Điều gì khiến một thanh niên khá giả, điển trai, phong độ như cầu thủ bóng rổ, có khả năng hùng biện thao thao bất tuyệt cả ngày như Socrates, mà tới những năm về già lại khổ sở u mê như thế? Phải chăng là do cái “anh” ý thức hệ?
Từ một nhà cách mạng theo tư tưởng xã hội, một chỉ huy du kích giải phóng dân tộc và đánh đuổi một tên độc tài, với thời gian, Castro cũng trở thành một kẻ độc tài khiến đất nước Cuba trở thành một quốc gia tụt hậu hơn bao giờ hết.
Là người giương ngọn cờ ủng hộ các nước thế giới thứ ba, nhưng chỉ thiếu chút nữa ông đã khơi mào cho Đệ tam Thế chiến. Coi giáo dục và y tế là “nhiệm vụ của trái tim”, nhưng ông lại dẫm đạp lên những quyền cơ bản của con người.
Thời thế đổi thay, thể chế cộng sản sụp đổ trên phạm vi toàn cầu, nhưng Castro vẫn ngồi đó, gần nửa thế kỷ trên cương vị “chủ nhân” toàn năng của Cuba: Chủ tịch nước, Thủ tướng, Tổng bí thư đảng, Tổng tư lệnh quân đội (Commander)...
Và giờ thì ông đã ra đi, như người Mohican cuối cùng trong số các nhà độc tài cộng sản thế kỷ 20...
2. Trong số những tấm ảnh về Castro, mình mê nhất ảnh ông và Che. Cả hai đều như những tài tử điện ảnh, và hình ảnh này hẳn đã chinh phục bao nhiêu trái tim của các cô gái, cũng như giới trí thức cánh tả Phương Tây đương thời.
Hàng năm, tới ngày Lập xuân 1-5, tại Công viên Thành phố ở Budapest, vẫn có một góc dành riêng cho các đảng, các tổ chức cánh tả và cực tả. Mình vẫn hay tha thẩn ra đó, và hầu như lần nào cũng gặp những ông già ngồi chơi cờ, tán phét...
Họ là thành viên những nhóm rất nhỏ như Hội Ái hữu Hô-xê Mác-ti, Hội Hữu nghị Hung - Cu, v.v..., nhiều người đã sang Bắc Việt thời chiến và cứ thấy người Việt là “chào đồng chí” tay bắt mặt mừng. Với họ, Castro và Che vẫn là những tượng đài.
Có lần, mình đã ngồi nghe họ kể về quãng thời gian làm chuyên gia ở Bắc Việt và coi đó như những năm tháng hạnh phúc nhất, dù “đạn bom nguy hiểm lắm, và ăn uống cũng kham khổ, tuy chúng tôi được tiêu chuẩn sướng hơn người dân Việt nhiều”.
Ko ai nỡ làm đứt mạch hoài niệm của họ, nhưng kiên trì đến mấy cũng không thể ngồi nghe họ quá 15 phút. Chuyện của họ, có lẽ đã được kể tới lần thứ một ngàn, vẫn đầy cảm xúc đối với họ, nhưng không còn hấp dẫn người đối diện nữa.
Những ký ức ấy rất có giá trị về mặt lịch sử, và sử liệu. Nhưng suy cho cùng, nó vẫn là hồi quang của những gì đã qua, cũng như chính bản thân người kể, và có lẽ nó cũng chỉ sống được chừng nào người kể còn tồn tại trên cõi tạm này mà thôi...
Cứ mỗi năm, lại thấy ít người đi trong những câu lạc bộ ấy...
3. Victor Erofeev (1947-), đại diện xuất sắc nhất của dòng văn học “alternative” Nga đương đại, có một tiểu luận rất hay “Stalin chính diện” (Хороший Сталин, 1997). Bài viết này có thể coi là “sườn” của tác phẩm lớn cùng tên ấn hành năm 2004.
Trong tiểu luận, nhà văn được giới phê bình coi là một trong những tên tuổi nổi bật nhất và được tranh cãi nhiều nhất trong nền văn xuôi Nga kể từ đầu thập niên 90 thế kỷ trước đã có những lời chia sẻ rất thấm thía, như trong trích đoạn sau đây:
“Chỉ khi trưởng thành, tôi mới hiểu ra rằng đối với Phương Tây và giới trí thức Nga, Stalin có một ý nghĩa hoàn toàn khác so với hàng triệu người dân Nga. Dân Nga không tin vào một Stalin phản diện. Họ không muốn tin rằng Stalin lại có thể hành hạ, tra tấn bất cứ ai.
Dân Nga sống trong huyền thoại về một Stalin chính diện, đối với họ, Stalin vĩnh viễn là người cứu vãn nước Nga, là người cha của một dân tộc vĩ đại. Và cha tôi song hành với những người dân Nga ấy. Ông không cho phép được nói xấu về Stalin”.
Còn Castro có vị thế như thế nào, và sẽ được hậu thế đánh giá ra sao trong lịch sử Cuba, chúng ta hãy chờ đợi...
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...