(NCTG) “Tôi hơi sững lại khi đọc thấy tin một người vừa bị giết hôm qua vì tội ăn thịt bò, ở một đất nước xa xôi nào đó. Tôi bất giác nhìn lại tô phở vừa ăn. Không còn sót lại miếng nào, tất cả đã nằm yên trong bụng. Bỗng nhiên từ dạ dày trào lên cảm giác cồn cào...”.
Nhiều khi tô phở bò cũng là cả một vấn đề... - Minh họa: yeunoitro.net
Một buổi sáng cuối năm, trời se se lạnh, tôi ngồi trước một tô phở bò bốc khói nghi ngút, thơm lừng. Chợt cảm thấy hạnh phúc ở đời đôi khi chỉ cần những điều thật là giản dị.
Hạnh phúc của tôi hôm ấy là sự kết hợp tinh tế giữa những sợi phở trắng mềm, nước phở thơm ngọt, một ít húng quế, ngò gai, và tất nhiên không thể thiếu những lát thịt bò nấu khéo.
Đã ăn phở thì tôi chỉ ăn phở bò, và đã ăn bò thì chỉ ăn gầu và nạm. Những miếng thịt mà khi cắn vào lập tức tràn ra thứ chất ngọt đê mê, làm tê dại từ đầu lưỡi đến tận chân răng.
Tất cả kéo dài chừng mươi phút...
Trong lúc chờ tính tiền, tôi mở điện thoại xem nhanh tin tức. Tôi hơi sững lại khi đọc thấy tin một người vừa bị giết hôm qua vì tội ăn thịt bò, ở một đất nước xa xôi nào đó. Tôi bất giác nhìn lại tô phở vừa ăn. Không còn sót lại miếng nào, tất cả đã nằm yên trong bụng. Bỗng nhiên từ dạ dày trào lên cảm giác cồn cào. Đúng hơn một cảm giác căm phẫn, khinh bỉ. Bây giờ là năm nào rồi mà có thể giết nhau vì những lý do ngu xuẩn như thế?
Thật ra, tất cả chuyện này tôi đã biết qua. Đó là một thứ tôn giáo được dựng lên cách đây trên một ngàn năm, ở một nơi vô cùng xa xôi nào đó. Tín đồ đạo này tin rằng thế giới được tạo ra bởi một Đấng tạo hóa tối cao, và, không biết vì lý do gì, họ tin rằng mỗi con bò là một đại diện của đấng tối cao ấy. Bởi thế đối với họ, con bò là một loài vật vô cùng linh thiêng. Những con bò ở đất nước xa xôi ấy được thờ cúng như những vị thần. Xúc phạm đến con bò là xúc phạm đến tình cảm thiêng liêng nhất của họ. Ai cố tình xúc phạm thì tùy theo mức độ nặng nhẹ mà sẽ bị đánh roi và bắt phải đi phục dịch những con bò ở trong vùng.
Còn ai cả gan dám ăn thịt bò thì sẽ phải chịu một cái chết thảm khốc.
Người ta gọi tôn giáo này là Bò giáo (BG).
Những điều này tôi đã đọc được ở đâu đó từ rất lâu, nhưng tôi chỉ coi nó là một thứ cổ tích hoang đường và quên đi nhanh sau đó. Dù sao thì cũng là chuyện từ cả ngàn năm trước, và ở một nơi quá xa xôi để có thể ảnh hưởng đến tôi.
Cho đến hôm tôi ăn xong tô phở bò và đọc thấy cái tin nực cười nọ. Chuyện cổ tích hoang đường kia xem ra đã vượt qua được bức tường thời gian dày cả ngàn năm để đến thế giới hiện tại.
Tuy nhiên, vẫn còn bức tường không gian. Vụ giết người này xảy ra ở một xứ sở u mê chết tiệt nào đó. Còn tôi thì đang đường hoàng ăn phở bò ở một nước văn minh, dân chủ, pháp trị và thế tục. Tôi ăn thịt bò theo đúng hiến pháp và pháp luật, ai có thể ngăn cản được tôi ? Ngày mai tôi sẽ tiếp tục, tôi sẽ ăn bò kho, và hôm sau sẽ là bò né, cứ như thế...
Và tôi không phải là người duy nhất, tất cả những người xung quanh tôi đều nghĩ như thế. Có thể ăn thịt bò là một sự báng bổ ghê gớm nhất, tồi tệ nhất đối với người BG. So what?
Trong thế giới hiện đại, mọi người đều có quyền có niềm tin tôn giáo. Họ có thể tôn thờ bất kỳ cái gì họ muốn, từ những thứ cụ thể như con bò, ngọn núi, bộ phận sinh dục hay một người đã chết, cho đến những thứ do họ tự tưởng tượng ra như thần linh hay thượng đế. Đó là quyền tự do tín ngưỡng của họ.
Pháp luật bảo vệ bản thân họ, dưới dạng con người, đảm bảo cho họ thực thi quyền tự do tôn giáo. Nhưng pháp luật không bảo vệ những thứ mà họ tôn thờ. Cho dù những thứ đó đối với họ là linh thiêng, bất khả xâm phạm như thế nào đi nữa thì đó cũng chỉ là niềm tin riêng của họ. Sự linh thiêng đó không được pháp luật công nhận, và nó tuyệt đối không được dùng làm lý do để thu hẹp quyền tự do của người khác.
*
Tin tức về một người ăn thịt bò bị giết bởi một nhóm BG cực đoan rốt cuộc cũng không để lại dấu ấn gì nhiều. Một vài tờ báo chỉ nói qua loa trong mục “Chuyện lạ bốn phương”. Phần đông mọi người không quan tâm đến chuyện đó. Phần còn lại thì coi là một chuyện tiếu lâm. Suy cho cùng, ở những đất nước tối tăm ấy, nếu không bị giết vì ăn thịt bò thì người ta cũng có thể dễ dàng bị giết vì vô số lý do khác.
Một số ít người nhìn thấy trong đó một nguy cơ không thể xem thường. Nhưng không ai tin họ cả, và sự việc dần chìm vào quên lãng.
Nhiều năm sau đó, trong nước bắt đầu xuất hiện một cộng đồng BG với quy mô rất nhỏ. Trong một nền Cộng hòa thật sự, nơi mà quyền tự do tín ngưỡng là không thể xâm phạm, thì việc xuất hiện một cộng đồng tôn giáo mới không gây ra bất cứ một sự thay đổi nào trong đời sống xã hội.
Những người BG này phần lớn là người nhập cư từ nơi khác. Họ nói chung là những người khiêm tốn, cần cù, trung thực. Tôn giáo của họ đặt cho họ nhiều điều luật để trở thành những tín đồ tốt, với phần thưởng là sau khi chết được lên thiên đàng sống sung sướng hạnh phúc bên những người đồng đạo.
Cộng đồng BG này cũng rất kín kẽ về mặt tôn giáo. Họ ít khi thể hiện niềm tin của họ với người ngoài, điều đó khiến cho phần lớn người khác không hiểu gì về tôn giáo của họ. Nói đúng hơn là rất nhiều người thậm chí còn không biết đến sự hiện diện một cộng đồng BG, vì quy mô những cộng đồng này quá nhỏ và rải rác.
Nói chung là với sự xuất hiện những cộng đồng BG đầu tiên này, nề nếp xã hội vẫn không có gì thay đổi. Mỗi sáng cuối tuần tôi vẫn ra quán quen đầu ngõ làm một tô phở bò thơm lừng nghi ngút khói.
Nhưng khoảng hai chục năm sau. Mọi chuyện bắt đầu có sự thay đổi.
Nói đúng hơn là mọi việc từ từ biến đổi trong suốt hai mươi năm. Chậm chạp tới mức người ta đôi lúc không nhận ra được rằng mọi việc đang thay đổi.
Bản năng sinh tồn từ hàng trăm ngàn năm khiến con người luôn biết tự thay đổi để thích ứng với hoàn cảnh mới. Nếu sự thích ứng này diễn ra rất chậm chạp và vô ý thức, nó sẽ khiến người ta sẽ không nhận ra là hoàn cảnh đang thay đổi. Họ chỉ nhận ra khi so sánh hoàn cảnh hiện tại với hoàn cảnh trong một quá khứ đủ xa.
Ở thời điểm này, cộng đồng BG, tuy vẫn là thiểu số, nhưng đã lớn hơn nhiều so với hai thập niên trước đó. Hầu như tất cả mọi người đều quen biết một vài người BG. Trong tất cả các lớp học, các doanh nghiệp, các cơ quan đoàn thể đều có sự hiện diện của người BG. Nhiều người BG thành công trong cuộc sống, nhiều người trở thành giáo sư có tiếng, doanh nhân thành đạt, tham gia các đảng phái chính trị, v.v...
Tất nhiên, việc BG xuất hiện khắp mọi nơi bản thân nó không phải là một vấn đề. Những người thuộc tôn giáo khác, hoặc không tôn giáo nào cả, cũng có mặt ở khắp mọi nơi, thậm chí là với số lượng nhiều hơn hẳn. Khi mọi người sống chung với trong một nền Cộng hòa, thì việc một người thuộc tôn giáo này hay tôn giáo khác hay không tôn giáo nào cả không có gì quan trọng.
Cái thay đổi lớn nhất là nhận thức xã hội đối với BG. Từ chỗ hầu như không hiểu gì về BG, bây giờ người ta đã bắt đầu hiểu rằng con bò là loài vật linh thiêng đối với người BG. Và họ đã biết là không nên nói về con bò, thay tệ hơn là thịt bò, trước mặt một người BG.
Nhưng ngoài việc đó ra thì cuộc “sống chung” nhìn chung là vẫn tốt đẹp. Miễn là bạn đối xử đúng mực với người BG thì sẽ không có chuyện gì xảy ra. Bạn sẽ không dọn món thịt bò khi mời một người BG đến nhà ăn tối, và bạn sẽ không nói về niềm đam mê của bạn với món phở bò trước mặt họ.
Về phần người BG, họ cũng đối xử với người khác trong tinh thần tôn trọng. Chẳng hạn nếu được mời đi ăn cưới và trong số các món ăn có món thịt bò, họ sẽ không phàn nàn gì cả, chỉ đơn giản là không đụng đũa vào món thịt bò. Và họ ăn tất cả các món khác như không có chuyện gì xảy ra.
Nhìn chung, người BG hòa nhập rất tốt vào xã hội. Họ đã cho thấy BG là một tôn giáo ôn hòa, hướng thiện, vị tha, và hoàn toàn tương thích với khái niệm Cộng hòa.
Đến thời điểm này, cuộc sống xã hội tuy có nhiều thay đổi, nhưng mỗi sáng cuối tuần tôi vẫn có thể ra quán quen đầu ngõ làm một tô phở bò thơm lừng nghi ngút khói...
*
Lại thêm hai chục năm.
Thế giới lúc này có phần hỗn loạn. Kinh tế sa sút, chiến tranh triền miên. Một số nhà độc tài bị lật đổ, các phe phái nổi lên nội chiến, đất nước tan hoang, khói lửa ngất trời.
Trong các phe phái đang hăng tiết đánh nhau, nổi lên các phe theo chủ nghĩa BG cực đoan. Gọi là “các phe” vì BG không phải là một thể thống nhất, mà gồm nhiều khuynh hướng khác nhau. Tuy tất cả đều dùng cùng một quyển “Bò Thánh Kinh” làm nền tảng, nhưng cuốn kinh này không có một cách diễn giải duy nhất. Mỗi cách diễn giải khác nhau lại trở thành cơ sở để hình thành một khuynh hướng BG mới.
Cách diễn giải của các phe BG cực đoan tuy khác nhau ở một số chi tiết, nhưng tất đều đồng ý với nhau ở một chi tiết quan trọng: bò là một loài vật linh thiêng, là hiện thân của Thượng Đế, bất kỳ kẻ nào ăn thịt bò hoặc cỗ vũ ăn thịt bò đều phải chết. Và lý do của sự đồng thuận này đơn giản là vì điều đó được ghi rất rõ ràng trong cuốn “Bò Thánh Kinh”.
BG lúc này đã là một tôn giáo toàn cầu. Họ có mặt đông đảo ở hầu hết mọi nơi, kể cả ở các nước dân chủ thế tục vốn hoàn toàn không có truyền thống BG. Phần lớn BG trên thế giới theo khuynh hướng ôn hòa, họ chấp nhận sống chung với các tôn giáo khác, và chấp nhận nhìn thấy loài vật linh thiêng của họ bị ăn thịt, miễn là bản thân họ không ăn.
Nhưng những tổ chức BG cực đoan thì không nghĩ như thế, họ gọi những người BG ôn hòa là phản đồ, vì không thực hiện đúng những gì được ghi trong Kinh, cụ thể là trừng phạt những kẻ ăn thịt bò. Các tổ chức BG cực đoan này ra sức tuyên truyền kích động để cực đoan hóa người BG ôn hòa trên khắp thế giới, đặc biệt là tại những nước vô thần, nơi mà họ coi là kẻ thù của BG.
Trong lúc đó, tại nơi tôi đang ở, BG đã mang một diện mạo mới. Đó không còn là một tôn giáo kín kẽ khiêm nhường trước đây. Cộng đồng BG lúc này tiếp tục lớn mạnh hơn rất nhiều. Thay vì chấp nhận sống chung với những người không cùng niềm tin tôn giáo, họ bắt đầu tuyên truyền rằng hành động ăn thịt bò là hành động báng bổ thánh thần, là sự xúc phạm sâu sắc đến tình cảm tôn giáo của họ.
Sự thay đổi thái độ này được thực hiện một cách rất chậm rãi trong suốt mấy chục năm. Rất nhiều người đã thích nghi một cách vô thức với sự thay đổi này. Nhờ đó BG nhận được một sự ủng hộ nhất định từ chính những người không phải BG. Lý do của những người ủng hộ này đưa ra đại khái là cần phải tôn trọng tình cảm tôn giáo thiêng liêng của người khác.
Cuối cùng thì nỗ lực của người BG cũng đạt được một số thành quả. Họ đã gây áp lực để đóng cửa hàng loạt trại chăn nuôi bò và lò giết mổ. Món thịt bò bị loại ra khỏi thực đơn ở các trường học. Các nhà hàng, quán ăn cũng bắt đầu bỏ những món làm từ thịt bò.
Việc ăn thịt bò tất nhiên vẫn được luật pháp cho phép, nhưng dưới áp lực tôn giáo, nó đã trở thành một việc cấm kỵ. Hành động đi ăn phở bò đầu ngõ của tôi bây giờ đã gần như trở thành một việc bất hợp pháp. Thật ra, có muốn cũng không còn được nữa, hàng phở ấy giờ chỉ còn bán phở gà.
Cuối cùng, chỉ còn một nhà hàng kiên cường bám trụ, đó là “Charlie Hebdo”.
Charlie là một nhà hàng nhỏ, nhưng khá nổi tiếng vì cách chế biến rất táo bạo. Đã có nhiều người đến thử nhưng không ăn được vì không hợp khẩu vị. Nhưng Charlie vẫn có một lượng khách quen nhất định, những người này đương nhiên là rất mê các món ăn ở đây.
Thực đơn của Charlie có tất cả các loại món ăn, trong đó có cả thịt bò. Trong lúc các nhà hàng khác đã loại bỏ món bò thì Charlie vẫn nhất quyết giữ nguyên. Để làm được việc đó giờ đây họ phải tự nuôi bò và tự giết mổ. Nhưng họ vẫn quyết tâm làm, thậm chí không tăng giá tiền, chỉ để thực khách được tự do ăn tất cả những gì họ muốn, kể cả thịt bò.
Từ đó “Charlie Hebdo” thường xuyên trở thành mục tiêu phá hoại của một số kẻ BG. Mắm tôm, sơn đỏ, cứt đái, không thiếu thứ gì. Chủ nhà hàng, Charb, bị một số tổ chức BG cực đoan liệt vào danh sách kẻ thù BG cần phải tiêu diệt.
Nhưng họ vẫn tiếp tục phục vụ tất cả các món ăn, kể cả thịt bò.
Một ngày đầu tháng Giêng, trong lúc chuẩn bị mở hàng, Charb cùng một số đầu bếp và nhân viên bị một số kẻ BG cực đoan đột nhập giết hại dã man.
Đó là một cú sốc vô cùng nặng nề, tưởng chừng Charlie sẽ phải đóng cửa. Như thế sẽ không còn bất cứ nhà hàng nào phục vụ thịt bò nữa.
Nhưng không, ngay sau đó, Charlie lại tiếp tục mở cửa, phục vụ tất cả mọi thứ, kể cả thịt bò.
Một năm sau vụ thảm sát, người ta vẫn còn tranh cãi về “Charlie Hebdo”. Rất nhiều người chê bai Charlie quá dại dột, tự tìm lấy cái chết. Người khác thì bảo tự do nào cũng phải có giới hạn, ăn thịt bò là xúc phạm đến người BG thì không được ăn nữa, không phải cứ cái gì hợp pháp là được ăn. Người khác nữa thì bảo chính những người như “Charlie Hebdo” đã làm cho BG trở nên ngày càng cực đoan. Vân vân.
Với tôi thì Charlie là những người dũng cảm, họ vừa phải một mình chiến đấu bảo vệ cho tự do của tất cả mọi người trước cái thế lực tôn giáo, vừa phải chống đỡ những áp lực từ những người sẵn sàng từ bỏ tự do với hi vọng ngây thơ rằng điều đó sẽ ngăn chặn được chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...