THẢM HỌA MÔI TRƯỜNG TẠI VIỆT NAM VÀ ĐÒI HỎI VỀ TỰ DO TIẾP CẬN THÔNG TIN

Thứ ba - 28/06/2016 20:47

(NCTG) “Ở một khía cạnh nào đó, trao đổi, thảo luận giúp đưa ra những lằn ranh mới trong tự do thông tin tại Việt Nam, nơi một bên dân chúng đòi hỏi quyền tiếp cận thông tin, quyền tiếp cận sự thật, và bên kia là nhà nước cố gắng kiểm soát, kiểm duyệt. Và như thế, những tranh luận cởi mở, không khoan nhượng để bảo vệ những giá trị mà đôi bên theo đuổi cần được khuyến khích”.

Khẩu chiến trên mạng giữa nhà báo Lê Bình và luật sư Trần Vũ Hải đang được công luận để tâm

Khẩu chiến trên mạng giữa nhà báo Lê Bình và luật sư Trần Vũ Hải đang được công luận để tâm

Ồn ào mấy ngày qua liên quan đến cuộc tranh biện trên mạng Facebook giữa luật sư Trần Vũ Hải và nhà báo Lê Bình về vụ việc Cá Chết - Nhiễm Độc Biển phản ánh những nổi cộm không thể tránh khỏi của xã hội Việt Nam về Tự do Báo chí, nơi truyền thông Lề Phải đang phải chịu sự kiểm duyệt gắt gao, chỉ được hoạt động trong những giới hạn được khoanh vùng.

Cùng lúc đó, do sự tương tác và cọ sát các nguồn thông tin, tư liệu ngồn ngộn trên Mạng Xã Hội, Lề Phải bắt đầu chịu sức ép của Lề Dân, sức ép của công luận, trong hành trình đi tìm sự thật. Và vì thế, kiểu cách đưa tin “một nửa sự thật” hay chỉ tìm đến “một nửa sự thật” do bị kiểm duyệt của truyền thông Lề Phải, sẽ ngày càng trở nên lố bịch trước mắt công luận.

Ý kiến của luật sư Trần Vũ Hải phản ánh bức xúc chung của dân chúng, khi đã hơn hai tháng trôi qua mà thông tin về quá trình điều tra thảm họa môi trường ở các tỉnh miền Trung vẫn chưa được cập nhật cho dân chúng. Sự bức xúc, thất vọng không chỉ trước những lúng túng của giới lãnh đạo trong việc xử lý khủng hoảng, mà căn bản ở chính những hành xử vô trách nhiệm của họ trong vấn đề bảo vệ an toàn sức khoẻ cho người dân.

Việc đưa tin về “nghi phạm” hay “thủ phạm” có thể cần thời gian điều tra và kết luận không thể vội vàng mang tính chủ quan, nhưng thông tin về đời sống thường nhật của cư dân những vùng bị ảnh hưởng, về khó khăn họ gặp phải hàng ngày, về tình trạng sức khỏe của thợ lặn Formosa, những vụ nhiễm độc thức ăn, khuyến cáo về an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng... chẳng thể là “bí mật quốc gia” phải đánh dấu đỏ “tuyệt mật’’.

Một thực tại đáng buồn là VTV, cơ quan truyền thông chính thống, nơi chắc chắn có đầy đủ mọi nguồn nhân lực, kinh phí và khả năng để tác nghiệp, đã không làm được bất cứ phóng sự điều tra có giá trị nào, mà phải nhường sân cho đài truyền hình nước ngoài (như luật sư Trần Vũ Hải đề cập) và những nhà báo Lề Dân dũng cảm của Mạng Xã Hội, những người không quản hiểm nguy bám biển miền Trung trong thời gian qua. 

Câu hỏi được đặt ra là liệu truyền hình trung ương không đủ năng lực thực hiện những chương trình phóng sự như vậy, hay họ “lặng thinh” do bị kiểm duyệt. Câu trả lời thiên về sự kiểm duyệt báo chí. Truyền thông Lề Phải không thiếu những cán bộ đủ năng lực và muốn tìm kiếm sự thật, nhưng cái “vòng kim cô” của Ban Tuyên Giáo đã, đang và sẽ loại bỏ bất cứ ai có suy nghĩ độc lập, dám phá bỏ định hướng.

Mạng xã hội nóng lên và phản ứng với nhà báo Lê Bình không chỉ vì phong cách tranh luận có phần nóng nảy, mất bình tĩnh, không được “đẹp'' của chị, mà còn hơn thế nữa, chính ở cốt lõi của vấn đề, là các ý tưởng chương trình của VTV mà nhà báo Lê Bình ra sức bảo vệ tỏ ra hời hợt, không dám động đến bản chất của sự việc. 

Nhà báo Lê Bình, trong vai trò bảo vệ uy tín cho VTV, đã đưa ra dẫn chứng về các bản tin và phóng sự, nhưng tất cả những chương trình ấy đều được dán mác thời gian từ cuối tháng Tư. Sau thời điểm đó, chắc do “lệnh trên'', họ chọn phương án im lặng. Những chương trình sau này như phần quà từ thiện hay dọn dẹp rác làm sạch biển, được ai đó ví như “bệnh nhân ung thư mà bác sĩ chỉ kê đơn cấp thuốc bôi ngoài da”.

Sinh thái biển bị hủy hại nặng nề do biển bị nhiễm kim loại nặng, VTV kêu thanh niên tình nguyện ra dọn rác? Kinh tế miền Trung từ đánh bắt cá cho đến du lịch đã gần như hoàn toàn bị đình đốn, sắp tới dự báo xuất khẩu hải sản cũng sẽ bị thiệt hại nặng nề, số lượng người mất việc làm sẽ tăng đột biến, thì VTV lại tự hào khoe tặng mấy nghìn suất quà cho ngư dân vùng biển?

Những hoạt động đó của VTV có thể nên làm và sẽ được nhiệt liệt hoan nghênh trong điều kiện thường nhật. Nhưng trong những tình huống khẩn cấp, trước viễn cảnh tính mạng con người của thế hệ này và nhiều thế hệ tương lai bị đe dọa nghiêm trọng, khi cả một vùng biển rộng lớn đang bị đầu độc đến chết từng ngày, từng giờ, thì hỡi ôi, những ý tưởng nói trên trở nên thật thảm hại và nực cười!

Theo đúng quy luật và thông lệ của Mạng Xã Hội, dòng thời gian sẽ cuốn trôi những ý kiến cho dù là đồng tình hay phản đối từ cả hai phía. Nhưng cuộc tranh luận giữa luật sư Trần Vũ Hải và nhà báo Lê Bình đang được đông đảo bạn đọc chú ý và hưởng ứng, sẽ còn được nhớ tới và tìm cách lưu lại trên không gian mạng. Vì những tranh luận như vậy là lành mạnh và tích cực.

Ở một khía cạnh nào đó, trao đổi, thảo luận giúp đưa ra những lằn ranh mới trong tự do thông tin tại Việt Nam, nơi một bên dân chúng đòi hỏi quyền tiếp cận thông tin, quyền tiếp cận sự thật, và bên kia là nhà nước cố gắng kiểm soát, kiểm duyệt. Và như thế, những tranh luận cởi mở, không khoan nhượng để bảo vệ những giá trị mà đôi bên theo đuổi cần được khuyến khích.

Bravo luật sư Trần Vũ Hải, bravo nhà báo Lê Bình!

Phương Lan, từ Sydney (Úc)


 
Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn