M. ở một căn hộ từng cao, sát dưới mái của một chung cư Paris, loại dành cho sinh viên tất nhiên là nghèo, nhưng cũng có hai buồng. Lúc đó đã 1 giờ sáng. Đây là lần thứ ba tôi gặp M. và lần đầu đi chơi với nhau, M. rủ tôi về nhà. Căn phòng ngoài bé, tôi xếp bằng dưới đất đối diện, có một cái ghế thì M ngồi. M hỏi:
- Anh có muốn xem hai cái vú của tôi không?
M. là người Thụy Điển, đang học Mỹ thuật ở Pháp. Tối M. kiếm tiền bằng cách đàn dương cầm và hát trong bar “The Red Lion” gần đại lộ Champs Elysées. Đó là vào đầu thập niên 1970 và tôi là một thiếu niên mặt già hơn tuổi.
- Tùy M. thôi, tôi muốn xem chứ, tôi trả lời.
M. cười tươi, cái cười long lanh như lọn tóc và bỏ vào phòng trong. Tôi ngồi nguyên không nhúc nhích.
M. trở ra, tôi nghĩ là có mặc quần lót thì cũng phải ngực trần. Nhưng quần áo M. vẫn y nguyên như thế, hai tay M. ôm một đống giấy vẽ khổ to và bày ra cho tôi xem tranh của cô. M. là người Thụy Điển và phát âm tiếng Pháp không chuẩn. “Dessins”, tranh vẽ, thì M. phát âm nghe như là “deux seins”, hai vú.
1969, truyền hình Thụy Điển có cho coi một cô khỏa thân ngồi nói về dự báo thời tiết gì đó. Đây là nước đầu tiên trên thế giới cho phép phim, hình ảnh, tạp chí XXX tự do. Ngay cả đối với phần còn lại của Châu Âu, đây là nơi được coi là pháo đài của cách mạng dục tính. Tại Pháp, các cô gái Thụy Điển như M. dấu bặt tông tích, gặp người địa phương mới quen thì bảo tôi là người Hà Lan hay Scotland để khỏi bị làm phiền hay bị nghĩ là dễ dãi kiểu “mới mời cô ta ngồi thì cô ta đã nằm xuống” (thành ngữ Pháp).
Dĩ nhiên, tự do dục tính không phải là gặp ai cũng dang hai đùi nếu không thấy lôi cuốn, thích thú, quyến rũ, thương yêu. Nhưng đa phần dư luận tại Pháp đều nghĩ là như vậy, nhất là đàn ông mắt hấp háy.
Tôi, thì là người Việt Nam. Để các bạn trẻ rõ, vào thời của tôi, các cha các chú thì nghĩ là con gái mặc áo dài mà quần màu thì là lăng loàn. Áo dài chỉ có thể mặc với quần đen hay quần trắng. Nhiều người không cho con gái mặc âu phục váy, chỉ được mặc âu phục quần. Khi tôi đi Pháp, các cha các chú cho biết, “đầm” (từ chữ “dame”, phụ nữ Pháp), chỉ cần một cái phiếu ăn của quán cơm sinh viên là các cô có thể ân cần trao thân.
Căn phòng khá lớn, có khoảng 15 chị ngồi ăn mứt uống trà. Các chị này tuy Việt nhưng vì ở Pháp nên cũng có người mặc váy chứ, có người còn mặc váy ngắn trên đầu gối mới kinh. Đây là một ngày thứ Bảy hay tối thứ Sáu, dịp lễ tết hay gì đó và cư xá nữ sinh viên người Việt ở Paris này mở “bal”, tức là dạ vũ nhảy đầm.
Tôi rón rén lại gần một chị để bắt chuyện. Thì, anh sang đây lâu chưa, ở Paris hay ở tỉnh lên chơi. Anh học gì? Năm thứ mấy? Điểm cao không? Khi nào ra trường? Nhà anh ở Việt Nam làm gì? Bố mẹ là ai? Lương tháng bao nhiêu? Nếu mời chị đứng dậy và cầm tay ra piste ôm eo chắc phải đánh điện về nhà xin bố mẹ mình mang hoa quả sang chào bố mẹ của nàng. Đến bài điệu slow thì phải thề thốt chỉ trăng chỉ đá, mà slow mông cổ (con trai đặt tay trên mông, con gái thì ôm cổ) thì phải đợi sau lễ đính hôn (và bằng ra trường). Tôi thì chỉ có mấy cái phiếu ăn cơm sinh viên trong túi, cho nên tôi chuồn.
Hai chuyện này là hai chuyện khoảng cách, vết cắt, giữa hai văn hóa. May cho tôi là vì vì tôi nhát, phụ nữ mà trừng mắt là tôi lập cập, chứ trong đêm thanh vắng tại nhà M., nghe cô Thụy Điển này mời xem “hai vú” tôi đã chồm lên cô như một con thú dữ ngồm ngoàm hai quả tuyết lê căng tràn nhựa sống và lãnh một cái tát tai (đoạn văn này lủng củng, thú dữ thì đâu có ăn trái cây mà táo với lại lê). Mà nếu có thế, thì tại cách biệt về văn hóa, nửa đêm, đi chơi với nhau, cô mời tôi về nhà, và mời tôi xem ngực, cô lại mặc váy ngắn, không che mặt và không mang cả khăn che tóc.
Tôi kể chuyện này không phải để biện minh cho hành động sách nhiễu phụ nữ của thanh niên Bắc Phi, Ả Rập ngày giao thừa tại các thành phố Đức. Đây là chuyện tôi tin là có thật và cần phải lên án trực diện chứ không thể ém nhẹm hay làm lơ.
Giao thừa tại Pháp, tập tục là đúng nửa đêm, trong nhà, hàng quán hay trên phố người thân hay kẻ lạ hôn hai bên má nhau chúc mừng. Trên Champs Elysées thì năm nào cũng thế, và một bận, vào đúng lúc này tôi đang thả bộ (trong túi chỉ có phiếu ăn sinh viên thôi) thì từ phía sau bỗng có hai cô nhào tới ôm chầm lấy hai bên tay. Nhưng hai cô này không hôn tôi mà nói léo nhéo gì tôi không hiểu, cùng tôi đi năm bảy bước rồi gập người chào trước khi bỏ đi mất (để lại tôi từng bước, từng bước thầm với những mấy cái phiếu ăn sinh viên còn dư như đã nói ở trong túi). Hai cô người Nhật và ôm lấy tôi vì tưởng tôi là đồng bào, để bảo vệ các cô khi các cô đang bị mấy anh Ả Rập đuổi theo để đòi hôn.
Tại Beirut chẳng hạn, nếu bạn là phụ nữ, nếu nửa đêm ngoài phố bạn đi bộ về một mình, gặp 5 hay 7 thanh niên thì sẽ không có chuyện gì xảy ra hết. Bất quá, họ liếc xéo mông bạn và nhày nhó với nhau đằng sau lưng. Vụ hiếp dâm chót mà tôi biết tại thành phố hơn triệu dân này xảy ra cách đây bốn năm, hai cô gái bị hiếp dâm ngoài bãi biển ban đêm, và gây kinh thiên động địa trong truyền thông, dư luận trong cả một năm và đến giờ còn nhắc. An ninh ở đây hơn tại tất cả các thành phố Châu Âu hay Bắc Mỹ mà tôi được biết.
Tại sao phụ nữ lại an toàn tuyệt đối như thế tại ngay một thành phố Ả Rập? Tại nước họ, phụ nữ chưa có chồng thì có cha, có anh và chạm đến phải theo phép. Các thanh niên tuân thủ phép tắc này trong văn hóa của họ, thưa gửi dạ vâng, tại nước họ, với phụ nữ đồng hương, đồng chủng. Khi những thanh niên này sang Âu, họ nghĩ là phụ nữ vừa dễ dãi lại là ngoại tộc, muốn sàm sỡ thế nào cũng được. Như là tôi, đến dạ vũ tuyển phu tại học xá nữ người Việt ở Paris thì tôi chải tóc mượt, mang theo giấy chứng nhận học trường tử tế có ép plastic và sẵn sàng khai gia thế. Còn ra phố gặp đầm thì tôi chỉ cần vung vẩy mấy cái phiếu bữa cơm sinh viên.
Nhắc lại, đây không phải để chạy tội cho các can phạm mà đây là lời kết tội. Khi đã được nước người chấp nhận, đón tiếp thì bổn phận đầu tiên là phải tìm hiểu về tập tục văn hóa của họ và tôn trọng. Một thí dụ cách biệt văn hóa (trong lãnh vực khác) là sau 75, người Việt ở Mỹ hay nói “Mỹ nó không có thương con, 18 tuổi là nó đuổi ra khỏi nhà”.
Một thí dụ khác, một lãnh đạo sinh viên miền Nam trong thập niên 70 sang Nhật được Ngoại trưởng Nhật tiếp. Anh cởi giày trước khi vào phòng thì Ngoại trưởng Nhật tự tay cầm đôi giày của anh mang đi cất, nếu ở Việt Nam thì gọi là “mày xách dép cho tao”.
Thí dụ thứ ba, một bạn Việt sang Thái Lan rất thích thú bởi đi đâu bạn cũng được vái, mày coi này, mày coi này, nó sắp vái tao, đó thấy chưa! Giờ cô mặc đồ tắm tí tẹo ở hồ bơi, lòi cả lông ra mép, hay cô cởi truồng nằm phơi ngoài công viên, tôi đến sờ vào cô lại la toáng nghĩa là sao?
Những thí dụ trên, người Việt ở nước ngoài ai cũng có rất nhiều. Chúng ta chỉ nhớ đến những trải nghiệm bản thân, những ngậm ngùi nước mắt hay nửa khóc nửa cười đó của chính chúng ta. Khi những cộng đồng khác, những văn hóa khác vướng mắc thì chúng ta kịch liệt lên án để tự xác định chăng? Mình nào có thế, và văn hóa mình y như là…Tây!
Khoảng cách văn hóa có khi là chuyện đùa, có khi là đau đớn, và có khi là phạm tội. Sách nhiễu tình dục là phạm tội và phạm tội thì phải bị trừng phạt không nể nang, né tránh và không thể biện minh kiểu “đàn bà nói có là không, nói không là có” như thành ngữ của… Viêt Nam. Như thế mới tránh được những phản ứng đổ đồng, quá khích và kỳ thị, phân biệt của dư luận địa phương với người di dân, nhập cư hay tị nạn.
Đỗ Khiêm
* Bạn đã bao giờ lâm vào cảnh trớ trêu khi ở nước ngoài do khác biệt ngôn ngữ và văn hóa? Hãy chia sẻ với NCTG.