BẢN “QUỐC CA” BẤT HỦ VÀ NGÀY VĂN HÓA HUNGARY 22-1

Thứ năm - 23/01/2020 03:16

(NCTG) Tất cả những nét quan trọng nhất của nhiều thế kỷ lịch sử Hungary được dồn nén trong một thể thống nhất và hoàn hảo về nội dung và hình thức trong “Hymnus”, thi phẩm lớn mang dáng dấp một bản kinh cầu.

Bản thảo viết tay của “Hymnus”, bản hùng ca và bi ca “từ những thế kỷ giông bão của dân tộc Hung”, một trong những hiện vật quý báu nhất được cất giữ tại Thư viện Quốc gia Széchényi (Hungary) - Ảnh: oszk.hu

Bản thảo viết tay của “Hymnus”, bản hùng ca và bi ca “từ những thế kỷ giông bão của dân tộc Hung”, một trong những hiện vật quý báu nhất được cất giữ tại Thư viện Quốc gia Széchényi (Hungary) - Ảnh: oszk.hu

Tròn 197 năm trước, đúng vào ngày này - 22-1-1823 - trong cảnh cô độc, thi hào Kölcsey Ferenc đã đặt dấu chấm cho thi phẩm vĩ đại nhất trong sự nghiệp thi ca của ông tại tư gia ở vùng Szatmárcseke, tỉnh Szabolcs-Szatmár-Bereg.

Được mang tiêu đề “Hymnus, a’ Magyar nép zivataros századaiból” (Ngợi ca Quê hương - Từ những thế kỷ giông bão của dân tộc Hung), bài thơ gồm 8 khổ, 64 câu, mang những nét điển hình của trường phái Lãng mạn Hungary thời đó.

Ra đời vào bình minh của thời kỳ phục hưng Hungary, “Hymnus” được coi là một thi phẩm mà nếu Kölcsey Ferenc không sáng tác bất cứ tác phẩm nào khác, thì chỉ riêng bài thơ này cũng vĩnh viễn đưa tên tuổi ông vào lịch sử Hungary!

Các nhà nghiên cứu cho rằng, khả năng là nhà thơ đã thai nghén “Hymnus” không phải chỉ trong một ngày. Nhiều suy tưởng và sự thể hiện có thể tìm thấy ở những tác phẩm trước đó của ông, hoặc trong nền văn học Hung trước đó.

Với sự nhạy cảm phi thường, nhà thơ đã dồn nén tất cả những nét quan trọng nhất của nhiều thế kỷ lịch sử Hungary trong một thể thống nhất và hoàn hảo về nội dung và hình thức trong thi phẩm lớn mang dáng dấp một bản kinh cầu này.
 
Thi hào Kölcsey Ferenc (1790-1838) - Tranh sơn dầu của Anton Einsle
Thi hào Kölcsey Ferenc (1790-1838) - Tranh sơn dầu của Anton Einsle

Theo giới phân tích, “Hymnus” chứa đựng những xúc cảm xúc đặc khiến có người cho rằng khó tìm thấy một bài thơ nào buồn bã và bi quan đến thế, nhưng người khác lại đọc được sự khích lệ dân tộc Hungary đứng lên giành độc lập.

Xuất hiện lần đầu tiên trong cuốn niên giám “Aurora” tháng 12-1828, sau đó, “những thế kỷ giông bão của dân tộc Hung” tiếp tục được hiện diện trong tập thơ đầu của Kölcsey Ferenc năm 1832, và lọt vào “mắt xanh” của Bartay Endre.

Là một nhạc sĩ, Giám đốc Nhà hát Quốc gia Hungary đồng thời là người hết sức nhạy bén trước những thi phẩm lớn. Trong hai năm 1843 và 1844, ông đã liên tục tổ chức những cuộc thi phổ nhạc cho “Szózat” (Lời hịch), rồi “Hymnus”.

Hết sức được công luận quan tâm và hết sức thành công, cuộc thi năm 1844 kết thúc với phần thắng thuộc về nhạc trưởng, nhà soạn nhạc, nghệ sĩ dương cầm Erkel Ferenc, người cha của nền nhạc kịch (Opera) dân tộc Hungary.

Và ở đó, trong cái tĩnh lặng của căn phòng, trong tai tôi vang lên tiếng chuông nhà thờ Bratislava. (...) Tôi đặt tay lên dương cầm và những âm thanh cứ nối tiếp nhau. Chưa đầy một giờ, bản “Hymnus” ra đời”, người nhạc sĩ hồi tưởng.
 
Nhạc sĩ Erkel Ferenc (1810-1893) - Tranh của danh họa Barabás Miklós (1845)
Nhạc sĩ Erkel Ferenc (1810-1893) - Tranh của danh họa Barabás Miklós (1845)

Giành ngôi vị đầu trong số 13 tác phẩm dự thi, rất nhanh chóng, bài ca với phần nhạc trầm hùng, dàn trải và buồn bã như một bản Thánh ca của Erkel Ferenc đã lập tức được người Hung hết sức ưa chuộng, dù nó được coi là khó hát.

Được trình diễn chính thức trong dịp Quốc khánh Hungary (20-8) lần đầu tiên vào những ngày rực lửa của cuộc cách mạng và cuộc chiến giành tự do cho dân tộc Hungary năm 1848, “Hymnus” thực sự trở thành bài ca của dân tộc Hung.

Còn bị đô hộ bởi Đế quốc Áo, nhưng Hungary đã cử “Hymnus” - chứ không phải Quốc ca Áo - khi đón Hoàng đế Franz Joseph trong phiên khai mạc Quốc hội Hung ngày 14-12-1865, mở đầu cho kỷ nguyên hòa bình giữa hai nước.

Điều thú vị là vào ngày 19-3-1873, đại nhạc sư Liszt Ferenc (Franz Liszt) đã cho ra mắt bản giao hưởng mang tên “Szózat és Magyar Himnusz Fantázia”, kết nối và tổng hợp hai kiệt tác “Hymnus” và “Szózat” của nền văn hóa Hungary.

“Hymnus” được Quốc hội Vương quốc Hungary thông qua như bản Quốc ca của nước này từ năm 1901, nhưng rốt cục dự luật đó không được vị quân vương chung - Franz Joseph - phê chuẩn và do đó, không có hiệu lực pháp luật.

Tuy nhiên, trong lịch sử đăng quang của 55 vị vua Hungary, lần đầu tiên và cũng là lần chót, thay cho Quốc ca Áo, “Hymnus” đã vang lên tại Nhà thờ Mátyás trong lễ lên ngôi của Károly Đệ tứ, vị vua cuối cùng của Đế chế Áo - Hung.

Thời cộng sản ở Hungary, “Hymnus” được sử dụng như một Quốc ca không chính thức, và theo một giai thoại, nhà độc tài Rákosi Mátyás từng có ý nhờ cậy nhạc sĩ Kodály Zoltán và nhà thơ Illyés Gyula sáng tác một Quốc ca mới.

Lý do là vì theo ông ta, giống như một biểu tượng khác là Quốc huy, cần tăng “tính XHCN” cho bài ca của đất nước. Tuy nhiên, cả hai nghệ sĩ lớn đều từ chối vì cho rằng “Hymnus” là quá hay, không cần và không thể sửa bất cứ cái gì.

Phải chờ tới khi Hungary có bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên vào năm 1989, “Hymnus” mới chính thức được “tấn phong” trên cương vị Quốc ca Hung, và khúc ca này vẫn giữ vị trí đó trong Đạo luật Cơ bản có hiệu lực từ ngày 1-1-2012.

Kể từ năm 1989, ngày 22-1 hàng năm được gọi bằng cái tên Ngày Văn hóa Hungary, khi những truyền thống ngàn đời, cội rễ và những giá trị vật thể và phi vật thể của dân tộc Hung một lần nữa được ôn lại và truyền lại cho hậu thế.

Nghe bản “Hymnus” do Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia và Dàn đồng ca Hungary trình diễn, với sự lĩnh xướng xuất thần của nhạc trưởng, “thần đồng âm nhạc” Kocsis Zoltán (băng ghi hình tư liệu của Đài Truyền hình Hungary, 2010).

Nguyễn Hoàng Linh


 
 Từ khóa: Quốc ca
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn