LẠI VẪN NHỮNG CHUYỆN ĐỜI THƯỜNG

Thứ hai - 16/01/2006 22:58

Lũ chúng ta ngủ trong giường chật hẹp.
Giấc mơ con đè nát cuộc đời con,
Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp,
Một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn.
(Chế Lan Viên)

Mưu sinh tại chợ Tàu - Ảnh: Móricz Simon ("Tự do Nhân dân")

* THẰNG HUNG

(NCTG) Hùng quen Laci đã từ lâu lắm. Những năm giữa thập kỷ 80, khi kinh tế của các bạn cũng còn loạng quoạng, thiếu đủ thứ trên đời thì Hùng lại có quan hệ để mua được nhiều thứ hàng "độc", Laci thì có một cửa hàng tạp hóa, có thể bán trăm thứ hàng thiếu, vậy là hai đứa quen nhau. Gọi là cửa hàng tạp hóa cho nó oai, chứ thực ra nó là một cái chòi con con được đóng lại bằng những tấm ván dầy, rộng dài khoảng 4 m2, bày kiểu ăn gian ra thêm bên ngoài nữa thành ra 9m2. Hùng là chú sinh viên nghèo, tiết kiệm được hai ba trăm đô, nhờ mấy anh quen trên sứ quán mua cho ít đồ trong cửa hàng shop, tập tễnh đi buôn kiếm ít tiền giúp cha mẹ. Hàng tuần Hùng vác cái ba-lô nặng gần bằng người mình, lặc lè xuống metro, lên xe buýt, chuyển qua 2 chuyến tàu điện, nhìn trước nhìn sau không có ai để ý, xách vội đưa vào cửa sau cho Laci. Và cứ thế, lúc thì chục hộp xit, khi hai thùng sô-cô-la, hôm dăm hộp kem bôi mặt, ngày thì ba chục cuốn băng ghi âm cộng với chặng đường 5-7 cây số bằng tàu xe công cộng, Hùng chắt chiu đươc chút vốn liếng cho mình. Laci mua được cái xe Dacia, Hùng mua được xe Lada loại xịn hơn, Laci còn ở nhà bố mẹ thì Hùng đã mua được căn hộ riêng, bán hàng mà còn cho Laci nợ nữa. Laci phục Hùng lắm, phục từ cái tính chăm chỉ tới sự thông minh và tính tiết kiêm của Hùng, để gây đựng được cơ ngơi từ bàn tay trắng hơn cả nó.

Thấm thoắt vài năm qua đi, tình hình chính trị, kinh tế của các bạn thay đổi nhiều, các cửa hàng siêu thị lớn mọc lên ở Hung như nấm, khái niệm hàng thiếu không còn nữa, Hùng cũng bỏ cái nghề buôn vặt rồi, anh có một quầy ở chợ Tứ Hổ chuyên bán sỉ quần áo. Vẫn giỏi giang năng động, cần cù chiu khó như xưa trong tám,chín năm qua anh tiếp tục củng cố thêm cơ ngơi của mình, một cái nhà vườn đầy đủ tiện nghi, một chiếc xe hơi đời mới, hai mảnh đất ở Việt Nam... Bên cạnh người vợ hiền lành tần tảo, tám năm qua anh miệt mài không nghỉ buổi chợ nào, dù hè nắng chang chang mồ hôi ướt sũng áo, dù trời đông lanh buốt thấu da thâu thịt, sáng nào cũng có mặt tai chợ lúc 5.30, dọn về cũng giờ đó buổi chiều.

Hôm đó ngày lễ của Hung nhưng chợ của anh vẫn mở cửa bình thường. Đang móc túi tìm hai trăm lẻ trả lai cho khách, bỗng thấy ai đó cứ đứng nhìn mình chăm chăm. Hoá ra thằng Laci năm nào, nhìn mãi mới ra. Cái thằng giờ béo ra nhiều, và nhất là ăn măc rất lịch sự. Nó mừng vô cùng, ôm chặt lấy Hùng, hỏi thăm cuống lên đủ thứ chuyện. Nhưng ở chợ nói chuyện cũng bât tiện, giữa chừng Hùng còn phải bán hàng, lúc thì người mua đôi găng tay, lúc thì bán đôi tât, Laci nằng nặc bắt Hùng hứa hốm sau phải tới thăm nó.

Đi xe qua cái cổng to vào một cái sân rộng, Hùng đỗ lại trước cửa đề chữ văn phòng. Hỏi thăm anh bảo vệ, anh dẫn Hùng lên phòng giám đốc. Hai cô thư ký xinh đẹp ngồi ở phòng trước hình như đã được nghe kể về Hùng, họ cười rất tươi và đón anh niềm nở, mời anh ngồi chờ ít phút vì giám đốc Laci đang có khách.

Nhấp ngụm cà phê nóng hổi trong một cái chén xứ sang trọng mà cô thư ký mới rót, nhìn cái văn phòng hiện đại và cái cửa hàng bán xỉ rộng gần 3000 m2 cạnh đó, người Hùng nóng ngứa ngáy như có ngìn con kiến cắn, mặt đỏ gay , chắc tại ở đây sưởi nóng quá mà anh lại mặc bộ quần áo nhiều lớp thường đi chợ, và trước mắt Hùng hiện lên mờ mờ hình ảnh cái Traffik ván ghép ọp ẹp của Laci ngày xưa...

* CHÚ TÀU

Cả cái chợ làng tỉnh lẻ này chỉ có Tú và Vảng là hai anh thương gia châu Á. Đó là những năm 1995-1996. Xét về làm ăn thì Tú và Vảng cũng có những mặt hàng cạnh tranh nhưng tình cảnh của hai anh châu Á đi chợ xa giữa bao người bản xứ và bao điều lạ lẫm khiến họ gần nhau hơn. Và dần dần họ trở thành hai người bạn rất thân thiết dù ngôn ngữ đôi khi có bất đồng. Tú tốt nghiệp đại học ở Hung nên tiếng tăm rất sành, biết bao lần anh đã giúp Vảng giải quyết những vấn đề xung quanh việc đi chợ, lúc thì công an địa phương làm khó dễ, khi thì mấy anh sở thuế bắt nạt, vài bận tụi bảo vệ xin "đểu" mấy đồng.... Vảng mới tốt nghiệp hết cấp Ba bên Trung Quốc, đi làm công nhân ít năm rồi sang đây tìm đường kiếm sống, anh phục Tú lắm, phục về cả trình độ, kinh nghiệm, coi như bậc đàn anh đáng noi gương.

Sau mấy năm lặn lội ở chợ lẻ, cả hai đều tích trữ đủ vốn liếng mua được quầy tại một chợ bán sỉ lớn trên Budapest. Về thủ đô, họ vẫn là những người bạn tốt của nhau, Tú vẫn giúp Vảng khi cần thuê nhà, khi cần sửa xe, lúc xin cho con đi học..., cũng vẫn là kiểu dịch từ tiếng Hung ra tiếng Hung nhưng vì hoàn cảnh rất giống nhau nên hiểu nhau hết.

Sau 2 năm "chiến đấu", tuy chưa thể có được tích lũy như Tú nhưng Vảng vẫn quyết đi bước tiếp: về lại tỉnh lẻ mở cửa hàng. Vảng có rủ Tú nhưng Tú chỉ cười, anh bám trụ ở đây thôi, đã quen nhiều mối rồi, tuy có vất vả nhưng thu nhập khá đều, trong bụng thì thương anh bạn Tàu vốn liếng có dăm câu tiếng Hung mà dám liều. Vảng mở cửa hàng tại thành phố nhỏ, rộng 50m2 với hai công nhân. Tình xưa nghĩa cũ, anh vẫn lên lấy hàng của Tú về bán túc tắc. Năm sau thấy khoe đổi cửa hàng rộng lên 150 m2. Hơn nửa năm sau thấy nói thuê cái cửa hàng rộng gần 400 m2. Cách đây ba tháng, tiện đi mua hàng Vảng ghé vào uống cà phê với Tú, anh giới thiệu một anh công nhân người Hung đi theo:

- Tiếng tăm tớ thì vẫn lủng củng như xưa, hiểu biết về Hung vẫn kém lắm, nhưng bây giờ có anh này và đội quân gần 20 lính người Hung, có gì họ đi lo thay cho mình hết, mình cứ ngồi văn phòng chỉ đạo thôi - nói xong lại cười hềnh hệch, cái kiểu cười của anh từ trước tới nay.

Hôm nay Vảng lại lên mua hàng, vẫn mua của Tú nhưng lần này phải chia làm hai bịch vì Vảng lại mới mua thêm một cửa hàng nữa. Cũng như mọi lần, Vảng đặt hàng, trả tiền xong cho Tú rồi đi tiếp, Tú đóng gói rồi chở ra xe tải của Vảng. Đánh vật mãi với bốn bịch hàng nặng chịch và cái xe đẩy hỏng bánh, mồ hôi nhễ nhại, Tú thả bịch cái xe kéo trước cửa xe Vảng. Thằng Hung vẫn sách cặp theo Vảng đang quát ầm ầm những người chở hàng tới, hàng nào của ai, xắp lên xe nào... Tới lượt Tú, vẫn cái giọng xấc lấc, trống không, nó hỏi:

- Vận đơn đâu ?- rồi chỉ tay. - Hai bộc này mày vứt lên xe kia, còn hai bịch kia để trên xe này, xếp xâu vào trong để tiết kiêm chỗ.

Trong bụng rất tức, nhưng cực chẳng đã, không lẽ đang mệt thế lại đứng cãi nhau hay giải thích với thằng làm thuê này, anh lụi hụi bốc hàng lên theo sự chỉ đạo của nó. Anh an ủi mình rằng một ngày nào đó thằng lính Hung bố láo, ngông nghênh, vô học kia sẽ phải được biết, có một thời chủ nó phục Tú phải gọi bằng "ông" trên mọi lĩnh vực...

* "MÚC" HÀNG "ĐỘC"

Sáng sớm đã có tin bắn ra ngoài chợ: kho tàu Tiểu Lạng chiều hôm qua về nhiều mẫu áo len mới!

Trong số mấy anh em thuộc diện "lùng hàng, ôm hàng" có tiếng ngoài chợ, Thông nhanh chân nhất chạy vào xem đầu tiên. Thấy hàng đẹp, mầu sắc hợp thời trang, anh làm việc giá cả với ông chủ Lang và quyết định "múc" toàn bộ số hàng này. Anh dặn dò kỹ lưỡng ông Tàu lơ ngơ này, phải cất hết mẫu đi, không được chỉ cho ai xem, đếm thật kỹ số hàng trên và niêm phong lại, không hé thông tin cho một ai biết hết, trong vòng 3, 4 ngày anh sẽ lo đủ tiền thanh toán va khuân đi.

Phải chờ vợ ra trông hàng xong tới gần trưa Nam mới đi xem hàng được. Vào tới kho Lang, anh nhìn những mẫu hàng họ chưa kip cất đi mà thèm "rỏ dãi", chậm chân một tý mà mất một "quả" thắng đậm rồi, nhìn những mẫu áo này với mầu sắc thật ngon mắt chắc chắn sẽ chạy như tôm tươi. Không những để sổng một cú hàng, lại còn thêm nỗi bực là nhà Thông có mà nhà Nam không có mà bán, vợ sẽ nhăn nhó, khách hàng sẽ hỏi kiểu trách móc va hàng xóm sẽ cười mỉa. Nam phải dùng hết võ miệng, tâm sự nài nỉ với ông Tàu, nhắc lại những kỷ niệm xưa, khi Nam bán nhiều hàng cho họ và cuối cùng, thuyết phục nhất là anh đề nghị ông để lại cho anh nửa số hàng trên với giá cao hơn giá Thông mua là 50 Ft một cái. Xiêu lòng vì tình xưa nghĩa cũ, lại thêm lời được 50 Ft một cái, không phải ít, ông chủ hàng quyết định bán cho Nam nửa số hàng, đằng nào cũng chưa thông báo số lượng chính xác cho Thông mà.

Nhưng ai đâu có ngờ, khi bỏ hàng ra bán mới biết, áo len tuy rất đẹp nhưng size số, kích thước hỏng cả, cái ngắn tay, cái dài thân, khách hàng mua về kêu oai oái, đem trả lại cả. Hết Thông rồi đến Nam vào kêu ca, thương lượng với chủ hàng, muốn tìm cách trả lại.

Trong khi đó Sâm, cũng là một cao thủ "ôm" hàng có tên tuổi thì buồn rười rượi, chỉ vì hôm đó mải đánh tá lả với bạn bè mà không vào xem lô hàng này, để người ta lấy hết, vợ cằn nhằn mấy ngày hôm nay. Sâm cứ lảng vảng ra hỏi dò thông tin của hai anh kia, nghe thấy hàng này chất lượng quá chuẩn, bán rất chạy, có khi sắp phải tăng giá bán..., thu thập càng nhiều thông tin lại càng sốt ruột. Ai ngờ một tuần sau, khi vào thăm kho hàng của Tiếu Lang, anh lại thấy có hàng giống hệt mới về. Mừng quá anh quyết với anh chủ Tàu luôn:

- Anh để toàn bộ lô hàng này cho tôi, tôi sẽ trả giá hơn giá anh bán lần trước 50 Forint một cái, chiều thanh toán ngay.

Anh Tàu ngồi ngẩn ngơ không hiểu lắm nhưng bụng cũng vui vui, có lẽ năm nay anh có sao gì may mắn chiếu hay sao ấy, có một lô hàng mà bán ba lần, giá lần sau lại luôn cao hơn lần trước.

Ngô Quý Dũng, Budapest tháng 1-2006


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn