NGÀY CỦA CHA

Chủ nhật - 17/06/2007 10:22

(NCTG) Hôm nay là ngày lễ của Cha, ngày lễ xuất phát từ một đất nước xa xôi và ở Việt Nam đã lác đác có người biết đến. Nếu không có mấy cái thư của một vài hãng quảng cáo tặng phẩm và thiệp chúc mừng gửi đến thì tôi cũng chẳng để ý nữa.

Tình phụ tử - Ảnh minh họa của NCTG

Không hiểu tại sao nước mình chưa có một ngày lễ như thế, cái ngày sẽ khiến con cái gần gũi với Cha mình hơn, cái ngày cho họ cơ hội thể hiện tình cảm yêu kính của mình với người có công sinh thành một cách hân hoan nhất. Phải chăng, truyền thống hiếu kính xa xưa của thời phong kiến đã ăn sâu vào tư tưởng người dân Việt, vô hình trung tạo một khoảng cách giữa Cha và Con: kính trọng mà không mấy thân mật?

Cha tôi sống cùng vợ chồng tôi, Người từng là nhà giáo, sống thanh đạm và khắc khổ. Mẹ tôi mất sớm, cha ở vậy chăm sóc, nuôi dưỡng tôi thành người. Giờ đã có tuổi, cha lại vui vầy với đứa cháu nội và vườn cây bé xíu sau nhà. Tự nhiên, tôi sực nghĩ, chưa lúc nào tôi tự hỏi, cha có cô đơn không? Tại sao cha không đi bước nữa để có người bầu bạn? Tôi vô tư lớn lên trong tình cha, đôi khi nhớ cảm giác êm ái của bàn tay mẹ ngày xưa thường xoa lưng tôi mỗi tối nhưng rồi ấu thơ tôi vẫn đủ đầy. Hẳn cha tôi đã cố gắng rất nhiều mới vừa là người cha nghiêm khắc, mô phạm, vừa thay thế người mẹ dịu hiền bên tôi!

Tôi yêu quý cha tôi, nhưng chưa bao giờ nói với Người điều ấy. Tưởng tượng cảnh tôi sẽ nói với cha: “Con yêu cha lắm” mà tôi thấy buồn cười, thấy kỳ dị. Nói điều đó với vợ tôi, những tưởng nàng cũng đồng tình, ai dè, nàng tròn mắt:

- Có gì mà buồn cười? Anh không thấy thằng cu Mon nhà mình cứ lem lẻm: “Ông ơi ông ởi ông ời… Cháu yêu ông lắm…” sao?

- Nhưng nó là cháu, nó nói thế được.

- Thế còn khi nó ôm anh, nó thủ thỉ: “Con yêu bố nhiều nhiều, nhất nhà” thì anh lạ lắm chắc?

Ừ nhỉ?! Tại sao vậy? Tôi nhớ lại những cách thằng Mon, con trai 3 tuổi của tôi, thể hiện tình cảm của mình với mọi người trong nhà mà bật cười. Nó hồn nhiên và thật lòng. Nó yêu là nói yêu, nói tha thiết. Nó đã không thích ai là nói ngay với người đó, đến độ bố mẹ nhiều phen không còn lỗ nẻ nào mà chui xuống: “Bác ơi, cháu không thích bác đâu!” “Cô ơi, cô không xinh bằng mẹ cháu, cô không hiền, cháu không yêu cô!”… Giá mà tôi có một phần cái ngây thơ đến thẳng tuột ấy của nó nhỉ… tôi sẽ nói với cha tôi rằng tôi yêu cha, rằng tôi rất biết ơn Người. Người chẳng cho tôi một cuộc sống quá dư thừa về vật chất, nhưng, khi bắt đầu đi làm, đến đâu, ai người ta biết tôi là con của cha tôi, họ đều thốt lên: “Ồ, ông ấy là người tốt lắm, rất giỏi và chân thành!” Tên của cha là một tấm “cac-vidit” tuyệt vời nhất, khiến tôi đẹp lên trong mắt nhiều người. Tôi tự hào lắm và luôn tự hứa sẽ sống sao cho cha không phải xấu mặt vì mình!

Giờ tôi cũng đã làm cha. Tôi hiểu cha mình nhiều hơn từ khi có thằng Mon. Tình phụ tử quả thực có cái gì đó rất thiêng liêng, không kém gì tình mẫu tử. Mỗi lần đi công tác xa, thằng Mon bị ốm ở nhà là y như rằng lòng tôi như có lửa, bồn chồn trong những linh cảm kỳ lạ. Sau chuyến đi tôi về, nó quàng tay ôm lấy tôi, cổ tôi lại dâng lên một cơn nghẹn rất khó tả. Hẳn cha tôi đã từng trải qua những cảm giác ấy. Nghĩ vậy, tự nhiên cơn nghẹn quen thuộc lại cuộn lên trong ngực tôi. Tôi thấy cay cay ở mũi. Nhất là lúc lại nhớ đến những ngày gần đây, đôi khi cha con tôi cũng bất đồng quan điểm với nhau trong những câu chuyện tranh luận về thế sự. Tôi thì thấy cha bảo thủ, còn cha lại cho rằng tôi không suy nghĩ thấu đáo. Có vậy thôi mà đôi khi tôi cũng hậm hực, mấy ngày chẳng hỏi han Người. Vả lại, tôi cũng nghĩ, cuộc sống của người già về hưu, ngoài chăm cây cảnh và viết hồi ký, giao lưu với vài ông bạn trong tổ hưu trí cụm… thì còn có cái gì mới mẻ nữa đâu. Tôi đã vô tâm, không mấy khi tìm hiểu tâm tư của người cha yêu kính của mình.

Đã 6 giờ chiều rồi mà cha tôi chưa về. Chợt tôi hốt hoảng một cách vô lý. Muộn rồi, cha còn đi đâu? Liệu có gì xảy ra không? Liệu tôi có kịp làm cái điều mà tôi lẽ ra phải làm lâu rồi là nói với cha: “Con yêu cha lắm” nữa không? Trong đầu hoang mang bao ý nghĩ. Thằng cu Mon đi từ nhà bà ngoại về, líu ríu khoe: “Bố ơi, hôm nay ông được mời đi dự Đêm thơ người cao tuổi, có cả chiêu đãi đấy, ông không ăn cơm nhà đâu!

Tôi thở phào! Đồng thời cảm thấy rất ân hận và xấu hổ. May thay, thằng cu Mon của tôi đã thay tôi quan tâm đến ông nó. Lần đầu tiên sau một thời gian rất rất lâu rồi, không rõ là bao lâu nữa, tôi mới thấy mong cha về. Y như ngày nào, thời thơ ấu.

Nguyễn Hữu Phúc, từ Liên bang Nga


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn