AI LẠC LÕNG, AI KIÊU HÃNH?

Thứ ba - 25/09/2007 19:42

Một cái chai mang nước sạch đến cho chúng ta uống đang làm ô nhiễm dòng nước sạch của trái đất.

Ảnh minh họa của Matusz Károly (Hãng Thông tấn Hungary MTI)

Cái chai nhựa này cần ít nhất 20 năm để tự phân hủy. Hai mươi năm nữa nó sẽ biến mất khỏi dòng nước, sau khi đã để lại một ít chất độc hại.

Dĩ nhiên, tôi có thể trách riêng người nào đó vô ý thức đã ném cái chai xuống nước, có lẽ trong một lần đến đây ngắm dòng suối. Chúng ta lưu dấu bước chân mình trên quê hương mình như vậy sao?

Nhưng trách một người vô hình xong, vấn đề vẫn còn nguyên vẹn. Nếu cái chai này không nằm ở đây, nó sẽ nằm trong một bãi rác thành phố, cũng cần 20 năm để biến khỏi mặt đất, cũng để lại một ít ô nhiễm. Nước ta không có hệ thống tái sinh nhựa. Nếu thỉnh thoảng đi chợ bạn nhận được một cái bao ni lông đùng đục và không thơm tho, bạn nên biết ơn những người nghèo suốt ngày bươi móc trong bãi rác, chịu đựng sự hôi hám để giúp tái sinh một phần nhỏ số nhựa chúng ta ném trên quê hương của mình. Cái chai sẽ biến thành một cái bao ni lông, cái bao ni lông lại biến thành một cái bao ni lông, và khi những cái bao ni lông quá nhỏ vất bừa bãi khắp nơi, thì những người sống về nghề bươi rác cũng không buồn nhặt chúng nữa, vì nhặt suốt đời cũng không bán được bao nhiêu tiền.

Cái chai nhân danh sự tinh khiết của nước, làm ô nhiễm dòng nước của mặt đất. Người giàu càng uống nhiều nước tinh khiết trong chai, người nghèo càng phải uống nhiều nước dơ vì những cái chai của người giàu làm cho dơ. Và cá, chim, cây cỏ, mặt đất, bầu trời, nghĩa là tất cả những thứ chúng ta gọi là quê hương.

Đoàn Minh Phượng


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn