VĂN HÓA HỘI NHẬP VÀ VẤN ĐỀ BẠO LỰC TẠI CHÂU ÂU

Thứ ba - 26/07/2016 02:52

(NCTG) “Vấn đề với số đông người tỵ nạn là khả năng hòa hợp và sự sẵn lòng hòa hợp với một xã hội mà điểm đến do chính họ lựa chọn, quá thấp. Ngược lại, một cách thực sự không logic, họ kỳ vọng xã hội nơi họ chọn để sinh sống, phải thay đổi phù hợp với họ, đáng tiếc thường với cách giải quyết bằng bạo lực”.

Nước Đức nói chung, thành phố Munich nói riêng đã tiếp nhận một lượng người tỵ nạn khổng lồ - Ảnh: itv.com

Nước Đức nói chung, thành phố Munich nói riêng đã tiếp nhận một lượng người tỵ nạn khổng lồ - Ảnh: itv.com

thông dịch viên cho Sở Di trú, Cảnh sát và Tòa án tại Munich, trong bài viết này tôi muốn chia sẻ những trải nghiệm trong môi trường làm việc với người tỵ nạn đến từ những vùng đang xảy ra chiến tranh, đặc biệt là với người theo đạo Hồi từ Trung Cận Đông và từ Châu Phi, cũng như sự cố gắng của Nhà nước Đức trong việc giúp đỡ họ có một nơi trú chân tạm thời cũng như lâu dài.

Mục đích của bài viết là minh bạch hóa thông tin qua những trải nghiệm thực tế, giúp xóa đi ác cảm và tạo nên sự hiểu biết, thông cảm cần thiết cho xu hướng toàn cầu hóa.

Quá tải người tỵ nạn

Từ năm ngoái, thành phố Munich đã trả tiền thuê khách sạn và nhà trọ làm nơi cho người tỵ nạn cư trú tạm thời, vì lượng người tỵ nạn tăng đến mức chóng mặt vào mùa hè, với một tháng đỉnh điểm gần 170 ngàn người đăng ký tỵ nạn, chưa tính tới con số sống chui lủi không đăng ký.

Thành phố Munich với dân số nội và ngoại vi khoảng 1,5 triệu dân, luôn trực diện với vấn đề nhà ở cấp bách bởi lượng dân cư chuyển đến luôn tăng, không có đủ chỗ ở do nhà nước quản lý để cấp cho tỵ nạn. Những người này ngoài nhà ở còn được cấp một khoản tiền nhất ̣định để chi trả chi phí hàng ngày, cộng thêm tiền giặt quần áo vì ở khách sạn không có máy giặt cá nhân. Mọi chi phí khám chữa bệnh đều được nhà nước trả.

Số tiền dự tính chi phí cho vấn đề tỵ nạn tại Đức năm 2016 là 13 tỉ Euro. Khả năng lớn là không đủ.

Để có được thu nhập đủ chi trả cuộc sống đắt đỏ ở Munich, một người lao động bình thường phải làm việc trung bình 40 tiếng, đóng thuế để nhà nước làm những việc về phúc lợi xã hội, trong đó có trợ cấp vấn đề tỵ nạn, và không được nhận một khoản trợ cấp nào từ chính phủ.

Ngoại kiều: công việc nặng nhọc

Sáng thứ Hai hàng tuần đến văn phòng, điều đầu tiên đập vào mắt tôi là dòng nười tỵ nạn đứng xếp hàng dài trước cổng Sở Di trú chờ phát tiền, bất kể mùa đông hay mùa hè. Tôi luôn sử dụng lối đi riêng cho nhân viên để tránh những cặp mắt dò xét của hàng trăm người tỵ nạn, phần lớn là đàn ông, cũng như để không phải bắt đầu một tuần làm việc mới với việc nhìn thấy hoàn cảnh đau thương của họ.

Vào văn phòng, nhìn những đồng nghiệp cố gắng giải quyết từng trường hợp tỵ nạn, mỗi người một cảnh, mỗi người một kỳ vọng khác nhau, tôi luôn khâm phục khả năng làm việc quá tải, cùng sự kiên nhẫn và độ lượng của họ.

Để làm tốt công việc của mình, các thông dịch viên cần có kiến thức nhất định về ngôn ngữ, văn hóa, tính cách dân tộc cũng như tâm lý con người, sự thông cảm cần thiết cho hoàn cảnh của người cần trợ giúp, nhưng cũng cần sự cứng rắn nhất thiết để chấm dứt một cuộc tranh cãi vô bổ mà kết cục của nó, nhẹ là sự đe dọa nhân viên giải quyết hồ sơ, nặng là bạo lực xảy ra.

Nhất là, người thông dịch viên luôn phải giữ được bình tĩnh và trạng thái tâm lý cân bằng, bất kể cuộc sống cá nhân của họ lúc đó ra sao. Đặc biệt, thông dịch viên có trách nhiệm truyền tải sự thật, không được thiên vị và không nhất thiết phải bày tỏ quan điểm cá nhân trong quá trình làm việc, trừ khi họ có cảm nhận một điều gì đó không ổn trong quá trình phiên dịch.

Vấn nạn của người tỵ nạn: hình dung thiếu thực tế

Tôi đến Đức khi còn khá trẻ, hoàn toàn không có ác cảm với người dân từ bất cứ quốc gia nào. Tôi có thể tin tưởng vào cảm nhận của mình bởi nó được hình thành từ kinh nghiệm sống và làm việc với môi trường đa quốc gia. Điều này mang đến cho tôi nhiều trải nghiệm phong phú trong cuộc sống cũng như làm cho nó phong phú hơn.

Qua công việc thông dịch, tôi rút ra kết luận, người tỵ nạn hiện nay tại Đức, bất kể nguồn gốc từ Trung Đông hay Châu Phi, phần nhiều là người theo Hồi giáo, có một sự hình dung thiếu thực tế về việc tỵ nạn tại nước Đức. Có thể hiểu được điều này khi họ không thực sự có điều kiện tiếp xúc với thông tin và sự thật. 

Ở những nước họ sống, vì thiếu dân chủ nên không tồn tại luồng thông tin đa chiều, nên bất cứ thông tin gì cũng khó kiểm tra. Có thể những đường dây đưa người vượt biên cũng tâng bốc thêm về “thiên đường Phương Tây”, nên rất nhiều người tỵ nạn có cảm giác thất vọng sau khi đặt chân đến miền đất hứa, nơi mà họ đã chấp nhận đánh đổi toàn bộ cuộc sống thậm chí cả sinh mạng để được chạm chân tới nó.

Đã rất nhiều lần tôi nhìn gặp ánh mắt và những lời nói thất vọng của người được trợ giúp: “Chỉ bấy nhiêu thôi ư? Sao ít thế?”. Thường là những câu hỏi được đặt ra khi họ nhận được những đồng tiền trợ giúp. Họ không hiểu rằng, việc trợ giúp này chỉ nhằm mục đích giúp cho họ tồn tại trong sự an toàn, điều mà nước Đức muốn đảm bảo cho những người chạy trốn khỏi nơi có chiến tranh.

Với tiền trợ giúp, chưa bao giờ có tiền lệ là người ta có thể sống dư giả sung túc với nó. Dù với mỗi cá nhân, số tiền này là ít ỏi, nhưng so với số người tỵ nạn vào Đức năm trước và năm nay là hơn 1 triệu người, và từ bao năm nay nữa, nước Đức đã phải chi một khoản rất lớn từ tiền thuế của cư dân cho vấn đề này.

Đa phần người tỵ nạn còn muốn bắt đầu tức thì cuộc sống mới, muốn đi học và đi làm ngay, và rất thất vọng khi nhận ra rằng khi chưa chính thức được công nhận tỵ nạn, họ vẫn phải chờ đợi và cư trú trong trại tỵ nạn. Đây cũng là một vấn đề gây ảnh hưởng nhiều khi tồi tệ đến tâm lý và cách hành xử của họ.

May thay, Nhà nước Đức đã huy động rất nhiều cộng tác viên là giáo viên tiếng Đức, nhà tâm lý học cũng như người làm công tác giáo dục quan tâm, chăm sóc miễn phí người tỵ nạn trong trại. Đây là một nét rất nhân bản của nước Đức.

Sự giúp đỡ chưa được tri ân thỏa đáng

Cũng như người định cư tại Đức nói chung, người tỵ nạn có con nhỏ được đặc biệt ưu đãi về nhà ở và chăm sóc giáo dục trẻ em.

Về nhà ở, như đã nói ở trên, là vấn đề rất khó khăn ở Munich. Thiếu rất nhiều chỗ gửi trẻ để bố mẹ có thể tiếp tục đi làm, nhiều gia đình trong đó bố mẹ là trí thức có trình độ chuyên môn cao, một người phải nghỉ việc để chăm sóc con vì nhà nước không cung cấp đủ chỗ gửi trẻ mẫu giáo hay chăm sóc sau giờ học ở trường.

Trong khi đó, nhà nước dành một số lượng chỗ nhất định cho con cái người tỵ nạn, hay lớp học tiếng cho họ có người chăm con trong giờ học. Điều này cũng khiến công dân Đức - những người trực tiếp đóng thuế để nuôi dưỡng sự tồn tại của chế độ xã hội - có ít nhiều bất bình, mặc dầu với dân trí khá cao, họ không thể hiện trực tiếp bằng những hành động vô văn hóa.

Tuy nhiên, những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Đức có tận dụng điều này hòng đánh thức sự ích kỷ trong mỗi cá nhân.

Những người được trợ giúp có biết quý trọng sự giúp đỡ và cảm thông này không? Họ đã tận dụng sự trợ giúp này để củng cố cuộc sống của họ ra sao?
 
Sự hàm ơn đất nước đã chứa chở mình không có ở nhiều người tỵ nạn - Ảnh: thejournal.ie
Sự hàm ơn đất nước đã chứa chở mình không có ở nhiều người tỵ nạn - Ảnh: thejournal.ie

Kinh nghiệm của tôi là rất ít người thực sự biết quý trọng điều này. Phần đông vẫn cho rằng, sự giúp đỡ là chưa đủ, họ vẫn bị thiệt thòi… Và quan trọng hơn nữa, khả năng hòa hợp và sự sẵn lòng hòa hợp với một xã hội mà điểm đến do chính họ lựa chọn, quá thấp. Ngược lại, một cách thực sự không logic, họ kỳ vọng xã hội nơi họ chọn để sinh sống, phải thay đổi phù hợp với họ, đáng tiếc thường với cách giải quyết bằng bạo lực.

Điều này đúng, không những với người tỵ nạn, mà với cả dân nước ngoài định cư tại Đức, trong đó có người Việt, tất nhiên với những bản sắc dân tộc và đặc thù riêng. Điều này khi có điều kiện tôi sẽ đề cập sau.

Xung đột văn hóa và sự thiếu vắng của nỗ lực hội nhập

Trong buổi tư vấn một gia đình da màu đến từ Ghana, các chuyên gia giáo dục thông báo cho bố mẹ ba cháu nhỏ rằng việc đánh trẻ em bị pháp luật nước Đức cấm. Tôi rất mừng vì họ đã thẳng thắn nói chuyện này, bởi đã phải thông dịch cho nhiều gia đình, trong đó có cả người Việt, về vấn đề bạo lực với trẻ em, rất tiếc sau khi chuyện đã xảy ra.

Câu trả lời của người cha: “Chúng tôi là người đạo Hồi, chúng tôi đến từ Châu Phi. Văn hóa của chúng tôi khác”.

Nhà sư phạm học tỏ ra kiên nhẫn: “Chúng tôi có thể hiểu một phần về sự khác biệt giữa hai nền văn hóa, nhưng đây là điều pháp luật cấm. Mặt khác, bạo lực sản sinh ra bạo lực, đứa trẻ lớn lên sẽ bị ảnh hưởng tâm lý rất lớn bởi sự bạo hành”.

Vậy ông sẽ làm gì khi ông nói nó không nghe?” - người cha sẵng giọng.

Nếu ông cần tư vấn chuyên nghiệp về vấn đề này, chúng tôi sẵn sàng giúp ông”.

Nhưng…” - người cha tiếp tục.

Sau nửa tiếng đôi co, tôi nói với mấy nhà chuyên môn người Đức: “Các ông bà không tin rằng chúng ta có thể thuyết phục họ không đánh con, chỉ trong buổi nói chuyện hôm nay chứ? Ông ta đã trưởng thành, các ngài đã thông báo cho ông ta về cơ sở pháp lý tại nước Đức về việc này. Ông ta có muốn chấp thuận hay không là do chính ông ta chịu trách nhiệm”.

Vâng, bà nói đúng. Chúng ta đã làm hết trách nhiệm. Chỉ tội những đứa trẻ” - họ đáp.

Trong khuôn khổ trợ giúp những gia đình tỵ nạn có con nhỏ nhằm giúp họ duy trì cuộc sống tự lập, tôi thường đi cùng một người làm công tác xã hội tới tận nhà, giúp họ kiểm tra hóa đơn tài chính, phần nhiều là nợ nần quá hạn không trả, giải quyết thư từ tồn đọng và quan trọng nhất là quan sát cuộc sống của các cháu bé nhằm giúp đỡ chúng phát triển tốt.

Tôi khâm phục sự kiên nhẫn của bà đồng nghiệp làm công tác xã hội, bao lần hẹn mà người cần trợ giúp quên, để cả tôi lẫn bà phải ra về không công, bao lần những giấy tờ bà yêu cầu và thư từ trao đổi không được giao nộp như quy định, nhưng nếu vì vậy mà tiền trợ cấp bị cắt giảm, bởi chính người nhận trợ cấp không thực hiện nghiêm túc quy định, thì nhà nước Đức và các cơ quan chính quyền lại bị họ lôi ra chửi một cách tàn tệ.

Và thế là bà đồng nghiệp lại phải bắt đầu đặt đơn xin trợ giúp lại từ đầu. Giúp họ.

Một câu chuyện khác. Một thanh niên da đen xin trợ cấp hồi hương về đảo Síp tại Sở Di trú. Tôi hỏi cậu quốc tịch gì, bởi đảo Síp thuộc Cộng đồng chung Châu Âu nên không có trợ cấp hồi hương. Cậu chìa ra một tờ giấy và nói “mày đọc sẽ biết”. Tôi lướt qua và hiểu rằng đó là giấy xin trợ cấp tỵ nạn. Tôi nói, trên giấy đó không ghi quốc tịch của cậu. Nếu cậu không trả lời, tôi e rằng chúng tôi sẽ không giúp cậu được.

Cậu ta nổi đóa và bắt đầu quát tháo, “chúng mày có biết tao không có nhà ở, không có tiền ăn, không có tiền điện thoại...”. Tôi vẫn ôn tồn, nhưng nếu anh không cho tôi biết quốc tịch, tôi không thể chỉ cho anh đến đúng phòng ban được…”. “Công việc của mày, mày phải làm”, cậu ta bắt đầu chửi bới.

Với tất cả sự thông cảm cho hoàn cảnh của cậu ta, nhưng không chấp nhận thái độ đó, cũng như sợ mọi sự sẽ đi xa hơn, tôi đã yêu cầu người bảo vệ đưa cậu ta ra ngoài. Chắc chắn, cậu thanh niên sẽ cảm thấy rất bất hạnh và bất công khi bị đối xử như vậy. Nhưng tôi không có cách lựa chọn nào khác.

Khác biệt văn hóa và trách nhiệm của giới chính khách

Với những câu chuyện trên, tôi muốn nói lên sự khác biệt giữa cách suy nghĩ, hành động mà nguyên nhân của nó là sự khác biệt giữa các nền văn hóa, tín ngưỡng, dẫn đến tính cách dân tộc. Đây chỉ là một vấn đề rất nhỏ trong những thử thách mà nước Đức nói riêng, Phương Tây nói chung và người nhập cư phải đối mặt.

Với tôi, những nguyên nhân tưởng chừng như nhỏ nhặt vậy, chính là nguồn căn của những bất đồng đến kịch điểm trong xã hội hiện nay. Khi đứa trẻ sống trong môi trường bạo lực gia đình từ nhỏ, sử dụng bạo lực trong cuộc sống sau này với nó là một chuyện không có gì mới mẻ.

Với những người tới Đức xin tỵ nạn, tôi muốn nhắn nhủ rằng, khi bạn chọn một đất nước khác để sinh sống nhưng không sẵn lòng tuân thủ những luật lệ do nhà nước này quy định, không tôn trọng những giá trị tồn tại trong xã hội đó, nhưng ngược lại muốn họ phải tôn trọng những giá trị của mình cho là đúng, thì mâu thuẫn xảy ra là điều không tránh khỏi.

Nếu bạn không có khả năng suy nghĩ và lập luận logic, bạn rất dễ cho rằng bạn bị đối xử không công bằng. Và bạn có xu hướng dùng bạo lực để đáp lại nó, bởi với bạn, sử dụng bạo lực là chuyện bình thường.

Nếu bạn không thích ở đây, bạn có thể quay về nơi bạn đã ra đi, hay đi tiếp đến nơi khác. Không ai ép bạn phải ở lại đây, cũng như không có lý do gì bào chữa cho việc thay vì biết ơn sự giúp đỡ mà đất nước nơi bạn lựa chọn đã cho bạn, và cố gắng hòa mình với nó, bạn lại quay ra tàn phá cuộc sống và giết hại người dân nơi đây, chỉ vì họ không làm theo ý bạn, hay sống khác với bạn.
 
“Một miếng khi đói”, điều người tỵ nạn cần ghi nhớ - Ảnh: Matthias Schrader (AP)
“Một miếng khi đói”, điều người tỵ nạn cần ghi nhớ - Ảnh: Matthias Schrader (AP)

Điều này lý giải tại những hiện tượng cực đoan gần đây tại Phương Tây, nhiều người có nguồn gốc nhập cư hay tỵ nạn vốn sống trong xã hội văn minh nhưng không có khả năng thụ hưởng những điều tốt đẹp trong đó, mà ngược lại còn muốn tàn phá nó.

Recep Tayyip Erdoğan, nguyên thủ quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ, trong một chuyến thăm nước Đức cách đây vài năm, đã kêu gọi dân Thổ tại Đức giữ gìn văn hóa truyền thống của họ tại nước ngoài, thay vì khuyến khích họ hoà nhập. Và yêu cầu nhà nước Đức cho phép mở trường đại học của Thổ tại Đức. Vậy sao ông không cho người Kurd mở trường đại học tại nước ông trước đi?

Tôi thực sự muốn biết ông sẽ cư xử ra sao nếu bà Angela Merkel cũng làm như vậy khi đến thăm Thổ, hay ví dụ còn yêu cầu xây dựng nhà thờ Thiên Chúa giáo tại Thổ, khi mà nhà thờ đạo Hồi đã có khắp nơi tại Đức?

Chừng nào còn có những người lãnh đạo thiếu tầm nhìn lớn và đa chiều, như Erdogan và những nhà lãnh đạo tài phiệt khác, chừng đó dân lành vô tội sẽ còn đổ máu. Bởi ai biết được con dân của những nước này sẽ nhận được thông tin gì về cuộc sống ở phương Tây? Và ai sẽ dạy họ biết chịu trách nhiệm trước việc làm của họ thay vì chỉ trông chờ người khác mang lại cho mình những điều mong muốn, và rồi lại đổ lỗi cho họ?

Thu Dương, từ München (CHLB Đức)


 
 Từ khóa: người tỵ nạn, Munich
Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 4.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn