Ukraine 14 tháng chiến tranh: THÊM MỘT BƯỚC ĐẾN DIỆT VONG CỦA PUTIN

Thứ hai - 24/04/2023 16:44

(NCTG) “Cứ hễ người Nga dừng đánh nhau thì hết chiến tranh. Tất cả các nguyên nhân của chiến tranh, là của Putin, do Putin và vì Putin. Chính Putin leo thang chiến tranh và tất cả những lý do bọn chúng – lũ đầu sỏ cầm đầu nước Nga, chỉ là những ngụy biện xảo trá. Con chuột Putin đã tự tìm cái chết cho mình trong góc tường, nên hắn sẽ tự kết liễu số phận của mình mà chẳng thể cắn lại ai được cả” – bình luận của tác giả Phúc Lai từ Hà Nôi nhân 14 tháng của cuộc chiến Ukraine.

14 tháng của cuộc kháng chiến cam họ và không ngừng nghỉ - Ảnh: news.harvard.edu

14 tháng của cuộc kháng chiến cam họ và không ngừng nghỉ - Ảnh: news.harvard.edu

Rất nhiều bạn nhắn tin riêng trên mạng xã hội hỏi tôi: tại sao ngay cả những lúc cuộc kháng chiến của người Ukraine ở giai đoạn khó khăn nhất, mà anh có thể lạc quan đến vậy? Trong suốt hơn một năm qua, câu trả lời của tôi luôn là: “Đó không phải chủ nghĩa lạc quan tếu, mà sự lạc quan đó là có căn cứ”.

Tôi cũng đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại rằng, xuất phát điểm ban đầu là hoàn toàn không biết gì về Ukraine, nhưng những thứ “rởm đời” của Nga thì tôi biết, tất nhiên là không hẳn là rõ. Điều đó cũng giống như hỏi tất cả người Trung Quốc rằng quân đội của họ ngoài giễu võ dương oai ra bên ngoài, bên trong có những vấn đề gì không… thì chắc chắn hầu như là họ không thể biết được. Chúng ta cũng sẽ vậy thôi – nhưng với một cuộc chiến tranh thì nó sẽ có những điều có thể nhận ra được, căn cứ vào tình hình kinh tế xã hội của đất nước đang tiến hành cuộc chiến đó.

Ngày hôm nay, cuộc chiến được 14 tháng và tạp chí “Forbes” vừa có bài về tình trạng thiếu vòng bi của công nghiệp Nga, dẫn đến việc phải cân đối giữa một bên là các vòng bi cho xe tăng, một bên là 13.000 chiếc đầu tàu hỏa đang phục vụ cho hệ tuần hoàn của đất nước. Chuyện này làm cho tôi nhớ đến những ngày đầu chiến tranh, khi mà mình bàn những chuyện động trời “không ai tin nổi” rằng quân đội Nga khi tiến hành giai đoạn đầu của “Chiến dịch quân sự đặc biệt” (mà thật ra lúc đó người ta chỉ xác định mỗi một giai đoạn đó thôi) – rất thiếu xe vận tải quân sự. Đến khi cuộc chiến kéo đến tháng thứ hai, thứ ba… mới thấy người Nga huy động rất nhiều xe tải dân sự ra chiến trường, thì mới thấy điều đó tôi nói không có sai.

Không có thánh thần gì ở đây cả – những điều đó người Nga, cả dân sự lẫn sĩ quan viết đầy trên những diễn đàn quân sự trong suốt 15 năm qua. Căn cứ vào những con số người ta cung cấp đó, chúng ta chỉ cần so sánh chúng với những tiêu chuẩn của Phương Tây về hệ thống hậu cần là đủ rõ: quân đội Nga chưa đạt được một phần nhỏ – ở đây khó có thể đưa ra con số định lượng – nhưng 25% là khó đạt, còn việc đạt 50% tiêu chuẩn của quân đội Mỹ là không bao giờ được. 

Tôi chưa bao giờ có ý định “dìm hàng” ai, nhưng điều tôi mong mỏi là người Việt Nam chúng ta cần có những thay đổi trong tư duy, thoát ra cái rập khuôn giáo điều mấy chục năm: cứ người Nga là nhân hậu, cứ vũ khí Nga là “vừa rẻ vừa hiệu quả…” và do đó, chắc chắn quân đội Nga phải đứng thứ hai thế giới như lâu nay người ta vẫn tuyên truyền. Tự động tin vào tuyên truyền cũng có nghĩa là tự mình biến thành con rối, thành cái loa cho kẻ khác.

Tôi cũng đã có lần chứng minh rằng quân đội Nga không phải đứng thứ hai thế giới, mà là đứng đầu thế giới luôn về những tiêu chí mang tính định lượng. Thực tiễn cuộc chiến tranh của họ ở Ukraine cho thấy: những tiêu chí định lượng đó đang gây cho người Ukraine những khó khăn nhất định, chẳng hạn như trận chiến ở Bakhmut kéo dài quá lâu với những thương vong khủng khiếp cho quân Nga, và cũng là đáng kể cho quân Ukraine… Trận chiến diễn ra đúng theo kiểu quân lính Ukraine “bắn đến đỏ nòng súng, run tay” mà quân Nga vẫn tràn lên hết lớp này đến lớp khác.

Cá nhân tôi không cho rằng người Nga sẽ chiếm được thành phố đó, nếu người Ukraine quyết giữ nó đến cùng, nhưng cũng nghĩ: kể ra rút cho họ chiếm đống gạch vụn đó thì cũng chẳng sao. Dù sao thì cũng đều là mạng người cả – Nga hay Ukraine cũng vậy thôi. Cũng như chúng ta nhiều khi gặp thằng khác nó cùn quá, chưa đến lúc nhờ pháp luật bảo vệ hoặc bảo vệ chưa đến nơi, thì cũng nên tránh đi rồi từ từ tính tiếp.

Lại vẫn những điều chúng ta đang nói – 14 tháng qua tôi thực sự biết ơn những người đã ngày ngày bỏ công đọc và ủng hộ những gì tôi viết – dù không thiếu những ý kiến cho rằng có gì đó tỏ ra hoang tưởng. Như chuyện “vòng bi” trên đây là một ví dụ, những người đã quen với suy nghĩ “đồ Nga nồi đồng cối đá” và “Các Chú Cứ Phá, tội vạ đâu Liên Xô chịu” thì không thể tưởng tượng nổi có thằng cha (có lẽ là) điên khùng dám tung tin Nga có ngày thiếu vòng bi. Tất nhiên là trước chiến tranh họ không phải là không sản xuất được, nhưng chỉ được khoảng non nửa nhu cầu và hầu hết với chất lượng không đáp ứng với những yêu cầu của công nghệ hiện đại. Lại có những người tôn thờ Trung Quốc cho rằng Trung Quốc đã vượt được Phương Tây trong lĩnh vực đó – nếu như vậy thì SKF đã “bán xới” khỏi thị trường Trung Quốc từ lâu rồi.

Chưa có cuộc chiến tranh này, chẳng ai hình dung ra một nước Nga yếu kém đến vậy. Thế nên nhân gian mới có câu “cháy nhà ra mặt chuột”. Bây giờ thì thiếu thốn đủ đường rồi nhé. Khi cuộc chiến đi được khoảng nửa năm, tôi viết “vòng bi thiếu sẽ dẫn đến suy giảm năng lực vận tải của toàn bộ nền kinh tế quốc dân và điều đó sẽ xảy ra khi cuộc chiến diễn ra được ngoài một năm”. Điều này có cơ sở của nó: khi phương tiện bắt đầu trục trặc chưa có phụ tùng thay thế ngay, sẽ dẫn đến tình trạng “chạy cố”. Nhưng khi đã chạy cố một thời gian, thì lại dẫn đến tình trạng hỏng lây sang cả vị trí khác của phương tiện theo kiểu “hỏng đồng loạt”. Điều này sẽ diễn ra trong “lộ trình” giảm số lượng phương tiện, dẫn đến quá tải trên đầu phương tiện của toàn hệ thống và chắc chắn sẽ dẫn đến việc các cơ quan quản lý giao thông sẽ cho phép chở quá tải. 

Tuyệt đối không sai, cách đây khoảng 3-4 tháng, chính quyền Putin đã giảm mức tiền phạt với các phương tiện chở quá tải chạy trên đường Liên bang. Câu chuyện vẫn tiếp tục đúng và dẫn chúng ta đến một kết luận mới: cứ đà đó, nước Nga sẽ không kịp sửa đường. Còn nếu vẫn tiếp tục cái đà này thì chỉ khi cuộc chiến kéo được hai năm (nếu có) nền kinh tế quốc dân Nga sẽ tê liệt chỉ riêng vì vận tải. Chúng ta cùng hình dung rằng các hãng vòng bi nước ngoài đang hoạt động ở Trung Quốc sẽ buộc phải tuân thủ lệnh cấm vận để hạn chế đến mức tối đa việc có ai đó tìm cách nào đó để xuất khẩu sản phẩm của họ từ Trung Quốc sang Nga. Hiện nay ôtô Trung Quốc đã tràn ngập nước Nga, nhưng đường sá Trung Quốc chất lượng khác đường sá Nga rất nhiều, vì thế chất lượng xe cũng có những yêu cầu cao hơn rất nhiều.

Vậy đó – một cuộc chiến tranh nhìn vào không thuần túy chỉ là súng với đạn, không chỉ là những gì người ta diễu qua quảng trường một cách hoành tráng và càng không phải là những tung hô của giới dư luận viên Việt Nam. Cái sai của Putin là khi quyết định giải bài toán là hắn đã căn cứ trên những dữ liệu sai lầm, và sa vào cuộc chiến kéo dài, tiêu hao chứ không thi hành nổi một cuộc chiến chớp nhoáng – theo lý thuyết hiện đại là phải “hạn chế hóa” được chiến tranh và xung đột nói chung. Nhưng ngay cả trong cái tình thế phải kéo dài cuộc chiến, thì cái sai của hầu hết chúng ta là “cho rằng người Nga có lợi thế trong cuộc chiến kéo dài tiêu hao” – lại một lần nữa tư duy cứng nhắc lại khiến chúng ta dễ mắc sai lầm.

Muốn thi hành một cuộc chiến kéo dài “trường kỳ kháng chiến” phải có nền sản xuất công nghiệp thực thụ có thể phục vụ cho chiến tranh, và nền kinh tế quốc dân nói chung không được phụ thuộc vào nước ngoài. Ngoài ra, về đối ngoại còn phải có hậu phương vững chắc – như Liên Xô đã từng có trong Thế chiến thứ Hai vậy. Cuộc chiến này, không phải một lần Putin hy vọng vào mặt trận chống Phương Tây với Tập Cận Bình. Có phải ai cũng ngu như mình đâu chứ?

Khi được hỏi “liệu Tập Cận Bình có hỗ trợ Putin tiến hành chiến tranh hay không?”, tôi đều trả lời cùng một câu: “Không bao giờ có chuyện đó”. Nền kinh tế của Trung Quốc tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu nên nếu bị cấm vận, Trung Quốc sẽ bị thiệt hại hơn Nga rất rất nhiều lần. Hai xã hội đều có vấn đề nghiêm trọng là phân hóa giàu nghèo rất rõ nét, nhưng quy mô dân số Trung Quốc gấp 10 lần Nga, dẫn đến những vấn đề xã hội nếu bị trừng phạt sẽ “khủng” hơn rất nhiều.

Và thế là nước Nga của Putin sa vào cuộc chiến kéo dài, đầu tiên là việc rút rỗng dần lực lượng từ các hướng phòng thủ chiến lược, sau đó là rút rỗng luôn các kho dự bị chiến lược, bao nhiêu vũ khí còn lại thời Liên Xô đem ra bằng hết. Đến câu chuyện của xe tăng T-55 “liệu có được đem ra trận hay không” dẫn chúng ta đến với một kết luận: “chổi cùn rế rách!”. Thứ duy nhất mà Nga Putin cảm thấy dễ dàng nhất để kéo dài cuộc chiến, là động viên hết đợt này đến đợt khác, tức là dùng sức người đưa ra chiến trường làm bia thịt, đua với khả năng sản xuất và cung cấp vũ khí đạn dược cho Ukraine. Nhưng ngay cả trong cái thứ duy nhất này, nước Nga của Putin cũng đang có những vấn đề nghiêm trọng về nhân khẩu học.
 
ukr2

Mới nhất – ngày hôm qua đã lấy lan truyền trên mạng xã hội tin về việc Nga phải gọi sinh viên một số trường đại học ở Mátxcơva, trong đó có: Đại học Tổng hợp Quốc gia Matxcơva (Moscow State University), Đại học Tổng hợp Quốc gia A. N. Kosygin (The A.N. Kosygin Russian State University) và Học viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia MISIS (The National University of Science and Technology MISiS). Các sinh viên sẽ phải đến Phòng Quân vụ để dự “sự kiện nhập ngũ”. Việc sinh viên bị gọi nhập ngũ có thể là chưa ngay lập tức, nhưng đã thể hiện cái sự “” của Putin và nếu đã đến nước đó, coi như mọi chuyện sẽ an bài.

Vậy đã đi đến mức này – tức là dùng những thứ vũ khí lộ cộ ngoài chiến trường cùng sinh viên ra trận, quân đội của Putin đang và sẽ thực hiện nhiệm vụ gì? Cố chiếm nốt thành phố Bakhmut có diện tích bằng nội đô thị xã Bắc Ninh của chúng ta: hơn 40 km2 một chút, ngoài ra họ được dùng để tử thủ suốt dọc theo một chiến tuyến dài 800 km từ Luhansk đến Kherson và cả Crimea. Dù có yêu nước Nga đến mấy thì cũng không mấy ai tưởng tượng ra được một quân đội Nga bệ rạc đến vậy. 

Đến đây, tôi xin biểu lộ lòng cảm phục rất lớn dành cho một người học cùng đại học cũ ngày xưa (tôi không dùng từ “bạn” – tôi và hắn ta chưa bao giờ là bạn), bây giờ đã là một luật sư nổi tiếng, nổi tiếng nhất là với việc nhận được học bổng sau đại học ở Arizona, nhưng khi về nước lại “chửi” nước Mỹ như hát hay. Anh này từ đầu chiến tranh cực kỳ kiên trì với nhận định “Nga vẫn ém những đơn vị chủ lực, tinh nhuệ nhất của mình” và nếu có ai đó nói với anh ta rằng, những đơn vị đó hiện nay đã được “ém” ngoài nghĩa trang từ lâu rồi, thì chẳng bao giờ anh ta tin cả. Lòng cảm phục của tôi được dành cho lòng tin sắt đá đó của anh ta, dù trong đó có chút thương hại. Tôi và anh ta đều cùng yêu nước Nga, nhưng ở anh ta có yếu tố căm thù nước Mỹ. Còn tôi thì yêu quý nước Nga và dù không tôn thờ nhưng cũng rất thích nước Mỹ. Nôm na là, tư tưởng của tôi về một thế giới đại đồng rõ nét hơn của anh ta rất nhiều và xem ra tư tưởng của tôi cộng sản hơn hẳn của anh ta (đến đây tôi tự thưởng cho mình một trận cười lớn!) 

Với thế trận như hiện nay, chúng ta đã bắt đầu có thể hình dung ra được việc tử thủ giữ mặt trận với quân Nga là không thể, dù là việc đột phá của người Ukraine cũng không dễ dàng. Nhưng vẫn cần khẳng định là: “không thể với người Nga”. Tại sao lại như vậy, tôi đã từng dẫn ví dụ trong lịch sử đã từng diễn ra một thế trận tương tự ở trận Kursk. Từ cuối tháng 4/1943 đến đầu tháng 6/1943, Hồng quân đã xây dựng ba tuyến phòng thủ tại khu vực Oryol – Lgov – Kursk – Oboyan – Vovchansk – Elets – Stary Oskol – Novo Oskol và Voronezh dài trên 600 km, sâu gần 300 km. Tại chỗ lồi Kursk bố trí 3 lớp phòng thủ tuyến ngoài, chạy gần như song song với tuyến mặt trận, lần lượt cách tuyến đầu 5 đến 8 km, 15 đến 25 km và 30 đến 35 km với ba trung tâm vững chắc là Lgovsk, Kursk và Shchigry.

Bố phòng trên tuyến phòng thủ trên, Hồng quân có binh lực gồm: 1.880.000 quân, 29.000 pháo và súng cối, 4.938 xe tăng và pháo tự hành, về sau được chi viện thêm khoảng 2.500 chiếc (trong đó có khoảng 40% là xe hạng nhẹ, 55% là xe hạng trung và khoảng 225 xe hạng nặng, 2.792 – 3.549 máy bay. 

So sánh với cách đây 80 năm, thì thời điểm 2023 “Hồng quân Putin” ở vào tình trạng thảm cảnh hơn nhiều. Riêng với cái chiến tuyến 800 km chiều dài mà cách đây hai tuần có tin quân Nga đào được một “siêu chiến hào” dài những… 70 km mà còn được một đài truyền hình cấp quốc gia của Việt Nam tung hô. Thật là “yêu nhau như thế bằng mười hại nhau”. Cách đây 80 năm, Hồng quân chỉ đào sơ sơ có… 5.000 km chiến hào cho trận Kursk thôi!

Vì vậy câu chuyện bây giờ chỉ là bao giờ người Ukraine sẽ tấn công và tấn công như thế nào, thế thôi. Đó cũng là những nhận xét cá nhân tôi cho rằng, về mặt quân sự đây sẽ là dấu chấm hết cho quân đội Nga Putin nói riêng, cho những tham vọng quân sự của bộ phận “nước Nga hiếu chiến và cuồng tín” nói chung. Nhưng, chưa hết. Bây giờ mới là lúc chúng ta nói đến kết cục tất yếu của chế độ Putin về mặt chính trị.

Chuyện này tôi đã kể nhiều lần trên mạng: nếu như tôi nhớ không nhầm thì khoảng năm 2008, thị trưởng thành phố Mátxcơva muốn kiếm phiếu bằng cái tiếng là “tạo ra thêm nhiều việc làm cho công dân Nga của thành phố” đã ra lệnh cấm người nước ngoài làm những việc dịch vụ công ích, và ngay lập tức chỉ sau vài ngày của thành phố ngập rác. Cấm người nước ngoài (chủ yếu là những công dân các nước Liên Xô cũ thường bị coi là thấp kém) làm những việc đó nhưng người Nga cũng không chịu làm.

Chính sách kinh tế dựa vào bán tài nguyên (chủ yếu là dầu khí) và duy trì phúc lợi xã hội cho đa số dân chúng dù chẳng nhiều nhặn gì, là con dao hai lưỡi với Putin. Một mặt, nó duy trì được sự ủng hộ của đa số dân chúng trong xã hội đối với chính quyền của lão ta, nhưng mặt khác nó lại tạo ra một tâm lý xã hội lan tràn với thái độ ỉ lại, dựa dẫm dù là với mức sống chưa thể gọi là cao. Chính sách này được thể hiện ra ở nhiều mặt của đời sống kinh tế xã hội, chứ không chỉ là những đồng tiền trực tiếp đến tay người dân: giá điện ở Nga rất rẻ vì được trợ giá, giá giao thông công cộng cũng tương tự như vậy… tính bao cấp còn tồn tại ở rất nhiều khía cạnh của đời sống kinh tế.

Đồng thời, sự hòa nhập của kinh tế Nga vào kinh tế quốc tế cũng diễn ra mạnh với sự điều phối của những nguyên tắc thị trường, dẫn đến việc trong 30 năm nước Nga bỏ quên “vứt vào sọt rác” những thế mạnh của mình. Ngày xưa chúng ta vẫn nói ở Việt Nam là “Liên Xô ưu tiên phát triển công nghiệp nặng” nhưng bây giờ thì công nghiệp nặng của Nga, bao nhiêu phần trăm phụ thuộc sản xuất và công nghệ nước ngoài – toàn rơi vào những chỗ thiết yếu cả. Câu chuyện “vòng bi” lại nổi lên. Điều này đúng luôn cả trong cơ cấu giáo dục – hướng nghiệp: thập niên 2000 là thập niên của sự lên ngôi của những nghề thời thượng: khoa quan hệ công chúng của nhóm trường kinh doanh, nghề IT phát triển mạnh (và nghề hacker phát triển lại càng mạnh!)… Nhưng nhóm những nghề kỹ thuật cơ bản thì lại đi xuống, cùng với nền sản xuất công nghiệp đi vào thoái trào về chất lượng công nghệ.

Từ góc độ đó, chúng ta sẽ hình dung ra được rằng người Nga của thế kỷ 21 đã rất khác, nhất là sau thời kỳ kinh tế đi lên vì giá dầu tăng, quan niệm xã hội càng khác. Không bao giờ nên cho rằng đem tiền thu được từ bán dầu khí chia cho dân, thì người ta sẽ phải chịu ơn và sẵn sàng chết cho chế độ của Putin. Putin nên đọc thêm “Khế ước xã hội” (“Du contrat social”, Jean Jaques Rousseau) để thấy rằng nhân dân là chính quyền là hai bên của một khế ước vô hình, dù là thể chế độc tài thì cũng vẫn tồn tại một thứ tương tự như vậy và để duy trì quan hệ đó, anh phải cho nó ăn. Nhưng ngay khi một bên bị ảnh hưởng quyền lợi, ở đây là dân chúng khi họ cảm thấy cuộc sống bị đe dọa, đừng bao giờ nghĩ rằng họ sẽ hy sinh cho chính quyền. Tất nhiên điều này vẫn có thể xảy ra và Putin cũng đã từng hi vọng vào đó.

Cuối tháng 9/2022, trước những diễn biến bất lợi sau Chiến dịch mùa thu của người Ukraine thu hồi gần hết tỉnh Kharkiv, Putin đã vội vàng sáp nhập bốn tỉnh (chưa chiếm được trọn vẹn) của Ukraine vào lãnh thổ Liên bang Nga. Hồi đó tôi mới phân tích một số khía cạnh về quân sự và chính trị và chủ yếu nêu bật lên một ý: để cứu vãn sự tan rã chắc chắn của lực lượng ly khai thân Nga của hai cái gọi là “Cộng hòa Nhân dân” Donetsk và Luhansk. Còn một khía cạnh nữa hồi đó tôi chưa bàn, mà định bụng để đến dịp khi chiến dịch tấn công của người Ukraine sắp diễn ra, mới đem ra để nói.

Hồi đó ngộ nghĩnh nhất là những ý kiến của các fan hâm mộ của Putin ở Việt Nam. Tôi còn nhớ có cậu viết: “Thôi chết rồi, Gấu sáp nhập bốn tỉnh rồi, bây giờ đánh vào đó là đánh vào đất Gấu rồi, dân Gấu sẽ vùng lên rồi, chết với Gấu rồi!” đọc mà nghĩ bụng: “Cậu này phải được biết về câu chuyện quét rác ở Mátxcơva may ra mới tỉnh ngộ được.” Đến cái môi trường sống của mình, việc thiết thân như thế mà bây giờ những “người Nga mới” còn lười đến vậy, thì nói gì đến việc ra trận chết cho miếng đất giời ơi đất hỡi không phải của mình. Nếu dân Nga đã “máu” vùng lên như thế thì đã không lũ lượt bỏ xứ mà đi đến mấy trăm ngàn vào đợt động viên một phần tháng Chín năm ngoái!

Nếu với bài toán chính trị này là có thật, thì rõ ràng Putin đã sai lầm. Dân chúng của hắn ta không hề hồ hởi khi có thêm được đất như hồi năm 2014 chiếm Crimea (chiếm dễ quá mà, ngon như húp nước xuýt!) mà lần này, đánh sầy vẩy với mấy trăm nghìn mạng lính, vô nghĩa. Vẫn câu chuyện “quét rác ở thành phố Mátxcơva”, cái gì ngon thì ủng hộ, cái gì “khoai” thì chờ đấy. Người Nga vẫn có thể ra trận, nhưng là túm cổ lôi xềnh xệch và ấn vào tay những khẩu súng cổ lỗ của thập niên 1940. Nghĩ mà thương cho những tâm hồn méo mó kiểu tay luật sư tôi dẫn trên đây, vẫn mơ màng về những cuộc duyệt binh hoành tráng trên Quảng trường Đỏ vào Ngày Chiến thắng 9/5 và viết “ngày hôm đó đừng tìm tôi ở đâu, hãy tìm tôi trên Quảng trường Đỏ”. Nhưng xin bạn đọc đến đây đừng buông tặng anh ta cái câu “Bố cái thằng điên!” hay “Thối như ứt!” mà nên thấy tội nghiệp anh ta, thế được rồi. 

Hồi sáp nhập bốn tỉnh, tôi đã thấy Putin đã phạm một sai lầm nghiêm trọng và nó sẽ dẫn đến sự diệt vong của chế độ của hắn ta và thậm chí, cả sinh mạng của hắn ta cũng bị đe dọa. Để phân tích về ý này, tôi đã chờ đợi nó gần bảy tháng để có ngày hôm nay trò chuyện với bạn đọc. Cũng xuất phát từ chính cái lý thuyết “với người Nga lãnh thổ chiếm được là rất quan trọng, thậm chí lúc nào đó còn được coi là thiêng liêng và bất khả xâm phạm”, bây giờ Liên bang Nga của Putin đã có thêm được bốn tỉnh. Tuy nhiên bước đầu ý tưởng này của hắn ta đã thất bại, dân Nga không vùng lên như hắn ta tính toán, nhưng chính những tính toán này đã dựng lên một cái bẫy mà Putin, như một con chuột, đã tự chui vào cái bẫy đó.

Một cách “tự dưng”, hắn ta lôi về những vùng lãnh thổ mà hắn ta không chắc là hắn và bộ máy quân sự của mình, có thể bảo vệ được chúng hay không. Tôi không hề muốn biến chuyện chiến tranh chết người cháy nhà thành trò đùa, nhưng rõ ràng Putin đã làm một cái trò… chiến tranh bằng nước bọt. Sau khi đánh nhau không có kết quả, thậm chí còn ôm đầu máu bỏ chạy hắn làm chuyện ma bùn: tuyên bố chiếm đất của người khác chỉ bằng một chữ ký. Thế giới người ta làm sao để cho ông yên khi làm cái việc vừa ngạo ngược, vừa khôn lỏi như thế.

Và bây giờ hắn ta lâm vào tình thế buộc phải giữ những vùng đất đã tuyên bố sáp nhập, thậm chí đã được ghi vào… Hiến pháp. Trên bàn cờ địa chính trị – quân sự Nga – Ukraine, người Ukraine được Putin tặng cho một món quà bất ngờ mà như trên tôi đã viết: một cái bẫy cho chính hắn. Bây giờ thì chỉ cần người Ukraine chiếm lại trọn vẹn bất cứ tỉnh nào trong số năm vùng lãnh thổ đã bị chiếm (trọn vẹn thì chỉ có Crimea) còn cả bốn vùng kia, vùng nhiều vùng ít Putin đều: 

- Nói có lợi cho hắn ta, là đã đứng được chân vào tất cả.

- Nói bất lợi cho hắn ta, là chẳng chiếm được trọn vẹn vùng nào, thậm chí tỉnh lỵ thì chiếm được hai thành phố nhưng từ trước chiến tranh, sau 24/2  năm ngoái chiếm được thành phố Kherson thì lại bị đòi lại.

Đúng, chỉ cần người Ukraine đòi lại được trọn vẹn ít nhất một trong số các vùng trên, Putin sẽ lâm vào tình trạng của “một tổng thống làm mất lãnh thổ”, điều chắc chắn không thể được chấp nhận với thể loại người chỉ quen với thắng lợi (toàn những thắng lợi dễ dàng!) Trải qua cuộc chiến hơn một năm, cũng là đủ, quá đủ cho Putin khi gây chán ghét và oán hận với thuộc hạ, và cũng chắc chắn sẽ gây thù oán với giới chóp bu thuộc thành phần dân tộc cực đoan hiếu chiến. Thất bại đó của Putin, là thất bại của Đại Nga và đó cũng là lý do để hạ bệ tên độc tài.

Bây giờ mới là lúc dân chúng Nga vào cuộc. Putin đã không thành công trong nỗ lực “thổi bùng lòng yêu nước thiết tha nồng cháy, lòng căm thù phát-xít”, nhưng dù chẳng phải dân Nga mà dân nào cũng thế, bảo đi vào chiến tranh mà đánh nhau thì còn khó, kích động để đi lật đổ bạo chúa dễ hơn nhiều. 

Đến đây bạn đọc cũng sẽ hiểu tại sao từ trước đến nay chúng ta rất khó nói đến vấn đề Putin bị lật đổ, nhưng bây giờ những tiền đề cho nó đã có: chỉ có thể gắn với một chiến thắng vang dội của người Ukraine trên chiến trường.
 
ukr1

Trước đây, chính Putin là người say mê với câu chuyện con chuột – lúc còn nhỏ hắn ta đã dồn con chuột vào góc tường và bị nó tấn công. Hắn ta nhắc nhở mọi người: đừng bao giờ dồn con chuột vào góc tường. Nhưng chính hắn đã dồn người Ukraine vào tình thế buộc phải chống trả – và sau đó thì chính hắn đã trở thành một con chuột thực thụ. Nói thì hay, nhưng làm thì như mèo mửa, đó là Putin – hắn ta đã không thuộc bài học chính mình đưa ra: ai đang dồn con chuột Putin vào góc tường? – Chính là hắn! Người Ukraine đã nói rất rõ: cứ hễ người Nga dừng đánh nhau thì hết chiến tranh. Tất cả các nguyên nhân của chiến tranh, là của Putin, do Putin và vì Putin. Chính Putin leo thang chiến tranh và tất cả những lý do bọn chúng – lũ đầu sỏ cầm đầu nước Nga, chỉ là những ngụy biện xảo trá. Con chuột Putin đã tự tìm cái chết cho mình trong góc tường, nên hắn sẽ tự kết liễu số phận của mình mà chẳng thể cắn lại ai được cả.

Đã đến đoạn kết, chắc hẳn nhiều người muốn hỏi tôi về một mốc thời gian nào đó – điều rất khó vì chẳng ai dự đoán được tương lai và thật ra cũng không nên làm. Thật may, những người cho chúng ta manh mối đã xuất hiện. Người thứ nhất, là tổng thống Ukraine V. Zelenskyi – ông là người trong những ngày gần đây, trước hội nghị của NATO ở Ramstein ngày 21/4, đã có những động thái hối thúc Liên minh quân sự này về nhiều khía cạnh, từ cung cấp vũ khí đạn dược đến việc Ukraine xin gia nhập Liên minh. Người thứ hai, là Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói về khả năng gia nhập NATO của Ukraine, dù có đánh giá là “còn xa vời”.

Xa vời” – có nghĩa là với Ukraine một đất nước đang chiến tranh, đó là điều khó hơn lên trời. Nhưng “xa vời” cũng không có nghĩa là không thể. Qua cuộc chiến, Ukraine đã chứng minh rằng họ chứ không phải ai khác, xứng đáng là tấm lá chắn thép cho NATO trước mọi nguy cơ từ Nga trong tương lai. Sau cuộc chiến, không ai khác xứng đáng hơn Ukraine trở thành thành viên chính thức và sẽ là quân đội mạnh có hạng của Tổ chức. Vì vậy – cần thời gian, có thời gian: lần mít tinh tiếp theo của NATO sẽ là ngày 11/7 và 12/7/2023 tại Vilnius, thủ đô của Lithuania – khi đó Ukraine sẽ chính thức được mời tham gia và câu chuyện sẽ lại tiếp tục được đem ra bàn thảo.

Để khả năng được hiện thực hóa, chẳng có cách nào tốt hơn là một chiến thắng giòn giã và chắc chắn của lực lượng vũ trang Ukraine trên chiến trường, đánh cho quân đội Nga lấm lưng trắng bụng không thể gượng lại được nữa. Muốn như vậy, chiến thắng đó phải có được thậm chí “gọn gàng sạch sẽ” vào trước thời điểm cuộc họp được tổ chức khoảng vài tuần. Do đó, tháng Năm cho đến tháng Sáu sẽ là thời điểm tốt cho mọi diễn biến – như tôi vừa viết: “gọn gàng sạch sẽ” diễn ra.

Còn Putin, số phận coi như đã an bài, bây giờ thì không có giải pháp nào cho hắn: rút cũng chết mà ở lại giữ cũng chết. Giá kể như năm ngoái không sáp nhập, mà cố khoanh gọn chiến sự rồi tiến hành chiến tranh phá hoại, bắn phá từ xa thì còn sống được dài dài mà nguy hại hơn nhiều. Cá nhân tôi thì nhận thấy, Putin vẫn thích cái thuyết Á – Âu gì đó của mình, nhưng thực ra hắn chẳng có tí triết học Phương Đông nào trong đầu cả, mà kỳ thực là tay mê tín ngu ngốc.

Phàm là cái gì lên đến cực thịnh thì cũng đến lúc đi xuống, thậm chí lao dốc không phanh, nếu vạn vật trong vũ trụ này đều theo quy luật đó thì chẳng có lý gì sự nghiệp chính trị của hắn ta không như vậy. Cố ngồi mãi trên cái ngai vàng, “bạo phát thì bạo tàn” và rõ ràng từ năm ngoái đến nay, hắn đã phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác, đó là chỉ dấu dễ thấy nhất cho cái sự lao thẳng xuống vực của Putin.

Đến bây giờ cũng có thể nói: “Zelenskyi sẽ là người đóng những chiếc đinh vào quan tài của Putin” được rồi.

Phúc Lai, từ Hà Nội


 
 Từ khóa: Ukraine
Tổng số điểm của bài viết là: 72 trong 17 đánh giá
Xếp hạng: 4.2 - 17 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn