QUYỀN LỰC MỀM CỦA FACEBOOK

Thứ ba - 27/09/2016 12:02

(NCTG) “Ở Việt Nam, ảnh hưởng đáng kể nhất của Facebook cho đến thời điểm này, đó là, mạng lưới “thông tin” được mở rộng vô bờ. Qua rồi cái thời mà nhà nhà đọc báo và tin tưởng vào báo chí cách mạng như một chân lý”.

Facebook, mạng xã hội đồng nghĩa với sự tương tác và kết nối - Ảnh: Internet

Facebook, mạng xã hội đồng nghĩa với sự tương tác và kết nối - Ảnh: Internet

Mới vài năm trước, khi Facebook đang phát triển cực thịnh, nhiều người đã quan ngại về sự lỗi thời của nó trong tương lai gần. Trái với tất cả dự đoán, ngày nay Facebook càng phát triển mạnh hơn bao giờ hết…

Trên thực tế, Facebook - đi sau Google - có lẽ là bước ngoặt lớn nhất trong thời đại Internet tính đến nay.

Nó là một trong những trang mạng phát triển nhanh nhất và là công cụ gắn liền với cái tên Mark Zuckerberg - chàng sinh viên bỏ học 10 năm trước và nhanh chóng trở thành một trong những ông chủ trẻ giàu nhất và được ngưỡng mộ nhiều nhất, với đội ngũ đằng sau là hàng ngàn nhân viên công nghệ ưu tú.

Bắt đầu từ ý tưởng “kết nốt con người với nhau”, chỉ trong chục năm phát triển vũ bão, Facebook mua trọn Instagram, WhatsApp, và trở thành quyền lực mềm đáng sợ trên Internet, chỉ Google và Amazon có thể sánh bằng.

Facebook đã tạo nên vô số các thay đổi đối với người sử dụng Internet. Từ một trang mạng trường học ra đời vào năm 2004, đến tháng 12 cùng năm đã có hơn một triệu người dùng. Rồi những chức năng hình ảnh, phần mềm để sử dụng trên điện thoại, Facebook Chat lần lượt ra đời giúp Facebook cán mức 100 triệu người dùng vào cuối 2008. Bốn năm sau, con số trên đã là 1 tỷ (gần 1/7 dân số thế giới vào thời điểm đó).

Trong thời đại mà “số lượng users” (người sử dụng) sẽ gián tiếp in tiền cho các trang mạng thì Facebook là ông vua trong sân chơi này, nói cách khác, người dùng được xem như những con tốt sinh lợi cho các nhà tiếp thị, quảng cáo, và xuất bản.

Theo số liệu vào tháng 4, giá trị của Facebook vào khoảng 350 tỷ đô, xếp thứ 6 tại Mỹ (chỉ sau Apple, Alphabet, Microsoft, Exxon Mobil, và Berkshire Hathaway). Tuy nhiên, thứ tự này được các chuyên gia cho rằng sẽ có sự thay đổi. Lợi nhuận của Facebook được dự đoán tăng 32% hàng năm trong những năm tới, tỷ lệ này gấp hai lần Google và gần gấp ba lần Apple.

Trên đà phát triển như vầy, nếu không có gì thay đổi, những ngày tháng tươi đẹp nhất của Facebook vẫn chưa dừng và còn dài phía trước.

Có thể nói, giờ đây Facebook không còn là cuốn sổ kết nối bạn bè như ý định ban đầu cho sự ra đời. Nó là chiếc cầu kết nối vô số tiện ích khác nhau, như: báo đài, phương tiện di chuyển, học tập... Lần đầu tiên trong lịch sử, cuộc tranh luận giữa hai ứng viên Tổng thống Mỹ được trực tiếp trên các báo đài qua Facebook, khán giả không cần thiết phải ôm khư khư cái ti-vi như trước đây nữa.

Ở Việt Nam, ảnh hưởng đáng kể nhất của Facebook cho đến thời điểm này, đó là, mạng lưới “thông tin” được mở rộng vô bờ. Qua rồi cái thời mà nhà nhà đọc báo và tin tưởng vào báo chí cách mạng như một chân lý. Qua rồi thời ngồi xem những chương trình thời sự của VTV và ngớ ngẩn vô tư xem đó hoàn toàn là những điều có ích.

Giờ đây, bất cứ ai cũng có khả năng tự kiểm tra thông tin cho riêng mình, và cổng kết nốt tiện lợi nhất đích thị là Facebook.

Chính Facebook chứ không phải Biên tập viên hay Thư ký Tòa soạn lành nghề nào mới là bộ máy kiểm tin chính xác và khách quan nhất.

Chỉ một ngày trước, một nhà báo chuyên về góc nhìn xã hội - người được bạn đọc và bạn bè của anh ta thần tượng chẳng khác ngôi sao showbiz - bị một cây bút trên Facebook vạch trần nội dung “định hướng” của một bài báo do anh ta viết. Và bài viết ấy đương nhiên được chỉnh sửa lại… cho đỡ bị “tháu cáy”.

Buồn cười làm sao, công việc của nhiều Biên tập viên báo mạng hiện nay không phải là biên bài cho tốt mà là “canh chừng” Facebook, nếu những bài viết trên tờ báo mà mình làm việc có gì không đúng thì độc giả sẽ lên Facebook “chửi”, Biên tập viên cứ theo đó mà sửa.

Nhiều, nhiều lắm các trường hợp như thế bị việt vị. Điều này không có nghĩa câu chuyện mới xảy ra gần đây, nhưng sự phát triển của Facebook mới là điểm nhấn, giúp cộng đồng nhận ra đâu là lẽ phải, để mọi người phải nhìn vào thực tế: “Người biết chữ và biết viết báo không phải lúc nào cũng… viết đúng”.

Quan trọng hơn, cũng nhờ mạng Facebook mà tiếng nói của quần chúng nhân dân được chính quyền nhìn vào một cách thận trọng hơn.

Điển hình, nếu không có Facebook, hiện giờ Formosa có lẽ đã đi vào hoạt động dưới sự câm lặng của báo chí nước nhà. Không chỉ trích các nhà báo vì ai cũng có tâm sự, tôi chỉ muốn nói câu chuyện thực tế.

Mối quan hệ cộng hưởng giữa users với ngôi nhà Facebook chắc chắn còn ảnh hưởng đến đời sống của chúng ta hàng thập kỷ nữa, ít nhất.

Anh Thư, từ Sài Gòn


 
 Từ khóa: Facebook
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn