NGẮN

Thứ năm - 10/05/2007 11:10

1.
Hôm nay có người bạn ở nước ngoài về. Tôi chọn quán C. làm địa điểm gặp nhau.

Quán C. là nơi tôi và người bạn trai ngày nào thường đến ngồi. Và nói những lời chia tay.

Người bạn trai tiếp theo cũng vậy.

Rồi người tiếp theo nữa cũng vậy.

Hôm nay bạn hỏi: "Mình đi đâu nhỉ", theo thói quen tôi lại bảo: "Ra quán C."

2.
Tôi không thích nhớ số điện thoại của người khác. Tôi không bao giờ nhớ cả.

Ngày xưa, tôi có thể đọc vanh vách số điện thoại của người yêu ngay cả trong những cơn mơ. Hơn một năm sau chia tay, tôi mới xóa bỏ được thói quen ấy của trí nhớ.

Vài năm sau tôi gặp người đàn ông thứ hai. Lần đầu tiên nhìn thấy anh, tôi đã biết mình rồi sẽ yêu anh đến chết. Anh cho tôi số điện thoại. Tôi ghi lại, nhưng tôi không muốn nhớ.

Mối tình thứ hai của tôi cũng ra đi. Tôi không có số điện thoại nào để xoá bỏ khỏi trí nhớ. Tôi rỗng không như chiếc bình bỏ hoang.

3.
28-4. Sắp đến ngày giỗ Ông - Bà.

Năm nào cũng vậy, cứ đến gần 30-4 là mẹ lại nhắc: "Giá mà ông sống được đến lúc thấy nước nhà thống nhất".

Ông ngoại mất vào một ngày gần cuối tháng Tư Dương lịch năm 1975. Theo lời mẹ kể, ông có một người em trai vào Nam làm ăn. Vì vậy khi còn sống, ông luôn canh cánh mong được gặp lại người em. Vậy mà ông lại ra đi trước ngày 30-4.

Dưới thời Pháp gia đình bên ngoại có vẻ sống sung túc. Mẹ kể một mình ông đi làm nuôi cả nhà, cả vú em và người ở, mà ông bà vẫn còn mấy dẫy nhà cho thuê. Bà ngoại theo đạo Thiên Chúa. Nhưng đến thời cách mạng, ông bà hiến hết nhà cửa, được cụ Hồ khen.

Ông là thần tượng của mẹ. Lúc nào mẹ cũng bảo: "Tao giống ông". Mẹ hay kể ngày bé được ông đưa đi ăn cơm Tây ở khách sạn Phú Gia. Sinh nhật bác An, ông bà mở tiệc thui hẳn một con bê đặt ngay giữa bàn ăn, khách khứa đông vui không sao kể xiết.

Rồi mẹ lại kể, giọng đầy tự hào (mẹ vẫn luôn là một khối mâu thuẫn thú vị): "Nhưng ông "cách mạng" lắm. Ông vô thần vô thánh, không tin cái gì, chỉ tin chính mình, nên bây giờ tao cũng thế".

Mình thích những câu chuyện "hồi bé" của mẹ. Thích cái khung cảnh Hà Nội lãng đãng mơ màng, trai thanh gái lịch dập dìu, kiểu cách.

Có đôi lúc mình chép miệng: "Giá mà ngày xưa ông bà vào Sài Gòn nhỉ, rồi sang Mỹ, không khéo con gái mẹ bây giờ thành giáo sư Đại học Havard rồi, chứ chả phải chỉ lẹt đẹt thế này đâu".

Mẹ lườm cho một cái cháy mặt. Mình biết mẹ cũng "cách mạng" lắm, giống ông 

Chỉ có thế hệ trẻ bọn mình là càng ngày càng "hư hỏng".

Nguyễn Tuệ Anh, từ Hà Nội


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn