10 năm ngày mất của Trịnh Công Sơn: “NGOÀI KIA AI CÒN NHỚ TÊN”

Thứ sáu - 01/04/2011 01:32

(NCTG) Nhớ người “hát rong đi qua miền đất này để hát lên những linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo...”


Trịnh Công Sơn và Khánh Ly tại Huế - Ảnh tư liệu
 
Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai tôi về làm cát bụi...

Ngày 1-4 năm nay đánh dấu 10 năm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (TCS) trở về với cát bụi, thế nhưng, nhạc của ông vẫn được hát nhiều hơn bao giờ hết, trong những chương trình của không ít ca sĩ trong và ngoài nước.

Gần 25 năm trước, trong một bài viết mang tựa đề “Phác thảo chân dung tôi”, TCS đã bày tỏ ước mơ: “... một ngày nào đó trên hành tinh này tiếng hát sẽ được trả về với vẻ đẹp thuần khiết của nó. Đó là tiếng hát bay qua các lục địa, các đại dương, mang trong lòng nó tình yêu và tình nhân ái…”. Dường như, mong mỏi đó của ông đã được thực hiện trọn vẹn, một thập niên sau ngày rời cõi tạm...
 
*

TCS chào đời vào ngày 28-2-1939 tại Ban Mê Thuột, Đắk Lắk, thuở nhỏ sống và theo học tại Huế. Sau đó, ông theo học ban Triết và đậu Tú tài tại Sài Gòn. Năm 1961, để tránh quân dịch, ông đăng ký thi và theo học Tâm lý giáo dục trẻ em tại trường Sư phạm Qui Nhơn. Tốt nghiệp, ông dạy học tại 1 trường tiểu học ở Bảo Lộc, Lâm Đồng.

Có thể nói, sinh thời TCS là một nhạc sĩ chuyên nghiệp với nghĩa, ông dành trọn thời gian và sức lực để sống cùng âm nhạc. Là một nghệ sĩ đa tài, ông có vẽ tranh, viết văn, làm thơ, thậm chí đóng phim, nhưng con người ông, về căn bản, vẫn là con người âm nhạc, với chừng 600 ca khúc trong đời sáng tác, trong đó, hàng trăm bài hát được coi là bất hủ trong lịch sử tân nhạc Việt Nam.

Có những sáng tác đầu tiên vào năm 17 tuổi, nhưng tên tuổi TCS bắt đầu được biết đến với “Ướt mi”, ca khúc được An Phú xuất bản năm ông 20 tuổi.

Từ đó trở đi, nhạc của ông rất được phổ biến trong giới trí thức Sài Gòn, đặc biệt là với giọng ca liêu trai của Khánh Ly với những buổi diễn huyền thoại tại Quán Văn.

Về căn bản, nhạc TCS được chia thành các mảng chủ yếu gồm nhạc phản chiến và nhạc tình, nhưng tựu trung, đề tài chính yếu mà ông khai thác là tình yêu, thân phận con người và huyền thoại quê hương trong cảnh chiến chinh, loạn lạc. Nhạc sĩ, nhà văn Nguyễn Đình Toàn nhận xét nhạc TCS là “những bản tình ca không có hạnh phúc, những bài hát cho quê hương đổ vỡ”.

Như nhận xét của nhạc sĩ Phạm Duy: “Về phần nhạc, toàn thể ca khúc TCS không cầu kỳ, rắc rối vì nằm trong một số nhạc điệu đơn giản, rất phù hợp với tiếng thở dài của thời đại. Bài hát chỉ cần một chiếc đàn guitare đệm theo, nếu hòa âm phối khí rườm rà thì không hợp với những bài hát soạn theo thể ballade này”.

Như thế, thành công chủ yếu của TCS nằm ở phần ca từ và trên góc độ này, TCS là một phù thủy với ngôn từ rất mới mẻ, mang dáng dấp của chủ nghĩa ấn tượng, tượng trưng và cả siêu thực với những hình ảnh, những ẩn dụ bất ngờ, lạ lẫm, nhiều khi khó lý giải, như “nắng thủy tinh”, “cơn mưa hồng”, “cánh vạc bay”, “dấu địa đàng”, “thuở hồng hoang”, “cát bụi mệt nhoài”, “hằn lên tuổi trời”...

TCS đã lao vụt vào nền nhạc miền Nam thuở ấy như một ánh sao băng, với những sáng tác đầu tay đầy quyến rũ và bí ẩn, đượm cảm xúc buồn bã và cô đơn. Như “Lời buồn thánh”, một ca khúc được xếp vào trường phái tân lãng mạn, dường như chịu ảnh hưởng của “Chủ nhật buồn”, “bản nhạc buồn nhất thế kỷ 20” của tác giả Seress Rezső người Hungary:
 
Chiều chủ nhật buồn
Nằm trong căn gác đìu hiu
Ôi tiếng hát xanh xao của một buổi chiều
Trời mưa trời mưa không dứt
Ô hay mình vẫn cô liêu...

Nỗi buồn cô quạnh ngày chủ nhật, trong cơn mưa và trong cảm giác trống vắng còn được thể hiện trong “Tuổi đá buồn”, với ca từ trải dài đầy ám ảnh:
 
Trời còn làm mưa, mưa rơi mênh mang
từng ngón tay buồn em mang em mang
Đi về giáo đường, ngày chủ nhật buồn...

Vẫn theo đánh giá của Phạm Duy, nhạc tình thời ly loạn của các nhạc sĩ miền Nam từ cuối thập niên 50, trong đó, đặc biệt của TCS, “không còn là nhạc lãng mạn, nhạc cảm tính với câu hát đắm đuối hay hờn dỗi nữa!”. Đó là những bài hát “nhức nhối của những tình nhân yêu nhau trong cơn mê sảng”, “trở thành não nề và đánh vào não tính”, “là tình ca của người mất trí”.

Những cảm xúc trong nhạc TCS nhiều khi được đẩy lên mức dữ dội. Tình yêu như TCS mô tả, có thể là “trái phá con tim mù lòa”, “nỗi chết cơn đau thật dài”, hay như “vết thương mở rộng”... trong bộ ba “Tình nhớ”, “Tình xa”, “Tình sầu”. Nhạc tình TCS cũng đầy day dứt và khắc khoải, ngay cả khi ông mô tả tình yêu trong những ca khúc ít não nề hơn, như “Hạ trắng”, “Chiều một mình qua phố”...

Đi kèm với những xúc cảm tình yêu đó là triết lý về thân phận con người mà TCS đã sử dụng rất thành công trong “Cát bụi”, “Cỏ xót xa đưa”, “Gọi tên bốn mùa”, “Tôi ơi đừng tuyệt vọng”... Cuộc đời, theo hình dung của TCS, là “đám đông” nhưng cũng là “quán không”, cô quạnh trong cõi hư vô, khi Chúa và Phật đã rời bỏ loài người.

Đó là một kiếp người không khác gì “cát bụi mệt nhoài”, đầy u sầu và phiền muộn, “tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người”, để rồi, đến một ngày:
 
Bao nhiêu năm làm kiếp con người
Chợt một chiều tóc trắng như vôi
Lá úa trên cao rụng đầy
Cho trăm năm vào chết một ngày
 
*

Trong đời, dầu không chính thức kết hôn và sinh sống với một người phụ nữ nào, nhưng nhiều bóng hồng đã là niềm cảm hứng để TCS sáng tác những tình khúc lớn, đầy ám ảnh.

Đơn cử, Ngô Vũ Dao Ánh, cô sinh viên 16 tuổi ở Huế, mối tình của TCS trong những năm tháng đầu của thập niên 60 thế kỷ trước, người vừa công bố vài trăm bức thư của hai người trong suốt mấy chục năm, từng là bóng hình người thiếu nữ trong các ca khúc buổi đầu của TCS như “Lời buồn thánh”, “Tuổi đá buồn”, “Mưa hồng”, “Như cánh vạc bay”, “Chiều một mình qua phố”, “Gọi tên bốn mùa” vào thuở đó, và “Xin trả nợ người” sau đó 30 năm:
 
Rồi từ nay em gọi
Tình yêu dấu chim bay
Gọi thân hao gầy
Gọi buồn ngất ngây

Ôi tóc em dài đêm thần thoại
Vùng tương lai chợt xa xôi
Tuổi xuân ơi sao lạnh dòng máu trong người

Ca sĩ Hồng Nhung, người mà TCS đã giành nhiều tình cảm chăm sóc và tình yêu đặc biệt trong những năm 80 và sau đó, cũng đã khiến TCS có được chùm ca khúc “Bống bồng ơi”. Đồng thời, như kết tinh của một mối quan hệ mà chính TCS tự nhận là “thân quá không biết nên gọi là gì”, Hồng Nhung cũng đã làm mới những ca khúc TCS, với “cách biểu hiện mới phù hợp với thời hiện đại”, như nhận xét của người nhạc sĩ.

Tuy nhiên, nếu nói đến tầm ảnh hưởng của một phụ nữ trong những nhạc phẩm nổi tiếng nhất của TCS, phải kể đến Ngô Thị Bích Diễm, người chị của Dao Ánh, được em rể TCS tả lại với những ngôn từ lãng mạn: “... ngày ngày, người con gái mang tên Diễm trong chiếc áo lụa trắng của trường Đồng Khánh, vẫn thường đi ngang, băng qua cầu, rẽ tay mặt về nhà.

Hình ảnh người con gái thùy mị mang nét kín cổng cao tường rất cổ điển đó đã làm cho anh không ngày nào không nhìn xuống đường chờ đợi:
 
Lụa áo em qua phủ mặt đường
Gót nhỏ xanh xao tựa khói sương”.

Chính TCS, trong tản mạn “Diễm của những ngày xưa”, đã nói về mối tình như ảo ảnh, như thực như mơ, chìm đắm “trong không gian tĩnh mịch và mơ màng”, “một khí hậu loáng thoáng liêu trai”, bằng những dòng long lanh nhất:

Thuở ấy có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến trường Đại học Văn khoa ở Huế. Nhiều ngày, nhiều tháng của thuở ấy, người con gái ấy vẫn đi qua dưới những vòm cây long não.

Có rất nhiều mùa nắng và mùa mưa cũng theo qua. Những mùa nắng ve râm ran mở ra khúc hát mùa hè trong lá. Mùa mưa Huế người còn gái ấy đi qua nhòa nhạt trong mưa giữa hai hàng cây long não mờ mịt. Nhà cô ấy ở bên kia sông, mỗi ngày phải băng qua một cây cầu rồi mới gặp hàng long não để đến trường.

(...) Người con gái ấy đã đi qua một cây cầu bắc qua một dòng sông, qua những hàng long não, qua những mùa mưa nắng khắc nghiệt, để cuối cùng đến một nơi hò hẹn. Hò hẹn nhưng không hứa hẹn một điều gì. Bởi vì trong không gian liêu trai ấy hứa hẹn chỉ là một điều hoang đường. Giấc mơ liêu trai nào cũng sẽ không có thực và sẽ biến mất đi.

Người con gái đi qua những hàng cây long não bây giờ đã ở một nơi xa, đã có một đời sống khác. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Kỷ niệm nào cũng đáng nhớ nhưng cứ phải quên. Người con gái ấy là Diễm của những ngày xưa.”

“Diễm xưa” của TCS, sáng tác năm 1960 để vinh danh cuộc tình huyên thoại ấy, đã được Khánh Ly trình bày tại Hội chợ Quốc tế ở Osaka (Nhật) năm 1970. Phiên bài tiếng Nhật của ca khúc, sau đó đã trở thành một ca khúc rất được ưa chuộng, nằm trong Top 10 ở Nhật và còn được đưa vào chương trình giáo dục trong môn Văn hóa và Âm nhạc tại một trường đại học của Nhật Bản.
 
Chiều này còn mưa sao em không lại
Nhỡ mai trong cơn đau vùi
Làm sao có nhau hằn lên nỗi đau
Bước chân em xin về mau

Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động
Làm sao em nhớ những vết chim di
Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng
Để người phiêu lãng quên mình lãng du

Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động
Làm sao em biết bia đá không đau
Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng
Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau.

*

Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”, tâm niệm ấy của TCS có lẽ đã khiến nhạc của ông có ma lực và sức chinh phục mạnh mẽ đối với hàng triệu thính giả yêu nhạc. “Tôi chỉ là một tên hát rong đi qua miền đất này để hát lên những linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo...”, TCS đã làm được điều đó trong suốt cuộc đời ông, vượt qua bao nhiêu nỗi đau trần thế, qua cả những giai đoạn cam go mà ông từng phải tự nhủ, “đừng tuyệt vọng, tôi ơi, đừng tuyệt vọng”, để rồi tự đặt câu hỏi và trả lời: “Tôi là ai, là ai... là ai - Mà yêu quá đời này!”.

Tuy nhiên, đối với một bộ phận đông đảo thính giả, không phải mảng nhạc về thân phận con người, về những khổ đau và day dứt trong thời chiến, mà chính những ca từ nên thơ, lãng mạn và ấn tượng trong những bản tình ca đã khiến TCS trở thành nhạc sĩ được nghe và ưa thích vào bậc nhất trong tân nhạc Việt Nam. Hãy cùng nhau nghe lại “Chiều một mình qua phố”, một ca khúc mà gần 50 năm sau ngày ra đời, vẫn được sự mến mộ hệt như hôm nào:
 
Chiều một mình qua phố âm thầm nhớ nhớ tên em
Có khi nắng khuya chưa lên mà một loài hoa chợt tím
Chiều một mình qua phố âm thầm nhớ nhớ tên em
Gót chân đôi khi đã mềm gọi buồn cho mình nhớ tên.

(…) Chiều một mình qua phố âm thầm nhớ nhớ tên em
Gió ơi gió ơi bay lên để bụi đường cay lòng mắt
Chiều một mình qua phố âm thầm nhớ nhớ tên em
Áo xưa chưa quen phong trần đợi mùa thu vàng áo thêm.

Nguyễn Hoàng Linh


 
 Từ khóa: Trịnh Công Sơn
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn