CHỈ NHỮNG XÃ HỘI BẤT HẠNH MỚI CÓ NHỮNG HIỆN TƯỢNG NHƯ MALALA, PHAN ANH
Thứ tư - 19/10/2016 22:20
(NCTG) “Tôi dám chắc rồi đến cùng khoảng thời gian 2017, 2018, v.v... lũ vẫn được tiếp tục “xả đúng quy trình”, người vẫn chết, nhà cửa vẫn tan, và đâu đó lại thêm những Phan Anh khác nổi lên. Cái vòng lẩn quẩn oan nghiệt ở những xã hội bất hạnh cứ thế mà tiếp tục”.
Malala Yousafzai và MC Phan Anh
Nếu tôi hỏi bạn biết gì về đất nước Pakistan, có thể bạn sẽ ngớ người một tí rồi trả lời, “À, Pakistan có cô bé Malala Yousafzai vừa đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2014 - là người trẻ nhất trong những người từng đoạt Nobel!”.
Malala Yousafzai là ai? Vào năm chỉ mới 14 tuổi, cô bị bọnTaliban bắn vào đầu khi đang trên đường đi đến trường học. “Tội” của cô là dám tranh đấu cho quyền được đi học của các em gái.
Sinh ra trong một xã hội Hồi giáo bảo thủ và hà khắc, người con gái (nếu may mắn) chỉ được học vài năm đầu tiểu học, và cuộc sống sau đó của họ chỉ quanh quẩn trong bốn bức tường nhà với nhiệm vụ duy nhất: đẻ con và chăm lo cho gia đình.
Malala quyết đấu tranh để thay đổi điều đó. Thoát chết trong tình trạng tính mạng ngàn cân treo sợi tóc, cô nhanh chóng trở thành một trong những biểu tượng sáng giá nhất của phong trào tranh đấu cho nữ quyền trên khắp thế giới.
Tôi có một người bạn Pakistani. Khi nói về Malala, cô khịt mũi, “Chả có gì đáng tự hào!”.
Không hỏi thêm, vì tôi biết bạn tôi muốn nói đến điều gì. Ở nhiều quốc gia, nhất là những quốc gia phát triển, việc phụ nữ được đi học là một điều rất đỗi bình thường - bình thường như hơi thở, bình thường đến mức nhàm chán, bình thường đến nó không nên là đề tài để người ta bàn tán.
Bạn tôi không vui vẻ gì khi xã hội của cô phải cần những người như Malala để tranh đấu cho những điều vô cùng bình thường ấy.
Cũng như thế, trận lũ lụt vừa qua ở miền Trung - cùng một số cảnh đời bất hạnh trước đó - đã khiến một người MC bình thường như Phan Anh nổi lên như một vì sao sáng.
Giữa những lời kêu khóc thấu trời của người dân bị nạn, giữa những lời bào chữa lạnh lùng “xả lũ đúng quy trình”, giữa những hình ảnh các quan chức ngồi chễm chệ trong phòng lạnh yêu cầu này nọ, Phan Anh lập tức xắn tay áo lên gây quỹ và đích thân đi đến những vùng bị thiên tai để cứu giúp.
Nói là làm. Với một thiện tâm như thế, dù anh không muốn nổi tiếng thì cũng rất khó!
Đi dạo mạng trong những ngày này, không ngớt những lời tán dương khen ngợi Phan Anh. “Chúng ta cần thêm rất nhiều nhiều Phan Anh nữa!”. “Ôi, thật tự hào khi Việt Nam có người như anh!”. “Thật ấm lòng khi trên đời vẫn còn những người như anh!”.
Với tôi, nếu nhìn ở một khía cạnh khác, hiện tượng như Phan Anh chẳng có gì đáng để tự hào hay ấm lòng. Nó tố cáo một chính quyền chỉ ra sức cố gắng bảo vệ lợi ích của những tập đoàn nào đó và nhiều khi xem mạng dân như cỏ rác. Sự sống của người dân, của môi trường đối với họ không hơn một con chốt thí.
Vì chính quyền không lo cho dân, nên dân (với Phan Anh là ví dụ) đành phải tự lo cho nhau.
Năm nay là 2016. Tôi dám chắc rồi đến cùng khoảng thời gian 2017, 2018, v.v... lũ vẫn được tiếp tục “xả đúng quy trình”, người vẫn chết, nhà cửa vẫn tan, và đâu đó lại thêm những Phan Anh khác nổi lên.
Cái vòng lẩn quẩn oan nghiệt ở những xã hội bất hạnh cứ thế mà tiếp tục.
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...