THÀNH CÔNG CỦA NƯỚC CHỦ NHÀ HUNGARY TRONG CUỘC THI THIÊN VĂN QUỐC TẾ 2019

Thứ tư - 14/08/2019 04:22

(NCTG) Đoàn Hungary giành được 4 HCĐ và các thành viên còn lại của đoàn cũng được giải khuyến khích trong kỳ thi Olympic Thiên văn học và Vật lý Thiên văn Quốc tế (IOAA) lần thứ 13 vừa qua, và đây là kết quả cao nhất của Hungary từ trước đến nay.

Đoàn Hungary tại cuộc thi

Đoàn Hungary tại cuộc thi

Như NCTG đã đưa tin, IQAA 2019 tổ chức tại TP. Keszthely trong thời gian 2-10/8 đã mang lại kết quả xuất sắc cho 8 thành viên đoàn Việt Nam với 1 HCV, 3 HCB, 3 HCĐ, 1 giải khuyến khích và lọt vào Top 5 giải đồng đội. Đặc biệt, Nguyễn Mạnh Quân đạt số điểm cao nhất của toàn cuộc thi và được BTC trao giải giành cho người chiến thắng tuyệt đối chung cuộc (Absolute Winner).

Các thí sinh dự thi trên tư cách cá nhân và đồng đội - trong số 17 HCV, đoàn Nga chinh phục được 5 HCV. “Cuộc thi thực sự là thử thách nghiêm túc về mặt trí tuệ đối với các thí sinh trẻ. Nhiều người đã chuẩn bị từ nhiều tháng trước theo kế hoạch được vạch sẵn từ ban đầu để có được thành quả cao nhất”, theo lời của TS. Kiss Áron Keve, Giám đốc Hội Thiên văn học Hungary.
 
TS. Kiss Áron Keve chính thức khai mạc kỳ thi IOAA 2019 tại lễ khai mạc trọng thể tổ chức ở Cung Thể thao TP. Keszthely, Hungary
TS. Kiss Áron Keve chính thức khai mạc kỳ thi IOAA 2019 tại lễ khai mạc trọng thể tổ chức ở Cung Thể thao TP. Keszthely, Hungary

Là một trong hai trưởng BTC của cuộc thi, ông Kiss Áron Keve chia sẻ: “Là một cảm xúc tuyệt vời khi chúng ta nghĩ đến chuyện những nhà thiên văn học lớn nhất của tương lai đã hiện diện cùng chúng ta trong 10 ngày liên tục, bên hồ Balaton”. Trong số những tài năng trẻ đó, Hungary đã đóng góp tổng cộng 10 thành viên tham gia “đội hình” chính thức và đội Khách mời.

Bốn thí sinh Hungary - Kozák András (lớp 11 Trường Trung học Thực nghiệm Apáczai Csere János trực thuộc Đại học Tổng hợp Budapest ELTE), Mendei Barna (lớp 11 Trường Trung học Thực nghiệm Radnóti Miklós, TP. Szeged), Soós Benjámin và Varga Vázsony (lớp 12 và lớp 10, Trường Tiểu học và Trung học Fazekas Mihály, Budapest) - đã giành được HCĐ trong kỳ thi.
 
TS. Frey Sándor phát biểu nhắn nhủ thí sinh trước bài thi lý thuyết kéo dài 5h
TS. Frey Sándor phát biểu nhắn nhủ thí sinh trước bài thi lý thuyết kéo dài 5h

Ngoài ra, 6 thí sinh còn lại trong đoàn cũng được giải khuyến khích (Honorable Mention), và trong cuộc thi đồng đội, trong các đội đoạt HCV và HCB, cũng có thí sinh Hung (Soós Benjámin và Rajmon Imola). Trong bảng xếp hạng “truyền thống”, Hungary đứng thứ 23, còn trong tổng kết các quốc gia có huy chương, quốc gia nằm ở trái tim vùng Trung Âu này xếp hạng thứ 15-18.

Đoàn Nga đạt thành tích cao nhất, xứng đáng vị trí “ông lớn” trong Thiên văn học với 5 HCV và 5 HCB, nhưng kể từ năm 2011 khi Hungary bắt đầu tham gia cuộc thi, kết quả năm nay của các thí sinh Hung là xuất sắc nhất khi tất cả các thành viên đều có giải. Đây là kết quả của quá trình chuẩn bị quy mô, kể từ kỳ chung kết Cuộc thi Thiên văn học Quốc gia vào tháng 3 năm nay.
 
Chờ đợi trong vòng thi quan sát sao trong nhà chiếu hình tại Phòng Thể thao của KTX Pethe Ferenc (Keszthely)
Chờ đợi trong vòng thi quan sát sao trong nhà chiếu hình tại Phòng Thể thao của KTX Pethe Ferenc (Keszthely)

Các thành viên của đoàn Hungary, sau khi được tuyển chọn trong cuộc thi đó, đã tập trung “đèn sách” trong những buổi học cuối tuần và luyện làm bài trực tuyến (online) trong vài tháng. Các thí sinh đã được sự hỗ trợ của 4 trưởng đoàn cùng hàng chục đồng nghiệp khác, trong đó có các cựu thí sinh IOAA. Cao điểm là kỳ trại huấn luyện kéo dài 1 tuần, kết thúc vào đầu tháng 7.

Về mặt chuyên môn, IOAA 2019 được trực tiếp thực hiện bởi 2 đơn vị: Đại học TP. Szeged và Trung tâm Nghiên cứu Thiên văn học và Địa học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Hungary (mà người nắm cương vị là Tổng giám đốc, Giáo sư Viện sĩ Kiss L. László, người điều hành về chuyên môn, cũng như đứng đầu Ủy ban Khoa học gồm 14 thành viên, có nhiệm vụ “ra đề” cho cuộc thi).
 
Một trong số nhiều hoạt động văn hóa và giải trí bên lề cuộc thi: đi thăm lâu đài nổi tiếng Festetics tại Keszthely, Hungary
Một trong số nhiều hoạt động văn hóa và giải trí bên lề cuộc thi: đi thăm lâu đài nổi tiếng Festetics tại Keszthely, Hungary

Một thành công tuyệt đối khác của Hungary là trong công tác tổ chức, theo các hồi âm sơ bộ. Được chuẩn bị ròng rã và cấp tốc trong 9 tháng trời, với sự tham gia của một “team” gồm 150 thành viên tại hiện trường, tất cả các hoạt động của cuộc thi - lễ khai mạc và bế mạc, đêm văn hóa, các chương trình tham quan và giải trí cho 46 đoàn, hậu cần...) đều được đánh giá rất cao.

Không chỉ các kỹ thuật viên tham gia về chuyên môn, cũng như các thành viên nhóm Truyền thông, mà đội ngũ tình nguyện viên được cắt cử hỗ trợ 254 thí sinh trong hơn 1 tuần của cuộc thi cũng đã làm việc hết mình, nhiều khi 24/24 tiếng mỗi ngày, để lại sự cảm phục và tình cảm tốt lành trong bạn bè quốc tế. “Yếu tố con người” đã là một sự quảng bá lớn lao cho đất nước Hung!
 
Thí sinh Hungary Varga Vázsony nhận HCĐ từ GS. VS. Kiss László, Chủ tịch Ủy ban Chuyên môn của cuộc thi - bên trái là các thí sinh Mendei Barna, Kozák András và Soós Benjámin cũng đoạt HCĐ
Thí sinh Hungary Varga Vázsony nhận HCĐ từ GS. VS. Kiss László, Chủ tịch Ủy ban Chuyên môn của cuộc thi - bên trái là các thí sinh Mendei Barna, Kozák András và Soós Benjámin cũng đoạt HCĐ

Kết quả kỳ thi vừa rồi, theo đánh giá của phía Hung, là nỗ lực của các thí sinh yêu môn Thiên văn học, cho dù tại Hungary đây không phải là một bộ môn riêng trong chương trình phổ thông: học sinh chỉ được làm quen với chút kiến thức thiên văn trong khuôn khổ môn Vật lý hoặc Địa lý, và nâng cao tầm hiểu biết trong các tổ nhóm và câu lạc bộ, với sự hỗ trợ của giới chuyên môn.

Cũng như biết bao nhiêu thế hệ đã say mê quan sát bầu trời, qua lời kể của cha mẹ ông bà và trí tưởng tượng từ thuở ấu thơ, hay qua những áng văn để “biết rằng ngoài những hành tinh lớn như Trái Đất, sao Mộc, sao Hỏa, sao Kim, vốn được người ta đặt tên hẳn hoi, còn có hàng trăm hành tinh khác nhỏ tới độ nhiều khi nhòm qua kính viễn vọng ta cũng khó mà nhìn thấy được”. (*)

Ghi chú:

(*) “Hoàng tử bé” (Le Petit Prince, 1943) của Antoine de Saint Exupéry, bản dịch Việt ngữ của Trác Phong (Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn, 2013).

 

Nguyễn Hoàng Linh


 
 Từ khóa: Thiên văn học
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn