Tôi nhớ mãi câu chuyện có một cô người Việt tên Phương khi được bạn nước ngoài hỏi tên Phương có nghĩa là gì thì trả lời đấy là phương hướng (direction). Một cái tên hay nghĩa là hương thơm/thơm ngát, thì bị dịch thành phương hướng. Đấy là bạn ấy chưa biết hết nghĩa của chữ “phương”. Bạn ấy cũng không nhất thiết phải học tiếng Trung/Hán để biết nghĩa này của chữ phương. Không nhất thiết phải biết chữ 芳 viết như thế nào trong tiếng Hán, mà chỉ cần biết chữ phương có nghĩa là hương thơm là đủ. Ví dụ Phương Thảo là cỏ thơm.
Trong tiếng Hán/Trung chữ “phương” với các nghĩa khác nhau được viết khác nhau, nhưng đọc giống nhau. Khi chúng ta vay mượn những từ này của tiếng Hán/Trung chúng ta cũng dùng như người Hán. Nhưng khi tiếng Việt được La Tinh hóa thì chỉ có một cách viết và nếu không được dạy kỹ thì người Việt chúng ta sẽ quên một số nghĩa ít dùng.
Chữ “hương thơm/thơm ngát”được dùng nhiều hơn chữ “phương” theo nghĩa là hương thơm, và vì thế người Việt quên dần nghĩa “hương thơm/thơm ngát” của chữ “phương”. Chữ “phương” còn một số nghĩa nữa như trở ngại như trong “phương hại”; hay có nghĩa là tên đất trong “địa phương”, “thập phương”. Còn hai, ba nghĩa nữa của chữ phương mà chúng ta rất ít khi dùng tôi không kể ra đây.
Như vậy để tiếng Việt khỏi mai một, để người Việt dùng tốt tiếng Việt, không nhất thiết phải biết Hán tự mà chỉ cần biết đầy đủ hơn nghĩa của các từ Hán-Việt. Còn các nhà ngôn ngữ học có thể học tiếng Hán/Trung để biết các chữ đấy viết khác nhau như thế nào trong tiếng Hán/Trung.
Vậy từ Hán-Việt là gì? Thời đầu Công nguyên khi chúng ta bị đô hộ, chúng ta đã vay mượn trong tiếng Hán những thứ trong ngôn ngữ chúng ta chưa/không có. Một ngàn năm đô hộ việc vay mượn tiếng Hán là chuyện bình thường. Tiếng Việt vay mượn không phải chỉ từ tiếng Hán mà cả từ các ngôn ngữ khác. Không vì thế mà chúng ta mất đi sự tự tin. Giao thoa văn hóa là thực tế cuộc sống.
Cũng không phải chúng ta đã Việt hóa những chữ này để rồi nó thành bộ phận Hán-Việt trong tiếng Việt. Nói thế là chúng ta “tự sướng” thôi. Chúng ta vay mượn tiếng Hán và phát âm gần với người Quảng Đông vì chúng ta là hàng xóm với người Quảng Đông. Chẳng có sáng tạo gì ở đây cả.
Ngày xưa khi chúng ta dùng chữ Hán (Hán tự) thì từ Hán-Việt chính là từ Hán mà chúng ta vay mượn, nhưng khi được la tinh hoá thì đấy là từ Hán-Việt viết bằng chữ la tinh trong tiếng Việt của chúng ta.
Còn chữ Nôm là gì? Đúng ra chữ Nôm là chữ Hán (Hán tự) cha ông chúng ta vay mượn để viết âm Việt, âm hoàn toàn không có trong tiếng Hán. Nôm có nghĩa là Nam để chỉ người Việt ở phía Nam. Có lẽ vì thế nên gọi là chữ Nôm. Nhiều nhà khoa học khẳng định trước đó chúng ta cũng có chữ viết. Có thể là như vậy. Nhưng chữ Việt cổ đấy đã bị mai một. Ít nhất, khi dùng chữ Hán để ghi chép các âm tiếng Việt chúng ta đã phải mượn chữ của người Trung Quốc. Khi được các cha cố phương Tây La Tinh hóa thì những từ đấy thành những từ “thuần Việt” trong tiếng Việt.
Viết những dòng này, tôi chỉ muốn nhấn mạnh hai điều:
- Thay vì nói cần học tiếng Hán/Trung để biết tốt hơn tiếng Việt chúng ta nên nói cần học tốt hơn tiếng Việt, đặc biệt là những nghĩa khác nhau của từ Hán-Việt trong tiếng Việt, để biết tốt tiếng Việt. Nói như thế thì sẽ không bị hiểu nhầm là Hán nô.
- Chúng ta không nên cực đoan, tẩy chay bất cứ cái gì liên quan đến Trung Quốc. Chúng ta là láng giềng với Trung Quốc như Nhật Bản, Hàn Quốc. Ảnh hưởng qua lại là đương nhiên. Tiếng Việt gần với tiếng Trung, vay mượn tiếng Trung là đương nhiên. Thừa nhận điều đó, không có nghĩa là chúng ta ít Việt hơn. Dám khẳng định điều đó mà vẫn giữ được bản sắc thì mới là điều cần/nên làm. Giống như người Nhật, người Hàn vẫn thừa nhận ảnh hưởng của Trung Quốc nhưng vẫn có bản sắc riêng Nhật, Hàn.
Xin có vài lời như vậy với các bạn quan tâm chủ đề tiếng Việt.
TS. Nguyễn Hồng Thạch