ra không biết bao tội ác. Có thể nhìn thấy ở đây ý chí gìn giữ truyền thống tự do của Phương Tây, mối thông cảm với những tín đồ Hồi giáo đã từng bị họ đô hộ và giờ đây là một thiểu số giữa lòng châu Âu, hay sự xúc động với số phận những con người bị truy hại ở Afghanistan, Iraq, hay Palestine.

Về phía mình, những trí thức của “Charlie Hebdo” chẳng tha ai cả. Không nhà chức trách, không người đứng đầu tôn giáo nào lại thoát được sự hài hước của họ. Họ cười nhạo cả Thiên Chúa giáo lẫn Do Thái giáo và Hồi giáo. Các tác phẩm của họ bao giờ cũng chứng tỏ một trí thông minh tuyệt vời. Một số cá nhân bất bình trước tính khiêu khích của họ. Tuy vậy họ có toàn quyền được khiêu khích, mà không ai có quyền lấy đi sự sống của họ.

Ngày hôm nay, hầu như tất cả đều đứng về phía Charlie. Tất cả đều phê phán khủng bố, đưa ra luận chứng rằng quan điểm của khủng bố về Hồi giáo không trung thành với tinh thần của tôn giáo này, rằng Hồi giáo chân chính không bao giờ cho phép giết kẻ ngoại đạo. Ấy vậy mà mọi việc không phải như thế. Rất nhiều chương trong kinh “Qur'an”, đặc biệt là các chương Al-baqara, An-Nisa, Al-Anfal và Al-Tauba, kể lại việc giết những ai không có đức tin Hồi giáo. Đó là một mệnh lệnh rõ ràng, được gửi đến các tín đồ Hồi giáo.

Nhiều truyện thánh Muhammad cũng nêu các trường hợp trong đó tín đồ Hồi giáo bị chỉ thị tàn sát dị giáo. Bản thân Đấng tiên tri cũng gây chiến rất hung. Trong nhiều bộ lạc Ả Rập, đàn ông bắt buộc phải qui theo Hồi giáo. Cùng với quân lính, Muhammad đã giết 800 đàn ông Do Thái của bộ lạc người Banu Qurayza, rồi ăn cướp đất đai và tài sản của họ. Tiếp theo, Đấng tiên tri đã chia đàn bà của bộ lạc này cho quân Hồi Giáo thắng trận như chia chiến lợi phẩm, để chúng biến thành nô lệ hay đồ chơi xác thịt.

Hồi giáo đã được sinh ra từ những hành động gớm ghiếc đó. Thiếu chiến lược khủng bố này, Hồi giáo sẽ không bao giờ vượt qua nổi biên giới của thánh địa Medina. Hồi giáo lan rộng trên toàn cầu nhờ kinh hãi, vũ lực, chuyên chế, tàn bạo, sát hại, tra tấn và tàn sát dã man. Do đó chúng ta đừng ngạc nhiên khi thấy các tín đồ của Muhammad ngày hôm nay vẫn theo chân Đấng tiên tri gây khủng bố khắp thế giới.

Trái ngược với các tôn giáo khác, Hồi giáo hoàn toàn không tiếp thu cải cách nào. Nó hầu như chưa bao giờ trải qua cuộc khảo cứu khắc nghiệt mà các tôn giáo khác đều phải tuân theo để phù hợp với thời đại. Nó gần như vẫn nguyên sơ như cách đây một nghìn bốn trăm năm. Những tín đồ sùng đạo nhất của Muhammad tin vào một Hồi giáo chân chính và ham hố thành lập một quốc gia “califat” tiêu biểu, được ủy quyền để cai trị toàn nhân loại và chỉ có những tín đồ Hồi giáo chân chính sinh sống.

Bọn chúng tự cho mình quyền tiêu diệt bất kỳ ai không tin vào Hồi giáo hay nhạo báng nó, y hệt như các đồ đệ của Đấng tiên tri đã làm vào thế kỷ thứ 7. Những nhóm khủng bố như Al-Qaida, Daech (IS), Boko Haram hay Al-Shabbaab muốn reo giắc nỗi kinh hoàng khắp hành tinh. Tất cả bọn chúng đều đi theo một tư tưởng chung: Allah là Thượng đế duy nhất. Với chúng, con đường Muhammad vẽ ra là con đường chân chính của Hồi giáo. Bọn chúng không tin vào chế độ đa nguyên hay các nguyên tắc dân chủ, mà dựa vào tính thần quyền và độc trị của hệ thống tín ngưỡng lạc hậu của mình. 

Không nên coi nhẹ Hồi giáo cực đoan. Để thắng được, cần tấn công vào gốc rễ của nó. Giảng giải các nguyên tắc tự do ngôn luận cũng vô ích. Cần biết các diễn văn được hướng tới quân khủng bố và khích động chúng cầm vũ khí. Thánh thư của chúng thấm đẫm bạo lực. “Qur'an” phải được coi hoặc như một tài liệu lịch sử, hoặc như một “qui tắc sống” cùng kiệt hay như cơ sở luật pháp. Nhất thiết phải chấm dứt việc nhồi sọ trẻ con bằng một đức tin tôn giáo phi lý, tại nhà hay tại một số cơ sở như “medersa” (trường) hoặc nhà thờ Hồi giáo. Phải làm sao để thế hệ trẻ phát triển được một tinh thần logic và lý tính, phân tích thế giới theo phương pháp khoa học, từ đó có thể phân biệt cái thiện và cái ác, hiện thực và hư cấu.

Tôi tin tưởng một cách sâu sắc rằng nếu Hồi giáo mà không được hiện đại hóa và cải cách thì khủng bố sẽ không bao giờ biến mất.

(*) Nhan đề Việt ngữ do NCTG tạm đặt.
Thuận giới thiệu và chuyển ngữ, từ Paris

(*) Bạn có đồng ý với quan điểm của tác giả về những vấn nạn của Hồi giáo? Hãy chia sẻ với NCTG.

 
 Từ khóa: khủng bố, Charlie Hebdo
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn