71 NĂM NGHĨ VỀ “VẬN NƯỚC”

Thứ ba - 04/10/2016 19:49

(NCTG) ““Vận nước” sau 71 năm, đã đến lúc nguy ngập lắm rồi”.

Môi trường và công lý còn không, ở Việt Nam? - Ảnh: Facebook

Môi trường và công lý còn không, ở Việt Nam? - Ảnh: Facebook

Năm 2016, nước CHXHCN Việt Nam kỷ niệm sinh nhật lần thứ 71 của mình. Năm nay cũng là năm được đánh dấu bằng Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XII từ đầu năm, Đại hội được quan tâm nhiều nhất kể từ sau Đại hội VI năm 1986, được coi là “Đại hội của thời kỳ đổi mới”.

Lần này, người ta chú ý đến nhiều do những biến động chính trị tưởng “ngầm” nhưng mà “nổi” - sự tranh giành quyền lực được gọi là “đấu tranh” giữa hai phe, của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đương kim Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cuối cùng thì mọi thứ cũng ngã ngũ, Đại hội vẫn “thành công tốt đẹp” như lời ông Nguyễn Phú Trọng báo cáo tại diễn văn bế mạc.

Với những người trăn trở với vận nước, thì đây là một thời kỳ đáng lo lắng - vì những tranh đấu trong cung đình không rõ vô tình hay hữu ý, đều được lọt ra ngoài bằng những trang mạng ngoài luồng một cách rất đáng ngờ. Từ khi hạ màn đến nay, tất cả những diễn biến của thực tế khách quan cho thấy đây là một nhiệm kỳ đầy chông gai, khó khăn khôn lường…

Người xưa đã đúc kết ba yếu tố thắng lợi khi nắm quốc gia, của đoạt quyền là “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Năm 2016 này “chào sân” nhiệm kỳ mới của Đảng và Nhà nước với đầy bất lợi

Về thiên thời

Từ một vài năm nay, các cơ quan tài chính quốc tế như Quỹ Tín dụng Quốc tế (IMF) hay Ngân hàng Thế giới (WB) đã ngừng các khoản vay ODA cho Việt Nam, và nhiều Chính phủ các nước khác cũng như vậy. Hiện nay đại diện của các cơ quan tài chính quốc tế nói trên có mặt ở Việt Nam chủ yếu để… đòi nợ. 

Với một đất nước chủ yếu đi vay để tiêu pha, đến 10-2015 mỗi người dân đã phải gánh 1.016 đô-la Mỹ nợ công và nếu bây giờ có vay được mới, thì phần lớn cũng sẽ được dùng để trả nợ cũ.

Về quan hệ quốc tế, bằng chính sách không rõ ràng ví dụ như trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam chắc chắn sẽ gây nhiều phiền lòng cho các nước ASEAN có liên quan xung quanh vùng biển này, điều đó cũng tiềm tàng khả năng chia rẽ trong khối. Nếu có xung đột, Việt Nam sẽ không có người bạn đúng nghĩa nào cả. 

Người “đồng minh” lâu năm nhất, trước mắt với vai trò bạn hàng cung cấp vũ khí là Nga thì mặt khác vẫn bán vũ khí có công nghệ hiện đại hơn cho Trung Quốc, nước tranh chấp chính của Việt Nam. Mới đây nhất, lập trường rõ ràng của Nga được thể hiện qua tuyên bố của tổng thống nước này, Vladimir Putin tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 Hàng Châu hồi đầu tháng 9-2016: Nga ủng hộ Trung Quốc không công nhận phán quyết của Tòa trọng tài PCA trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về những tranh chấp Biển Đông. Sau đó là cuộc tập trận chung trên biển của hải quân hai nước cũng cho thấy tình thế khó khăn của Việt Nam, nếu có xung đột trực tiếp với Trung Quốc ở Biển Đông.

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hoàn toàn không đem lại cho đất nước một lợi thế gì rõ rệt, ngoài việc bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương trong khi Việt Nam chưa đủ tiền để tiếp cận mà mua sắm. Tâm huyết của ông Obama với TPP, có lúc được coi như phao cứu sinh với kinh tế Việt Nam, cũng còn rất xa vời.
 
Cá chết hàng loạt ở miền Trung - laodong.com.vn
Cá chết hàng loạt ở miền Trung - laodong.com.vn

Đầu năm 2016, chúng ta đón nhận tin hạn hán nặng nề ở Tây Nguyên. Sau đó là tin cá chết trắng biển Miền Trung và tin xâm nhập mặn nặng ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Việt Nam là nước nông nghiệp, nhưng lâu nay ruộng đã mất dần thay thế bằng những khu công nghiệp chủ yếu là gia công, hàm lượng công nghệ kết tinh rất thấp không đủ để đưa đất nước hóa rồng. Trong khi đó nông nghiệp trước biến đổi khí hậu toàn cầu, toàn thế giới khó khăn không có lý gì mình Việt Nam ta thoát, mà Việt Nam sẽ còn khó khăn gấp bội. 

Liên tiếp đón những tin lũ ở Hà Tĩnh, vỡ đập thủy điện ở Quảng Nam… Từ bây giờ chúng ta sẽ trả giá cho chủ trương phát triển thủy điện ồ ạt cách đây chục năm. Đất nước địa hình hiểm trở, diễn biến thiên tai khó lường trong khi chất lượng xây dựng thường xuyên bị đặt dấu hỏi thì chắc sẽ còn nhiều sự cố trong tương lai nữa.

Như vậy về yếu tố “thiên thời”, nhiệm kỳ này hoàn toàn không có.

Về địa lợi

Chúng ta vẫn quen nghe “Việt Nam rừng vàng biển bạc” nhưng nay thì “về cơ bản đã phá xong rừng”, làm gì còn rừng nữa. Cả tài nguyên dưới lòng đất cũng kiệt quệ, chỉ còn những mỏ nhỏ lẻ được khai thác dưới dạng tận thu. Lâu nay nguồn tài nguyên chính của Việt Nam chỉ còn là dầu khí, nhưng với một giá dầu mà đến Putin còn lao đao, Venezuela vỡ nợ thì chẳng có lý do gì mà Việt Nam không khó khăn theo cả.

Cũng phải nói thêm, các mỏ dầu của Việt Nam phần lớn nằm ngoài Biển Đông, trong vùng bị Trung Quốc nhảy vào tranh chấp. Và cũng phải nói luôn, nói thẳng ra một điều là với tình trạng Trung Quốc thì hung hăng, mạnh bạo và hành động thực tế, quân sự hóa hết đảo này đến rình rình chiếm thêm “đá” kia, mà Việt Nam thì chỉ “cực lực phản đối” thì sự thật là, chúng ta đã mất biển rồi.

Về địa lợi, nhiệm kỳ này coi như cũng không còn.

Về nhân hòa

Chỉ cần lê la vỉa hè, quán nước thôi, cũng nghe đủ ý kiến của dân chúng về tình trạng xã hội đang sống - nó khác hẳn với những gì mà đài bào chính thống đưa tin. Sự cố cá chết ở Miền Trung do Formosa xả thải làm cho chính quyền lúng túng không xử lý được, chưa bao giờ lại có việc làm mất lòng dân đến thế. Nếu như bây giờ có thể làm yên được dân, chỉ là bề nổi, còn biển thì không thể làm sạch được, dân không thể tiếp tục kiếm sống… cơn sóng ngầm mới là đáng lo ngại.

Chưa hết, những phát súng bắn ở Yên Bái, rồi vụ ông Trịnh Xuân Thanh rùm beng lên những ngày nay cho thấy ngay cả trong bộ máy Nhà nước cũng không hề yên ả, mà sự không đồng thuận đã lên đến cấp cao. Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời nhắc nhiều đến tầm quan trọng của sự đồng thuận trong Đảng: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và dân tộc ta” (*). Nhưng rõ ràng đến nay, sự đoàn kết đó đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Ý thức được nguy cơ đó, khi lên chỉ đạo xử lý vụ bắn cấp trên ở Yên Bái, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi “toàn dân đoàn kết.” Điều cần kêu gọi đầu tiên là sự đoàn kết trong Đảng, chứ để đến ngày đồng chí cầm súng bắn nhau để giải quyết mâu thuẫn thì đúng là nguy ngập quá rồi.

Cả ba yếu tố, nhiệm kỳ này không được một yếu tố nào.

Mới tổ chức sinh nhật nước được nửa tháng, thì một hình ảnh đau lòng và có lẽ, ấn tượng nhất, sẽ gắn với năm 2016 này một cách dai dẳng và thê thảm: hình ảnh người phụ nữ đã chết, bị bó chiếu và buộc ngang chở sau xe máy về nhà mai táng. Lý do vẫn là lý do gắn chặt với những mảnh đời nghèo khó và trái ngang, cái nghèo.
 
Tấm ảnh gây chấn động - Ảnh: Diễn đàn Otofun
Tấm ảnh gây chấn động - Ảnh: Diễn đàn Otofun

Đầu tháng 10, qua Facebook nghe những tin về cả vạn bà con Hà Tĩnh kéo nhau ra đòi Formosa phải đóng cửa, đến mức Công an và Quân đội còn không dám động thủ, cởi áo bỏ chạy cho thấy, nếu tình hình quá căng, thì không có lệnh nào cho họ hạ súng bắn vào đám đông mà được, chắc chắn không ai dám làm. Tất là là con của nhân dân cả, ai dám đàn áp dân như thế.

Thực ra tất cả chỉ nằm trong tay chính quyền, do xử lý vụ Formosa không ổn mà tình hình càng ngày càng nguy ngập hơn.

Thật khó có thể tiếp tục tô hồng cho tình trạng xã hội trước hình ảnh đau lòng này. Thời của mạng xã hội, những tin như thế này phát tán nhanh và gây chấn động trong lòng dân chúng ghê lắm. Không phải chỉ do mạng xã hội mà thành phố Hà Nội đã dừng cả một chiến dịch chặt cây sao?

Biến đổi khí hậu toàn cầu làm ảnh hưởng toàn thế giới, nhưng với một nước nghèo và chính quyền quản lý kém hiệu lực như Việt Nam, thì khó khăn còn nhân lên gấp bội. Trong tương lai, những sự cố sẽ còn tiếp tục xảy ra với mức độ nghiêm trọng ngày càng cao hơn, nằm ngoài khả năng xử lý của chính quyền.

Bây giờ chỉ cần có một sự cố, hoặc một đại họa thiên tai lớn như động đất, sóng thần… thì khả năng xảy ra bạo loạn dẫn đến lật đổ không phải không thể xảy ra. Chính vì vậy mà nhiệm kỳ này nhiều nhà bình luận mệnh danh “nhiệm kỳ của hoàng hôn” không phải là không có cơ sở. “Vận nước” sau 71 năm, đã đến lúc nguy ngập lắm rồi.

Chữ “vận nước” tôi cho vào ngoặc kép, là do đất nước sẽ trường tồn, dân tộc trường tồn, chế độ thì tồn tại hữu hạn - đó là triết học. Hết “vận nước” này, sẽ lại đến “vận nước” khác và tương lai dân tộc như thế nào chắc chỉ có thời gian mới trả lời được.

(*) Trích “Di chúc Hồ Chủ Tịch”, 1965.

Phúc Lai, từ Hà Nội


 
 Từ khóa: Việt Nam, vận nước
Tổng số điểm của bài viết là: 29 trong 6 đánh giá
Xếp hạng: 4.8 - 6 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn