LỄ CÁC ĐẲNG LINH HỒN VỚI NGƯỜI VIỆT TẠI HUNGARY

Chủ nhật - 03/11/2019 04:33

(NCTG) Mỗi năm, cứ đến đầu tháng 11, người dân Hungary lại tới các nhà thờ và đặc biệt là các nghĩa trang để đặt hoa, thắp nến, tưởng nhớ những người thân đã khuất. Phong tục đẹp và nhân văn nay, trong những năm gần đây, cũng được nhiều bà con trong cộng đồng Việt tại Hung thực hiện.

Lăng mộ nữ danh ca, “dạ oanh của dân tộc” Blaha Luza (1850-1926) tại Nghĩa trang ở đường Fiume

Lăng mộ nữ danh ca, “dạ oanh của dân tộc” Blaha Luza (1850-1926) tại Nghĩa trang ở đường Fiume

Xem clip của NCTG ở đây.

2-11 hàng năm được gọi bằng cái tên Lễ các Đẳng Linh hồn, hay Lễ Tưởng nhớ Các Tín hữu đã qua đời, là một ngày lễ lớn của Ki-tô giáo Châu Âu. Theo giáo lý Thiên Chúa giáo, đây là dịp để cầu nguyện, tưởng nhớ các tín hữu Ki-tô giáo đã qua đời, nhưng chưa được thanh tẩy trọn vẹn để bước vào nước Thiên đường.

Tuy nhiên, với thời gian, truyền thống này đã được mở rộng không chỉ trong phạm vi Công giáo, mà đến tới mọi người dân và mang một ý nghĩa rất nhân bản: tưởng nhớ anh linh những người đã trở về với cát bụi. Thường lệ, trong vòng gần 1 tuần cuối tháng 10 và đầu tháng 11, các nghĩa trang bao giờ cũng đông người.

Hoa và nến được mang tới đặt tại mộ phần của người đã khuất, mà theo phong tục của Châu Âu, nhiều khi chính là mộ phần chung của một gia đình, một dòng họ, thường được xây rất trang trọng kèm bia mộ đồng thời cũng là công trình kiến trúc nhắc nhớ những điển tích, những nét văn hóa Thiên Chúa giáo.

Chúng tôi có mặt tại Nghĩa trang ở đường Fiume (Quận 8, Budapest) trong một buổi sáng mùa thu, tiết trời rất đẹp, nắng vàng tràn ngập những cành cây, tán lá cuối thu. Là nghĩa trang lớn nhất (56 hec-ta) và lâu đời nhất ở trung tâm thủ đô của Hungary, từ hơn 170 năm nay, đây đã là nơi yên nghỉ của không biết bao vĩ nhân Hung.

Có thể tìm thấy ở đây những tên tuổi kiệt xuất nhất của nền văn hóa, nghệ thuật và khoa học Hung như các thi hào Ady Endre, Babits Mihály, các nhà văn Jókai Mór, Móricz Zsigmond, Kertész Imre..., kiến trúc sư Ybl Miklós, các danh họa Csontváry Kosztka Tivadar, Csók István..., bác sĩ, “vị cứu tinh của các sản phụ” Semmelweis Ignác, bác sĩ nhi khoa Heim Pál, hay nữ danh ca, “dạ oanh của dân tộc” Blaha Luza...

Nghĩa trang Fiume cũng được coi là một “Điện thờ Quốc gia”, khi rất nhiều nhân vật lịch sử của Hungary - từ những người đã tạo dựng nền dân chủ đại nghị của nước này từ đầu thế kỷ 19 tới các chính khách thượng đỉnh thời hiện đại. Deák Ferenc, Kossuth Lajos, Batthyány Lajos, Antall József, Mádl Ferenc... là những cái tên như vậy.

Đặc biệt, nghĩa trang có những khu riêng cho các anh hùng của sự nghiệp giải phóng và độc lập dân tộc năm 1848 và 1956, cũng như những người đã qua đời trong các cuộc Thế chiến. Các lãnh đạo thời XHCN, đứng đầu là Tổng bí thư Kádár János, “thủ lĩnh” của nước Hung trong hơn 30 năm cũng hiện diện tại đây.
 
Chị Phương Thảo tại nơi yên nghỉ của anh Vũ Trọng Hùng
Chị Phương Thảo tại nơi yên nghỉ của anh Vũ Trọng Hùng

Là một trong những nghĩa trang nổi tiếng nhất Châu Âu, nhưng ngoài vai trò “thánh đường của dân tộc”, một di tích lịch sử tầm quốc gia với vai trò gìn giữ những ký ức, di sản của đất nước, đây còn là nơi yên nghỉ của rất nhiều thường dân qua bao nhiêu thế hệ, trong đó, có cả những thành viên của cộng đồng Việt Nam.

Con đường Thánh Giá (Szentkereszt út) dẫn chúng tôi tới nơi yên nghỉ vĩnh hằng của nhiều người Việt, trong số đó, có những gương mặt ưu tú, từng có nhiều đóng góp cho cộng đồng. Mộ phần của họ đã có những bó hoa tươi, những ngọn nến của bà con, khi tới thăm các thân nhân của mình, cũng không quên họ.

Gia đình chị Phương Thảo, anh Mạnh Dũng cũng đưa cả cháu nhỏ tới để tưởng nhớ một người bạn, anh Vũ Trọng Hùng, người từ giã dương thế từ hơn 1 năm nay. Chị Thảo cho hay, những dịp đi “tảo mộ” như thế này, chị luôn có cảm giác buồn man mác khi hồi nhớ lại kỷ niệm và hình ảnh của những người đã ra đi.

Dừng lại hồi lâu trước từng nấm mồ của đồng hương, chúng tôi càng thấm thía những lời tiễn đưa mà người Hungary thường khắc trên bia mộ. Ở thế giới bên kia, chỉ còn tĩnh lặng và tình thương bao trùm, nhưng “chỉ ai bị quên lãng mới là chết, chứ người luôn được hưởng tình thương yêu thì sẽ sống muôn đời”... (*).

(*) “Küzdöttél, de már nem lehet - A csend ölel át és a szeretet - Csak az hal meg, akit elfelejtenek - Örökké él, akit nagyon szerettek”.

Nguyễn Hoàng Linh


 
 Từ khóa: nghĩa trang
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn