Tôi là người nhập cư. Tôi cũng là con người, là người Mỹ, người Việt Nam, người châu Á, và người tỵ nạn. Tôi không phải chọn lựa giữa những danh tính này, dù có những người khăng khăng rằng tôi phải làm vậy. Ở đầu cực bên này là những người có thiện chí, những người tin vào “sự mù màu” - chứng bệnh duy nhất người Mỹ mong được mắc - và tranh luận rằng chúng ta đều chỉ là con người. Còn ở đầu kia là những người phân biệt chủng tộc, tin rằng một quốc gia chỉ nên được định nghĩa bằng đúng một màu da. Không có màu hay chỉ có một màu! Nếu bạn chỉ được cho hai phương án, hãy nhớ rằng đó chỉ là mẹo lừa. Ngay cả cậu con trai ba tuổi của tôi cũng hiểu điều này. Khi tôi hỏi rằng khi lớn lên con muốn làm Người dơi hay lính cứu hỏa, nó trả lời “
Người dơi và lính cứu hỏa!”. Và tại sao lại không chứ?
Tuổi thơ in đậm dấu ấn của trí tò mò, trò chơi bất tận của trí tưởng tượng và sự coi thường mọi giới hạn. Khi lớn lên, chúng ta học cách tôn trọng một số ranh giới. Nhưng chúng ta cũng cứng lại, mắc bệnh khớp cả trong thể xác và tinh thần. Đâu là sự cân bằng phù hợp giữa niềm tin rằng chúng ta nên khám phá mọi nơi, hấp thu mọi thứ, và suy nghĩ hợp lý rằng hiểm nguy thật sự tồn tại, rằng trên đời có những người lạ thật sự muốn làm hại ta?
Câu hỏi này không có lời đáp, nhưng ta lại luôn phải hỏi để tìm kiếm câu trả lời đúng với mình trong một thời điểm nhất định. Đáng khen cho nước Mỹ, người Mỹ thường xuyên đặt câu hỏi này. Song đáng buồn thay cho quốc gia này, những câu trả lời thỉnh thoảng lại bao gồm việc đóng cửa biên giới, loại trừ những người thuộc một quốc gia hay chủng tộc nhất định, và trục xuất những người có quyền hợp lý để sống ở đây.
“
Có những lúc chúng ta hỏi liệu đây có phải là nước Mỹ thật sự”, nhà văn nhập cư Carlos Bulosan viết trong “Freedom from Want”, bài văn viết năm 1943 cho tờ “Saturday Evening Post”. “
Ngay cả khi ta thấy con cháu mình chịu cảnh nhục nhã, ta vẫn không thể tin rằng nước Mỹ không còn chỗ cho mình”. Bulosan tới từ Philippines, đất nước đã bị Mỹ chiếm từ Tây Ban Nha năm 1898. Thay vì trao trả độc lập cho Philippines, Mỹ quyết định điều khiển nước này, và tiến hành một cuộc chiến đã giết hại hàng trăm nghìn người Philippines. Biến Philippines thành thuộc địa lại gây ra một ngoại lệ nhập cư kỳ quặc. Vì chính phủ Mỹ cai quản Philippines, người dân nước này có thể lách các bộ luật bài trừ vốn đã gần như ngăn chặn người Châu Á nhập cư từ 1882 tới những năm 1950. Với tư cách là đứa con thuộc địa của nước Mỹ, Bulosan đã tới quốc gia này và trở thành một nhà văn nổi tiếng.
Đỉnh cao sự nghiệp của ông là tác phẩm kinh điển viết năm 1946, “America Is in the Heart” (Nước Mỹ ở trong tim). Cuốn sách, như bài viết trên của ông, tìm hiểu làm sao đất nước đã thu nhận ông có lúc dang tay chào đón dân nhập cư và có lúc lại căm ghét họ. Chính tác phẩm và cuộc sống của Bulosan đã thể hiện sự mâu thuẫn đó. Trong bài văn của mình, ông viết: “
Giấc mơ Mỹ chỉ đang bị giấu đi thôi, nó sẽ tìm được đường lên và lớn mạnh trở lại”. Nhưng cuộc đời ông kết thúc bằng cơn ác mộng Mỹ. Ông bị FBI điều tra vì là một nhà hoạt động lao động cộng sản, và mắc chứng nghiện rượu và lao phổi. Ông chết vì bị phơi nhiễm trên bậc thang Tòa thị chính Seattle năm 1956, khi danh tiếng văn chương đã dần tàn lụi. Đây cũng là một câu chuyện của người nhập cư.
Là một nhà văn, và cũng tới từ một đất nước nơi nước Mỹ đã đánh một cuộc chiến đẫm máu, tôi thường hay nghĩ về Carlos Bulosan. Các tác phẩm của ông là một sản phẩm của trí tưởng tượng, kêu gọi người Mỹ tin vào những tư tưởng tốt đẹp nhất của họ, thay vì những hành động xấu xa nhất. Cả hai điều này đều song song tồn tại. Ông nhắc nhở ta rằng một đất nước không có người nhập cư là một đất nước không có trí tưởng tượng, một đất nước mà cuối cùng sẽ rơi vào trì trệ. Nếu không có người nhập cư (và dân tỵ nạn và nô lệ), đất nước của chúng ta sẽ nhạt nhòa và già cỗi hơn bao nhiêu, phải chịu đựng thức ăn tẻ nhạt, âm nhạc chán ngắt và ngôn ngữ cũ rích. Hãy tưởng tượng một nước Mỹ không có nhạc jazz hay salsa, không nhạc rock hay chả giò, không nhạc rap hay món cuốn. Bạn có muốn sống ở đó không?
Hơn hết, hãy tưởng tượng một nước Mỹ không tự do như bây giờ, kể cả nếu bây giờ nó cũng chưa hoàn toàn tự do. Bởi vì đây là điều mà người nhập cư (và dân tị nạn và nô lệ) đã làm được: trong công cuộc đấu tranh tìm chỗ đứng ở đất nước này, họ đã bắt người Mỹ phải đọc lại Hiến pháp của mình, phải công nhận rằng không ai chỉ là 3/5 một con người, phải tin rằng Hoa Kỳ không nên chỉ có người da trắng và không luôn đúng. Vậy nên khi Donald Trump nói ông ta muốn xây một bức tường để cấm cửa người Mexico, người Mỹ gốc Mexico đáp trả bằng cách đập vào những cái
piñata với hình mặt ông ta trên đó.
Ngay cả trước khi Trump có thể xây bức tường đó để cản đường người hàng xóm của chúng ta, ta phải nói, như
Reagan đã nói với Gorbachev: “
Phá bức tường này đi”. Nếu
John F. Kennedy có thể nói với người dân Berlin rằng ông là một trong số họ, thì mọi người Mỹ đều có thể nói vậy với người nhập cư.
Nếu chúng ta muốn trở nên vĩ đại, chúng ta phải tạo và tái tạo nước Mỹ, hết lần này tới lần khác, một công việc lý tưởng dành cho người nhập cư. Số phận của họ chính là số phận của nước Mỹ. Đây cũng là lúc nên nhớ những lời Bulosan đã viết về người nhập cư: “
Chúng ta là tấm gương phản chiếu nước Mỹ… Nếu ta thất bại, nước Mỹ cũng thất bại”. Nhưng ta đang nói về nước Mỹ nào, nước Mỹ của ai?
Nước Mỹ của tôi mở rộng vòng tay với thế giới, chứ không bán vũ khí cho thế giới. Nước Mỹ của tôi có lòng khao khát bao la và sự nhún nhường để tự vấn rằng họ có đúng hay không. Nước Mỹ của tôi nói nhiều ngôn ngữ và biết khi nào nên ngừng nói. Nhưng tôi biết còn tồn tại một nước Mỹ khác, đáng sợ và nguy hiểm hơn. Nếu nước Mỹ đó thắng, thì chúng ta và thế giới sẽ thua.