(NCTG) “Nước Mỹ vẫn đang phải đối phó với nạn khủng bố, vẫn không chấp nhận nhiều giáo điều của đạo Hồi nhưng không thể vì thế mà từ bỏ lý tưởng tự do cá nhân dù đó là sự tự do chọn lựa và biểu đạt những gì đa số không thích”.
Phụ nữ bị phạt ở Nice vì “trang phục không tôn trọng đạo đức và thế tục” - Ảnh: Vantagenews.com
Báo tiếng Anh trên mạng từ Mỹ, Úc, và… Anh đều lên tiếng đả kích cảnh sát Pháp phạt một phụ nữ mặc burkini hay khăn trùm đầu trên bãi biển Nice. Lý luận khách quan nào để khiến trang phục kín đáo trở thành một vấn đề của luật pháp là điều sâu thẳm ngoài tầm suy nghĩ của tôi.
Đơn giản hơn cho người như tôi là cách giải thích rằng ăn mặc như thế này là một biểu tượng của Hồi giáo, là người đạo Hồi, theo giá trị Hồi giáo, không hòa nhập... vân vân làm đa số chán ghét nên cấm. Đã cấm thì phải phạt. Luật pháp nghiêm minh của nước có văn hóa. Thật thế à?
Cảm xúc yêu ghét một điều gì là chuyện riêng tư, nhưng khi được đa số cùng chia sẻ thì có lẽ điều ấy được xem là đặc điểm văn hóa của xã hội. “Không thích văn minh, văn hóa tiến bộ thì đến đây làm gì? Không muốn hòa đồng thì xéo, đừng làm chướng mắt!”. Phản ứng như thế của nhiều người ủng hộ luật cấm burkini cũng dễ hiểu, dễ được thông cảm, nhất là khi ta nghĩ đến nạn khủng bố và cách đối xử với phụ nữ của nhiều thành phần theo đạo Hồi.
Trên bình diện thực tế, có những người không muốn “hội nhập” hay đồng hóa nhưng chẳng muốn “xéo” đi đâu vì họ đã ra đời và trưởng thành tại Pháp. Ôi, họ sống ở nước tiến bộ mà lại ưa thích tư tưởng lạc hậu, cam tâm muốn làm tù nhân - có người đã nghĩ như thế. Nhưng ra tay “giải phóng” họ như thế nào cho phù hợp với giá trị Tây phương theo đúng logic?
Nhà báo Mỹ Steve Chapman có châm biếm rằng những ông bà Tây này đã tước quyền tự do chọn lựa trang phục của phụ nữ Hồi giáo vì muốn họ được tự do. Tôi nghĩ Descartes và Voltaire hẳn phải đang lăn lộn trong mồ, nửa cười nửa khóc khi hậu duệ của các ông bị dân cao bồi xứ Mỹ chê cười thế này.
Mỹ từng choảng nhau với mọi nước lớn, trừ nước Pháp. Biểu tượng tự do đầu tiên mà người di dân trước đây từ Châu Âu được thấy trên đất Mỹ là tượng Nữ thần Tự do ở cửa khẩu New York, món quà tặng lý tưởng của nước Pháp. Tinh thần tôn trọng tự do ngôn luận của Voltaire đã thấm vào xương máu người Mỹ, ngày càng sâu. Tuy những người ít học, thiếu điều kiện trong xã hội Mỹ vẫn bị thành kiến che mờ giá trị của tự do ngôn luận (biểu đạt chính trị và tôn giáo), nước Mỹ vẫn bảo vệ được tinh thần của Voltaire một cách triệt để, nhiều khi thể hiện một cách bất ngờ.
Hơn năm trăm vận động viên Mỹ đến dự Thế vận hội Rio vừa qua. Theo thông lệ, họ bỏ phiếu chọn người cầm cờ đại diện cho họ, cho nước Mỹ. Cả thế giới đã thấy lá cờ Mỹ trong tay Michael Phelps, lực sĩ đã phá nhiều kỷ lục, đoạt nhiều huy chương nhất trong lịch sử, đã bốn lần tham dự Olympic. Chẳng có gì lạ khi anh được trao vinh dự cầm cờ.
Điều làm tôi ngạc nhiên và vui mừng hơn nhiều là người được số phiếu cao thứ nhì. Cô Ibtihaj Muhammad, kiếm thủ theo đạo Hồi, luôn mang hijab khi tranh tài đã suýt dành được danh dự này. Mẹ của cô kể rằng Muhammad theo môn đấu kiếm vì cô có thể mang hijab trong lúc chơi, có thể vừa theo đuổi thể thao vừa giữ giá trị tôn giáo hay văn hóa theo ý mình.
Lần đầu tham dự Olympic, Muhammad không có thành tích gì so với những vận động viên lừng lẫy khác của Mỹ. Tôi tin rằng vận động viên Mỹ bỏ phiếu cho Ibtihaj Muhammad không hoàn toàn vì cá nhân cô mà vì lý tưởng cao đẹp của một nước tự do.
Nước Mỹ vẫn đang phải đối phó với nạn khủng bố, vẫn không chấp nhận nhiều giáo điều của đạo Hồi nhưng không thể vì thế mà từ bỏ lý tưởng tự do cá nhân dù đó là sự tự do chọn lựa và biểu đạt những gì đa số không thích. Một cử chỉ đẹp bất ngờ của những người “vai u thịt bắp” xứ cờ hoa. Live and let live!
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...