(NCTG) “Không ai tiếc của cải, sức lực giúp con đạt được nhiều bằng cấp cao, thông thạo được nhiều ngoại ngữ để có thể vững vàng trên trường quốc tế, nhưng có lẽ cũng phải dành ít giây phút giúp cho con em chúng ta không quên cội nguồn dân tộc, thông qua tiếng Việt”.
Cử tọa tại buổi thảo luận - Ảnh: Trần Anh Tuấn
Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa
Óng tre ngà và mềm mại như tơ. “Tiếng Việt”, Lưu Quang Vũ (TS. Giáp Văn Chung trích)
“80% các cháu thế hệ thứ hai ở đây (Hungary) không biết nói tiếng Việt. Tôi đã nhiều lần được nhờ làm phiên dịch trong những cuộc nói chuyện các vấn đề rất tế nhị gia đình giữa con và cha mẹ. Đại đa số các cháu sau khi đi về Việt Nam đều sợ và không muốn đi nữa”.
Nghe khẳng định rút từ kinh nghiệm của TS. Toán học tên tuổi Nguyễn Văn Lợi, người phụ trách một trung tâm bồi dưỡng cho các cháu Việt Nam giỏi, có năng khiếu, giúp các cháu vào các trường điểm tại Hung, mà tim tôi giật thon thót, mồ hôi mồ kê vã ra như nước, trời ngày hè đã nóng lại càng thấy ngột ngạt hơn.
Thế rồi ngồi nghe tiếp những ý kiến khác của các chuyên gia tâm lý, giáo dục cao cấp,những thầy giáo đầy nhiệt huyết, các bậc phụ huynh đầy trách nhiệm trong tọa đàm “Dạy và học tiếng Việt tại Hungary”, tôi dần dần bình tĩnh lại, thấy trong lòng yên tâm hơn, hy vọng tràn trề hơn với một thế hệ thứ hai đã không và sẽ không mất gốc.
Ý tưởng đã bắt đầu từ nhiều năm trước, khi cô giáo Đỗ Như Phương Hồng nhận dạy nhạc cho các cháu bé Việt Nam. Cô kể lại, có nhiều cháu đề nghị cô đừng nói tiếng Việt với cháu, điều khiến một trí thức yêu văn hóa như cô lúc đầu ngạc nhiên, đi tới buồn để rồi đến với một quyết tâm: phải làm sao dậy cho các cháu nhỏ thế hệ sau biết tiếng Việt.
Ý tưởng đó đã gặp tấm lòng nhiệt tình của anh Trần Anh Tuấn, người phụ trách cộng đồng Việt Nam làm việc tại Trung tâm Thương mại Châu Á (AsiaCenter, TTCA). Với sự giúp đỡ tận tình của Ban Giám đốc TTCA mà một trong những đại diện là anh Lưu Tiến Chinh, cô giáo đã khai giảng lớp học tiếng Việt đầu tiên cho các cháu nhỏ.
Năm năm qua, trải qua không ít vất vả vì vừa dạy, vừa rút kinh nghiệm, vừa tích lũy sách giáo khoa, nhưng với sự ủng hộ của các phụ huynh, đã có rất nhiều cháu nhỏ tham gia học các khóa khác nhau. Giờ đây, lớp học tiếng Việt tại TTCA có thêm cô giáo Lê Bích Thuỷ và giảng viên đại học Nguyễn Hồng Nhung, với nhiều lớp học cho các trình độ khác nhau.
Trở lại buổi tọa đàm nói trên, mở đầu, dich giả - TS. Giáp Văn Chung có vài lời tâm huyết về cái đẹp của tiếng Việt, tầm quan trọng và sự liên quan mật thiết của ngôn ngữ và tính trường tồn của một dân tộc. Anh đã đọc tặng thính giả bài thơ “Tổ Quốc” (*) của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến với giọng ngâm ấm cúng truyền cảm của mình.
Tiếp đó, một số phụ huynh đặt ra những câu hỏi và tỏ ra lo lắng của một số phụ huynh về việc, có nên để cho các cháu học tiếng Việt ngay từ nhỏ không, khi mà học văn hóa ở đây chính vẫn là tiếng Hung? Học hai thứ tiếng cùng một lúc có ảnh hưởng gì tới sự phát triển của các cháu không?
Để trả lời, PGS. TS. Nguyễn Lưu Lan Anh đã phân tích rất sáng tỏ: cấu tạo và hoạt động bộ não của con người rất kỳ diệu, trẻ em hoàn toàn có khả năng học, tiếp thu hai hoặc nhiều thứ tiếng một lúc mà không làm ảnh hưởng xấu, không làm giảm đi kết quả của nhau, thậm chí học nhiều ngoại ngữ còn giúp tăng lượng tế bào não được đưa vào hoạt động, giúp cho trẻ tiếp thu nhiều thêm.
Cũng theo chị Lan Anh, về mặt tâm lý, theo một kết quả nghiên cứu mới nhất của các nhà tâm lý học Mỹ, nhóm trẻ nói được hai hoặc nhiều thứ tiếng có khả năng tiếp thụ các vấn đề học vấn, đặc biệt là các vấn đề xã hội cao hơn, có suy nghĩ và khả năng đón nhận mọi thông tin “mở” hơn nhóm trẻ chỉ biết một thứ tiếng.
Nhiều phụ huynh cũng chân tình chia sẻ những kinh nghiệm vui buồn của bản thân trong việc dạy dỗ con em tiếng Việt. Một câu chuyện làm xúc động nhiều thính giả: ông bà ở Việt Nam hồi hộp chờ cháu nội đích tôn sinh ra ở nước ngoài về thăm. Gặp cháu bà ôm vào lòng, hỏi thăm đủ thứ, bà sững sờ nhận ra rằng, cháu không hiểu một câu nào. Bà đành im lặng cầm chặt tay cháu, hai dòng nước mắt tuôn xuống.
Có phụ huynh thú thật nỗi buồn khi con mình giờ đã lớn, rất thành đạt về học vấn, nói và dùng trôi chảy bốn ngoại ngữ khác nhau, trong số đó không có tiếng Việt.
Có phụ huynh, cũng hoàn cảnh như rất nhiều người Việt khác ở nước ngoài, vì bận bịu lo mưu sinh, không còn thời gian và sức lực để dậy con tiếng Việt, dù rất mong muốn. Rốt cục, nhờ những may mắn trong cuộc sống, các cháu đã được tiếp xúc nhiều với bà con, họ hàng, môi trường tiếng Việt, thậm chí cháu tìm được người yêu là người Việt và kết tốt đẹp đã tới, trình độ nói, viết tiếng Việt của cháu ngày càng cao lên.
Người viết bài này cũng là một phụ huynh “con lai”, vì một nỗi lo sợ ám ảnh con mình bị “mất gốc” nên bằng mọi cách phải cố gắng cho con biết tiếng Việt. Với một chút kiến thức tâm lý nho nhỏ, biết được học tiếng thông qua cái nghe, từ lúc cháu nhỏ mới sinh đã thường xuyên được nghe tiếng Việt qua những lời nựng, lời ru của cha, qua băng đĩa nhạc, phim video và lớn lên cũng nghe những câu nói thường ngày bằng tiếng Việt.
Và như thế cháu lớn lên, chắc chưa thể viết luận văn hay thuyết trình được bằng tiếng Việt, nhưng việc giao tiếp hàng ngày bằng tiếng Việt không có gì khó khăn.
Thay lời tổng kết buổi tọa đàm, Đại sứ Nguyễn Thanh Tuấn bày tỏ sự vui mừng vì ý thức trách nhiệm gìn giữ và giảng dạy tiếng Việt của các anh chị trong Ban tổ chức. Đồng thời, ông cũng khẳng định việc dạy tiếng Việt ở nước ngoài là chủ trương của chính phủ, nhà nước luôn tạo điều kiện cho các hội đoàn của cộng đồng trong việc gìn giữ tiếng mẹ đẻ, từ việc hỗ trợ tài liệu, sách giáo khoa cho tới những cuộc đàm phán cấp cao ngoại giao trong đề tài này nếu cộng đồng có nhu cầu.
Trong thâm tâm, đại đa số cha mẹ đang lặn lội lo cuộc sống ở đất lạ, xứ người đều có một quyết tâm và cố gắng, làm sao cho con cháu mình có một tưong lai khác mình, sáng lạng hơn, được học hành tử tế, đàng hoàng hơn.
Không ai tiếc của cải, sức lực giúp con đạt được nhiều bằng cấp cao, thông thạo được nhiều ngoại ngữ để có thể vững vàng trên trường quốc tế, nhưng có lẽ cũng phải dành ít giây phút giúp cho con em chúng ta không quên cội nguồn dân tộc, thông qua tiếng Việt.
(*) TỔ QUỐC
Tổ Quốc là tiếng mẹ
Ru ta từ trong nôi
Qua nhọc nhằn năm tháng
Nuôi lớn ta thành người.
Tổ Quốc là mây trắng
Trên ngút ngàn Trường Sơn
Bao người con ngã xuống
Cho quê hương mãi còn.
Tổ Quốc là cây lúa
Chín vàng mùa ca dao
Như dáng người thôn nữ
Nghiêng vào mùa chiêm bao.
Tổ Quốc là ngọn gió
Trên cánh rừng Vị Xuyên
Bao người con ngã xuống
Những anh hùng không tên.
Tổ Quốc là sóng mặn
Trên cồn cào biển đông
Cát Hoàng Sa ghi hận
Đá Trường Sa tạc lòng.
Tổ Quốc là tiếng trẻ
Đánh vần trên non cao
Qua mưa ngàn lũ quyét
Mắt đỏ hoe đồng dao.
Tổ Quốc là câu hát
Chảy bao miền sông quê
Quan Họ rồi Ví Dặm
Tiếng nước non vọng về.
Tổ Quốc là tiếng mẹ
Trải bao mùa bão giông
Thắp muôn ngọn lửa ấm
Trên điệp trùng núi sông.
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...