CHỈNH GIỜ MÙA HẠ: LỢI HẠI RA SAO?

Chủ nhật - 25/03/2007 11:22

(NCTG) Có thể tiết kiệm hàng tỉ đồng, nhưng cũng có thể là một xu cũng không! Các nhà nghiên cứu hiện vẫn còn tranh luận là việc đổi giờ (vào đầu hạ và đầu đông) hàng năm tại rất nhiều quốc gia trên thế giới có ý nghĩa gì không. Giới khoa học Anh cho rằng dù gì đi nữa, việc ngủ thiếu một giờ (khi chuyển giờ vào đầu hè) cũng khiến tai nạn xảy ra nhiều.

Tại Hungary và các nước châu Âu, vào rạng sáng ngày Chủ nhật 25-3, phải chỉnh lại đồng hồ từ 2 giờ thành 3 giờ. Như thế, mùa hạ trong năm nay (theo cách tính thời gian này) sẽ kéo dài từ hôm nay đến ngày 28-10. Lý do của việc chỉnh lại thời gian là để “ban ngày” phù hợp hơn với thói quen thức giấc (và làm việc) thường lệ của người dân  (từ 7 giờ sáng đến 10 giờ tối).

Chỉnh giờ mùa hạ trên thế giới. Màu xanh (có chỉnh) - Màu da cam (từng chỉnh, nhưng giờ không chỉnh) - Màu đỏ (không chỉnh) - Nguồn: Wikipedia

Tiết kiệm?

Nước Pháp là nơi đầu tiên đưa ra cách chỉnh thời gian này vào năm 1976, 3 năm sau cuộc khủng hoảng về giá dầu lửa làm chấn động cả thế giới. Chính quyền lý giải quyết định ấy với lý do có thể tiết kiệm được lượng năng lượng tương đương 300 ngàn tấn dầu lửa. Chưa ai nghiên cứu cụ thể về tác động kinh tế của việc chỉnh giờ mùa hè, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng trên toàn thế giới, khoản chi phí tiết kiệm được lên tới nhiều tỉ USD.

Kể từ năm 1980, Hungary đứng vào hàng các nước chỉnh giờ hai lần trong một năm. Vài năm trước, một thống kê tại Hung cho thấy với việc chỉnh giờ mùa hè, có thể tiết kiệm được gần 200 GWatt điện (trị giá nhiều tỉ Ft), đủ cho một thành phố lớn trong cả năm. Một cách so sánh khác: chỉnh giờ, tương đương với việc trong một ngày không ai trên đất Hung dùng điện.

Thật hư thế nào?

Tuy nhiên, các khoa học gia Mỹ cho rằng tất cả những điều này đều là… tào lao: hai tiến sĩ Đại học Berkeley (California) khẳng định rằng đổi giờ chả có nghĩa lý gì mấy. Kết luận này được hai nhà kinh tế Ryan Kellogg và Hendrik Wolff rút ra sau khi nghiên cứu trường hợp của Úc năm 2000: khi đó, để đơn giản hơn trong việc tổ chức Thế vận hội, Úc đã kéo dài cách tính thời gian mùa hạ thêm 2 tháng - một cách hoàn toàn thừa thãi.

Kellogg và Wolff khảo sát sự tiêu thụ điện của hai tiểu bang Victoria và Nam - Úc trong thời gian đó: Victoria gia hạn cách tính giờ mùa hạ thêm 2 tháng, còn Nam - Úc thì không. “Buổi sáng, trời khá tối, đủ để người dân phải bật đèn” - Kellogg cho ABC News biết. Theo hai nhà nghiên cứu này, “động thái” kéo dài cách tính thời gian mùa hè không những không tiệt kiệm được điện, mà còn làm tăng (ở mức độ không lớn) sự tiêu thụ điện của tiểu bang Victoria. Dĩ nhiên, ví dụ của Úc không chắc đã áp dụng được cho các quốc gia khác, có hoàn cảnh thời tiết và thói quen tiêu dùng năng lượng khác, tuy nhiên, kết quả nghiên cứu rất đáng được lưu tâm.

Cho dù tác động về mặt kinh tế của việc đổi giờ chưa được chứng tỏ một cách sáng sủa, nhưng nó có tác động gián tiếp: cách tính giờ mùa hạ ảnh hưởng tốt đến du lịch vì du khách nghỉ hè thích ánh sáng tự nhiên hơn: vì thế, nếu “ban ngày” dài hơn thì du lịch sẽ phát triển hơn.

Hậu quả

Tuy nhiên, việc đổi giờ không phải là không có những hậu quả đáng ngại. Chỉnh giờ mùa hạ khiến chúng ta bị ngủ ít đi một giờ, làm con số tai nạn giao thông tăng vọt trong những ngày đầu. Nhưng mùa đông, khi “nhận lại” được một tiếng, các tài-xế nhiều khi khó thích nghi với bóng tối đến sớm: một thống kê tại Anh cho thấy gần 500 người đã bỏ mạng trong các tai nạn giao thông ở Vương quốc Anh vì lý do này.

Còn ở Mexico, nam giới phàn nàn rằng “hiệu năng” trên giường của họ kém đi rất nhiều từ khi nước này bắt đầu chỉnh giờ mùa hạ (năm 1998).

Mặc dù việc chỉnh giờ mới chỉ được khởi đầu từ 3 thập niên nay, nhưng 300 năm trước đã có người nghĩ đến nó. Benjamin Franklin, năm 1784, đã đặt vấn đề nếu trời tối muộn thì có thể tiết kiệm năng lượng.

Nguyễn Hoàng Linh, theo index.hu


 
 Từ khóa: chỉnh giờ
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn