DÂN CHỦ MỸ - LỖ HỔNG ĐÃ LỘ?

Thứ hai - 17/10/2016 00:48

(NCTG) “Chân lý không phải là độc quyền của đám đông. Quyết định dân chủ không nhất thiết là đúng. Nhưng khi người dân được đồng quyền quyết định theo nhu cầu hạnh phúc của mỗi người, của mọi người và thể chế dân chủ được bảo đảm thì những sai lầm, những dao động tiêu cực, lớn bé tùy hoàn cảnh, đều chỉ có tính cách tạm thời...”.

Cuộc đấu gây cấn và đầy bê bối giữa hai kỳ phùng địch thủ Trump và Hillary phải chăng đã bộc lộ “gót chân Achilles” của cái gọi là “nền dân chủ kiểu Mỹ”? - Ảnh: Chris Keane & Mike Segar (Reuters)

Cuộc đấu gây cấn và đầy bê bối giữa hai kỳ phùng địch thủ Trump và Hillary phải chăng đã bộc lộ “gót chân Achilles” của cái gọi là “nền dân chủ kiểu Mỹ”? - Ảnh: Chris Keane & Mike Segar (Reuters)

Cuộc vận động bầu cử chọn tổng thống thứ 45 của Mỹ sẽ kết thúc trong tháng tới. Một số đông người Mỹ tin rằng Hillary Clinton, nếu đắc cử, sẽ đưa đến sự suy sụp, thoái hóa trầm trọng cho nước Mỹ. Một tỉ lệ lớn thì lại tin chắc rằng đại họa trước mắt của xứ cờ hoa là khả năng trở thành tổng thống của Donald Trump. Cũng không ít người chán nản với cả hai. Và đã có người chê bai, nghi ngờ nền dân chủ “quá trớn” và “hỗn loạn” của Mỹ; họ sai, có lẽ vì không hiểu rõ bản chất và đòi hỏi của một nền dân chủ vững mạnh.

Cuộc tranh cử tổng thống nào cũng phơi bày trần trụi mọi điểm tiêu cực của ứng cử viên, những người hầu hết đều có một vài khuyết điểm lớn. Đánh bóng, xuyên tạc, cường điệu hóa, đơn giản hóa... là những thủ thuật luôn được trưng dụng để thuyết phục cử tri. Và phản ứng của quần chúng cũng như một cuốn phim tài liệu, phơi bày những suy nghĩ, cách nhìn khác biệt, thường khi xung khắc trong xã hội. Dân tình, dân ý, yêu nhiều ghét lắm cũng biểu lộ rõ ràng như đời tư của ứng cử viên.

Khi có hai ứng cử viên như Clinton và Trump thì những thủ đoạn và cảm xúc thường thấy lại được khuyếch đại nhiều hơn. Nhiều người, trong đó có Ban biên tập tạp chí “Economist” từ Anh quốc, cho rằng đây là cuộc tranh cử bẩn thỉu vì thủ đoạn của phe Trump. Nhưng nhiều người Mỹ có lẽ sẽ đồng ý với tôi rằng đây chỉ là một cuộc tranh cử “ngoại lệ” làm rõ nét bản chất dân chủ và sức mạnh trường tồn của Mỹ dù người đắc cử là ai (the exception that proves the rule).

Hơn 200 năm trước, khi đã đồng lòng chấp nhận sự bình đẳng, đồng quyền quyết định vận mạng chung của mỗi người và mọi người, các tổ phụ lập quốc của Mỹ biết rõ rằng nền dân chủ mà họ đang thiết lập cần phải có cách đối phó hữu hiệu với hai nhược điểm tất yếu của lý tưởng dân chủ: khả năng chuyên quyền, độc đoán của đám đông cũng như sự sai lầm của quần chúng.

Trong khi ngày nay vẫn có những đại quan và “cao nhân” Việt nhai lại theo khuôn sáo “quyền lực thoái hóa” và “nhân dân luôn luôn đúng” thì những tổ phụ trí tuệ (và cũng đầy khuyết điểm) của Mỹ đã nhận ra rằng không chỉ quyền lực cá nhân mà chính sức mạnh của đa số cũng có thể gây ra tai họa lớn. Họ cũng biết rằng quyết định của đa số không phải lúc nào cũng phù hợp cho sự tiến bộ và ích lợi của xã hội. Họ đã thiết lập những cơ chế và nguyên tắc khách quan, rõ ràng để vừa bảo vệ nền dân chủ trước những sự chống phá vô tình của quần chúng chủ nhân đất nước vừa tôn trọng quyền làm chủ tối hậu của người dân.

Thomas Jefferson, James Madison và đồng sự dường như đã tiên đoán từ trăm năm trước tình huống Hitler được dân bầu lên ở Đức, Morsi sau Mùa Xuân Ả Rập, và... những Donald Trumps của Mỹ.

Điều thú vị là họ đã không phán như sấm Trạng và đưa ra những khái niệm mơ hồ tùy thuộc vào cảm tính như đạo đức, lòng yêu nước, đức thanh liêm hay đòi hỏi phải tôn trọng lãnh tụ, trung thành với đảng phái, đoàn kết một lòng, nâng dân trí, chấn dân sinh vân vân. Dường như họ không hề quan tâm đến những giáo điều, kinh điển thịnh hành. Những người vừa uyên thâm vừa thực tiễn này đã tranh cãi quyết liệt với những phân tích, suy luận khách quan để thuyết phục nhau.

Cùng một niềm tin vào lý tưởng dân chủ và cùng ước muốn xây dựng một xã hội hạnh phúc trường tồn nhưng khác nhau trong nhiều đường lối chính trị, những nhân vật trí tuệ này đã nổ lực tìm sự đồng thuận để thiết lập những nguyên tắc cơ bản cho thể chế dân chủ Mỹ trước khi họ quyết liệt chống đối, thóa mạ và chơi xấu nhau vì chính kiến bất đồng theo đúng bản chất con người và thực tế của xã hội dân chủ. Tranh chấp như thế đã trở thành một sinh hoạt chính trị truyền thống không gián đoạn hay thay đổi của Mỹ, hiện đang được Trump và Clinton dẫn đầu.

Cụm từ “tam quyền phân lập” đã trở nên quen thuộc với người Việt. Nhưng bao nhiêu người chịu tìm hiểu sâu hơn hay đặt câu hỏi tại sao hệ thống chính quyền Mỹ không chỉ có tam quyền phân lập mà còn rất cồng kềnh, thường tốn kém và khó khăn hơn khi thi hành chính sách? Đã có Bộ Tư pháp nhưng lại có thêm ngành Tư pháp riêng biệt. Quan chức thì có người do dân bầu, có người được bổ nhiệm. Có nhiệm kỳ hai năm, có nhiệm kỳ mười năm cho đến cả đời. Luật pháp thì chỉ riêng mục thuế má đã dài vài ngàn trang giấy, thường xuyên thay đổi, nhưng đồng thời lại có Hiến pháp chưa đến hai mươi trang mà mỗi khi muốn thay đổi vài câu là cả một quá trình khó khăn và lâu dài.

Tại sao lại phải lôi thôi thế?

Có lẽ lời giải thích súc tích nhất là nhận xét của nhà văn Mark Twain: “It ain't what you don't know that gets you into trouble. It's what you know for sure that just ain't so” (Tạm dịch: “Bạn điêu đứng không phải vì điều bạn không biết mà vì điều bạn biết chắc là thế lại không như thế”).

Theo tinh thần trào phúng của Mark Twain, ta có thể nói Mỹ là một nước của các ông bà chủ ưa tiền hơn ưa sách và luôn tin chắc là mình đúng. Chính quyền đầy tớ phải bảo đảm chủ có quyết định sai cũng không chết, trật cũng không què, có thua thì cũng không cụt vốn để còn bày keo khác.

Trong khi chính khách và chính sách của Mỹ có thể tùy hứng theo thời mà mang màu sắc Ayn Rand hay có mùi vị Karl Marx, cấu trúc và nguyên tắc hoạt động của chính quyền Mỹ, với sức mạnh của luật pháp, không bị lệ thuộc chủ thuyết, không theo giáo điều, không phục vụ phe phái, không chọn lựa hiền tài, không răn đe đạo đức, không định hướng quan điểm... Tất cả chỉ nhằm mục đích duy nhất là bảo vệ và xây dựng thể chế dân chủ: mỗi người dân một lá phiếu, đồng quyền và tự do góp phần quyết định vận mạng chung của xã hội.

Khi thiết lập nền tảng của thể dân chủ cho nước Mỹ, những người lập quốc đã trao toàn quyền quyết định cho dân với những nguyên tắc cơ bản được viết thành Hiến pháp để giúp dân tránh hoặc giới hạn những tai họa do sự chuyên quyền của đám đông và những quyết định sai lầm trong tương lai.

Nếu vào một ngày huy hoàng chưa từng có, dân Mỹ đồng lòng nhất trí bỏ phiếu “tín nhiệm cao” để đưa một thiên tài anh minh dũng cảm tỉ phú đại gia lên làm nguyên thủ, thì ngài Adolf Joseph Zedong Trump cũng không thể tự tung tự tác chiếm quyền tối hậu của dân. Nếu có một ngày rực rỡ khác, khi đám dân bát nháo tỉnh ngộ được chân lý ưu việt, muốn nhường quyền cho một đảng tinh anh, đạo đức, muốn có “hiệp thương” đảng cử dân bầu để tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc đến một nơi không có thật thì cũng được thôi. Đó là quyền của dân trong xã hội dân chủ.

Nhưng cứ theo quy trình đã vạch ra trong Hiến pháp, một quy trình đòi hỏi thời gian như một lời khuyên “hượm tí đã, nghĩ cho kỹ đi” của các cụ tổ vọng lên từ Âm ty. Một quy trình đòi hỏi sự cân nhắc, tạo cơ hội cho những suy tư độc lập, những tiếng nói theo lương tâm, thường là của những cá nhân đơn độc, được vang lên khi quần chúng đang nhất thời bồng bột. (Chính vì thế mà một nguyên tắc tiên quyết, trong Tu chính Hiến pháp đầu tiên là quyền tự do ngôn luận.)

Hiện tượng Donald Trump” đã khiến nhiều cao nhân Việt tuyên bố cuộc bầu cử này đã để lộ “mặt trái của dân chủ Mỹ”, “lỗ hổng của nền dân chủ Mỹ”, “dân chủ bị đầu độc”, vân vân và vân vân. Có lẽ trong số những người có lòng suy tư về tình hình chính trị Việt Nam cũng có người nghi ngờ, thắc mắc rằng “dân chủ như Mỹ sao cũng tồi tệ, xấu xa thế”. Có thể họ vẫn băn khoăn tìm kiếm hay chấp nhận một “mô hình” chính trị phi dân chủ nào đấy, vẫn chờ đợi một minh chủ lãnh đạo để tránh sự “hỗn loạn của dân chủ quá trớn”.

Như đã trình bày, đây là những nhận định mơ hồ và nhầm lẫn, rất có thể là hậu quả của thói quen suy nghĩ theo cảm tính, thiếu khách quan, trọng kinh điển hơn tư duy độc lập trên cơ sở thực tế.

Dù là ai thì tổng thống Mỹ cũng chỉ là một gương mặt cụ thể và tạm thời đại diện cho một chính quyền, một đất nước được xây dựng trên những tư tưởng, những cơ chế có giá trị phổ quát và trường tồn. Thủ tướng Anh, Winston Churchill, cũng với tinh thần trào phúng của Mark Twain, đã xác nhận sự thể hiện thành công và vững vàng của lý tưởng dân chủ ở Mỹ như sau: “You can always count on the Americans to do the right thing - after they've tried everything else” (Tạm dịch: “Ta luôn có thể tin dân Mỹ sẽ làm điều đúng - sau khi họ đã làm thử mọi điều khác”).
 
00

Chân lý không phải là độc quyền của đám đông. Quyết định dân chủ không nhất thiết là đúng. Nhưng khi người dân được đồng quyền quyết định theo nhu cầu hạnh phúc của mỗi người, của mọi người và thể chế dân chủ được bảo đảm thì những sai lầm, những dao động tiêu cực, lớn bé tùy hoàn cảnh, đều chỉ có tính cách tạm thời trong khi sự tiến bộ của xã hội với thời gian là một điều chắc chắn như trong hình minh họa - Chỉ số Dow Jones của thị trường chứng khoán New York trong khoảng ba chục năm qua.

Nguyễn Chánh, từ Hoa Kỳ


 
Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 2 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn