BẢN GIAO HƯỞNG NGẪU HỨNG CỦA DÂN TỘC HUNGARY

Thứ sáu - 29/11/2019 06:46

(NCTG) “Một tác phẩm lớn đặc trưng cho những gì tốt đẹp và cao cả nhất, hạnh phúc và bất hạnh, thăng và trầm của mảnh đất Hungary!”.

Nhà soạn nhạc, danh cầm Hungary Liszt Ferenc (1811-1886)

Nhà soạn nhạc, danh cầm Hungary Liszt Ferenc (1811-1886)

Ngày 19-3-1873, Liszt Ferenc (Franz Liszt) cho ra mắt bản giao hưởng mang tên “Szózat és Magyar Himnusz Fantázia” (tiếng Đức nguyên thủy là Szózat und Ungarischer Hymnus). Tác phẩm lớn này được đề tặng cho bá tước Andrássy Gyula.

Người tặng, Liszt Ferenc (1811-1886), là một trong những tên tuổi chói sáng nhất của trường phái âm nhạc Lãng mạn đầu thế kỷ 19, đại nhạc sư Hungary nổi tiếng nhất trên thế giới. Được coi là danh cầm vĩ đại và quyến rũ nhất của mọi thời đại, người mà những buổi diễn bốc lửa cách đây gần 200 năm đã nhận được sự hưởng ứng cuồng nhiệt của khán thính giả không kém gì bất cứ ngôi sao nhạc Pop, Rock nào thời nay.

Người được đề tặng, bá tước Andrássy Gyula (1823-1890), Thủ tướng Vương quốc Hungary (1867-1871), Ngoại trưởng Đế chế Áo - Hung (1871-1879), một trong những cha đẻ của Nền “song quốc quân chủ” Áo - Hung. Được xem như hiện thân đẹp đẽ nhất của giới chính khách Hungary, đỉnh cao nhất của giới quý tộc và trí tuệ Hung. Đồng thời, trong mắt giới phụ nữ, là người đàn ông quyến rũ nhất của nửa cuối thế kỷ 19.

Bản opus của Liszt Ferenc là sự tổng hợp kỳ diệu và thiên tài của hai kiệt tác âm nhạc - trái tim và khối óc, tâm tư và tình cảm, vinh và nhục, vinh quang và khổ đau của lịch sử Hungary: bản “Szózat” (Egressy Béni, 1843) và bản “Himnusz” (Erkel Ferenc, 1844). Cả hai bản đều là sự ngợi ca những thế kỷ dựng nước và giữ nước đầy thăng trầm của người Hungary, kể từ khi các bộ lạc của dân tộc này tới định cư ở vùng bồn địa Kárpát.
 
Liszt Ferenc tại nhà hát Pesti Vígadó (1839) - Ảnh tư liệu
Liszt Ferenc tại nhà hát Pesti Vígadó (1839) - Ảnh tư liệu

Cả hai bản nhạc đều là sự phổ nhạc kỳ tài cho hai thi phẩm quốc gia Hungary, mà tác giả của chúng cũng đều là những “người khổng lồ” trong nền văn học Lãng mạn Hungary: “Szózat” (1836) của Vörösmarty Mihály (1800-1855) và “Himnusz” (1923) của Kölcsey Ferenc (1790-1838). Cả hai, về sau đều được coi là những bản Quốc ca của Hungary, được vang lên trang trọng ở phần mở đầu và kết thúc của các buổi lễ chính thức.

Chỉ 30 năm sau khi các bản nhạc đó ra đời, Liszt Ferenc mới bắt tay vào việc “tổng hợp” chúng trong một tác phẩm thống nhất dành cho dàn nhạc. Với tinh thần tôn trọng các tác giả và những làn điệu đã trở nên quá quen thuộc với tâm thức người dân Hung, trong bản “Fantazia” giàu chất ngẫu hứng của mình, Liszt Ferenc giữ hết giai điệu của các bản nhạc gốc, và bổ sung thêm những sắc thái rất đặc trưng và độc đáo của ông.

Kết quả là hậu thế có được một tác phẩm tổng hòa hai bài ca “quốc hồn quốc túy” (vốn có giai điệu rất khác biệt), nhưng có thêm được chiều sâu và tầm vóc mới. Bản opus được chính tác giả lĩnh xướng trong buổi diễn ra mắt vào ngày 19-3-1873 tại nhà hát Pesti Vigadó xây theo trường phái Cổ điển của Hungary. Tất cả hồn cốt của dân tộc Hungary được chứa chất trong những nét nhạc vươn cao như những cánh thiên nga này...

Với thời gian, “Szózat és Magyar Himnusz Fantázia” trở thành một tác phẩm lớn đặc trưng cho những gì tốt đẹp và cao cả nhất, hạnh phúc và bất hạnh, thăng và trầm của mảnh đất Hungary!

Nguyễn Hoàng Linh


 
 Từ khóa: Liszt Ferenc, Szózat, Himnusz
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn