QUÀ TẶNG CUỘC SỐNG (7)

Thứ tư - 23/01/2008 19:42

(NCTG) "Hành động dù nhỏ nhoi nhưng vô cùng tuyệt vời này đã chứng minh cho tôi thấy rằng dù cho cuộc sống có hỗn độn đến đâu thì vẫn còn có những người dừng lại và giúp đỡ người khác.... không cần được người khác khen ngợi, hay không cần cố gắng thể hiện lòng tốt trước bất cứ ai hết.... chỉ tự mình làm một việc tốt mà không cần một động lực nào ngoài lòng tốt của ông."

"Ngày chiến thắng, Quảng trường Thời Đại, 1945" (Alfred Eisenstaedt, 1945), bức ảnh được tạp chí "Mental Floss" số đầu của năm 2007 coi là một trong 12 bức ảnh "làm thay đổi thế giới". Ngày 14-8-1945, khi tin tức quân Nhật đầu hàng Đồng minh được đưa, nụ hôn của một chàng thủy thủ với cô y tá đã được lên lên trang bìa rất nhiều trang báo để loan tin chiến thắng. Một nụ hôn tình cờ, trong giờ phút lịch sử ấy, đã đi vào huyền thoại.

BÀI KIỂM TRA TÌNH YÊU

John Blanchard đứng dậy cạnh chiếc ghế dài, thẳng người với bộ quân phục và tìm kiếm trong đám đông đang đi lại trên Ga Trung tâm.

Anh đang tìm một cô gái mà anh mới chỉ biết tâm hồn chứ chưa biết mặt, cô gái cầm hoa.

Anh quan tâm đến cô từ mười ba tháng trước ở thư viện Florida. Anh cầm một cuốn sách khỏi giá và rất thích thú, không phải với từ ngữ trong sách mà với những ghi chú được viết bằng bút chì bên lề cuốn sách. Một nét chữ mềm mại biểu hiện một người có suy nghĩ chín chắn và một tâm hồn biết cảm thông.

Ngay trang đầu của cuốn sách, anh đã nhận ra tên của người mượn sách trước đó, cô Hollis Maynell. Sau bao nhiêu nỗ lựa và thời gian, anh cũng đã tìm thấy được địa chỉ của cô. Cô sống ở New York. Anh đã viết cho cô một bức thư tự giới thiệu mình và mong có hồi âm của cô. Ngày hôm sau, anh lên tàu ra nước ngoài phục vụ trong quân ngũ của Đệ nhị Thế chiến.

Trong suốt một năm và một tháng sau, hai người biết nhau nhiều hơn qua những bức thư. Mỗi bức thư là một hạt giống được gieo lên cánh đồng màu mỡ. Và một Chồi non mang tên Lãng mạn bắt đầu nảy nở.

Blanchard xin một tấm ảnh của cô gái, nhưng cô từ chối. Cô nói, nếu như anh thực sự quan tâm, thì bề ngoài của cô có ra sao cũng không phải là điều quan trọng.

Cuối cùng cũng đến ngày anh trở về từ chiến trường Châu Âu, họ đã sắp một cuộc hẹn đầu tiên - lúc 7 giờ tối ở nhà Ga Trung tâm, New York.

Trong thư cô viết: “Anh sẽ nhận ra tôi, tôi là người cài một bông hồng đỏ trên ve áo”.

Vì vậy, đúng 7 giờ tối, anh đến nhà ga và tìm cô gái có trái tim mà anh yêu quý dù chưa một lần gặp mặt.

Sau đây, chính Blanchard sẽ kể cho các bạn nghe câu chuyện của ngày hôm đó:

Một người phụ nữ trẻ đang tiến đến chỗ tôi, cô cao và thanh mảnh. Cô có mái tóc vàng xếp thành từng lọn xoăn ôm lấy đôi tai thanh tú, có đôi mắt xanh như những đóa hoa. Đôi môi và chiếc cằm của cô toát ra một vẻ cương nghị. Và trong bộ đồ màu xanh nhạt, nhìn cô như thể mùa xuân đang đến gần.

Tôi bắt đầu tiến lại gần cô, hoàn toàn không để ý là cô không hề cài bông hồng trên áo. Khi tôi tiến đến, trên môi cô nở một nụ cười rất tinh quái.

“Thưa ngài, hãy đi theo tôi?” - cô nói nhỏ.

Tôi gần như không tự kiểm soát được mình và bước từng bước theo cô, sau đó, tôi trông thấy Hollis Maynell. Bà đang đứng ngay phía sau cô gái. Đó là một phụ nữ ngoài 40 tuổi, mái tóc hoa râm của bà gấp lại phía dưới chiếc mũ cũ kỹ. Bà hơi đẫy đà quá, bà lại đang đi một đôi giày đế thấp. Cô gái trong bộ đồ xanh lá cây bước nhanh qua.

Tôi cảm giác như mình đang muốn phân thân, vừa muốn đi theo cô gái, vừa muốn được gặp người phụ nữ với tâm hồn đẹp, đã thực sự bầu bạn với tôi và luôn ủng hộ tôi.

Và bà đứng đó. Khuôn mặt đầy đặn của bà toát lên vẻ dịu dàng và hiểu biết, đôi mắt màu xám ánh lên những tia sáng ấm áp và chân thành. Tôi không chần chừ. Ngón tay tôi cứ giữ chặt cuốn sách bìa da màu xanh đã cũ sờn, nhờ cuốn sách mà tôi đã biết được bà.

Không phải là tình yêu, nhưng đây là một điều gì đó vô cùng quý báu, một điều gì đó còn hơn cả tình yêu, một tình bạn mà tôi vô cùng trân trọng. Tôi đứng thẳng lại và chào bà; tôi đưa cuốn sách cho người phụ nữ, tôi nói với bà, dù trong khi nói, giọng tôi cũng có nghẹn lại vì sự luyến tiếc và thất vọng:

“Cháu là trung úy Blanchard, cô chắc là Miss Maynell. Cháu rất vui là cô đã gặp cháu, cháu có thể mời cô đi ăn tối được không?”

Khuôn mặt người phụ nữ nở một nụ cười thông cảm. Bà trả lời:

“Tôi không biết đây là chuyện gì, con trai ạ, cô gái trong bộ đồ xanh kia vừa mới đi qua, cô ấy cầu xin ta cài bông  hồng này lên áo choàng của ta. Và cô ấy nói nếu như cậu mời tôi đi ăn tối, tôi sẽ đến và nói với cậu răng cô ấy đang đợi cậu ở nhà hàng lớn bên kia đường. Cô ấy nói đây là một bài kiểm tra”.

Khuyết danh

NHỮNG LỜI CÁM ƠN

Chuyện diễn ra vài năm trước, khi tôi còn đi bộ để đưa con đến trường. Thật không may, chúng tôi lại sống gần bến xe buýt, nhưng cũng quá xa để cậu con trai học lớp Một có thể một mình đi bộ về nhà. Thế là theo thường lệ, vào mỗi buổi chiều, tôi cùng với đứa con gái nhỏ và cậu con trai còn đang ẵm ngửa đi bộ qua sáu khu nhà.

Một trong những buổi chiều như thế, trời bất chợt đổ mưa khi chúng tôi mới đi được nửa đường. Cậu con trai bé bỏng được tôi và cái chăn che cho khỏi ướt, còn tôi và con gái thì bị ướt như chuột lột.

Khi một chiếc ô tô dừng lại bên lề đường, trong đó chỉ có một người đàn ông lái xe, tôi thấy hoảng sợ và rảo bước càng nhanh. Người đàn ông nhận ra nỗi sợ hãi của tôi, ông bước ra khỏi xe (và ông cũng bị ướt), đưa cho tôi một chiếc ô, rồi ông trở lại xe và lái xe đi.

Hành động dù nhỏ nhoi nhưng vô cùng tuyệt vời này đã chứng minh cho tôi thấy rằng dù cho cuộc sống có hỗn độn đến đâu thì vẫn còn có những người dừng lại và giúp đỡ người khác. Người đàn ông đó không cần được người khác khen ngợi, hay không cần cố gắng thể hiện lòng tốt trước bất cứ ai hết. Ông chỉ tự mình làm một việc tốt mà không cần một động lực nào ngoài lòng tốt của ông.

Khuyết danh

Bạch Trà st. và dịch - Còn tiếp


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn