BURKINI KHÔNG CẦN PHẢI CẤM

Thứ năm - 18/08/2016 18:04

(NCTG) “Xã hội đa chủng tộc, đa văn hóa không phải là một melting pot (một nồi “lẩu” hòa tan mọi thứ văn hóa lại với nhau), mà là salad bowl (đĩa xà lách trộn mà trong đó các “thành phần” vẫn giữ lại được các đặc điểm và giá trị văn hóa riêng biệt của mình)”.

Một phụ nữ trẻ người Thổ mặc burkini tại một bể tắm ngoài trời. Có nên cấm? - Ảnh: politico.eu

Một phụ nữ trẻ người Thổ mặc burkini tại một bể tắm ngoài trời. Có nên cấm? - Ảnh: politico.eu

Nhân câu chuyện nhiều nơi ở Châu Âu đã và đang chủ trương cấm burkini, trang phục tắm truyền thống của phụ nữ Hồi giáo tại các bãi tắm, tôi cảm thấy thế này.

1. Tôi không ủng hộ burqa (loại áo dài trùm đầu, phía trước có tấm lưới dày che mặt) lẫn niqab (vải che kín phần mặt, chỉ để hở mắt), chủ yếu vì lý do an ninh, đặc biệt trong thời điểm hiện nay.

Riêng ở Na Uy nơi tôi sinh sống, luật pháp không cấm hai loại trang phục này, nhưng trường học không cho phép mặc burqa hay niqab vì che kín mít mặt mũi, không biết ai ra ai, chẳng biết có người này đi học hoặc đi thi thay người khác không.

2. Tuy nhiên, so với burqa và niqab, burkini theo tôi chẳng ảnh hưởng gì đến ai. Một số người có thể thấy phản cảm hoặc lạ mắt, nhưng không muốn thì đừng mặc, không thích thì đừng nhìn, nó chẳng gây hại gì đến ai cả.

3. Về chuyện nữ quyền và bình đẳng giới, có nhiều phụ nữ mặc burkini do quyết định của riêng họ, chứ không phải, không hẳn nhất thiết là do patriarchy (một chế độ xã hội mà nam giới có quyền quyết định và áp đặt tất cả lên nữ giới).

Cấm burkini là tước đi quyền lựa chọn của họ.

Qua những người Hồi giáo tôi có dịp tiếp xúc, tôi cho rằng trong khá nhiều vấn đề, dân Hồi giáo có suy nghĩ rất khác với phần còn lại của thế giới, nếu không nói là có một hệ thống quy chiếu và cách nhìn nhiều thứ rất khác.

Người ngoài có thể coi họ cổ hủ và lệch lạc, nhưng họ có cách nghĩ khác, hệ giá trị khác, và bản thân nhiều người chủ động muốn mặc burkini. Có thể cấm burkini nhân danh nữ quyền, nhưng thế không có nghĩa là giải phóng họ.

4. Một lập luận khác chống burkini là “nhập gia tùy tục”, nhưng một xã hội tự do là xã hội tôn trọng sự khác biệt, tôn trọng tự do cá nhân, khi nó không ảnh hưởng đến người khác.

Tôi công nhận người Hồi giáo từ khu vực Trung Đông và Nam Á, so với dân Đông Á và Đông Nam Á chẳng hạn, rất hay đòi hỏi, áp đặt giá trị của tôn giáo hoặc văn hóa mình lên nước khác và tìm cách thay đổi xã hội họ đang sống.

Khi xã hội có quá nhiều sắc dân từ nhiều nền văn hóa khác nhau cùng chung sống, người ta cần sự thỏa hiệp. Tuy nhiên, cái quan trọng khi xem xét để cấm đoán là một hành động có xúc phạm hoặc gây hại gì cho người khác hay không.

Ví dụ, cách đây vài năm ở Thụy Điển, một ông Hồi giáo từ chối bắt tay sếp của mình vì không chạm vào phụ nữ, rồi sau đó kiện ngược lại khi bị đuổi việc, viện cớ nước sở tại không tôn trọng phong tục Hồi giáo.

Suy nghĩ như thế theo tôi là sai, ông nọ vừa không tôn trọng văn hóa Phương Tây vừa không tôn trọng phụ nữ (không bắt tay ảnh hưởng đến người khác theo nghĩa nó là sự xúc phạm với người phụ nữ kia).

Nhưng chuyện mặc burkini, tôi chẳng thấy nó tác động gì đến người khác, vậy tại sao phải cấm?

Xã hội đa chủng tộc, đa văn hóa không phải là một melting pot (một nồi “lẩu” hòa tan mọi thứ văn hóa lại với nhau), mà là salad bowl (đĩa xà lách trộn mà trong đó các “thành phần” vẫn giữ lại được các đặc điểm và giá trị văn hóa riêng biệt của mình).

5. Riêng lập luận người Tây phương sang mấy xứ Hồi giáo không được mặc bikini, theo tôi cần suy nghĩ theo hai ý.

Thứ nhất, bikini bị coi là đi ngược lại với nguyên tắc và giá trị đạo đức của người Hồi giáo (đồng ý hay không là chuyện khác), còn burkini xét kỹ không đi ngược lại với giá trị gì cả (ngoài chuyện bình đẳng giới, nhưng như đã nói ở trên, nhiều phụ nữ mặc vì họ muốn mặc, chứ không phải vì bị bắt ép).

Thứ hai, các nước Hồi giáo dù sao cũng chẳng phải là xứ tự do, so sánh như thế theo tôi là không cần thiết và có phần khập khiễng. 

Tóm lại, theo tôi burkini không cần phải cấm.

Di Nguyen, từ Oslo (Na Uy)


 
 Từ khóa: Hồi giáo, burkini
Tổng số điểm của bài viết là: 12 trong 3 đánh giá
Xếp hạng: 4 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn