(NCTG “Tại đoàn chúng ta chưa có VĐV nào gặp chấn thương thật sự nghiêm trọng nên các vị còn xem thường đó thôi. Giả sử như có VĐV nào gặp trường hợp gãy chân như VĐV của Pháp, thử hỏi các bác sĩ Việt Nam sẽ làm gì?”.
Văn Ngọc Tú, được coi là Nữ hoàng Judo Đông Nam Á, tham dự Thế vận hội Rio mà không hề có HLV hay chuyên gia đi cùng
Đoàn thể thao Việt Nam đến Olympics Rio 2016 gồm 50 thành viên, trong đó có 23 VĐV trực tiếp tham dự thi đấu, còn lại là 27 người chủ yếu là quan chức đi để “quản lý”. Hôm nay, sau khi nghe ý kiến phản hồi từ phía lãnh đạo đoàn, xin được mạn phép ngỏ đôi lời cùng các vị.
Olympics là đấu trường thể thao đỉnh cao hàng đầu, các VĐV muốn tranh giành huy chương đòi hỏi sự đầu tư trọng điểm trong thời gian dài và tốn kém kinh phí rất lớn. Đất nước mình còn nghèo, cái gì cũng không bằng người khác, thành tích kém hơn thì cũng đành chịu.
Mà vấn đề đâu chỉ có vậy, vé đi Olympics chỉ được duyệt có 50 suất, thế mà quan chức kéo nguyên một đám người đi theo, cứ tưởng như đi cuộc họp chính trị, chả ra thể thống gì.
Tôi không tưởng tượng được một đoàn có 23 VĐV mà chỉ có 3 bác sĩ đi cùng, không có đến một bác sĩ tâm lý??? Đến giờ tôi cũng không hiểu tại sao Hoàng Xuân Vinh đoạt nổi 1 vàng 1 bạc với điều kiện như thế. Điều này tôi nghĩ sẽ không bao giờ lặp lại nếu thể thao Việt Nam cứ đi theo lối mòn hiện nay.
Nguyễn Tiến Minh, VĐV cầu lông số 1 Việt Nam trong nhiều năm liền, có lúc vươn lên vị trí thứ 5 trên bảng tổng sắp những tay vợt hàng đầu thế giới. Chúng ta đều biết đẳng cấp mà Nguyễn Tiến Minh đạt được đều là do nỗ lực cá nhân và sự đầu tư của gia đình là chính. Nhìn gương mặt anh tôi thương lắm, anh giống chú ong cặm cụi, đi thi đấu hết giải này đến giải khác để tích góp điểm nhằm cải thiện thành tích từng bước một.
Thế mà trong đợt Olympics này, Nguyễn Tiến Minh cùng đồng đội là Vũ Thị Trang không có HLV đi cùng. Người theo “hỗ trợ” họ là Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao II Nguyễn Trọng Hổ, là cựu HLV… điền kinh.
Và đây là cách giải thích của lãnh đạo đoàn, theo dantri.com.vn: “Việc hai tay vợt hàng đầu Việt Nam này không có HLV theo đến Olympics là do họ ở trình độ cao, không có HLV trong nước có đủ chuyên môn đáp ứng trong các buổi tập, thi đấu. Lý giải này cũng có thể chấp nhận được bởi từ trước tới nay, Tiến Minh vẫn thường ra nước ngoài thi đấu một mình”.
Tôi không biết các bạn thấy cách lý giải này “được” ở chỗ nào, tôi nghe chỉ muốn chửi thề. Mỗi lần Tiến Minh đạt thành tích cao, báo chí nước nhà đăng rầm rộ, mấy ông lãnh đạo thể thao lên truyền hình nhận hết vinh dự, cho Tiến Minh có mấy giây phỏng vấn, mấy chục triệu bạc tiền thưởng không biết có đủ để anh mua giày thi đấu không nữa. Vậy mà một HLV cũng không kiếm được cho gà nhà thì làm lãnh đạo làm gì?
Đã vậy còn thế vào đó một suất đi đến Olympics bằng một HLV điền kinh, người HLV đó biết cách chạy nhảy chứ làm sao biết cách cầm vợt đánh cái cầu được làm từ lông chim lông gà hở trời? Lòng tự trọng của các vị ở đâu?
Trường hợp của Văn Ngọc Tú tôi thấy còn đáng thương hơn. Văn Ngọc Tú là niềm tự hào của bộ môn Judo Việt Nam trên đấu trường SEA Games, nhưng ở đấu trường Olympics thì cô vẫn còn nhỏ bé lắm.
Ở những bộ môn đối kháng, không thể thiếu hai người: HLV riêng, bác sĩ chăm sóc chữa trị chấn thương, ngoài ra cũng cần bác sĩ tâm lý nếu đủ điều kiện.
Mấy người làm lãnh đạo ác thì ác vừa thôi. Người ta tuy chơi Judo nhưng dù sao cũng là con gái, HLV kề vai sát cánh giống như cha như mẹ. Không có là xem như mất hết 50% cơ hội chiến thắng chứ không giỡn. Lẻ loi như vậy mà Tú vẫn giành được một chiến thắng, theo tôi là rất đáng khen.
Nói tiếp chuyện bác sĩ, bà Nguyễn Thu Sâm với tư cách cán bộ báo chí đi theo đoàn đã viết trên Facebook: “Trên thực tế, lịch thi đấu của các đội tuyển hầu như không trùng khớp nên các bác sĩ đã đảm bảo tốt việc chăm sóc, hồi phục chấn thương cho VĐV”.
Các bạn nghe có thấy buồn cười không ạ? Điều đó có nghĩa là việc chăm sóc, hồi phục chấn thương cho VĐV Việt Nam phụ thuộc vào lịch thi đấu của Ban tổ chức. May mắn nó không trùng, chứ nếu nó trùng thì sao, thưa bà Sâm?
Phát ngôn kiểu này tôi cho rằng là để cho xong chuyện và vô cùng thiếu lý lẽ. Cái gì đã sai, kỳ đại hội này thôi đã lỡ vậy rồi thì kỳ sau sẽ làm việc chuyên nghiệp hơn. Mong rằng lãnh đạo đoàn sẽ để ý và đầu tư nhiều hơn về vấn đề này bởi nó thật sự quan trọng chứ “không phải dạng vừa đâu”.
Tại đoàn chúng ta chưa có VĐV nào gặp chấn thương thật sự nghiêm trọng nên các vị còn xem thường đó thôi. Giả sử như có VĐV nào gặp trường hợp gãy chân như VĐV của Pháp, thử hỏi các bác sĩ Việt Nam sẽ làm gì?
Chuyện khác. Những người làm gameshows trên truyền hình cho tôi biết, số tiền mà bạn giành chiến thắng không bao giờ bằng với số tiền bạn nhận được trên thực tế. Hiện tại, tôi thấy Hoàng Xuân Vinh được rất nhiều đơn vị hứa sẽ trọng thưởng. Nhà nước có, tư nhân có, số tiền đã lên đến nhiều tỉ.
Tuy không muốn là người nhiều chuyện trong vấn đề tiền bạc, nhưng tôi cũng “chúc” Hoàng Xuân Vinh nhận đủ số tiền mà các vị lãnh đạo đã hứa thưởng cho anh. Nếu không, “có tiếng mà không có miếng” thì chỉ có anh thiệt mà thôi.
Hẹn gặp lại các vị ở kỳ Olympics lần sau, nhớ đi đầy đủ nhé.
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...