Một người bạn đồng môn của tôi, PGS. TS. Đoàn Lê Giang vừa được báo chí trích dẫn
đề xuất dạy chữ Hán trong trường phổ thông với mục đích phát triển và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong bối cảnh tiếng Việt đang trên đà “
sụp đổ” và thanh niên Việt hiện “
vong bản ngay trên đất nước mình” do không biết Hán - Nôm.
Với cách diễn đạt mạnh mẽ như thế, dễ hiểu là ý kiến của anh gặp phải nhiều chỉ trích gay gắt. Cá nhân tôi hiểu và ít nhiều ủng hộ ý kiến của Đoàn Lê Giang, nhưng quả thật nếu chỉ để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt thì có lẽ không cần học chữ Hán.
Tôi, ví dụ thế, vốn không biết một chữ Hán nào (mới đây có đua đòi học đâu cỡ trăm chữ, nhưng “chữ thầy trả thầy” cả rồi), lại học ngoại ngữ là tiếng Anh và lấy tiếng Anh làm nghề, nhưng vì học tiếng Việt một cách kỹ lưỡng từ hồi bé, nên tôi không đến nỗi dùng sai tiếng Việt (và khi viết tiếng Việt thì thường được khen).
Tất nhiên, biết thêm chữ Hán thì tốt, vì kiến thức bao giờ cũng cần thiết, nhưng nếu phải lựa chọn ưu tiên thì tôi không thấy việc dạy chữ Hán là quá cần thiết, mà chỉ cần dạy tiếng Việt cho đàng hoàng thôi!
Trở lại đề xuất của Đoàn Lê Giang, tôi nghĩ, phải chăng bạn tôi đã có ít nhiều lẫn lộn.
Thiết nghĩ, nếu muốn giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt thì hãy học tiếng Việt cho đàng hoàng và sử dụng cho cẩn thận, chứ tại sao lại phải học CHỮ Hán? Học tiếng Việt là học cả những từ gốc Hán trong tiếng Việt, đã được phiên âm sang cách đọc Hán - Việt và giờ đây đã hoàn toàn là một bộ phận của tiếng Việt rồi, thì cần gì phải biết mặt CHỮ Hán để làm gì?
Những ví dụ về cái sai như “
điểm yếu” và “
yếu điểm”, tôi thấy chỉ cần giải thích cho kỹ và sử dụng cẩn thận một chút là ai cũng có thể tránh được mà chẳng cần phải biết viết chữ tượng hình, rồi học
bộ nọ
bộ kia để viết ra được chữ “
yếu” trong tiếng Hán. Chỉ cần nhận ra nghĩa của các từ tố gốc Hán trong tiếng Việt là đủ rồi, như người Anh nhận ra nghĩa của các từ tố gốc La Tinh trong vốn từ vựng tiếng Anh mà họ sử dụng thôi. Người nói tiếng Anh đa số đều biết
typhoon vốn là từ “
đại phong”, gió lớn, trong tiếng Hán/Hoa, mà họ đâu có cần biết mặt CHỮ Hán của hai từ “
đại” và “
phong” đâu nhỉ?
Còn việc học chữ Hán để đọc được hoành phi, câu đối, văn bản Nôm hoặc Hán do ông cha ta sáng tác và để lại, đó lại là một việc khác, và nó mang tính hàn lâm hoặc chuyên ngành, không thể là việc đại trà. Dạy vài trăm chữ Hán mà không dùng thì chắc chắn quên; vậy muốn nhớ thì phải làm sao, khi người Việt không dùng Hán tự nữa? Chẳng lẽ phải dùng Hán tự trên bảng hiệu, tên đường phố, v.v... như ở Nhật hay sao? Không thể so sánh tiếng Việt với tiếng Nhật được; người Nhật học mấy ngàn chữ Hán không có gì là khó, vì Nhật sử dụng luôn Hán tự trong chữ viết của họ. Còn ở Việt Nam, nếu muốn không quên những chữ Hán mà mình đã học thì chỉ còn cách là... học tiếp tiếng Hoa (tiếng Trung) luôn cho rồi!
Vậy đấy. Tóm lại, mục tiêu của việc học chữ Hán trong trường phổ thông là gì, biết chữ Hán để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt (?), hay biết Hán tự để có thể đọc sách cổ, hoành phi, câu đối; hay là để biết tiếng Trung như một ngoại ngữ? Lẫn lộn quá, bạn tôi ơi!