Tôi sẽ khá bất ngờ nếu bạn nhận ra đây là những tấm thiệp chúc trong văn hóa Trung Quốc, có tên là “họa từ chúc”. Khi bạn nhận được tấm thiệp chỉ có hình ảnh mà không kèm theo lời chúc tụng gì thì ngụ ý của người tặng muốn bạn hãy nhận ra ẩn ý nằm trong hình ảnh đó. Nói đúng hơn, họa từ chúc là một văn hóa chơi chữ qua sự vận dụng của hình vẽ (họa) và âm thanh của chữ (từ), mà từ đó suy ra lời chúc tụng (chứ không phải xỏ xiên - hy vọng là thế) của người tặng.
Hình thứ nhất: Đồng hỉ. Nhận được tấm thiệp với một con chim đậu trên cành cây, phải chăng ngụ ý của người tặng muốn bạn lẻ loi cô đơn đến suốt đời? Không phải thế. Đây là hình vẽ một con chim khách (thường được cho là mang đến tin vui -
hỉ sự) đậu trên cây ngô
đồng -
đồng hỉ, vì thế có nghĩa là
chung vui. Người tặng rất có thiện ý, chứ không phải mong bạn cô đơn cả đời đâu.
Hình thứ hai: Liên lộ. Chà chà… “
Cái cò lặn lội bờ sông - Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non…”. Kiếp con cò cực nhọc phải biết, chắc đứa tặng mình trù ếm suốt đời này mình cứ phải vất vả vì miếng cơm manh áo đây mà! Nhưng bạn nghi oan cho người ta rồi! Trong tiếng Trung, con cò được gọi là
lộ và hoa sen là
liên -
liên lộ ngụ ý chúc con đường (công danh, tiền bạc) mà bạn “theo đuổi được hanh thông liền lạc.
Hình cuối cùng: Ngọc đường phú quý. Cái này căng đây - cả một đám hoa lá cành chẳng biết là có ý gì, hay là chúc mình lúc nào cũng xinh đẹp như hoa? Không phải. Đây là bức vẽ hoa
ngọc lan và hoa hải
đường (cũng có nghĩa là
nhà) - hợp lại thành một lời chúc tụng rất phổ biến: chúc cả nhà bạn đầy giàu sang và phú quý!
Có đến hàng trăm những bức họa từ chúc như thế, và theo tôi, đó là một nét đẹp và khá thú vị của văn hóa Trung Quốc. Lần đầu tiên biết về họa từ chúc, cách đây cũng nhiều năm, tôi mê mẩn vì những bức tranh đậm nét Á Đông này và đã vẽ lại một vài bức. Càng mê mẩn hơn khi đọc qua bài viết về họa từ chúc của học giả Lê Văn Lân giảng giải về ý nghĩa đằng sau những hình ảnh như thế.
Thuở ban đầu, tôi khâm phục sự tinh tế và hóm hỉnh trong tinh thần chơi chữ của người Trung Quốc. Nhưng về sau lại nhận ra thêm một điều, là cái sự ham muốn làm quan, phát tài và hưởng vinh hoa phú quý đã và đang ám ảnh họ như thế nào. Nó bàng bạc qua những lời chúc tụng, những hình ảnh, những bức tượng thờ.
Nó cho thấy bên cạnh những anh hùng quân tử xem tiền tài như phấn thổ, xem công danh như khói sương (như vẫn thường thấy trong các tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung) thì một bộ phận không nhỏ người Trung Quốc vẫn xem sự yên ấm của bản thân và gia đình, sự giàu sang phú quý là mục đích tối thượng của đời người.
Phải nói rõ, vốn là một người mù tịt tiếng Trung, nếu không có bài viết ấy của giáo sư Lê Văn Lân thì tôi đã chẳng biết đến họa từ chúc, và từ đó, có thể hiểu thêm đôi chút về tính cách của người Trung Quốc.
Và như thế, tôi thiết nghĩ việc học tiếng Trung là rất cần thiết nếu bạn muốn tìm hiểu văn hóa Trung Quốc một cách cặn kẽ. Không chỉ văn hóa, mà cả lịch sử hay tình hình chính trị - xã hội hiện thời, việc biết tiếng Trung sẽ giúp bạn dễ dàng đào sâu những đề tài về Trung Quốc - những đề tài mà bạn không dễ gì kiếm được nhiều tài liệu trong tiếng Anh hoặc tiếng Việt.
Lấy ví dụ, tôi từng muốn viết một bài về những vụ ăn thịt người từng xảy ra tại tỉnh Quảng Tây trong cuộc Cách mạng Văn hóa thập niên 60 thế kỷ trước. Đây là đề tài vốn được xem là cấm kỵ mặc dù Đảng Cộng sản Trung Quốc (một cách rất bất đắc dĩ) đã ít nhiều thừa nhận một số sai lầm ở thời kỳ ấy. Nhưng với những vụ ăn thịt người nọ thì họ vẫn chối bay chối biến.
Tại sao? Vì ở đây người ta ăn thịt người không phải vì quá đói mà ăn (vốn ở một góc độ nào đó có thể thông cảm được), mà người ta ăn nhau vì hận thù - hận thù giai cấp, hận thù trí thức - những kẻ thù không đội trời chung của cách mạng. Nó là tận cùng của loại man rợ mà những tưởng thế kỷ 20 đã không phải chứng kiến.
Đề tài quan trọng này không có được bao nhiêu tài liệu trong tiếng Anh. Tài liệu tiếng Anh cặn kẽ nhất là cuốn “Scarlet Memorial” của nhà báo Trung Quốc Zheng Yi, nhưng rồi tôi vẫn phân vân về tính xác thực của nó khi đọc qua một điểm sách cho rằng Zheng Yi đã có hơi lẫn lộn ở một vài sự kiện. Lúc ấy tôi lại ước ao mình biết tiếng Trung. Biết đâu, nếu biết tiếng Trung, ở đại dương Internet mênh mông với một chút may mắn, tôi sẽ vớ phải một tài liệu tiếng Trung quý giá về đề tài này.
Trở lại với chuyện vẫn đang nóng trên mạng xã hội trong những ngày gần đây, là có nên dạy chữ Hán như một môn học phổ cập trong trường phổ thông hay không. Tôi không có nhiều ý kiến về chuyện này, và thú thật thấy cái ý tưởng
“học tiếng Hán để giữ sự trong sáng của tiếng Việt” khá khôi hài.
Tuy thế tôi ủng hộ việc học tiếng Trung, có điều không nên bắt buộc. Suy nghĩ về mặt thực dụng, tiếng Anh vẫn là ngôn ngữ toàn cầu và nếu chúng ta muốn ngoi ra biển lớn, phải biết tiếng Anh trước. Thạo tiếng Anh thì mới tính đến chuyện tiếng Trung.