BÍ QUYẾT CỦA „ĐẮC NHÂN TÂM” KHI TRANH BIỆN

Thứ sáu - 09/02/2007 09:34

Dale Carnegie, tác giả cuốn „Đắc nhân tâm” nổi tiếng, kể lại một mẩu chuyện như sau (theo bản dịch Việt ngữ của cố học giả Nguyễn Hiến Lê):

Dale Carnegie (1888-1955)

Trong một bữa tiệc, ông khách ngồi bên tay mặt tôi quả quyết rằng câu "Có một vị thần nắm vận mạng của ta, ta cưỡng lại không được" là ở trong "Thánh kinh". Ông ta lầm. Tôi biết vậy. Tôi chắc chắn vậy, không ngờ vực gì nữa. Cho nên, để tỏ sự hơn người của tôi, sự quan trọng của tôi, tôi tự nhận việc cải chính. Mà có ai cầu tôi cải chính đâu! Tôi bảo ông ta rằng câu đó của thi hào Shakespeare. Ông ta không chịu nhận mình lầm, cãi: "Sao? Câu đó mà của Shakespeare sao? Không thể được! Thậm vô lý! Rõ ràng trong "Thánh Kinh" mà! Tôi biết". Ngồi bên trái tôi là ông Grammond, bạn cũ của tôi; ông này đã nhiều năm nghiên cứu Shakespeare. Cho nên chúng tôi quay lại cùng xin ông Grammond phân giải xem ai phải ai trái. Ông Grammond đá mạnh vào chân tôi ở dưới bàn làm hiệu, rồi tuyên bố: "Anh Dale, anh lầm rồi; ông nói đúng. Câu đó ở trong "Thánh Kinh".

Khi đi về cùng với ông Grammond, tôi nói: "Anh biết câu đó của Shakespeare mà!"

Ông Grammond trả lời: "Tự nhiên. Nó ở trong kịch "Hamlet", hồi V, màn II. Nhưng, này anh, chúng ta là khách trong một cuộc hội họp vui vẻ, tại sao muốn chứng minh rằng ông ấy lầm? Có phải làm như vậy mà người ta có thiện cảm với mình đâu? Sao không để ông ta giữ thể diện một chút? Ông ta không hỏi ý kiến của anh mà. Tại sao quả quyết tranh biện với ông ấy? Đừng gây với ai hết".

"Đừng gây với ai hết". Ông bạn già của tôi nói câu ấy, nay đã khuất, nhưng lời khuyên đó, bây giờ vẫn còn giúp cho tôi nhiều. Mà hồi ấy tôi cần có bài học đó vô cùng. Thuở thiếu thời, tôi ham mê tranh biện với anh tôi, với các bạn tôi. ở trường, không có cuộc tranh biện nào mà tôi không có mặt. Tôi học phép luận lý, phép lập luận, sau này tôi dạy môn biện chứng pháp và tôi phải thú nhận rằng: "Ôi! Mắc cỡ thay!" Có lần tôi tính viết một cuốn sách về môn đó nữa. Tôi đã có mặt trong hàng ngàn cuộc tranh biện, và có khi dự cuộc bàn cãi nữa. Và sau vô số kinh nghiệm, tôi nhận rằng cách hay nhất để thắng một cuộc tranh biện là tránh hẳn nó đi. Hãy trốn nó như trốn rắn hổ, hoặc trốn động đất vậy.

Mười lần thì có tới chín lần những đối thủ, sau cuộc tranh biện, vẫn tin chắc rằng mình có lý.

Trong những cuộc tranh biện không ai thắng hết. Thực vậy, vì nếu bạn thua... thì là thua rồi. Mà nếu bạn thắng thì... bạn cũng thua nữa. Tại sao ư? Thì đây! Ví dụ bạn thắng đối thủ của bạn một cách rực rỡ và tỏ cho người đó thấy rằng y là một người ngu. Phải, rồi sao nữa? Bạn xoa tay hoan hỉ. Nhưng còn người đó, người ta nghĩ sao? Bạn đã cho người ta tự thấy thấp kém. Bạn đã làm thương tổn lòng tự ái, lòng kiêu căng của người ta. Người ta tức giận lắm vì đã thua bạn. Rồi thì: "Kẻ nào bắt buộc nghe ai - Luôn luôn vẫn giữ ý sai của mình". Bạn biết điều đó chứ?

Trong một công ty bảo hiểm lớn, tất cả nhân viên phải theo lệnh này: "Không bao giờ được tranh biện". Không phải tranh biện mà làm cho người ta tin được. Hai sự đó không có chút liên lạc gì với nhau hết. Muốn dẫn dụ người, không phải tranh biện mà được.

Phải chăng với câu chuyện trên, Dale Carnegie khuyên chúng ta „ba phải”, lẩn tránh các cuộc tranh luận, giấu đi chính kiến của mình chỉ để làm vừa lòng kẻ khác? Không, ý nghĩa của câu chuyện tiềm ẩn ở chỗ khác. Muốn giữ (và tìm kiếm) dược bạn bè, chúng ta nên lưu ý những chuẩn mực lịch sự tối thiểu, ngay cả khi bất đồng ý kiến với họ. Chớ khăng khắng lấy cái lý của mình để áp đảo họ (một cách không cần thiết), dù rằng cái lý ấy có đúng bao nhiêu đi nữa.

Chiến thắng bằng sự thuyết phục và nhũn nhặn, tôn trọng kẻ khác, ấy mới là „đắc nhân tâm” trong câu chuyện này.

NCTG


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn