“
Bố, bố kể chuyện đi!”.
Mỗi bữa tối khi tôi có dịp về nhà sau chuyến công tác dài ngày là Jane, cô gái nhỏ 12 tuổi, lại gạ bố. Thường thường câu chuyện sẽ về ông bà ở Hà Nội,về Vicky – cô em họ của Jane tuổi 16 và những thần tượng Hàn Quốc, về giỏ hoa hồng bố chăm sóc trên chung cư tầng 55 giữa nắng và gió. Rồi câu chuyện sẽ xoay quanh cuốn sách bố mới mua hay bức tranh mẹ thích, rồi tiếp tục đến lượt Jane, với tư cách là một học sinh trường Nghệ thuật Nanyang chính hiệu, rành rọt giảng cho cả bố lẫn mẹ bức tranh ấy đẹp như thế nào qua mắt con.
Nhưng hôm qua câu hỏi của Jane lại khác. “
Bố, bố kể chuyện bố lớn lên thế nào đi”.
Jane sinh ra và lớn lên ở Singapore, và cả tuổi thơ của Jane chỉ được một vài lần ngắn ngủi về Hà Nội, nơi em biết đến mùa Đông lạnh rét thế nào khác với một Singapore quanh năm nắng nóng. Jane biết rằng Phở Hà Nội thì ngon hơn Phở ở Singapore nhưng vẫn thua mẹ nấu. Jane biết con Vàng – còn lớn hơn cả tuổi em canh cổng nhà ông bà nội rất giỏi và rất thích chơi với Jane mỗi lần em về. Jane biết nhà ông bà ngoại ở gần những rặng núi xanh thẫm và mùa hè có rất nhiều “
trâu và bò, cái đứng cái ngồi”. Và chắc đó là những ấn tượng ít ỏi của em về Việt Nam.
Tôi chưa biết sẽ bắt đầu trả lời câu hỏi của cô gái nhỏ thế nào, nhưng tôi biết tuổi thơ của mình, 30 năm trước, sẽ giống như chuyến du hành của Alice ở xứ sở thần tiên (Alice in Wonderland) lạc vào hang thỏ, dành cho Jane.
Hà Nội những năm 80 thế kỷ trước thật xa vời so với Hà Nội ngày hôm nay.
Tôi sẽ kể về một cậu bé 9 tuổi trông em gái 5 tuổi khi bố mẹ đi làm. Trông ở đây có nghĩa là cả hai anh em đều “
được” nhốt ở trong nhà khóa trái cửa lại. Anh trai sẽ bày ra đủ trò chơi với em gái bằng tất cả đồ dùng trong nhà từ những chiếc ca nhôm làm trống gõ inh ỏi đến quân cờ bằng sừng dùng chơi xếp hình. Rồi đến khoảng 5 giờ chiều, anh trai có trách nhiệm trèo lên cửa, ngồi đong đưa hai chân ra ngoài, tay bám song sắt để báo cho em lúc nào nhìn thấy xe đạp của mẹ về từ đầu ngõ.
Tôi sẽ kể về bữa cơm trưa đầu tiên tôi nấu khi tròn 8 tuổi lúc mẹ đi dạy học. Cũng vo gạo, cũng bắc nồi lên bếp dầu khói um (vì khu tập thể không có củi) rồi cũng hớt bọt cơm như người lớn. Cơm sôi xong vặn nhỏ lửa, kê một miếng sắt to lên bếp dầu rồi đặt nồi lên, thế là xong. Thức ăn đã có lạc rang mặn mẹ làm từ trước. Khỏi phải nói mẹ nhìn tôi với ánh mắt ngạc nhiên lẫn tự hào như thế nào, đến bây giờ tôi vẫn nhớ: “Ôi, con trai mẹ đã lớn!”.
Tôi đang nghĩ sẽ kể cho cô con gái những trò nghịch ngợm của những thằng con trai như trèo cây nhãn vặt quả non, bắt bọ xít ở khu trường Đại học Sư phạm Hà Nội (một “hành vi” mà chắc chắn nếu ở Singapore sẽ bị phạt, thậm chí bị cảnh sát mời vào đồn). Tôi nghĩ tốt hơn là kể với con gái chuyện bố đã cuốc bộ vài cây số từ nhà mình ở Đồng Xa đi học trường Dịch Vọng ở tận Chùa Hà, một mình mỗi sớm dù mưa rét hay nắng cháy. Khoảng cách từ nơi này tới nơi kia được tính bằng bước chân trẻ con, hình như chưa bao giờ là xa, là mệt, vì mỗi bước chân trẻ con không bao giờ thiếu điều mới lạ, thiếu niềm vui từ cảnh vật bên đường.
Nhưng nhất định tôi sẽ kể chuyện mình gặp cô bạn gái năm cô ấy 18 tuổi – là vợ tôi và là mẹ của các con tôi bây giờ - ở thư viện nhà trường như thế nào, để con biết tìm những người bạn đời đích thực không nhất thiết phải là những thần tượng Hàn Quốc bóng bẩy, hát hay, nhảy đẹp. Người bạn đời thân thiết của con có thể chỉ cần biết giữ giùm chỗ trong thư viện đông người, cho con mượn thẻ vì con hết quota mượn sách (mỗi lần chỉ được 3 cuốn) nhưng sau này sẵn sàng vượt muôn trùng đại dương, rời bỏ một công việc tốt, rời bỏ chốn thân quen để đi cùng con, đứng bên con những lúc con cần.
Và tôi sẽ kể về Hà Nội, vì tôi muốn các con yêu Hà Nội thông qua những câu chuyện của bố. Vì Hà Nội có ông bà, có anh chị em của các con, là nơi bố gặp mẹ, là nơi bố luôn mong muốn mọi điều tốt đẹp xảy ra ở đó. Bố lớn lên với một tuổi thơ đẹp nhất, chưa bao giờ bị sự vất vả, khó khăn xung quanh mình làm nghèo đi tuổi thơ của mình.
ĐÊM SINGAPORE NGHE GIÓ MÙA VỀ HÀ NỘI
Ai cũng sẽ tự chọn cho mình một nơi để trở về, dù là những chuyến trở về tinh thần, hay sau những chuyến đi. Người Singapore luôn là những công dân có mặt khắp nơi trên thế giới. Bọn trẻ con nhà tôi hy vọng cũng sẽ là những công dân của một thế giới rộng lớn và cởi mở hơn.
Tôi không bao giờ có thể kể về Việt Nam như cách
Viet Thanh Nguyen, người rời Việt Nam sớm hơn tôi và được giải Pulitzer cho các câu chuyện như
"The Sympathizer" hay "The Refugee". Những đứa con tôi cũng không thể liên hệ bản thân chúng một cách chính xác với tuổi thơ của bố mẹ chúng. Ngoài khoảng cách địa lý - quê hương của bố mẹ chúng ở bên kia bờ biển Đông - còn khoảng cách của không gian và thời gian: Hà Nội không bao giờ còn như xưa nữa, và các con tôi bây giờ là công dân Singapore.
Bách khoa Toàn thư wikipedia định nghĩa quá khứ, hay dĩ vãng, là khái niệm bắt nguồn từ việc con người nhận thức tính tuyến tính của thời gian, quá khứ được xem xét thông qua trí nhớ và hồi tưởng. Nhưng cuộc sống của chúng ta có những điều wiki không thể định nghĩa nổi. Khi kể những câu chuyện về quá khứ, chúng ta như đang nháy chuột vào một Đường dẫn, một hyperlink tới từng trang, từng chương hồi cuộc đời chúng ta.
Nháy vào 1988, và tôi đang là một cậu học sinh Chuyên ngữ hân hoan bước vào ngôi trường mơ ước.
Nháy vào 1998, và tôi là một du khách nước ngoài lần đầu tiên đặt chân lên Singapore, đang ngắm cảnh nhộn nhịp của Orchard Road lúc 2 giờ sáng.
Nháy vào 1978, tôi là một cậu bé 4 tuổi chạy nhảy đuổi chim trong sân trường Chuyên ngữ, đầy nhóc lũ cào cào châu chấu.
Tôi lớn lên ở Hà Nội, cùng Hà Nội như thế nào không còn là những chương hồi của cuộc sống, nó trở thành tham chiếu mà tôi sử dụng hàng ngày. Để tôi quý báu những gì tôi và gia đình tôi đã trải qua và đang có.
Nhưng tôi sẽ tiếp tục kể những câu chuyện của tôi, những ký ức nhẹ nhàng, cho bọn trẻ con, hy vọng một ngày nào đó chúng sẽ nháy vào những đường dẫn ấy, và trở về với miền đất tôi đã từ đó ra đi.
(*) Ảnh trong bài: John Ramsden and friends.