Flemming Rose: VƯỢT QUA NỖI SỢ HÃI ĐỂ LỰA CHỌN TỰ DO

Thứ năm - 07/01/2016 18:35

(NCTG) “Chủ nghĩa Hồi giáo với thế giới Phương Tây sẽ là một thách thức, tuy nhiên không nên quá sợ hãi” - nhà báo Flemming Rose, người đang bị truy đuổi và phải sống từ hàng chục năm nay dưới sự che chở của cảnh sát vì đã cho đăng những tranh biếm họa về Đấng tiên tri Muhammad.

Nhà báo Flemming Rose

Nhà báo Flemming Rose

Lời Tòa soạn: Hôm nay, tròn một năm ngày các phần tử khủng bố nhân danh Hồi giáo đã xả súng sát hại các nhà báo của tờ báo “Charile Hebdo” (Paris) - lý do được đưa ra là các cây bút hí họa của báo đã “phỉ báng” vị Giáo chủ Hồi giáo, Đấng tiên tri Muhammad với những biếm họa về ông.

Trước đó mười năm, cuối tháng 1-2005, tờ báo “Jyllands-Posten” (Đan Mạch) cũng đã gây chấn động khi đăng một bài viết với nhan đề “Muhammeds ansigt” (Gương mặt Muhammad), kèm 12 biếm họa về Muhammad. Sự kiện này khiến thế giới Hồi giáo rất công phẫn, cho rằng họ bị nhục mạ.

Nhiều cuộc biểu tình và bạo động đã xảy ra, nhiều người bị thiệt mạng và đại sứ quán Đan Mạch tại một số nước cũng bị phóng hỏa và phá phách. Ngược lại, để tỏ lòng đoàn kết đồng nghiệp và bảo vệ quyền tự do báo chí, báo chí hơn 40 nước trên thế giới đã cho đăng lại những biếm họa này.

(Trong số những tờ báo bày tỏ sự đồng thuận với những nỗ lực tự do báo chí, tự do biểu đạt, phải kể đến “Charlie Hebdo” của Pháp. Không chỉ tái đăng, “Charlie Hebdo” còn bổ sung thêm những họa phẩm riêng và đã nhận được sự hưởng ứng của độc giả, khiến lượng báo phát hành tăng gấp ba.)

Ở thời điểm đó, Flemming Rose là người chịu trách nhiệm cho đăng tải bài viết và những bức họa đó (nổi tiếng nhất là tấm ảnh khắc họa vị tiên tri Muhammad mang trái bom giấu trong khăn trùm đầu). Ông đã bị tổ chức khủng bố Al-Qaeda đưa vào danh sách 10 người bị truy giết gắt gao nhất.

Trong những phát biểu sau đó, Flemming cho hay ông chấp nhận bị tước đoạt tự do cá nhân vì mục tiêu tranh đấu cho quyền tự do ngôn luận. Điều đó cũng được ông nhắc lại trong trao đổi với Đài Truyền hình Czech về nhiều đề tài như bổn phận của một nhà báo, về kiểm duyệt và tự kiểm duyệt...

Cuộc phỏng vấn do phóng viên Katerina Prochazkova thực hiện. Bản dịch Việt ngữ của Nguyễn Cường, từ nguyên bản tiếng Czech. Trân trọng giới thiệu! (NCTG).
 
Ấn bản Anh ngữ của số báo “Jyllands-Posten” ra ngày 30-10-2005, với những biếm họa bị coi là xúc phạm Hồi giáo
Ấn bản Anh ngữ của số báo “Jyllands-Posten” ra ngày 30-10-2005, với những biếm họa bị coi là xúc phạm Hồi giáo

- Sau khi báo đăng tranh của ông vẽ nhà tiên tri Mohamed năm 2005, cuộc sống của ông thay đổi ra sao? Giờ ông thuộc danh sách 10 người bị Al-Qaeda truy nã gắt gao nhất?

Chắc chắn, sau cuộc tấn công vào tòa soạn báo “Charile Hebdo”, cuộc sống của tôi tồi tệ đi rất nhiều. Đã có một thời gian tôi nghĩ rằng sự việc có được giải pháp khi bên ngoài không nhìn thấy tôi và tôi không xuất hiện ở xã hội. Mọi việc sẽ được quên đi và lùi vào quá khứ.

Nhưng giờ thì, mười năm sau khi bức biếm họa được đăng tải, tôi hiểu rằng tôi đã không còn có thể sống một cuộc sống không bị canh giữ với một chế độ đặc biệt. Cũng chẳng có gì bi kịch cho lắm, tôi đã quá quen rồi. Tóm lại, tôi vẫn sống một cách bình thường.

- Sống với những người làm nhiệm vụ bảo vệ, theo dõi mình mà ông nói rằng ông sống một cách bình thường?

Các chính khách họ cũng sống vậy. Nói chung, cũng chẳng thể làm được gì khác.

- Tại sao khi đó ông quyết định cho đăng những bức biếm họa ấy? Nếu bây giờ, ông có nghĩ sẽ vẫn làm như vậy?

Năm 2005, khi chúng tôi quyết định việc đăng những bức biếm họa, chúng tôi phải giải quyết hai câu hỏi. Phải chăng giới văn nghệ sĩ, những người cầm bút và thậm chí cả nhà báo lại phải tự kiểm duyệt mình khi viết hay nói đến đạo Hồi? Và nếu có tồn tại sự kiểm duyệt đó thì đó có phải là kết quả của sự sợ hãi đang lan truyền ở đây?

Mười năm sau, giờ tôi phải nói rằng câu trả lời cho hai câu hỏi trên là - Đúng vậy. Và chính vì thế nhiều người, để đăng tải các tác phẩm này, thậm chí đã phải đổi bằng mạng sống.

- Và ông vẫn hành động như thế, đặc biệt sau cuộc tấn công vào tòa báo “Charlie Hebdo”?

Một câu hỏi có tính giả thuyết, tôi không biết cách trả lời. Nhưng tôi không thấy hối hận vì điều đó. Đó là những giá trị mà tôi chia sẻ, gắn với công việc của một nhà báo. Và những người làm báo chúng tôi có một phương châm - “Không nói về nó mà hãy chỉ nó ra”!

Khi bạn định nói về một vấn đề, bạn cần tìm hiểu, liệu nó có tồn tại. Có lẽ không đơn giản khi phải đối diện với vấn đề này. Nhưng khi tôi nói tôi không làm, thì tức là tôi đã gửi một tín hiệu rõ ràng tới những kẻ đang đe dọa mình rằng: “Nếu bị đe dọa, chúng tôi sẽ đầu hàng”.

Và cứ thế sẽ tiếp tục. Nhưng chúng ta không thể đấu tranh chống sự đe dọa bằng cách như vậy.

- Theo tôi, ông là người dũng cảm!

Nhưng nếu bây giờ tôi nói rằng, tôi vẫn sẽ làm như trước đây thì sẽ có rất nhiều người nói tôi bị khùng.

- Trong một lần nói chuyện, ông có nói rằng ông không biết phải đối xử với chủ nghĩa Hồi giáo như thế nào. Vậy thì chúng ta cần tránh né chủ nghĩa Hồi giáo hay nên đưa thông tin về nó?

Tôi nghĩ rằng chúng ta cần đưa nhiều thông tin về nó, cũng giống như những đề tài khác. Tất nhiên ở đây có tồn tại những lo sợ, từ đó che giấu những hoạt động của IS (Tổ chức “Nhà nước Hồi Giáo” - ND) và các tổ chức khủng bố khác ngay tại nơi đang diễn ra những hoạt động của chúng.

Đúng ra, chúng ta không nên ngăn cản việc viết và đưa tin . Bở đó là những chủ đề rất quan trọng mà chúng ta không được phép ngăn cản việc viết và đưa tin về nó.

- Tín ngưỡng thế kỷ 21 với ông có ý nghĩa thế nào?

Với cá nhân tôi, tất nhiên nó sẽ nhạy cảm với một số những tín hữu khác. Nhờ có tôn giáo, chúng ta có thể gắn kết cảm xúc cùng niềm tin và lý tưởng. Và chúng ta có thể tin vào nhiều sức mạnh huyền bí khác nhau, vượt ra ngoài khả năng của chúng ta. Và qua đó, nó có thể mang đến cho cuộc sống những ý nghĩa khác nhau.

Bản thân tôi cho rằng, các nhóm tôn giáo không nên nắm giữ quyền lực. Thật trớ trêu là chính ở những nền dân chủ theo hình thái Phương Tây thì quyền lực nhà nước lại được tách khỏi nhà thờ. Người dân đề cao tự do tôn giáo, tự do ngôn luậnhơn là ở những nước mà tôn giáo nắm quyền.  

- Hãy nói thêm về tôn giáo. Nhiều người nói về quá trình Hồi giáo hóa Phương Tây đang tiếp tục diễn ra, ông có chia sẻ suy nghĩ đó không? Và chúng ta có nên sợ hãi nó hay chấp nhận sự tồn tại của nó như một thực tế?

Chắc chắn là chúng ta không thể chấp nhận sự sợ hãi như vậy. Mặt khác, tôi nghĩ chẳng có nguyên nhân nào để lo lắng hay sợ hãi cả. Quá trình Hồi giáo hóa Phương Tây không thể xảy ra ngay bây giờ.

Tuy nhiên, chủ nghĩa Hồi giáo đang là một thách thức. Khác với Thiên Chúa giáo, Hồi giáo không chỉ là một tôn giáo, nó còn là một xu hướng chính trị.

Nhà tiên tri Mohamed lúc đầu chỉ là một nhà truyền giáo, bằng cố gắng của mình ông muốn tạo cảm hứng cho mọi người đến với cuộc sống. Và ông dạy, điều gì xấu, điều gì tốt. Nhưng trong phần sau của cuộc đời, ông đã trở thành một chiến binh. Và chính điều này bị những người Hồi giáo đồng nhất.

Trước hết chúng ta phải trưởng thành trong học thuật và tìm hiểu ít nhiều về Hồi giáo, sau đó chúng ta mới có thể thảo luận về nó. Chúng ta thiếu quá nhiều kiến thức, khi chúng ta muốn bước vào những tranh luận nghiêm túc.

- Có lần tại Praha, ông đã nói về tự kiểm duyệt. Theo ông, nếu so tự kiểm duyệt với kiểm duyệt của giới cầm quyền hay của các lãnh đạo tôn giáo thì điều nào xấu hơn?

Chắc chắn tôi thấy kiểm duyệt của chính quyền hay của những lãnh đạo tôn giáo ít làm mình sợ hơn. Các chính phủ Phương Tây không tiến hành kiểm duyệt. Có nghĩa là nó không phải nỗi lo lớn nhất. Sự tự kiểm duyệt hiện nay nguy hiểm hơn nhiều.

Kiểm duyệt là điều thấy được, khác với tự kiểm duyệt, là điều mà chẳng ai thấy. Trước tiên, người ta đành phải chấp nhận rằng chính họ đang duy trì một sự tự kiểm duyệt nhất định.

Tất nhiên nhiều người không thừa nhận điều này hoặc nguy biện rằng họ không chấp nhận tự kiểm duyệt mà chỉ là không muốn động chạm hay xúc phạm tới tín ngưỡng. Một vấn đề nữa với sự tự kiểm duyệt đó là không thể ngăn cấm được. Chúng ta không có bộ luật chống lại sự sợ hãi.

Sợ hãi hay hèn nhát không hiện hữu, không nhìn thấy cho tới chừng nào chính bản thân chúng ta không tự nhận. Và tình trạng này xảy ra cả ở Đan Mạch chúng tôi. Các đồng nghiệp của tôi nhiều khi họ không muốn xác nhận rằng họ đang sợ hãi.

Mọi người cần phải lên tiếng, rằng liệu chúng ta chọn sống trong một xã hội với nỗi sợ bao trùm hay chọn sống trong một xã hội tự do. Cá nhân tôi chọn xã hội tự do. Và đó là lý do vì sao tôi phát biểu công khai.

- Nhiều người ở Czech hiện rất lo lắng về tình hình di dân và dòng người tỵ nạn từ Trung Đông, Châu Phi. Tâm lý bài ngoại và phân biệt chủng tộc đang gia tăng. Ông nghĩ gì về điều này? Chúng tôi có nên sợ hãi?

Tùy thuộc vào việc chúng ta nói về những người tỵ nạn từ đâu. Có nói về tỵ nạn Syria hay không. Hiện ở Đức có đến 40% người tỵ nạn là từ các nước vùng Balkans hay hay Tây Balkans - Kosovo, Albania hoặc Serbia. Và đó là những người không thuộc nhóm tỵ nạn chính trị.

Tỵ nạn Syria, những người đến Châu Âu đa số khỏe mạnh, thể lực tốt và còn trẻ. Trong đó có cả phụ nữ và trẻ em. Nhưng theo thống kê thì chủ yếu là nam giới. Điều đó tất nhiên có thể tạo ra lo lắng. Với những người trẻ đang trong tuổi có thể nhập ngũ, thì nó làm người ta lo sợ là bình thường.

Nhưng cá nhân tôi nghĩ rằng, đây là số người thuộc đẳng cấp cao trong xã hội Syria. Họ trẻ và giầu có. Để tới được Đức, cần phải vượt qua nhiều sự kiểm soát, có tiền trả cho những nhóm dẫn đường, tất cả cần phải có nhiều tiền của. Và nếu để ý thì thấy qua cách ăn mặc, cư xử và giao tiếp bằng tiếng Anh lưu loát.

Tóm lại họ thuộc những nhóm tinh hoa (elite) trong xã hội. Hơn nữa, khi tình hình nguy kịch như hiện nay, chúng ta cần phải hỗ trợ, giúp đỡ con người. Và chúng ta, những người Châu Âu có thể làm được nhiều hơn nữa, để sau này khi nội chiến Syria kết thúc, họ có thể trở về sống một cuộc sống bình thường.

Những người ưu tú, người có kiến thức cần phải trở về tổ quốc của mình. Nếu không sẽ là một sự mất mát chất xám. Chúng ta không cần xây dựng các trại tỵ nạn, bởi vì chẳng có ai muốn sống lâu dài ở đó.

Chúng ta cần hỗ trợ để tạo công việc ở Jordan, ở Libanon, ở Thổ Nhĩ Kỳ - những nước gần với quê hương họ. Từng làm việc với người tỵ nạn hơn 9 năm, tôi linh cảm thấy họ cần muốn gì. Và ở Châu Âu, họ sẽ không thấy hạnh phúc. Cuộc sống ở đây không hề ngon ngọt như mật.

Họ sẽ khó có thể kiếm được một công việc phù hợp và đúng như mong muốn, khó có thể thực hiện những mơ ước của mình… và nếu họ đi cả gia đình thì đến khi đó, việc quay trở lại sẽ rất khó khăn.

- So với Đan Mạch, người dân và chính phủ Cộng hòa Czech có tâm lý bài ngoại và định kiến mạnh hơn nhiều. Tương tự như các nước V4 (Nhóm Visegrád của bốn nước cựu cộng sản trong vùng Trung Âu - ND). Làm gì với tình trạng đó?

Tôi không nghĩ rằng một xã hội hay một cá nhân ai đó ngay từ đầu đã có tâm lý bài ngoại hoặc định kiến sắc tộc.

Xã hội của các bạn từng chịu tình trạng đồng nhất hóa quá lâu - từ phương diện lịch sử cũng như văn hóa. Các bạn có thể có những giá trị đa văn hóa, nhưng khi thấy những dân tộc gần cạnh mình tôn thờ một tín ngưỡng khác, nó làm ảnh hưởng tới cái nhìn và sự cảm thông của các bạn.

Tóm lại đây sẽ một là quá trình tự học hỏi. Tương tự như ở Đan Mạch chúng tôi trước đây. Chúng tôi học làm một xã hội đa văn hóa, đa tín ngưỡng và đa sắc tộc hơn. Và điều này tôi tự cảm nhận từ kinh nghiệm sống của chính bản thân mình - bởi vợ tôi là người tỵ nạn từ Liên Xô trước đây.

- Tôi xin phép có một câu hỏi cuối cùng liên quan tới những giá trị của Châu Âu. Ông nói rằng tự do và bao dung luôn cần phải song hành. Tại sao?

Người Công giáo trước đây cũng từng giết hại những người Tin Lành. Sau đó, tuy không chấp nhận, không công nhận, nhưng dần dần không còn chuyện chém giết nữa. Đó chính là sự bao dung. Đó là khả năng cùng chung sống với điều mà tuy cá nhân mình không chấp nhận.

Cũng như ở Đan Mạch hiện nay, tuy không chấp nhận những bức biếm họa thì người ta cũng không được phép bắn giết người vẽ những bức tranh đó. Bạn không thể có dân chủ nếu thiếu bao dung và tự do. Không đối nghịch mà nên cùng chấp nhận nhau - như đồng tiền có hai mặt vậy.
 
Nguyễn Cường dịch, từ Praha (Cộng hòa Czech)
 
* Nếu trong địa vị của Flemming Rose, biết trước những hiểm họa có thể xảy ra, bạn có cho đăng loạt ảnh biếm họa? Hãy chia sẻ với NCTG.

 
 Từ khóa: Hồi giáo, Muhammad
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn