Ghi chép: HELLER ÁGNES & NGÀY 30-4 NĂM NAY CỦA TÔI

Thứ bảy - 20/07/2019 05:45

(NCTG) “Được Bà cho phép, tôi vụng về ôm hôn Bà và nhận thấy một giọt nước mắt chảy trên gò má, lúc đó đã trở lại già nua, đầy nếp nhăn, của Bà. Trong Bà, người phụ nữ lịch lãm, thông tuệ đã lùi bước, nhường chỗ cho một bà cụ già yếu, gần đất xa trời...”.

Viện sĩ, triết gia Heller Ágnes tại Viện Goethe trong dịp được trao tặng Huân chương Goethe (năm 2010) - Ảnh: Zoltán Kerekes (Budapest)

Viện sĩ, triết gia Heller Ágnes tại Viện Goethe trong dịp được trao tặng Huân chương Goethe (năm 2010) - Ảnh: Zoltán Kerekes (Budapest)

Người phụ nữ ấy đã già. Bà đặt chân vào đại giảng đường khoa Luật trường Đại học Tổng hợp Budapest khi một diễn giả đang hùng hồn liệt kê loạt dữ kiện vừa mới được “bạch hóa” từ các kho lưu trữ Nga, về những nạn nhân của hệ thống trại tập trung Gulag, của tệ bạo hành dưới thời Stalin.

Lưng hơi còng, vẻ mệt mỏi, không có gì nổi bật, Bà ngồi vào đầu hàng ghế song song với tôi, mắt nhìn vô định vào một cõi xa xăm. Không hiểu Bà có biết toàn thể cử tọa trong phòng đang hướng về Bà?

Chừng mươi phút trôi qua. Cùng mọi người, tôi cũng lịch sự vỗ tay khi diễn giả chấm dứt bài thuyết giảng. Đó là một sử gia lừng danh, một nghệ sĩ đa tài, một cây bút tiểu luận có tiếng mà dù chưa gặp mặt, nhưng lâu nay tôi thường xuyên đọc sách vở của ông, theo dõi mọi công trình nghiên cứu của ông; tôi vẫn nhủ thầm rằng nếu có dịp tương ngộ, tôi phải có đôi lời tri ân vì từ bao năm, những bài viết, tác phẩm của ông đã giúp tôi rất nhiều trong công việc hàng ngày.

Tuy nhiên, lần này, bất giác, tôi đã quên khuấy đi cái ý định mà tôi hằng tâm niệm ấy. Vì sau ông, trên bục diễn giả, là Bà.
 
*

Tôi không biết gì mấy về sự nghiệp của Bà. Các công trình của Bà đều vượt quá tầm hiểu biết của tôi. Nhưng, dù sao đi nữa, tôi cũng từng được nghe tiếng Bà, không chỉ một lần. Rằng, Bà là một triết gia, một nhà mỹ học và phê bình văn hóa hàng đầu của Châu Âu. Rằng, ở chính quê hương Bà, xứ sở tôi đang sinh sống, Bà từng phải trải qua biết bao khổ ải chỉ vì muốn sống ngay thẳng, như một trí thức, theo đúng nghĩa của từ này. Rằng, sau những năm tháng gian nan nhất buộc Bà phải chọn những xứ sở Phương Tây làm nơi tạm dung và trở thành vị giáo sư thỉnh giảng của nhiều đại học lớn trên thế giới, rốt cục Bà vẫn chọn quê mẹ làm nơi trở về. Rằng...

Đối diện một thần tượng sống, một huyền thoại như thế, trong tôi luôn có một nỗi lo ngại vẩn vơ: biết đâu, thần tượng - huyền thoại ấy lại chẳng tan vỡ dễ dàng dưới mắt những kẻ “trần tục” như tôi? Và, phải chăng điều này đã là sự thật? Bởi lẽ, ngay từ giây phút đầu, tôi hơi bất ngờ vì ngoại hình không có gì đáng chú ý của Bà. Trông Bà hệt những cụ già về hưu, hay xách bị đi chợ mua rau và thường va phải đám thanh niên trên tàu xe, mỗi khi họ gắng tìm một chỗ nghỉ chân cho đỡ mỏi. Người phụ nữ thông tuệ, kiệt xuất mà giới trí thức Phương Tây hằng vị nể và kính trọng, là đây ư?
 
*

Chầm chậm, Bà bước chân lên bục giảng. Tôi thầm tự hỏi không biết Bà có thể ăn nói được rõ ràng như những đồng nghiệp nam giới trước đó của Bà hay không.

Nhưng kìa, một cái khoát tay, rồi trước mặt tôi bỗng là một phụ nữ khác hẳn. Dường như trẻ ra đến mấy chục tuổi, dẻo dai như một con báo, Bà cất giọng sang sảng, rành mạch, cử chỉ của Bà sinh động, trẻ trung, cặp mắt Bà bừng sáng và ánh lên những tia lửa như muốn thôi miên toàn thể cử tọa. Cứ thế, Bà nói, liên tục, không một thoáng ngừng nghỉ, trong một giờ đồng hồ.

Sẽ không trung thực nếu bảo rằng tôi hiểu tất cả những gì Bà nói. Không, ngược lại! Tôi chỉ hiểu hàm ý chủ đạo trong thông điệp của Bà. Mặc dù, văn phong của Bà là một thứ ngôn ngữ kinh điển và chuẩn mực. Bà đã thể hiện những ý tưởng trừu tượng nhất một cách sáng sủa, khúc chiết và cô đọng. Điều khiến tôi để ý và tâm đắc ở Bà là Bà đã không hề dùng các từ ngữ ngoại quốc khi cần diễn đạt những khái niệm phức tạp.

Có điều, chắc hẳn bài giảng của Bà đã vượt quá sở học của tôi. Và tôi nghĩ, trong số các sinh viên bản địa, các nhà giáo dạy môn Sử hoặc những ai có chút duyên nợ với Sử học - hội nghị này được tổ chức dành cho họ -, cũng không ít người lâm vào cảnh như tôi. Có thể nhận thấy điều đó thông qua những điệu bộ nhún vai, những bộ mặt đăm chiêu, tư lự xung quanh tôi.

Thực chất, những kết luận thô thiển mà tôi rút ra được từ bài giảng của Bà, không lạ, cũng không thật mới. Tỉ như, không thể có một khái niệm đồng nhất về chủ nghĩa cộng sản vì cộng sản Liên Xô khác cộng sản Ý, cộng sản Ý khác cộng sản Pháp, cộng sản Pháp khác cộng sản Tàu... (nói đến đây, Bà hướng về phía tôi, hẳn vì nghĩ tôi là người Hoa). Cộng sản cũng không phải là một khái niệm xuất phát từ Marx: Marx chỉ kế thừa một khái niệm đã có trước ông rất lâu, ông phác thảo nó trên sách vở một cách khá tùy tiện, đầy mâu thuẫn, để rồi hậu thế áp dụng nó bừa bãi trong thực tế. Và chỉ sau khi đưa chủ thuyết đó vào hiện thực, người ta mới bận tâm và tìm cách lần giở lại những trang quá khứ, hòng tìm một chỗ dựa lý thuyết cho nó.

Hoặc, chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản (hay nói đúng hơn, phong trào chống-tư-bản, bởi lẽ mọi trào lưu xã hội - như xã hội không tưởng, xã hội dân túy, xã hội vô chính phủ, thậm chí... xã hội quốc gia, tức quốc xã! - đều chứa chất trong mình hệ tư tưởng này) là sản phẩm không thể tránh khỏi của thời hiện đại và nếu xét chúng như những chủ thuyết, chúng đều có mặt hay và mặt dở. Theo Bà, cái đặc trưng của lý tưởng cộng sản là nỗ lực để đạt được sự công bằng xã hội, nhưng sự công bằng ấy, trong thực tế, được hiểu như sự công bằng về mặt vật chất, về của cải: không ai được giàu (hay được nghèo) hơn ai; trong một tập thể, không ai có quyền dị biệt, quyền nổi trội hơn kẻ khác; sở hữu tập thể, trong thực tế, được hiểu như sự phủ nhận của sở hữu cá nhân, để tất cả mọi thành viên của cái tập thể ấy đều “bình đẳng” trong sự trắng tay... v.v...

Bạn sẽ bảo: “Thế thì có gì lạ! Cần chi phải triết gia!”. Cố nhiên! Không, cái lạ (đối với tôi) ở đây là cách Bà dùng để chứng tỏ những kết luận quen thuộc đó. Bài giảng của Bà mang tiêu đề “Chủ nghĩa cộng sản: lý tưởng và hiện thực”, nhưng ngay từ đầu, Bà đã khẳng định đó là một cái “tít” dễ gây hiểu nhầm, rằng Bà không hề có ý nói đến chuyện “lý tưởng cộng sản là hay, là tốt đẹp, nhưng nó bị áp dụng dở trong thực tế”, hay “trong trường hợp chủ nghĩa cộng sản, có sự khác biệt (một trời một vực) giữa ý tưởng và hiện thực”... Trong vòng một giờ ngắn ngủi, vận dụng một khối lượng kiến thức khổng lồ, chỉ thuần túy trên phương diện triết học, Bà nhằm chiếu rọi một nhận định: chủ nghĩa cộng sản, trên bình diện triết học, với tư cách một hệ tư tưởng mang tính lý thuyết, là bất khả thi. Nhưng, chủ nghĩa cộng sản, như một mô hình nhà nước toàn trị và đảng toàn trị, đã được Lenin thực hiện một cách mỹ mãn từ đầu thập niên 20; nó hoàn toàn có thể tồn tại độc lập với thứ chủ nghĩa cộng sản trên giấy tờ, sách vở đã nói ở trên; hơn nữa, trong thực tế, không phải nó đã vắng bóng trên thế gian này. Bởi lẽ, chủ nghĩa bôn-sê-vích, một dạng của chủ nghĩa toàn trị, vẫn còn tồn tại trong mỗi con người chúng ta, trong tâm tưởng của chúng ta, và không ai có thể đảm bảo là nó sẽ không “tái xuất giang hồ”.
 
*

Chăm chú nghe Bà, nhưng không phải lúc nào tôi cũng nắm được sợi chỉ đỏ của vấn đề. Những khi ấy, để nghỉ ngơi, tôi tự cho phép mình quan sát Bà, hay nói đúng hơn, ngắm nhìn mọi cử chỉ của Bà. Giảng cho một nhóm như chúng tôi, trình độ chả đến nỗi tệ, nhưng cũng không thật nổi trội, hẳn chả có gì khó đối với Bà. Đã có thời, khi thể chế cộng sản “hiện thực” còn tồn tại, Bà từng là khách quí của các trí thức thiên tả Châu Âu, cũng như của các chính khách hàng đầu Phương Tây, những người muốn tìm hiểu thêm bản chất của chủ nghĩa này. Dạo ấy, Bà đã thường xuyên đăng đàn, đối mặt với giới tinh hoa Anh, Pháp, Đức... bằng chính thứ tiếng của họ và hầu như bao giờ Bà cũng nắm được phần “thượng phong”. Vậy thì, trước chúng tôi, phải chăng Bà chỉ cầm chừng, chỉ đưa ra một phần nhỏ trong kho kiến thức đồ sộ của Bà, là đủ? Đỡ nhọc mình không cần thiết!

Nhưng không! Chẳng hề là những động tác máy móc được lặp lại đơn điệu theo thói quen. Bà nói, sôi nổi, nhiệt tình, Bà thể hiện hết mình, như thể cuộc đời, sự nghiệp của Bà chỉ phụ thuộc vào thành công, hay thất bại, của bài thuyết giảng này. Bà cuốn hút, không chỉ tôi, mà cả ông cụ nghễnh ngãng ngồi cạnh tôi (“thằng con tôi hồi xưa cũng ngồi ở bàn này, tôi đến đây để nhớ lại một thời xa xưa, và để biết mình đã sống thế nào”), cả người phụ nữ đứng tuổi, rất đẹp lão, ở hàng ghế trên (“tôi đã về hưu rồi, nhưng vẫn nhớ nghề dạy học, và muốn trau dồi không ngừng kiến thức của mình”), cả cậu thanh niên cách tôi một dãy bàn, chỉ chực hết giờ để lên xin chữ ký các diễn giả rồi trở về chỗ ngồi với vẻ mặt đắc thắng.

Qua sách vở lịch sử, tôi từng được nghe về tài diễn thuyết “mê hoặc”, “bốc lửa” của những-người-phụ-nữ-của-một-thời: Rosa Luxembourg, Clara Zetkin, Aleksandra Kollontai... Nhưng họ có thể vượt Bà hay không, đó là điều mà tôi không dám chắc...
 
*

Bà đã lạm hơn 10 phút vào thời gian dành cho diễn giả sau Bà. Vào dịp khác, hẳn mọi người đã “có ý kiến”, không phải bằng lời lẽ, mà với những động tác vươn vai uốn người mệt mỏi, những tiếng động loẹt xoẹt dưới gầm bàn, những cái liếc mắt đầy ý nghĩa: “OK, ông nói hay lắm, nhưng thôi, nhường cho kẻ khác nữa chứ!”. Nhưng lần này, ai nấy vẫn ngồi như tượng, im phăng phắc, thành kính. Và rồi, một tràng pháo tay vang dội, không muốn ngừng, có lẽ phải tới dăm phút, khi Bà mỉm cười, ngả người chào “vâng, tôi xin kết thúc ở đây”. Suốt hai ngày, trong số 15 diễn giả, đa phần là những viện sĩ, giáo sư, tiến sĩ, sử gia hàng đầu của xứ này, chưa ai được hoan nghênh nồng nhiệt như Bà.

Đây không phải chỉ là một cử chỉ lịch sự dành cho một phụ nữ khả kính, cả về tuổi tác lẫn cuộc đời và sự nghiệp. Cũng không đơn thuần dành cho bài giảng khá cao siêu của Bà. Mà, như lời một phụ nữ chạy lên bục xin bắt tay Bà, “chúng tôi biết ơn và cảm động vì lòng nhiệt thành của Bà”.
 
Triết gia Heller Ágnes, tên tuổi nổi bật được cả thế giới biết đến của lịch sử triết học và chính trị học Hungary thế kỷ 20 vừa qua đời chiều thứ Sáu 19-7-2019, hưởng thọ 90 tuổi - Anh: index.hu
Triết gia Heller Ágnes, tên tuổi nổi bật được cả thế giới biết đến của lịch sử triết học và chính trị học Hungary thế kỷ 20 vừa qua đời chiều thứ Sáu 19-7-2019, hưởng thọ 90 tuổi - Anh: index.hu

Là người ngoại quốc duy nhất - thậm chí, còn là người Á Đông! - trong hai ngày hội nghị, tôi cũng muốn thể hiện một chút thiện cảm gì đó, đối với Bà. Cố dẹp mọi ngượng ngùng, tôi cũng rón rén đến chỗ Bà, xin một chữ ký làm kỷ niệm. “Ký vào đâu đây cậu?”, Bà cười và hỏi, khi tôi chìa tờ chương trình của cuộc hội nghị. “Dạ, đâu cũng được, miễn là... một kỷ niệm...”, tôi lúng túng, bối rối và lí nhí trong họng. “Ừ phải rồi, ở đây vậy, cho cậu nhớ rằng đây là chữ của tôi” - đoạn, Bà ký, rất thảo, vào chỗ có in tên và tiêu đề bài giảng của Bà.

Nhưng tự nhiên, không hiểu tại sao, tôi còn muốn hơn nữa. Người Á Đông thường ít thể hiện tình cảm theo kiểu ấy: đột ngột, tôi muốn ôm hôn Bà!

Bây giờ thì tôi đã khiến Bà bối rối. Vì bất ngờ và cảm động. Được Bà cho phép, tôi vụng về ôm hôn Bà và nhận thấy một giọt nước mắt chảy trên gò má, lúc đó đã trở lại già nua, đầy nếp nhăn, của Bà. Trong Bà, người phụ nữ lịch lãm, thông tuệ đã lùi bước, nhường chỗ cho một bà cụ già yếu, gần đất xa trời...
 
*

Heller Ágnes, đại môn đệ của Lukács György (Georg Lukacs), người đứng đầu “Trường phái Lukács” lừng danh, là thế. Và, trong sâu thẳm tâm hồn, tôi ý thức được rằng: ngày hôm nay, tôi hạnh phúc biết bao khi được tận mắt thấy Bà, được nghe Bà và được ôm hôn Bà!

Bất giác, tôi liếc đồng hồ: 1 rưỡi chiều ngày 30-4. Một ngày, cách đây hơn phần tư thế kỷ, từng gây nên bao dằn vặt, chua xót, đau đớn với nửa nước Việt.

Nhưng, từ hôm nay, có lẽ tôi sẽ nhớ đến nó theo một cách khác...

Nguyễn Hoàng Linh, từ Budapest - Ngày 30-4-2001


 
 Từ khóa: Heller Ágnes
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 2.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn