VỀ MỘT SỰ ĐỨT GÃY VĂN HÓA

Chủ nhật - 04/09/2016 22:15

(NCTG) “Học - hiểu Hán văn không phải là nô dịch cho quá khứ, không phải là nô lệ cho Trung Hoa mà là để hiểu tổ tiên, hiểu cả những mặt mạnh cũng như yếu khuyết của cha ông. Đấy là việc mà chúng ta nên làm để có cội rễ vững vàng hơn từ đó mạnh mẽ hơn”.

Học Hán văn để hiểu được những thông điệp và giá trị sống mà tổ tiên để lại cũng là bổ ích - Minh họa: Internet

Học Hán văn để hiểu được những thông điệp và giá trị sống mà tổ tiên để lại cũng là bổ ích - Minh họa: Internet

Một ngàn năm văn hiến, từ văn học bác học, đến việc thi cử chọn người tài quản trị quốc gia, bang giao người Việt nhất nhất dùng chữ Hán.

Năm 1918, khi Nho học không còn hợp thời, việc thi cử chấm dứt nhưng giới Nho gia vẫn còn ít nhiều chỗ đứng trong xã hội. Mà cũng chẳng phải ai khác, chính họ mới là người khởi xướng và chủ trì canh tân.

Sau ngày 2-9-1945, Chính phủ Hồ Chí Minh bắt đầu công cuộc phổ cập chữ Quốc ngữ, việc này có hai ý nghĩa quan trọng.

Trước hết chữ Quốc ngữ dễ học, chỉ mất vài ba tháng là có thể đọc thông viết thạo, rất thuận lợi cho việc tuyên truyền của Chính phủ mới. Những người dân vừa thoát mù chữ xong, không cần phải tư duy gì, cứ văn bản quốc ngữ Chính phủ ban hành mà làm theo; người có tư duy và cách nghĩ khác, yên tâm Chính phủ đã có bài riêng cho họ.

Thứ hai là ý nghĩa chính trị, một Chính phủ vừa mới thành lập không lâu lại có thể khiến đại đa số người dân đọc thông viết thạo. Đấy là một kỳ tích ngàn năm chưa có ở Việt Nam, thậm chí là cả trên thế giới.

Không lâu sau cuộc xoay vần, trí thức trong đó có cả những nhà Nho còn lại chịu tai họa khủng khiếp nhất. Năm 1953 - 1954, công cuộc Cải cách Ruộng đất bắt đầu, ở nông thôn đập chùa phá đình, hủy hoại hoành phi câu đối, công kích trực diện những cái gì là “tàn dư văn hóa phong kiến”. Cội rễ văn hóa Việt Nam lung lay và sau đó là bị bứng tận gốc, thế vào đó là văn hóa công nông.

Năm 1956, cuộc công kích vào giới trí thức - văn sĩ Tây học bắt đầu. Những cái mới mẻ, tiến bộ đến đây bị thui chột nhường chỗ cho cái gọi là trí thức cách mạng, văn hóa vô sản.

Gần như cùng một lúc, cả hai giá trị Văn hóa nổi bật nhất của Việt Nam, cả hai giá trị Văn hóa người Việt chắt chịu ngàn năm, trăm năm bỗng chốc không còn gì. Mạch nguồn văn hóa đứt từ đây!

Có lẽ ít có quốc gia nào có sự đứt gãy, tổn thương văn hóa sâu sắc như Việt Nam khi mà hiện tại bài trừ và đang đoạn tuyệt với quá khứ và khi mà tương lai bị bứng rời ra khỏi truyền thống.

Đến giờ mà nói rất ít người trong chúng ta hiểu được những thông điệp mà tổ tiên để lại, hiểu được những giá trị sống mà tổ tiên gây dựng. Thậm chí nhiều người trong chúng ta khiếp nhược đến nỗi cho rằng hiểu Hán tự chẳng khác gì bị đồng hóa với Trung Quốc, học Hán văn chẳng khác gì Hán nô?

Học - hiểu Hán văn không phải là nô dịch cho quá khứ, không phải là nô lệ cho Trung Hoa mà là để hiểu tổ tiên, hiểu cả những mặt mạnh cũng như yếu khuyết của cha ông. Đấy là việc mà chúng ta nên làm để có cội rễ vững vàng hơn từ đó mạnh mẽ hơn.

Quang Phan từ Hà Nội


 
 Từ khóa: Hán văn, chữ Quốc ngữ
Tổng số điểm của bài viết là: 20 trong 5 đánh giá
Xếp hạng: 4 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

loading