VỀ CÁI GỌI LÀ "THIÊN TÀI QUÂN SỰ" CỦA STALIN (Phần 2)

Thứ sáu - 20/05/2005 22:40

(NCTG) "Phải nhấn mạnh rằng khi các chiến dịch lớn được tiến hành và đạt thắng lợi, Stalin thường tìm cách đẩy những người tổ chức [thực sự] vào sau hậu trường và đưa cá nhân ông lên vị trí hàng đầu".

Nguyên soái Georghi Zukov (1896-1974)

Trong số các tướng lĩnh Xô-viết có công lao hàng đầu trong cuộc chiến tranh, phải kể đến Nguyên soái Zhukov, người từng được coi là "vị thống chế vĩ đại nhất của Thế chiến thứ Hai".

Diễn tiến của Đệ nhị Thế chiến đã được Zhukov thuật lại một cách tỉ mỉ và xác thực trong cuốn hồi ký nổi tiếng "Hồi tưởng và suy nghĩ". Đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt, đây là một cuốn sách đồ sộ, dày đến tám, chín trăm trang, khá nặng nề và khô khan vì chứa chất nhiều sự kiện quân sự thuần túy. Tuy nhiên, những ai quan tâm đến lịch sử Liên Xô và biết rõ mối quan hệ đầy sóng gió và mâu thuẫn giữa Stalin và Zhukov, đều phải tự đặt câu hỏi: trong "Hồi tưởng và suy nghĩ", Zhukov nhận định ra sao về "thiên tài quân sự" của "đại nguyên soái" Stalin?

Lần giở những trang có cái tên Stalin, độc giả có thể ngạc nhiên vì nhìn chung, Zhukov rất khen ngợi Stalin về mặt quân sự. Không phải ngẫu nhiên mà trong một thời gian dài dưới triều đại Brezhnev, người ta đã viện dẫn rất nhiều vào cuốn hồi ký để tiếp tục tung hô Stalin. Cần biết rằng Zhukov viết "Hồi tưởng và suy nghĩ" trong thời gian 1963-67 và sách được ấn hành lần đầu năm 1969, nghĩa là sau khi vị tổng bí thư (có tư tưởng cởi mở và do đó, bị coi là "xét lại") Khrushchev bị hạ bệ trong một cuộc "đảo chính cung đình" và  Liên Xô sa vào tình trạng đình trệ toàn diện.

Phe nhóm của Brezhnev tìm mọi cách để "phục hồi" từng bước Stalin về mặt chính trị, khiến ít ai dám phê bình ông ta một cách mạnh mẽ như một thập niên trước đó. Và Zhukov cũng không thuộc ngoại lệ: bằng không, cuốn hồi tưởng sẽ không bao giờ được ra đời. Nhiều đoạn trong bản thảo của "Hồi tưởng và suy nghĩ" đã bị cơ quan kiểm duyệt gạch bỏ thẳng thừng và bản thân Zhukov cũng có ý "tự kiểm duyệt" khi ông không nói thẳng mọi ý kiến "có vấn đề" của mình về Stalin.

Nhà quân sự đại tài Zhukov trong bộ đại lễ phục dành cho vị nguyên soái lớn nhất của Đệ nhị Thế chiến

Tuy nhiên, một số đoạn mấu chốt trong bản thảo cuốn sách đã được sử gia - viện sĩ hàn lâm Aleksander Samsonov công bố trên tờ "Sovietskaya Kultura" (Văn hóa Xô-viết) năm 1988. Nhiều năm về trước, chính Samsonov là người đã chép lại những lời bình luận của Zhukov. Cần nói thêm, viện sĩ Samsonov là thành viên Phân ban Lịch sử của Viện Hàn lâm Khoa học Xô-viết. Vào thời "cải tổ" cuối thập niên 80, phân ban này được giao nhiệm vụ khởi thảo một bộ sử gồm 10 tập nhằm "bạch hóa" những sự kiện vốn bị xuyên tạc, giấu giếm trong quá khứ. Theo kế hoạch, bộ sách phải được ra mắt vào năm 1995. Không rõ số phận của công trình này ra sao sau khi Liên Xô sụp đổ.

Sử gia Samsonov đã có một bài viết mang tựa đề "Cần biết và cần nhớ lại" cho thấy một phần sự thực "thiên tài quân sự" của Stalin, thông qua đánh giá thực sự của nguyên soái Zhukov. Ông cho biết:

"Trong tác phẩm "Hồi tưởng và suy nghĩ", nguyên soái Zhukov đã nói nhiều điều, nhưng lẽ ra ông còn có thể nói thêm nhiều điều nữa. Khi cuốn sách được ấn hành lần đầu tiên, một phong trào làm sống lại sự sùng bái cá nhân Stalin được khởi động một cách có ý thức từ trên xuống, chủ nghĩa giáo điều được áp dụng rộng rãi, việc phê bình những hiện tượng tiêu cực của quá khứ bị bóp nghẹt. Cá nhân Brezhnev, vốn không có công lao gì thật đáng kể, cũng được phóng đại lên: chẳng những được nhận danh hiệu "Anh hùng Lao động Xã hội Chủ nghĩa", ông ta còn được phong danh hiệu "Anh hùng Liên Xô" bốn lần trong thời bình (1) và được nhận huân chương "Chiến thắng", phần thưởng lớn nhất ở Liên Xô dành cho quân đội (2).

Trong hồi ký, Zhukov ghi lại một mẩu chuyển nhỏ: ngày 18 tháng Tư 1943, ông đến mặt trận phía Bắc Caucasus, thay thế vị trí của tướng K.N.Lesidze, chỉ huy quân đoàn thứ 18. Sau đó ông viết: "... Chúng tôi muốn bàn bạc với L.I.Brezhnev, trưởng phòng chính trị quân đoàn 18, nhưng lúc đó ông đang ở Đất nhỏ (3), nơi xảy ra chiến sự ác liệt"... Phải chăng giai thoại mang tính tiếu lâm sau đây đã xuất phát từ đó: Zhukov xin phép Stalin cho tấn công Berlin, nhưng Stalin đáp: "Tôi còn phải bàn bạc với đại tá Brezhnev đã"?"

Những nhận định về "tài năng" của Stalin trong quân sự đã được sử gia Aleksander Samsonov ghi lại, trong cuộc gặp mặt nguyên soái Zhukov tại nhà điều dưỡng mang tên Frunze tại Krym, ngày 18-9-1966:

"Trên phương diện quân sự, cố nhiên Stalin không đến nỗi ngu dốt như về sau này Khrushchev nói. Nhưng ông không có hiểu biết đúng mức trong việc lập kế hoạch cho những chiến dịch mang tính chiến lược, ông không hiểu biết đầy đủ một số nhân tố trong đó. Những phác họa của ông về chiến lược đa phần xuất phát từ những kinh nghiệm thời nội chiến. Sự can thiệp của Stalin vào công việc chỉ đạo chiến tranh vũ trang thường là sai lầm và gây thiệt hại. Ông không chịu được khi người khác dám có ý kiến trái ngược với ông.

Chẳng hạn, tôi bị truất khỏi chức tổng tham mưu trưởng chính vì tôi phản đối những sự can thiệp như thế. Mặt khác, đối với những chỉ huy quân sự không có đủ khả năng quyết định một mình, những chỉ thị dứt khoát của Stalin lại rất phù hợp với họ. Stalin là người thông minh, từng bước ông tự tìm cho mình những kiến thức và kinh nghiệm quân sự cần thiết. Như vậy, sau trận Stalingrad và đặc biệt là sau trận Kursk, tầm lãnh đạo tác chiến của Stalin tăng tiến rõ rệt".

Tấm ảnh nổi tiếng: Stalin cùng thủ tướng Anh Winston Churchill và tổng thống Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt tại Hội nghị Yalta - Vai trò của Stalin trong Thế chiến thứ Hai cần phải được đánh giá lại!

Theo Samsonov, chúng ta có thể đánh giá được sự phức tạp trong mối quan hệ giữa Stalin và Zhukov không chỉ qua tập hồi ký của Zhukov. Tập bản thảo đánh máy của Georghi Konstantinovich (4), mang tựa đề "Nói ngắn gọn về Stalin" (có thể đọc tư liệu này tại Kho lưu trữ Học viện Lịch sử trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô...), tuy không có chữ ký, nhưng những đoạn sửa chữa bằng tay của Zhukov đã chứng tỏ tính xác thực của văn bản.

"Tôi cố gắng một cách kiên trì để thấu hiểu con người Stalin. Nhưng rất khó đoán được tính khí của ông. Stalin ít nói và ông thể hiện những suy nghĩ của mình một cách ngắn ngủi. Tôi có cảm giác Stalin, do không có quan hệ trực tiếp với nhân dân, với công việc thường ngày, với hoàn cảnh sống, với suy tư và tình cảm của họ, nên ông chỉ biết đời sống nhân dân thông qua các báo cáo của Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Người ta thường "tô hồng" các vấn đề khi báo cáo cho Stalin, vì thế, lẽ dĩ nhiên là ông không thấu hiểu tình thế thực sự diễn ra trong đất nước, cũng như ông không thể biết rõ hoàn cảnh sống của nhân dân.

Khi chiến tranh lên đến cực điểm, Stalin cảm thấy việc tổ chức các chiến dịch không phải là sở trường của ông, hơn nữa, dưới tác động những thất bại lớn ở vùng phía Nam đất nước năm 1942, Stalin đề nghị tôi giữ chức vụ phó tổng tư lệnh tối cao. Và tôi phải nói rằng từ giờ phút đó trở đi, hầu như Stalin không tự đưa ra một quyết định gì liên quan đến vấn đề tổ chức các chiến dịch, bao giờ ông cũng thảo luận với tôi. Hầu như trong suốt chiến tranh, tôi được hưởng sự tôn trọng và thiện cảm của Stalin và điều này đã khiến chúng tôi có được những thành công trong việc tổ chức và tiến hành các chiến dịch. Thời gian cuối chiến tranh và đặc biệt là sau cuộc đụng độ ở lòng chảo Kursk, Stalin đã hoàn toàn thông thạo trong các vấn đề quân sự.

Tuy nhiên, tôi phải nhấn mạnh rằng khi các chiến dịch lớn được tiến hành và đạt thắng lợi, Stalin thường tìm cách đẩy những người tổ chức [thực sự] vào sau hậu trường và đưa cá nhân ông lên vị trí hàng đầu. Để làm việc đó, ông hay dùng "mẹo" sau đây. Khi nhận được những báo cáo đầu tiên về tiến trình của chiến dịch đã mở màn, Stalin bắt đầu gọi điện thoại cho Bộ Tham mưu và ban chỉ huy mặt trận, cho Bộ Tư lệnh tập đoàn quân, đôi khi ông còn liên lạc với hạ cấp như Bộ Tư lệnh quân đoàn, và lợi dụng những dữ liệu cuối cùng - về tình hình chiến sự - nhận được từ Bộ Tổng tham mưu, ông hỏi han các thuộc hạ về chiến dịch, ông đưa ra những chỉ dẫn, ông hỏi quân đội cần gì và hứa hẹn, tóm lại Stalin làm ra vẻ như vị tổng tư lệnh tối cao vẫn đứng vững trên vị trí của mình và nắm chắc trong tay quyền điều khiển chiến sự.

Tôi và [nguyên soái] A.M. Vasilyevsky chỉ được biết về những cú điện thoại của vị tổng tư lệnh (5) khi chúng tôi bắt liên lạc với các Bộ Tham mưu mặt trận; Stalin không cho chúng tôi biết và như thế ông đã với tay qua đầu chúng tôi. Và khi chúng tôi đã đánh đuổi quân thù khỏi lãnh thổ đất nước và các chiến dịch được mở ra tại Ba Lan, Hung, phần Đông nước Phổ, Tiệp Khắc và vùng Bessarabia, Stalin ra lệnh giải tán Hội đồng Đại biểu Quân sự, một cơ quan hoạt động ở Đại bản doanh Bộ Tư lệnh Tối cao, tại đó chúng tôi thống nhất việc thực hiện các chiến dịch ở từng trận tuyến. Rồi Stalin hạ lệnh phải chuyển ngay việc chỉ đạo của tất cả các mặt trận vào tay Đại bản doanh.

... Ý định ấy rất rõ ràng. Stalin chủ định chiến thắng vẻ vang trước quân thù phải là chiến thắng của Bộ Tư lệnh do chính ông chỉ đạo. Nghĩa là Stalin muốn lặp lại điều mà Nga hoàng đã làm năm 1813 đối với Kutuzov: vị tướng bị cách chức tổng chỉ huy và Nga hoàng tự lên nắm chức tổng tư lệnh tối cao để có thể phóng ngựa vào Paris, đứng đầu đạo quân chiến thắng đã đập tan quân đội của Napoleon"...

Chú thích - Tham khảo:

(1) Tức là không thua kém gì nguyên soái Zhukov!

(2) Chưa hết, Brezhnev còn là hội viên Hội Nhà văn Liên Xô, mặc dù như nhiều người biết, ông không thể nói mấy câu chúc tụng các đồng sự nhân ngày lễ, ngày sinh nhật... nếu không được thư ký viết sẵn cho trên giấy. Thậm chí, Brezhnev còn được tặng Giải thưởng Lenin (1979) (giải thưởng cao quý nhất về văn học, nghệ thuật ở Liên Xô ngày trước) cho ba cuốn sách "Malaya Zemlia" (Đất nhỏ), "Vozrozh-deniye" (Phục sinh) và "Tselia" (Đất hoang), dĩ nhiên không phải do ông ta viết, trong đó chứa chất đầy rẫy những giả mạo lịch sử (Việt Nam đã dịch và ấn hành bộ sách này). 

(3) Đất nhỏ (Malaya Zemlia) là nơi xảy ra một trận đánh ác liệt thời kỳ Thế chiến thứ Hai. Brezhnev là chính trị viên đơn vị quân đội Xô-viết ở đây.

(4) Tức nguyên soái Zhukov. 

(5) Trong thời gian chiến tranh, Stalin giữ chức tổng tư lệnh tối cao của quân đội Liên Xô.

Trần Lê - Còn tiếp


 
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn