QUÀ TẶNG CUỘC SỐNG (3)

Thứ sáu - 28/12/2007 20:43

(NCTG) "... giữa những nhọc nhằn, những cạm bẫy của cuộc sống, chúng ta vẫn có thể từ tìm cho mình những niềm vui, những quà tặng để thấy rằng tồn tại trên đời này là có ý nghĩa."

CHIẾC ĐỒNG HỒ CỦA ÔNG

Trong phòng ăn nhà ông tôi có một chiếc đồng hồ quả lắc rất lớn. Những bữa ăn trong phòng ăn là lúc cả bốn thế hệ cùng ngồi tập trung với nhau. Bàn ăn luôn luôn bày đầy thức ăn do các gia đình nấu theo đủ kiểu khác nhau, trong đó tình yêu là thành phần chính của món ăn. Lúc nào cũng vậy, chiếc đồng hồ quả lắc vẫn đứng đó như người bạn già đáng tin cậy của cả gia đình, quan sát đầy đủ tất cả những tiếng cười và những câu chuyện mọi người kể cho nhau nghe với cả những câu chuyện đùa nhẹ nhàng, tất cả đều là một phần cuộc sống của gia đình tôi.

Hồi còn bé, chiếc đồng hồ cổ đã quyến rũ tôi. Tôi đã từng ngắm và nghe tiếng kêu của nó trong suốt những bữa ăn. Tôi thường tự hỏi về việc làm sao trong những giờ khác nhau trong ngày, chiếc đồng hồ đó có thể đánh ba hồi chuông, sáu hồi chuông hay nhiều hơn, với những âm thanh vang dội có thể len vào khắp mọi ngóc ngách trong căn nhà. Tôi nhận thấy chiếc đồng hồ như nguồn an ủi, một thứ vô cùng thân thuộc. Hết năm này qua năm khác, chiếc đồng hồ vẫn rung lên những hồi chuông, như một phần trong ký ức của tôi, như một phần con tim của tôi.

Một điều còn làm tôi thích thú hơn cả là thói quen thường lệ của ông tôi. Ông cẩn thận xoay chiếc đồng hồ bằng một chiếc chìa khóa đặc biệt mỗi ngày. Chiếc chìa khóa thật lôi cuốn đối với tôi. Chính nhờ có nó mà chiếc đồng hồ tuyệt vời của cả nhà tôi tiếp tục chạy và đổ chuông, một phần trong mỗi kỳ nghỉ và mỗi phong tục truyền thống, rắn chắc giống như những thớ gỗ đã làm ra nó. Tôi nhớ mỗi lần thấy ông lấy chiếc chìa khóa từ trong túi ra và mở cánh cửa bí mật ở trong chiếc đồng hồ đồ sộ. Ông tra chiếc chìa khóa vào và xoay – không quá nhiều lần, nên chiếc đồng hồ sẽ không chạy nhanh, ông vẫn nói với tôi rất nghiêm nghị - cũng không được quá ít vòng. Ông không bao giờ để cho chiếc đồng hồ chạy chậm hay bị chết. Khi chúng tôi, cháu của ông, đã lớn hơn một chút, ông chỉ cho chúng tôi biết phải mở cửa chiếc đồng hồ quả lắc ấy như thế nào và để cho chúng tôi mỗi đưa một lần được xoay chiếc chìa khóa. Tôi nhớ mãi lần đầu tiên tôi lên giây đồng hồ, tôi đã run lên vì thích thú. Cảm giác được là một phần của những thói quen gia đình thật thiêng liêng.

Vài ngày sau lễ tang người ông vô cùng yêu dấu của chúng tôi, tôi chợt nhớ ra chiếc đồng hồ.

“Mẹ ơi! Chiếc đồng hồ! Chúng ta để nó chạy chậm mất rồi.”

Khi tôi bước vào phòng ăn, nước mắt tôi chảy giàn giụa. Chiếc đồng hồ cô độc đứng yên lặng. Yên lặng giống như phòng tổ chức tang lễ của ông. Chìm trong im lặng. Chiếc đồng hồ dường như nhỏ đi. Không còn to lớn khi không còn sự quan tâm chăm sóc của ông tôi. Tôi không chịu được khi cứ nhìn vào đó.

Một thời gian sau, rồi nhiều năm sau, bà tôi đưa cho tôi chiếc đồng hồ và chiếc chìa khóa. Căn nhà cũ đã trở nên lặng lẽ. Không còn tiếng kêu của bát đĩa, không còn tiếng cười trên bàn ăn, không có tiếng tíc tắc hay tiếng đổ chuông của chiếc đồng hồ luôn đứng đó. Những chiếc kim đồng hồ đứng lặng yên, như một lời nhắc nhở thời gian trôi đi, ngừng chạy khi ông tôi không còn để lên giây cho nó. Bỗng nhiên, tôi trở nên bé lại như thuở nào, với những bí mật cuốn hút của chiếc đồng hồ, với chiếc chìa khóa có quá nhiều quyền năng. Tôi đứng đó, lặng yên hồi tưởng rất lâu. Rồi sau đó, tôi chầm chậm, cung kính, tra chiếc chìa khóa vào và xoay chiếc đồng hồ. Chiếc đồng hồ sống lại. Tích tắc, tích tắc, cuộc sống và những tiếng chuông đổ đã đem lại hơi thở vào trong phòng ăn, vào ngôi nhà và vào cả trái tim tôi nữa. Dường như trong từng chuyển động của những chiếc kim đồng hồ, ông tôi sống lại.

(Kathy Fasiq)

GIA ĐÌNH GIÀU CÓ

Tôi sẽ không bao giờ quên ngày Lễ Phục sinh năm 1946. Tôi mười bốn tuổi, Ocy, em gái tôi, mười hai tuổi và Darlene, chị gái tôi mười sáu tuổi. Chúng tôi sống ở nhà với mẹ, và cả bốn chúng tôi đều biết rằng chúng tôi phải làm mọi việc và thiếu một người. Bố tôi đã mất năm năm trước đó, không để lại cho mẹ chút tiền nào và phải nuôi dạy bảy đứa con ở tuổi đi học.

Đến năm 1946, các chị gái tôi đã kết hôn và các anh trai của tôi cũng rời khỏi nhà. Một tháng trước lễ Phục sinh, mục sư ở nhà thờ của chúng tôi thông báo là một kỳ nghỉ lễ đặc biệt sẽ được tổ chức để giúp đỡ người nghèo. Ông yêu cầu tất cả mọi người hãy nhớ tiết kiệm và tự nguyện giúp đỡ.

Khi chúng tôi về nhà, chúng tôi nói về những điều mà chúng tôi có thể làm. Chúng tôi quyết định mua 50 cân khoai tây, đủ để chúng tôi sống trong vòng một tháng. Điều này sẽ giúp chúng tôi tiết kiệm được hai mươi đô-la mua đồ tạp hóa để mang đi làm từ thiện. Sau đó, chúng tôi nghĩ nếu như chúng tôi tiết kiệm điện hết sức và không nghe đài, chúng tôi sẽ tiết kiệm được tiền điện. Darlene đi làm những việc dọn sân và nhà càng nhiều càng tốt, và cả hai chúng tôi có thể trông trẻ cho tất cả những người mà chúng tôi có thể làm. Bởi vì với 15 xu, chúng tôi có thể mua đủ những cuộn chỉ để làm được ba chiếc bắc tay bán được một đô-la. Chúng tôi đã kiếm được 20 đô-la nhờ làm những chiếc bắc tay đó. Tháng đó là tháng tuyệt vời nhất trong đời chúng tôi.

Mỗi ngày, chúng tôi đều đếm số tiền để kiểm tra xem chúng tôi đã tiết kiệm được bao nhiêu. Buổi tối, chúng tôi ngồi trong bóng tối và trò chuyện về việc những gia đình nghèo sẽ vui sướng làm sao khi có được số tiền mà nhà thờ đem cho họ. Chúng tôi có khoảng tám mươi người trong nhà thờ, và chúng tôi tính là dù có được bao nhiêu tiền đem đến thì số tiền thu được chắc chắn là sẽ còn nhiều hơn gấp hai mươi lần thế. Cuối cùng, mỗi Chủ nhật, mục sư lại nhắc nhở mọi người phải tiết kiệm cho việc từ thiện.

Đêm trước Lễ Phục sinh, chúng tôi đã rất vui đến nỗi không thể ngủ được. Chúng tôi không quan tâm là chúng tôi không có quần áo mới trong ngày Lễ Phục sinh, chúng tôi có bảy mươi đô-la để làm từ thiện. Chúng tôi dường như không đợi được đến lúc đi đến nhà thờ! Buổi sáng Chủ nhật, trời đổ mưa rào. Chúng tôi không có ô, và nhà thờ thì cách nhà tôi cả dặm, dù chúng tôi ướt như chuột lột cũng không hề gì. Darlene phải lót bìa cứng dưới giày của chị ấy để lấp lỗ hổng. Chiếc bìa bị rách và chân chị ấy bị ướt.

Nhưng chúng tôi tự hào ngồi trong nhà thờ. Chúng tôi nghe thấy mấy bạn đi qua và nói về những chiếc váy cũ của chúng tôi. Tôi nhìn vào họ trong những bộ đồ mới, và tôi cảm thấy mình giàu có.

Khi buổi lễ từ thiện diễn ra, chúng tôi ngồi ở hàng thứ hai từ trên xuống. Mẹ đã cho vào đó một chiếc phong bì mười đô-la, và mỗi đứa chúng tôi bỏ vào đó 20 đô-la.

Chúng tôi đã hát vang suốt trên đường từ nhà thờ về nhà. Bữa trưa, mẹ đã dành cho chúng tôi một điều ngạc nhiên. Mẹ đã mua một tá trứng, và chúng tôi có trứng Phục sinh luộc với khoai tây chiên! Buổi chiều hôm đó, vị mục sư đến trong chiếc xe hơi của ông ấy. Mẹ ra mở cửa, nói chuyện với ông ta một lúc, và sau đó trở lại với một chiếc phong bì lớn trong tay. Chúng tôi hỏi mẹ đó là gì, nhưng bà không nói gì. Bà mở chiếc phong bì ra và rơi ra một nắm tiền. Trong đó có ba tờ hai mươi đô, một tờ mười đô, và mười bảy tờ một đô-la.

Mẹ đã bỏ tiền lại vào trong phong bì. Chúng tôi không nói gì, chỉ ngồi và nhìn xuống sàn. Chúng tôi từ cảm giác là một triệu phú, đã trở về cảm giác mình là người nghèo. Chúng tôi, những đứa trẻ đã có một cuộc sống vô cùng hạnh phúc và lấy làm tiếc cho những người không có được những người bố và mẹ như mẹ tôi, với người bố quá cố của chúng tôi với một gia đình với rất nhiều anh chị em. Chúng tôi nghĩ rằng thật buồn cười khi chia sẻ những bộ đồ bằng bạc và thấy đêm hôm đó chúng tôi có thìa và dĩa hay không. Chúng tôi có hai con dao và chúng tôi đưa cho những người cần nó. Tôi biết chúng tôi không có nhiều thứ như những người khác, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng chúng tôi là những người nghèo.

Ngày Lễ phục sinh đó tôi đã nhận ra rằng chúng tôi nghèo. Người mục sư đã mang đến cho chúng tôi tiền dành cho người nghèo, vậy thì, Chúng tôi chắc chắn là phải nghèo rồi, tôi đã nghĩ như vậy. Tôi không muốn là người nghèo. Tôi nhìn vào váy của tôi và đôi giày rách nát và cảm thấy thật xấu hổ - tôi thậm chí không còn muốn quay lại nhà thờ nữa. Mọi người ở đó có thể đã biết chúng tôi nghèo.

Tôi nghĩ đến trường học. Tôi đang học lớp chín và đứng đầu lớp có đến hơn một trăm học sinh. Tôi tự hỏi không hiểu những đứa trẻ ở trường kia có biết chúng tôi nghèo. Tôi quyết định là tôi sẽ bỏ học vì tôi đã học xong lớp tám. Hồi đó luật chỉ bắt buộc đến vậy.

Chúng tôi ngồi trong im lặng trong thời gian dài. Đến khi trời tối, chúng tôi đi ngủ. Cả tuần đó, chúng tôi đến trường và về nhà mà không ai nói gì. Cuối cùng, vào ngày thứ Bảy, mẹ hỏi chúng tôi muốn làm gì với số tiền đó. Người nghèo làm gì với tiền? Chúng tôi không biết, chúng tôi không bao giờ biết rằng chúng tôi nghèo. Chúng tôi không muốn đến nhà thờ vào ngày Chủ nhật, nhưng mẹ nói chúng tôi phải đi. Dù cho hôm đó trời nắng đẹp, chúng tôi cũng không nói chuyện nhiều trên đường đi. Mẹ bắt đầu hát, nhưng không đứa nào trong chúng tôi muốn hát cùng, và bà cũng chỉ hát một đoạn.

Ở nhà thờ hôm đó có một cuộc nói chuyện của nhà truyền giáo. Ông nói về việc những nhà thờ ở Châu Phi đã xây nhà bằng gạch, nhưng họ cần tiền để mua mái che. Ông nói mỗi nhà thờ cần 100 đô-la để làm mái. Người mục sư nói thêm: “Tất cả chúng ta có thể hy sinh để giúp đỡ những người nghèo này?” Chúng tôi nhìn nhau và lần đầu tiên trong tuần chúng tôi mỉm cười.

Mẹ cho tay vào ví và rút ra chiếc phong bì. Bà đưa cho Darlene, Darlene đưa cho tôi, và tôi đưa cho Ocy. Ocy là người cho nó vào trong hộp.

Khi người ta đếm tiền, người mục sư đã thông báo là hơn 100 đô-la. Nhà truyền giáo đã vô cùng ngạc nhiên. Ông không thể tin được là có được một số tiền lớn như thế từ một nhà thờ nhỏ như nhà thờ của chúng tôi. Ông nói: “Ở nhà thờ này phải có nhiều người rất giàu”. Đột nhiên chúng tôi cảm thấy choáng váng! Chúng tôi đã tặng tám mươi bảy đô-la trong số “hơn một trăm đô-la một chút”.

Chúng ta là một gia đình giàu có trong nhà thờ này! Có phải nhà truyền giáo đã nói vậy không? Từ ngày hôm đó, chúng tôi lại không bao giờ nghèo nữa.

(Eddie Ogan)

Bạch Trà st. và dịch - Còn tiếp


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn