KISSINGER: CÁI NHÌN TỪ VIỆT NAM

Thứ ba - 29/11/2016 16:17

(NCTG) “Là một người tỵ nạn từ Việt Nam, đất nước nơi Hoa Kỳ suốt nhiều năm đã đánh bom, đặt mìn, và rải chất độc da cam, tôi có những nghi ngờ về sự tốt đẹp cốt lõi của nước Mỹ” - quan điểm của nhà văn Mỹ gốc Việt, ông Viet Thanh Nguyen (Nguyễn Thanh Việt).

Henry Kissinger bắt tay Lê Đức Thọ, Trưởng đoàn Đàm phán Bắc Việt sau khi Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết (ngày 23-1-1973) - Ảnh: AFP

Henry Kissinger bắt tay Lê Đức Thọ, Trưởng đoàn Đàm phán Bắc Việt sau khi Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết (ngày 23-1-1973) - Ảnh: AFP

Lời giới thiệu: Giáo sư Viet Thanh Nguyen là tác giả cuốn sách “The Sympathizer” (“Cảm tình viên”) đã giành giải Pulitzer Văn học 2016, và “Nothing Ever Dies: Vietnam and the Memory of War”. Ông cũng cộng tác với báo chí qua những tiểu luận thể hiện quan điểm của mình với một số vấn đề của nước Mỹ, trên cương vị một người tỵ nạn.

Bài viết sau của Viet Thanh Nguyen đăng trên tờ “The Atlantic” số ra ngày 27-11-2016. Bản dịch Việt ngữ do Võ Phương Linh thực hiện từ Hoa Kỳ. Trân trọng giới thiệu. (NCTG)

 
*

Một trong những khoảnh khắc đầy ý nghĩa của mùa tranh cử vừa rồi xảy ra vào ngày 11-2, trong cuộc tranh luận của Đảng Dân chủ giữa Bernie Sanders và Hillary Clinton, và bất ngờ là lại liên quan tới Henry Kissinger. Clinton hoàn toàn không che giấu mối quan hệ thân tình giữa bà và Kissinger, điều nhẹ nhàng mà nói đã làm Bernie Sanders khó chịu. “Tôi rất tự hào khi nói rằng Henry Kissinger không phải bạn tôi. Hãy coi tôi là một người sẽ không nghe lời Henry Kissinger”, Sanders nói.

Sanders biết rõ lịch sử đầy tranh cãi của Kissinger, trong đó có vấn đề về vai trò chủ chốt của ông trong chiến dịch đánh bom Campuchia phi pháp của Tổng thống Richard Nixon. Từ năm 1969 tới 1973, Hoa Kỳ đã thả 540.000 tấn bom xuống nước này, giết hại từ 150.000 tới 500.000 người Campuchia. Theo lời Nixon và Kissinger, người khi đó là cố vấn an ninh và có thời cũng là ngoại trưởng của Nixon, mục tiêu của việc này là để ngăn chặn quân Việt Cộng di chuyển qua Campuchia. Với Sanders, chính sách này cùng một số việc tương tự khác khiến Kissinger trở thành “một trong những ngoại trưởng có sức tàn phá nhất”. Đáp lại lời Sanders, Clinton biện hộ cho người nhiều lần từng cố vấn cho bà. “Thế giới này rất rộng lớn và phức tạp”, bà nói, nhắc về việc Kissinger mở cửa cho Trung Quốc làm một ví dụ về tài quản lý ngoại giao của ông.

Vào giây phút đó, bà Clinton đã mất lá phiếu của tôi. Không chỉ vì cái nhìn của bà về Kissinger, mà còn vì cái nhìn đó trùng với quan điểm mà bà chia sẻ với nhiều người về sự xuất chúng của nước Mỹ. “Nước Mỹ vĩ đại vì nước Mỹ tốt đẹp” (“America is great because America is good”), bà nói tại buổi Hội nghị Toàn quốc của Đảng Dân chủ, câu nói tổng kết điều mà cả hai đảng đều đồng tình và được hưởng ứng mạnh mẽ ở Washington và khắp nước Mỹ. Là một người tỵ nạn từ Việt Nam, đất nước nơi Hoa Kỳ suốt nhiều năm đã đánh bom, đặt mìn, và rải chất độc da cam, tôi có những nghi ngờ về sự tốt đẹp cốt lõi của nước Mỹ.

Tôi tới Hoa Kỳ tỵ nạn năm 1975 nhằm thoát khỏi đất nước bị lực lượng cộng sản cầm quyền. Người Mỹ, choáng váng trước thất bại của họ, xoa dịu lương tâm tội lỗi của mình bằng việc tiếp nhận người Việt tỵ nạn. Cứu những người tỵ nạn này giúp củng cố lòng cao thượng cốt yếu của tính cách Mỹ. Song, như người dẫn chuyện trong cuốn “Cảm tình viên” (The Sympathizer) của tôi đã nói, tôi là “một trong những ca bất hạnh luôn tự hỏi rằng liệu việc tôi cần lòng thương của người Mỹ có phải là vì từ đầu tôi đã tiếp nhận cứu trợ của họ không”. Hoa Kỳ thực hiện các chiến dịch đánh bom ở Việt Nam, Lào và Campuchia, bề ngoài là để giúp các nước này, bảo vệ họ dưới danh nghĩa tự do và dân chủ. Nhưng tôi luôn cảm thấy lo lắng mỗi khi các chính trị gia và công dân mẫu mực dùng những từ ngữ đao to búa lớn như vậy. Mỗi khi họ nói ra những từ đó, tôi lại nghe thấy tiếng gầm của động cơ B-52 khi khởi động.

Trong buổi phỏng vấn dài với Jeffrey Goldberg [phóng viên, chủ biên tờ “The Atlantic”], Kissinger kể lại chi tiết rằng nhiệm kỳ của ông tại Washington đã biến nước Mỹ thành cường quốc toàn cầu, và giúp đất nước hoạt động theo cách ông cho là có lợi nhất của cả thế giới và nước Mỹ. “Việc nước Mỹ giành lại một tầm nhìn chiến lược toàn cầu là một vấn đề thiết yếu trong chính sách ngoại giao của chúng ta”, Kissinger nói. Chủ nghĩa pax Americana của ông được bảo toàn sau cùng là nhờ vào việc sử dụng vũ lực có chiến lược và chủ nghĩa chính trị thực tiễn (realpolitik). Nhân dân các nước bên ngoài, những người có thể phải trả giá cho tầm nhìn của ông, không nằm trong cái nhìn toàn cầu này. Sau từng ấy năm, việc Kissinger có thể đã từng mắc sai lầm, hay cam kết với các đồng minh và các chính sách dẫn tới cái chết của hàng ngàn người khắp thế giới, dường như không làm ông bận tâm. Việc suy xét các giải pháp thay thế để tránh gây ra các thương vong đó cũng không được nhắc tới.

Một trong những điều trớ trêu đau buồn nhất trong cuộc đời của tôi là việc Hoa Kỳ có lẽ đã có thể đạt được mục tiêu của mình ở Đông Nam Á mà không cần phải gây chiến. Chủ nghĩa tư bản đã thắng thế ở Việt Nam ngày nay, dù Đảng Cộng sản vẫn đang nắm quyền. Tại sao lại phải biến Đông Dương cũ thành sân khấu cho cuộc Chiến tranh lạnh và gây ra cái chết của hàng triệu người dân Đông Nam Á? Ở đây, tôi tính cả những người dân Campuchia chết dưới chế độ Khmer Đỏ. Nhiều nhà sử học cho rằng chế độ này có thể vươn tới quyền lực được là nhờ hậu quả tàn khốc của việc Mỹ rải bom khắp nước này, một chính sách được Kissinger ủng hộ.

Một người theo chủ nghĩa thực tiễn có thể sẽ thấy việc suy đoán về một lịch sử khác cho Đông Nam Á - nơi việc đàm phán, đầu tư tài chính và cơ sở hạ tầng, tiếp cận con người, và nỗ lực hợp tác và tìm kiếm giải pháp hòa bình có thể sẽ mang tới kết cục khác - là vô nghĩa. Cho dù chúng ta không thể thay đổi quá khứ, tưởng tượng ra các khả năng khác - điều mà bà Clinton và những người cùng tầng lớp dường như không muốn làm - là cách duy nhất để tiến tới trên một con đường khác. Kissinger có vẻ không muốn tự kiểm điểm như vậy, mà thay vào đó là chấp nhận một thế giới bạo tàn như hiện nay.

Để hiểu được vì sao Kissinger lại chấp nhận bạo lực, hãy xem cách ông biện hộ cho việc đánh bom Campuchia trong cuộc phỏng vấn của Goldberg. Ông nói rằng chiến dịch này được thực hiện để ngăn lực lượng miền Bắc Việt Nam lợi dụng nước này. Việc miền Bắc vi phạm chủ quyền của Campuchia bất hợp pháp không phải là lý do để nước Mỹ đánh bom bất hợp pháp. Cái nhìn của Kissinger thể hiện niềm tin rằng luật pháp là do quyền lực định đoạt. Quốc gia nào mạnh nhất - quốc gia nào có khả năng gây thương vong nhất - sẽ có quyền quyết định điều gì là hợp pháp.

Việc Gerald Ford, Ronald Reagan, và giờ là Hillary Clinton ủng hộ Kissinger đã bình thường hóa ông, biến quan điểm của ông thành một phần trung tâm của chính sách quản lý nước Mỹ bằng cách biến ông thành nguồn của một hệ tín ngưỡng căn bản, một tin ngưỡng dạy dỗ về giá trị của lòng nhân đạo của người Mỹ, nhưng lại chấp nhận việc giết hại và tàn phá những mạng người và nơi chốn khác là cần thiết. Việc bình thường hóa những điều này - được củng cố bởi các nhân vật truyền thông, chuyên gia chính sách, và giới học thuật - là vô cùng nguy hiểm. Nó biến cái đáng khinh thành cái chấp nhận được. Donald Trump giờ cũng đang cố tạo ra một thay đổi như vậy; và không có gì đảm bảo ông ta sẽ không làm được. Kissinger cho ta một bài học về cách thành công bằng việc không bao giờ chối bỏ, không bao giờ xin lỗi, và thuyết phục người khác không ngừng nghỉ về sự chính đáng trong chính sách ngoại giao của ông.

Tôi bất đồng với các quyết định của Kissinger về mặt đạo đức, song chúng cũng nguy hiểm cả về mặt chiến lược, nhất là khi được hỗ trợ bởi lý thuyết “Nước Mỹ vĩ đại vì nước Mỹ tốt đẹp” mà người Mỹ thường tin tưởng. Họ không thể hiểu được vì sao những người khác lại không muốn bị đánh bom, bởi nói cho cùng đó là vì lợi ích của họ, để bảo vệ họ khỏi hiểm họa nào đó mà Washington tin rằng cũng đang đe dọa đất nước của họ. Khi người Mỹ bị phản công, họ không hiểu nổi vì sao lại có người đáp trả ý định tốt của họ bằng các vụ tấn công chết người. Và quan điểm của Kissinger, rằng cần phải đáp trả vũ lực bằng nhiều vũ lực hơn nữa, được chính thống hóa, rồi tồn tại mãi mãi. 

Là người Mỹ, và cũng là người tỵ nạn, tôi nhìn thế giới từ cả tầm nhìn trên cao của máy bay Mỹ, và từ con mắt của những người dưới mặt đất ngước nhìn máy bay Mỹ thả bom. Hiện tượng kỳ lạ này giúp tôi đồng cảm với Kissinger, ngay cả khi tôi không thể coi triết lý của ông là bình thường hay đương nhiên. Ông dường như đồng cảm với kẻ mạnh chứ không phải kẻ yếu. Theo cách này, ông đại diện cho bản năng của nhiều người Mỹ, cũng như nhiều người khác trên toàn thế giới.

Nguyễn Thanh Việt


 
Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn