(NCTG) “Toàn bộ bài thơ như một bức tranh phản ánh chân thực đến quặn lòng những đau thương ngang trái của xã hội sau chiến tranh, cái xã hội mà biết bao triệu con người đã hy sinh ngã xuống với niềm tin nó sẽ tươi đẹp. Mỗi câu thơ như một lời đánh thức lương tâm vào thời điểm mà toàn dân còn đang u mê chưa có điều kiện tiếp cận những thông tin tân tiến toàn cầu”.
Nhà thơ Nguyễn Duy trong buổi gặp gỡ và giao lưu với cộng đồng Việt Nam tại Hungary. Budapest, ngày 14-7-2019
Khi nhận được tin nhắn sẽ có đêm thơ của Nguyễn Duy tại Budapest hôm 14-7-2019, tôi cứ đắn đo mãi chẳng biết có nên đi không. Sinh ra sau chiến tranh, cả tuổi thơ gắn liền với thành phố, sống mấy chục năm ở nước ngoài, tôi nghĩ chắc mình sẽ không có những cảm giác thương nhớ ruộng đồng rừng biển bao la như người xuất thân chốn thôn quê, sẽ khó cảm nhận được “tâm tình người lính” như vô số các nhà thơ từng khoác áo lính, và nhất là băn khoăn không biết thế hệ “cổ điển” như nhà thơ Nguyễn Duy có thể nói thêm, chia sẻ gì thêm về những giá trị của con người trong thời đại hiện nay.
Thế mà số Trời run rủi vẫn đưa chân tôi tới buổi giao lưu tại “quán cơm văn phòng” của một anh người Việt rất chăm chỉ. Do tới sớm, tôi được ngồi ngay cạnh nhà thơ Nguyễn Duy. Với vóc dáng nhỏ bé, tóc bạc với đôi kính trắng rất dầy, cảm giác đầu tiên của tôi về ông là Tĩnh. Cái Tĩnh của người đã trải qua quá nhiều thăng trầm trong cuộc đời, đã thấy nhiều quá, nghe nhiều quá, đau nhiều quá, kêu nhiều quá nên giờ muốn yên lặng. Tĩnh của người như đã thoát khỏi những phù du của đời thường, chẳng còn gì để hơn thua mất mát nên bình tĩnh quan sát.
Đúng với tinh thần “giờ giấc cao su” truyền thống của người Việt bốn phương, cộng thêm phần phát biểu về công tác cộng đồng của Ban Tổ chức, rất nhiều câu hỏi trăn trở về số phận Tổ quốc đã chẳng thể có câu trả lời rốt ráo từ nhà báo Huy Đức, bạn đồng hành cùng Nguyễn Duy. Thế nên khi chiếc microphone được chuyển tới tay Nguyễn Duy, tôi thấy bụng mình đã lép kẹp. Thời tiết Châu Âu kể cả mùa hè tối vẫn hơi se lạnh, ước ao thêm bát phở nóng hổi. Nói thế thôi chứ tôi đã quên ngay mọi sự bởi khi Nguyễn Duy đứng lên sau lời giới thiệu ngắn gọn nhưng cô đọng của dịch giả Giáp Văn Chung, cả cộng đồng Việt tại Budapest đã như bị thôi miên.
Theo dòng thời gian, Nguyễn Duy mở đầu câu chuyện về thời thơ ấu của mình ở miền quê Đò Lèn, Thanh Hoá, mảnh đất “địa linh nhân kiệt” với mật độ xuất thân vua chúa cao nhất trên toàn quốc và cũng là nơi nổi tiếng có nhiều... ăn mày nhất. Nguyễn Duy nói chuyện nhỏ nhẹ nhưng không chậm chạp, không pha trò hề gây cười nhưng lại dí dỏm, cuốn hút. Thiên hướng, năng khiếu thơ ca của ông có lẽ đã bộc lộ ngay từ lúc chỉ là một cậu bé con đứng xem các bạn chơi đánh đáo sân trường:
Đứa chơi đáo đứa nhảy vòng
tôi không chơi đáo vì không có tiền
Có tiền tôi cũng không chơi
vì tôi không muốn bạn tôi mất tiền
Tung tăng tôi ngắm tôi nhìn
con sông có bóng con thuyền thả câu.
(“Trên sân trường”, 1957)
Tính nhân ái với con người, tình yêu thiên nhiên trong Nguyễn Duy được gieo mầm từ người bà cả đời lam lũ bắt tôm bắt tép, không được học, không biết chữ nhưng lại thuộc lòng hàng nghìn câu ca dao tục ngữ, tối nào cũng ôm cháu ru bằng các bài vè, các sự tích, truyền thuyết. Chẳng biết những lời ru như thế có ngấm vào tâm hồn trẻ hơn video trên iPhone, iPad và game của thời nay không mà tôi thấy Nguyễn Du thuộc nhiều ca dao dân gian lắm.
Ông khuyên mọi người lúc sống nếu yêu ai được cứ nên yêu bởi:
Khi tôi biết thương bà thì đã muộn
Bà chỉ còn một nắm cỏ thôi.
(“Đò Lèn”, 1983)
Nguyễn Duy kể về cha mình chân chất tóc bạc đầu vẫn kéo xe thồ kháng chiến vẹt đỉnh Trường Sơn, về tới nhà lại xuề xòa bên nồi nấu rượu. Nhiều người cười phá lên bởi đến giờ mới biết xuất xứ của tên rượu Quốc lủi từ thời kỳ hợp tác xã nghèo đói, ai nấu rượu coi như phạm tội, phải chui lủi như con quốc ngoài bờ ao giấu bình rượu trong người lén lút bán từng chén nhỏ.
Cha tôi đó, dân làng tôi vậy đó
xả hết mình khi nước gặp tai ương
rồi thanh thản trở về với ruộng
sống lặng yên như cây cỏ trong vườn.
(“Cầu Bố”, 1983)
Đôi lúc tôi cảm thấy những người thôn quê thật may mắn bởi họ có điều kiện mà tiếp xúc với nhiều loại cây cỏ, chim chóc, thiên nhiên, không bí bách như trẻ em thành phố. Mẹ đối với Nguyễn Duy không phải chỉ nuôi các con bằng thể xác mà nuôi con cả bằng tinh thần:
Mẹ ru cái lẽ ở đời
sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn
bà ru mẹ... mẹ ru con
liệu mai sau các con còn nhớ chăng.
(“Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa”, 1986)
Tôi biết chắc nhiều người trong số cử tọa chẳng ai có mẹ giống như mẹ Nguyễn Duy bởi chúng tôi sinh ra và lớn lên ở một hoàn cảnh khác. Mẹ của tôi chắc chắn khác mẹ của Nguyễn Duy từ dáng điệu bên ngoài đến cách thức đi lại nói năng nhưng điều làm tôi cảm thấy gần gũi với bài thơ về mẹ của ông đơn giản chỉ vì tình yêu của ông đối với mẹ. Ai sinh ra trên đời, cho dù ở bất kỳ nơi nào trên trái đất này đều có một người mẹ và thật hạnh phúc nếu có được tình yêu đó. Tôi nhớ lại thời mới cắp sách tới trường, cứ học những điều rất cao siêu, những tình yêu rất mơ hồ mà chẳng hề có ý thức đầu tiên phải học tình yêu đối với cha mẹ và những gì ngay sát bên mình, cũng như phải học đọc, học viết mới hiểu về văn học, phải học cộng trừ mới làm được toán chứ không thể “chân đất tiến vào vũ trụ”.
Nguyễn Duy đi lính từ năm 18 tuổi, tuổi của người trai bề ngoài dáng dấp thanh niên nhưng tâm hồn vẫn còn nhớ mẹ nhớ nhà. Ông kể rằng một lần đang ngồi buồn tựa đầu vào gốc cây tre ở Việt Yên, Hà Bắc năm 1970, ông bỗng cảm giác như những cây tre vươn lên cao, trùm qua cả đầu ông, xòe ra những tán lá xanh biếc, những mầm tre nhú lên xung quanh và bài thơ “Tre Việt Nam” nổi tiếng ra đời. Bài này ông gửi cho nhà thơ Hoài Thanh phụ trách ở Đài Tiếng nói Việt Nam và ít lâu sau được in trên báo. Ngay từ những năm đó, Nguyễn Duy đã đặt ra cho mình những tiêu chí cơ bản mang tính định hướng trong tất cả sự nghiệp thi ca của cuộc đời ông: Thơ phải xuất phát từ cái Hồn, cái Tâm, cái Tình và dùng Lời của chính bản thân mình mới truyền được cảm xúc thật sự tới cho người đọc.
Nguyễn Duy cũng vui vẻ đọc lại một bài thơ làm theo trường phái “cách tân, đột phá, trừu tượng” của ông về vợ từ thời còn lung lay với suy nghĩ khéo mình phải “cải tiến” theo các nhà thơ khác. Nhưng rồi ông cũng nhận ra: Văn, Thơ chính là phản ánh tính cách con người. Hãy sống thật với chính bản thân mình, viết thật những điều mình suy nghĩ, cái đó mới là giá trị thật của Văn, Thơ.
Thú thực, tôi đã quá bão hòa với những bài thơ ca ngợi sự anh hùng của người lính, “biết rồi khổ lắm nói mãi” với những áng văn thơ miêu tả sự vất vả khó khăn gian truân mà người lính đã từng phải chịu đựng thời bom đạn. Thời bình rồi, tâm lý chung chẳng ai muốn nhớ đến những mất mát hy sinh đau khổ được thể hiện một cách sáo mòn. Vậy mà sao khi nghe bài thơ “Tiếng tắc kè kêu trong thành phố” Nguyễn Duy nghẹn ngào đọc tối hôm đó, nước mắt tôi cứ trào ra. Cử tọa im phăng phắc, lặng đi trong nỗi đau của những người lính trẻ. Sao cuộc đời bất công thế, sao nghiệt ngã thế, sao những người chẳng bao giờ biết đến tiếng kêu của con tắc kè còn ngồi đây mà những tràng trai trẻ suốt ngày nghe tắc kè đến nỗi liên tưởng chúng nói “sắp về, sắp về…” lại ngã gục trước thềm vào thành phố.
Để an ủi cử toạ, Nguyễn Duy dỗ dành: thôi, giờ thành phố cũng hết tắc kè rồi, chẳng hiểu do thay đổi môi trường hay do mật độ lấy tắc kè ngâm rượu của ông hàng xóm cùng chung cư ở 190 đường Công Lý, vừa sáng bắt được con tắc kè chiều tối đã rủ bạn sang uống rượu. Tôi cười trong nước mắt cùng mọi người nhưng tin chắc: tắc kè không thể tiệt chủng trong thơ Nguyễn Duy.
Những đoàn quân đi xuyên Trường Sơn
ngủ ôm súng suốt một thời tuổi trẻ
đêm trăn trở đố nhau:
bao giờ về thành phố?
con tắc kè nhanh nhảu nói: sắp về!
(“Nghe tiếng tắc kè kêu trong thành phố”, 1978)
Ai cũng biết chiến tranh thật khủng khiếp, những anh lính đời thường hiền lành nhỏ nhẹ khi ra trận sẵn sàng xả súng cướp cò bắn tan đối thủ. Chẳng phải lỗi của ai, chỉ tại hoàn cảnh. Trớ trêu thêm nếu hai bên đối mặt lại cùng xuất thân, cùng ngôn ngữ. Cái khó nhất trong chiến tranh có lẽ làm sao giữ được tính người, tình cảm với một con người, với một mạng sống cho dù đứng ở bất kỳ bên nào chiến tuyến. Bài thơ “Đứng lại” miêu tả tâm lý của một anh lính Việt Cộng cầm súng đuổi theo một anh lính Việt Nam Cộng hoà mà cương quyết không bắn anh ta, đã vượt qua cả ranh giới của cuộc chiến tương tàn, có lẽ đúng cho tâm lý của mọi người lính tại mọi nơi trên khắp thế giới. Sau này, vào ngày bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, báo “Boston” của Mỹ đã cho dịch và đăng toàn bộ bài thơ:
chỉ cần nửa tích tắc
không, một phần mười tích tắc thôi
ngón tay tôi khẽ nhích nửa ly
thì hắn không được làm người nữa
- Đứng lại!...
giết chết hẳn dễ thôi
cứu hắn sống đời người mới khó…
(“Đứng lại”, 1973)
Vào những năm 1972, khi cuộc chiến tranh còn khá khắc nghiệt, tham gia sư đoàn 35 đánh Quảng Trị mà Nguyễn Duy lại không viết những áng thơ kêu gọi hăng say chiến đấu, bất chấp hy sinh, ca ngợi thắng lợi thực sự là một trường hợp quá đặc biệt. Ông kể rằng bài thơ này đã bị mang ra phê phán nhiều lần bởi mang tính chất “chủ nghĩa nhân đạo chung chung”.
Mà quả thật Nguyễn Duy thương tất, cứ mạng người là ông thương. Ông kể rằng năm 1973, khi nạn lụt Quý Sửu xẩy ra, cả vùng quê Nông Cống toàn người ăn mày ăn xin vì chết đói nhiều quá. Đôi mắt đen tròn to và bàn tay vàng bủng của cô bé sắp chết đói trên ga tầu đã xoáy vào tim Nguyễn Duy làm bật ra những dòng chữ thương tâm khủng khiếp:
Trả lời thế nào với cái nhìn đen láy
với bàn tay run run chìa ra đấy?
tôi nhận ra bàn tay vàng móng ấy
tay cấy cày làm hột gạo nuôi tôi.
(“Thơ tặng người ăn mày”, 1973)
Cứ thương người thế, cứ trăn trở thế nên Nguyễn Duy sớm cho ra đời các bài thơ về thế sự, về vận mệnh của đất nước, con người: sao chịu đựng chiến tranh khắc nghiệt thế, hy sinh nhiều thế mà giờ thời bình rồi vẫn đói vẫn nghèo. Thời gian làm ở tuần báo “Văn nghệ” trong Nam, ông kết bạn với cả những văn nghệ sĩ thời trước 1975 như Trịnh Công Sơn và dám nói thẳng nói thật với lãnh đạo thời đó. Ông kể lần “chạm trán” đầu tiên với cấp lãnh đạo - ông Võ Văn Kiệt, khi đó là Bí thư Thành ủy TP. HCM - khi ông đọc bài thơ “Bán vàng” kể về sự nghèo đói của chính gia đình vợ con ông, gia đình một người lính thời bình.
Tiếp tới là bài thơ “Đánh thức tiềm lực” dựa trên khẩu hiệu của các nhà lãnh đạo thời năm 1980, Nguyễn Duy viết tặng cho “anh Sáu Dân” trong bữa rượu chia tay ông Võ Văn Kiệt ra miền Bắc giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, trực tiếp làm kinh tế cho quốc gia. Ông nhắc nhở đừng nên đao to búa lớn huênh hoang cho rằng nước ta nhiều tiềm năng giầu có rừng vàng biển bạc đất phì nhiêu. Nếu tiềm năng trong mỗi con người chưa thức tỉnh thì chẳng có cách nào đưa được đất nước đi lên. Vì những lý do dễ hiểu, phải tới 5 năm sau, tức là sau khi quá trình Đổi mới được khởi động 1 năm, bài thơ mới được chính thức đăng nguyên văn trên báo “Tuổi Trẻ”.
Lúc này ta làm thơ cho nhau
đưa đẩy mà chi mấy lời ngọt lạt
ta ca hát quá nhiều về tiềm lực
tiềm lực còn ngủ yên…
(“Đánh thức tiềm lực”, 1982)
Đồng hồ chỉ gần 11 giờ đêm, tôi chợt nhận ra nhà thơ bé nhỏ đã đứng suốt 3 tiếng đồng hồ không ăn, chỉ uống vài hụm nước trắng. Vậy mà tiếng gào “Ai? Không ai!” trong bài thơ “Nhìn từ xa... Tổ quốc “ vẫn vang lên dữ dội, hùng hồn. Toàn bộ bài thơ như một bức tranh phản ánh chân thực đến quặn lòng những đau thương ngang trái của xã hội sau chiến tranh, cái xã hội mà biết bao triệu con người đã hy sinh ngã xuống với niềm tin nó sẽ tươi đẹp. Mỗi câu thơ như một lời đánh thức lương tâm vào thời điểm mà toàn dân còn đang u mê chưa có điều kiện tiếp cận những thông tin tân tiến toàn cầu.
Đã hơn ba chục năm trôi qua kể từ ngày bài thơ ra đời, vậy mà khi đọc lại vẫn thấy mang đầy tính thời sự. Đặc biệt, những câu chuyện xoay quanh số phận bài thơ đã cuốn hút người nghe đến đỉnh điểm. Bài thơ này Nguyễn Duy viết tại Moscow năm 1988 trong chuyến đi trao đổi văn học đúng vào thời kỳ Đổi mới, rất hợp với tâm trạng của kiều bào ở xa Tổ quốc:
Nhủ mình bình tâm nhìn về quê nhà
xa vắng
núi và sông
và vết rạn địa tầng
Nhắm mắt lại mà nhìn
thăm thẳm
yêu và đau
quằn quại bi hùng
Dù ở đâu vẫn Tổ quốc trong lòng
cột biên giới đóng từ thương đến nhớ.
(“Nhìn từ xa... Tổ quốc”, 1988)
Ai cũng vỗ tay, ai cũng cổ vũ, mình anh Giáp Văn Chung thương và lo Nguyễn Duy mệt muốn xin mọi người “tha”. Nhưng Nguyễn Duy cương quyết “đã thương thì thương cho trót”, ông kết thúc đêm thơ với bài “Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ” trong tiếng vỗ tay và tình cảm của cộng đồng người Việt tại Budapest, Hungary. Ai cũng vỗ tay vì phục tài của nhà thơ dân dã, dùng những từ ngữ giản đơn để nói được nhiều điều, người chẳng muốn nghĩ nhiều cũng rút được ra cho mình bài học cụ thể hàng ngày. Người thích suy luận có thể ngẫm nghĩ thêm về thế giới vũ trụ bao la rộng lớn xung quanh. Người học triết học, triết lý ngũ hành càng có lắm lý do để tính toán tìm ra hàng loạt những ẩn ý đằng sau mỗi câu mỗi chữ. Còn nhà thơ Nguyễn Duy như vượt qua cả tầm đó rồi, chỉ ngồi mỉm cười:
Và chơi lại trò xưa đơn giản như là không có gì
ván âm dương Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ.
Năm ô cờ sắp xếp cả thiên hạ
ngồi xổm chơi hay bệt đất thì tùy.
Và nghêu ngao lõng thõng hò vè
Và chơi lại trò xưa đơn giản như là không có gì.
ván âm dương Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ
Năm ô cờ sắp xếp cả thiên hạ
ngồi xổm chơi hay bệt đất thì tùy.
Và nghêu ngao lõng thõng hò vè
giun dế du dương ễnh ương đắm đuối
Và ngạo nghễ khúc đồng dao nhăng cuội
lời trẻ con phấp phới ngũ hành kỳ.
(“Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ”, 1991)
Ngày hôm sau, lúc gặp chia tay với nhà thơ Nguyễn Duy trước khi ông lên đường tiếp tục chuyến ngao du Châu Âu, thấy cái dáng điệu nhỏ bé đi hơi khập khễnh bởi một bên chân do tai nạn phải phẫu thuật đóng rất nhiều đinh bên trong, tôi cứ thấy thương thương: “Chú đã đóng góp quá nhiều cho đất nước rồi, giờ chú giữ sức khoẻ nhé!”. Nguyễn Duy trả lời chậm rãi, giọng hơi buồn buồn: “Có lẽ đây là chuyến đi cuối cùng của đời tôi, tôi muốn gặp gỡ lại tất cả bạn bè”.
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...