CHUYỆN “NGƯỜI NGƯỜI, NHÀ NHÀ LÀM THỦY ĐIỆN”

Thứ bảy - 15/10/2016 20:12

(NCTG) “Trận lũ kinh khủng năm nay ở Hà Tĩnh, Quảng Bình một phần lớn có hậu quả nghiêm trọng, là do thủy điện xả lũ. Hình ảnh con bò ngâm trong nước, ánh mắt của nó sẽ ám ảnh nhiều người trong số chúng ta, như một sự bất lực trước “thế nước đang lên”. Chỉ sợ rằng có nhiều “cơn lũ” nữa sẽ nhấn chìm tất cả”.

Cảnh tang thương của người dân do thủy điện xả lũ - Ảnh: baodatviet.vn

Cảnh tang thương của người dân do thủy điện xả lũ - Ảnh: baodatviet.vn

Tôi có chuyên môn về Luật Đầu tư, nên chọn nghề tư vấn cấp phép dự án đầu tư. Năm 2006, tôi cũng bị cuốn vào một cơn lốc có cái tên “thủy điện”. Năm đó, chính sách của Nhà nước thông qua Ngân hàng Phát triển (tiền thân là Quỹ Hỗ trợ Phát triển) dành cho thủy điện rất nhiều ưu đãi; cũng như có một thời là dành cho ngành đóng tàu vậy.

Và cũng như đóng tàu, thủy điện sau này cũng không hay ho hơn gì, mà để lại đầy hệ lụy nghiêm trọng.

Tham gia vào “câu chuyện thủy điện” thì cũng tham gia vào “chợ thủy điện” mà thằng chạy dự án nào cũng biết thằng nào - từ chạy chủ trương đến chạy cấp phép dự án đầu tư, đến khâu cuối cùng là chạy giá bán điện, giờ bán điện. Hầu hết toàn những thằng quen đi “đưa phong bì,” chẳng cần biết gì đến chuyên môn thủy điện, chuyện đó không quan trọng.

Người ngoại đạo như tôi, nhìn vào thì nghĩ đúng thủy điện là nguồn năng lượng trời cho - nước cứ chảy ầm ầm và máy thì cứ hì hục phát điện. Nhưng một ngày khi đi dự hội thảo, đồng thời được gặp các chuyên gia trong lĩnh vực, tôi hiểu câu chuyện không hoàn toàn như vậy.

Thủy điện ngoài ưu điểm ai cũng thấy, nhưng cũng là một sự tác động ghê gớm đến môi trường sống của con người. Khi làm điều tra đánh giá tác động xã hội, đã thấy ảnh hưởng của nó đến đời sống cộng đồng dân cư một vùng rộng lớn là kinh khủng, khi vài di dời vài nghìn đến cả vạn hộ dân, sang một địa bàn khác. Hầu hết, người dân ở vùng dự án toàn người miền núi, họ có phong tục tập quán riêng và khi di dời với họ hoàn toàn không dễ dàng để định cư ở một nơi ở mới.
 
Người dân lâm vào cảnh khốn cùng... - Ảnh: laodong.com.vn
Người dân lâm vào cảnh khốn cùng... - Ảnh: laodong.com.vn

Tuy nhiên, chuyện này chưa phải là quá lớn. Khi làm báo cáo đánh giá tác động môi trường thì mới thấy tác động của dự án đến môi sinh là nghiêm trọng, nhưng hầu hết những tác động này được giảm nhẹ trong báo cáo, để đạt mức “có thể chịu được” cho chủ đầu tư về chi phí. Sau khi đền bù giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư lại còn “được chặt” vô khối gỗ, chủ yếu rừng tự nhiên (thường rừng trồng của dân dân sẽ được thu hoạch trước khi bàn giao).

Từ góc độ của tôi quan sát, thì mức độ tàn phá rừng là kinh khủng, và chắc chắn sẽ gây ra những thảm họa nghiêm trọng về lũ lụt trong tương lai.

Điều này được các chuyên gia cảnh báo ngay từ thời đó - nghĩa là mươi năm trước họ đã nói rằng với sự tàn phá môi trường như vậy thì khoảng thời gian này chúng ta đang sống sẽ là thời gian bắt đầu phải trả giá. Cùng với biến đổi khí hậu, tàn phá rừng đầu nguồn sẽ là nguyên nhân cho rất nhiều trận đại hồng thủy, mà từ bây giờ trở đi có khả năng năm nào cũng có, không to thì bé.

Đặc biệt là miền Trung Việt Nam, do hẹp khoảng cách từ núi ra biển gần, địa hình dốc lại hay phải hứng chịu thiên tai, lũ sẽ rất to, nhanh, khó dự đoán và hậu quả thì khôn lường.

Do đó, các chuyên gia đề nghị nên có sự kiểm soát số lượng các dự án cũng như quy mô của chúng. Vì thủy điện là rất cần thiết cho hệ thống điện quốc gia, nó là nguồn tiêu thụ điện cho toàn hệ thống khi thừa (khi mà các nhà máy nhiệt điện luôn phải chạy hết ga) thì thủy điện thay vì là máy phát điện, chúng biến thành… máy bơm nước. (Đại khái với dân ngoại đạo như tôi, nghe và nhớ được như vậy cũng là ghê lắm rồi). Do đó họ cũng đề nghị nên có chính sách đặc biệt ưu đãi với loại hình thủy điện tích năng, như nhà máy thủy điện Đa Nhim nghe đâu là kiểu tích năng.

Thủy điện tích năng là gì? Là giờ thấp điểm, nó mua điện thừa của hệ thống và bơm nước từ hồ chứa thấp dưới chân núi, lên hồ chứa cao ở đỉnh núi. Đến giờ cao điểm, nó lại xả nước từ hồ cao xuống hồ thấp để phát điện, và lại bán điện cho hệ thống. Phải có dạng này thì toàn hệ thống mới được điều hòa, đại khái thế.

Nhưng thực tế thì không như vậy - tỉnh nào cũng vài cái từ con con cấp huyện đến cỡ lớn phát được cho cả tỉnh, vài tỉnh…
 
“Dấu ấn tuyệt vời” của lãnh đạo? - Ảnh: tuoitre.vn
“Dấu ấn tuyệt vời” của lãnh đạo? - Ảnh: tuoitre.vn

Câu chuyện cũng đơn giản vậy thôi - Vinalines, Vinashin và thủy điện… đó là những dấu ấn “tuyệt vời” của ông cựu thủ tướng “người tử tế” để lại. Những gì mà các chuyên gia thời đó nói, đến nay đã thành hiện thực. “Đến hẹn lại lên” cứ mùa mưa bão là bà con nơm nớp, có thể chết đuối bất cứ lúc nào vì vụ “xả lũ” của thủy điện. Còn nếu không xả kịp thời gây vỡ đập, thì “quả bom nước” nó mà nổ thì kinh khủng đến đâu…

Gần đây người ta hay nói “thế nước đang lên” trong ngoặc kép, là như thế. Trận lũ kinh khủng năm nay ở Hà Tĩnh, Quảng Bình một phần lớn có hậu quả nghiêm trọng, là do thủy điện xả lũ. Hình ảnh con bò ngâm trong nước, ánh mắt của nó sẽ ám ảnh nhiều người trong số chúng ta, như một sự bất lực trước “thế nước đang lên”. Chỉ sợ rằng có nhiều “cơn lũ” nữa sẽ nhấn chìm tất cả.

Phúc Lai, từ Hà Nội


 
 Từ khóa: lụt lội, xả lũ
Tổng số điểm của bài viết là: 14 trong 3 đánh giá
Xếp hạng: 4.7 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn