Đầu năm nay, các quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Nga như bà M. Zakharova, đến tận Bộ trưởng S. Lavrov đều phát biểu về lập trường của nước này trước những tranh chấp ở Biển Đông.
Mới đây nhất, ngày 5-9 tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 tổ chức ở Hàng Châu, Tổng thống V. Putin cũng
tuyên bố “Nga ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong việc không công nhận phán quyết của Tòa” (PCA, Tòa Trọng tài Thường trực tại Hague trong vụ kiện biển đảo của Philippines).
Căn cứ vào sự nhất quán trước sau như một về đối ngoại của Nga đối với “
đối tác hay đồng minh Trung Quốc” và “
vấn đề Biển Đông”, tuyên bố này của ông Putin giống như một sự trả nợ.
Hơn hai năm trước, khi Nga
“sáp nhập” bán đảo Crimea của Ukraine, nhiều nước lên tiếng phản đối thì tại Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc đã
quyết định bỏ phiếu trắng dự thảo nghị quyết không thừa nhận kết quả trưng cầu dân ý ly khai của Cộng hòa tự trị Crimea. Dự thảo nghị quyết này do Mỹ đề xuất, với nội dung lên án việc “sáp nhập” bán đảo và sau đó tổ chức trưng cầu dân ý tại Cremea là bất hợp pháp.
Ở vị thế Trung Quốc trong thời điểm đó, là một trong năm ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an, bỏ phiếu trắng không khác gì hành động ủng hộ Nga.
Họ chỉ thiếu có mỗi việc ủng hộ Nga ra mặt - con dao hai lưỡi vì chính nội bộ nước này luôn luôn phải đối mặt với nguy cơ của chủ nghĩa li khai. Tân Cương, Tây Tạng, Nội Mông sẵn sàng bất ổn bất cứ lúc nào và điều đó không thể đúng với tư tưởng Đại Hán tham lam về lãnh thổ đã tồn tại ngàn đời được.
Biển Đông có vẻ yên ả ngay sau phán quyết của Tòa, đã bắt đầu dậy sóng trở lại bằng cuộc tập trận chung Nga - Trung Quốc vào tháng trước, và bây giờ thì khả năng sẽ có những cơn bão.
Ở các cấp thấp hơn của ngành ngoại giao, Nga đã có những phát ngôn rõ ràng về lập trường của mình và đến nay thì không còn nghi ngờ gì nữa, lập trường đó là cực kỳ nhất quán trong việc ủng hộ Trung Quốc và bất chấp luật pháp quốc tế, kể cả là đã có phán quyết của một Tòa án quốc tế được thành lập đúng trình tự theo luật quốc tế.
Nếu như ông Putin nói “
can thiệp của các nước ngoài khu vực Biển Đông chỉ làm hại tình hình” thì điều đó chỉ đúng với “
tình hình theo cái nhìn của Trung Quốc” bỏ qua những gì Trung Quốc đã làm ở Biển Đông từ mấy chục năm nay.
Với lập trường như vậy, Trung Quốc có thể sẽ có thái độ hung hăng hơn, hành động liều lĩnh hơn; nhất là sau khi Tòa PCA ra phán quyết, Trung Quốc đã có ý chờ đợi tổ chức xong hội nghị G20 Hàng Châu lần này, khi mà nước Mỹ còn chưa có tổng thống mới và ông Obama quá hiền lành kia thì sắp hết nhiệm kỳ.
Có một điều đã thành như một công thức, đó là cứ có bất ổn bên trong, thì Trung Quốc lại hướng ra bên ngoài để gây bất ổn - đem vấn đề đối ngoại để giải quyết vấn đề đối nội. Một khi gây hấn được ở bên ngoài, song song với việc bên trong kích động thái độ yêu nước mù quáng của chủ nghĩa Đại Hán, sẽ dễ bề dẹp yên những con sóng ngầm bên trong hơn nhiều.
Chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát động vẫn chưa dừng, hiện vừa rờ gáy hàng loạt tướng lĩnh và tiềm tàng gây bất ổn nội bộ bên trong; nhưng đồng thời việc “thay máu” trong đội ngũ chỉ huy cao cấp PLA (Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc) có khả năng dẫn tới nhóm “diều hâu” lên nắm quyền trong PLA và đó cũng sẽ có thể là một nhân tố dẫn đến xung đột ở những vùng biển mà nước này đang “quậy.”
Cuối tháng Năm năm nay, Hội nghị thượng đỉnh G-7 được tổ chức tại Nhật Bản và không có sự tham gia của cả Nga lẫn Trung Quốc (Việt Nam tham gia với tư cách khách mời, dẫn đầu đoàn là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc). Đáng chú ý là tình hình Biển Đông lại là một trong những chủ đề quan trọng được đem bàn thảo tại Hội nghị, với cái nhìn thống nhất từ các thành viên tham dự trước những hành động hung hăng của Trung Quốc.
Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, như lường trước được những tình huống bất lợi kiểu này, đã
tuyên bố rằng “
Hội nghị G-20 ở Hàng Châu sẽ chỉ tập trung vào các vấn đề kinh tế chứ không bàn về chính trị”.
Tại Hàng Châu kỳ này, những bàn thảo giữa ông Putin với Tổng thống Hoa Kỳ Obama về một lệnh ngừng bắn trên toàn lãnh thổ Syria chưa đi đến đâu, nhưng rõ ràng trên bàn cờ này ông ta đang nắm quân hoàng hậu, còn Phương Tây thì yếu thế hơn thấy rõ so với thời trước tháng 9-2015.
Thời điểm đó, Nga bắt đầu chiến dịch không kích “chống IS” ở Syria, và có nhiều đánh giá cho rằng nếu không có chiến dịch đó của Nga, lực lượng của Tổng thống Bashar Al’ Assad sẽ khó khăn hơn nhiều chứ không thể có vị thế như ngày nay được.
Phát huy thế thượng phong, ông Putin “bồi” tiếp thêm cú nữa, nhưng đáng tiếc cú này của ông lại là “phát ngôn hộ” Trung Quốc. Nếu nhìn từ góc độ đã có được một liên minh Nga - Trung Quốc thì phát ngôn này phải chăng là một sự trả đũa những gì mà các nước nhóm G-7 đã làm ở Nhật Bản đầu năm nay?
Cũng không loại trừ việc ông Putin đề phòng sẽ có một hành vi pháp lý tương tự Philippines từ… Ukraine. Nếu Ukraine đệ đơn lên Tòa án Quốc tế về những gì Nga đã làm ở Crimea năm 2014, khả năng Nga lâm vào tình thế thua kiện như Trung Quốc là có thể xảy ra. Tổn hại về thực tế hầu như không có, nhưng thua kiện như Trung Quốc sẽ dẫn đến việc phải bất chấp phán quyết, tổn hại uy tín trên trường quốc tế không nhỏ.
Nếu như phải đưa ra một nhận định, thì chúng ta cần phải cố gắng trả lời được câu hỏi, liệu Trung Quốc có nhân tình thế này để “manh động” ở Biển Đông hay không?
Nếu một nền kinh tế Trung Quốc đi xuống đủ đến mức để Phương Tây không còn thấy quá tổn thương về kinh tế nến trừng phạt nước này, nhất là trong quá trình dịch chuyển “
công xưởng của thế giới” về lại các nước Châu Mỹ đủ để đáp ứng nền kinh tế thế giới không quá bị thiệt hại… Nhất là nếu nội bộ Trung Quốc chưa đủ hỗn loạn vì li khai hay các phong trào chống đối khác thì chắc là nước này sẽ chưa có những hành động liều lĩnh và hung hăng đến mức gây chiến ở Biển Đông.
Không thể nhận định rằng một nước Hoa Kỳ với vị tổng thống cuối nhiệm kỳ sẽ không dám có hành động quyết liệt nếu như có xung đột.
Nếu Trung Quốc hung hăng và liều lĩnh một, thì các nước nhỏ đang bị nước này tranh cạnh quyền lợi ở Biển Đông, dễ bị tổn thương mười.
Chúng ta không cần Nga phải bênh vực, cũng không cần Nga phải có hành động thực tế, lại càng không cần Nga phải đứng về cùng một bên với các cường quốc thế giới trong vấn đề Biển Đông. Nếu như Nga không tỏ được một lập trường phù hợp luật pháp quốc tế, chúng ta chỉ cần Nga im lặng…