BURKINI Ở XỨ BIKINI

Thứ năm - 18/08/2016 04:12

(NCTG) “Không một quốc gia, tôn giáo, thế lực, tập thể, cá nhân nào có thể thay thế phụ nữ Hồi giáo để đòi lại quyền tự do trang phục trừ bản thân họ. Thế nên, việc cấm bộ trang phục A, B, C vì nó là biểu tượng của sự mất tự do của phụ nữ Hồi giáo là sự viện cớ thiếu thuyết phục”.

Phụ nữ với trang phục bikini và burkini ở bãi biển Tunesia - Ảnh: thestar.com

Phụ nữ với trang phục bikini và burkini ở bãi biển Tunesia - Ảnh: thestar.com

Nhiều người Hồi giáo đang cảm thấy bị phân biệt đối xử vì họ bị cấm xuất hiện trong bộ burkini - đồ tắm dành cho phụ nữ theo đạo Hồi - ở một vài bãi biển ở Châu Âu. Tại sao một bộ đồ tắm lại trở thành câu chuyện đáng bàn đến thế?

Chỉ trong một năm, thế giới đã thay đổi không tưởng. Khoảng thời gian này năm ngoái, từng đoàn người Syria tấp nập chọn Châu Âu làm đích đến. Nước Đức đã mở rộng vòng tay đón hàng triệu người di dân, sau đó, đất nước này liên tiếp đối mặt với những vấn nạn chưa từng có do người tỵ nạn gây ra.

Thức ăn, quần áo thì quần chúng có thể hỗ trợ nhà nước hết mình để ổn định trật tự xã hội. Những khâu quan trọng hơn như chỗ ở, việc làm thì cần chiến lược lâu dài của nhà chức trách.

Tuy nhiên, điều mà người dân Châu Âu lo sợ nhất không phải là những thứ kể trên, mà là khủng bố. Chưa bao giờ từ ngữ ngày được lặp đi lặp lại nhiều trên báo chí như hiện nay, đến mức làm cho người ta đánh đồng Hồi giáo tức là chủ nghĩa khủng bố vì những phần tử khủng bố đều được cho là người Hồi giáo cực đoan.

Nếu như nước Pháp cay đắng bị khủng bố vì sự tôn trọng tự do, thậm chí bị cho là tự do quá mức và thiếu thận trọng của họ. Không có một chế định về việc lấy tôn giáo của người khác ra làm trò cười, họ đã nhận hậu quả rõ rệt qua vụ tấn công tòa soạn “Charlie Hebdo” tại Paris.

Vụ tấn công đẫm máu ở thành phố Nice của Pháp vào tháng 6 vừa qua càng làm cho người dân hoang mang, sợ hãi lên đến tột đỉnh. Thành phố yên bình lãng mạn như Nice mà còn nhìn thấy thảm cảnh chết chóc thì trên thế giới này còn nơi nào an toàn nữa đây.

Trong quá khứ, người ta thường liên tưởng đến nước Mỹ khi nói đến mục tiêu của khủng bố. Giờ đây không chỉ Mỹ, mà nhiều quốc gia Châu Âu, và có lẽ sẽ mở rộng phạm vi trong tương lai, đang phải đối mặt hàng ngày.

Ngay cả Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đang là ngôi nhà của khoảng ba triệu người Syria tị nạn, bọn khủng bố cũng không tha.

Chủ nghĩa khủng bố đã thay đổi nhiều, ở cuộc thảm sát ở Nice, tên khủng bố đã dùng xe tải lớn tông thẳng vào đám đông, một chuyên gia chống khủng bố cho biết: “Không chỉ bằng bom đạn, giờ đây bọn khủng bố đã linh hoạt và tinh ranh hơn. Mọi thứ đều có thể dùng làm công cụ giết người, bạn không thể đề phòng được điều gì cả”.
 
Mâu thuẫn giữa Hồi giáo và người dân bản xứ tưởng chừng có thể thuyên giảm, trên thực tế ngày càng trầm trọng hơn, không chỉ vì sự thiếu thiện chí của nhiều người Hồi để hòa nhập vào môi trường văn minh của các nước Châu Âu, mà còn do ánh mắt định kiến của người dân bản xứ đối với những người theo tôn giáo hết sức đặc thù này.
 
Có nên cấm burkini để “giải phóng phụ nữ”? - Ảnh: indiatimes.com
Có nên cấm burkini để “giải phóng phụ nữ”? - Ảnh: indiatimes.com

Tôn giáo là niềm tin, tôn giáo không có đúng sai, thế nhưng Hồi giáo là một trường hợp ngoại lệ khiến những người xung quanh họ, ít nhiều, phải lo lắng.

Bằng chứng là những gì liên quan đến đạo Hồi đều được đem ra đong đếm và quan trọng hoá vấn đề. Từ tấm khăn trùm đầu, bộ đồ che kín toàn thân của phụ nữ Hồi giáo, và giờ là bộ đồ bơi với tên gọi burkini.

Cần xác định phụ nữ Hồi giáo phải là những người chịu trách nhiệm với trang phục mà họ mặc lâu nay. Không một quốc gia, tôn giáo, thế lực, tập thể, cá nhân nào có thể thay thế phụ nữ Hồi giáo để đòi lại quyền tự do trang phục trừ bản thân họ. Thế nên, việc cấm bộ trang phục A, B, C vì nó là biểu tượng của sự mất tự do của phụ nữ Hồi giáo là sự viện cớ thiếu thuyết phục.

Ngày càng nhiều nơi ở Châu Âu ban lệnh cấm loại trang phục tắm burkini, câu hỏi đặt ra là bộ đồ tắm của người Hồi chỉ là dấu hiệu thể hiện sự khác biệt và người dân Châu Âu cần tôn trọng sự khác biệt đó, hay đó là dấu hiệu của một cuộc xâm lấn về văn hóa và tôn giáo mà người Âu đang e ngại?

Một điều trùng hợp khá thú vị, nước Pháp, nơi có nhiều bãi tắm cấm burkini, là quê hương của Louis Réard, người thiết kế ra bộ bikini đầu tiên của thế giới hiện đại và năm nay cũng là kỷ niệm 70 năm ra đời của bộ đồ tắm nổi tiếng này. Khác với những ngày đầu bị tố là lố lăng, bikini giờ đây không còn là bộ trang phục biển đơn thuần, nó tượng trưng cho vẻ đẹp và sự tự tin của nữ giới.

Bộ burkini suy cho cùng cũng là một dạng trang phục của người Hồi, nếu theo cái lý “thế tục” mà các chính khách Châu Âu đưa ra để biện minh, họ cần cấm luôn cả những bộ trang phục khác của Hồi giáo mới phải.

Ở ngoài sáng thì không thể cứng rắn với những kẻ cơ hội trong bóng tối. Ban hành những lệnh cấm cản như vậy chỉ đào sâu thêm hố ngăn cách, làm cho người đạo Hồi cảm thấy tự ti, mặc cảm, và những gì họ sẽ phản ứng trong tương lai càng không thể lường trước được.

Không nên so đo theo kiểu, một số nước Hồi giáo cấm bikini ở bãi biển của họ thì ta cũng có quyền cấm burkini ở bãi biển của ta. Nói vậy tức là ta - những người may mắn không chịu cảnh chiến tranh loạn lạc, được ăn học ở quốc gia văn minh -  đã đánh đồng ta cùng với họ đấy sao.

Khi đó, lấy danh nghĩa gì để cho rằng ta văn minh hơn họ ngoài việc may mắn được sinh ra và lớn lên ở một quốc gia đáng sống hơn những con người đang tỵ nạn kia? Chừng nào nhân loại mới cùng nắm tay nhau tiến bộ nếu cứ hơn thua trẻ con như thế.

Cộng đồng Việt sống ở nước ngoài, tuy không bảo thủ như đa phần người Hồi giáo, để có được những thế hệ trẻ sống văn minh như ngày nay thì cũng trải qua những giai đoạn bị người bản xứ chê cười. Xử lý các vấn nạn do người tỵ nạn gây ra không những cần tạo điều kiện để họ sinh sống, làm việc, tiếp cận lối sống văn minh, mà còn cần cho thời gian để họ thay đổi, hòa nhập.

Lộ trình này không dễ dàng đến đích trong vòng một hai năm, đôi khi cần đến nhiều thập kỷ.

Xem chừng những quốc gia Châu Âu đang rơi vào mối tơ vò, không biết nên làm gì với cách sinh hoạt của người đạo Hồi, thôi đành tiến hành những cuộc cấm cản “thử nghiệm”. Có thể điều đó giúp cho nhiều người dân Âu không còn cảm thấy khó chịu vì phải nhìn thấy những bộ burkini trên bãi biển, duy biết một điều, đó không phải là nền văn minh mà họ đang nắm giữ và hướng đến.

Yêu cầu “Nhập gia tùy tục” cần có sự phối hợp từ hai phía, nó không nên phát ra từ cửa miệng của những vòng tay nhân ái, nhất là sự “tùy tục” lần này rất mơ hồ về tính thuyết phục!

Anh Thư, từ Sài Gòn - Ngày 18-8-2016


 
 Từ khóa: Hồi giáo, burkini
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn