Bốn trăm ngày “bưng bô”: RỒI NGƯỜI NGA SẼ PHẢI CÁM ƠN UKRAINE!

Thứ năm - 30/03/2023 01:43

(NCTG) “Cuộc chiến tranh chắc chắn thất bại này cần cho người Nga một cách ghê gớm. Họ cần nó để thoát khỏi ách Putin, mà nếu không có nó thì chẳng biết bao giờ mới có thể giũ bỏ cái ách đó” - tác giả Phúc Lai từ Hà Nội.

Một cuộc chiến cho sự tồn vong của dân tộc

Một cuộc chiến cho sự tồn vong của dân tộc

Hai trăm ngày… tôi cứ nhớ cái mốc hơn sáu tháng ấy vì đó là lần đầu tiên tôi sử dụng hashtag #bưng_bô_cho_hòa_bình cho những bài viết của mình trên mạng xã hội, những bài về cuộc chiến tranh của Putin ở Ukraine.

Dịp kỷ niệm 13 tháng nổ ra cuộc chiến, tôi đã cố tình không viết bài vì thấy nó quá gần dịp này, dịp chúng ta sẽ nhìn lại 400 ngày của cuộc đấu tranh kiên cường và gian khổ của người dân Ukraine. Đồng thời, đây cũng là cuộc đấu tranh của chúng ta trước những điều mà với rất nhiều thành viên của đội ngũ ủng hộ Ukraine, cảm thấy không thể chịu nổi.

Mở đầu bài, tôi xin nói về những người Việt Nam vẫn đang tiếp tục ủng hộ Nga – Putin cho đến tận thời điểm cuộc chiến đã kéo dài được hơn một năm. Chắc hẳn bạn đọc sẽ nghĩ, tôi muốn nói về những người công khai ủng hộ bằng những bài viêt thường xuyên, liên tục trên mạng xã hội… chẳng hạn tay luật sư đình đám, một người bạn học cùng trường đại học cũ của tôi. Lại có thể kể một vài người còn đình đám hơn như ông đại tá về hưu, người viết đến mấy cuốn sách ca ngợi Putin, hoặc thậm chí một số nhân vật quan trọng hơn nữa, (trước đây) quyền chức hơn nữa…

Không. Tôi muốn nói đến những người trong sâu thẳm vẫn ủng hộ nước Nga, và có lẽ tôi xin phép chia sẻ những điều đó với họ, vì thực chất tôi và họ có những điều gì đó gần gũi, chỉ là khác nhau một chút thôi. Rất nhiều người trong số chúng ta, cảm thấy có cái gì đó gắn bó với Liên Xô ngày xưa, và đi đến yêu tất cả các thứ liên quan đến nó và cả khi nó mất đi rồi, thì vẫn yêu cái quá khứ ấy mà quên đi một điều rằng, cuộc sống vẫn tiếp diễn, và những cái đã mất đi, hay có thể nói rằng đã chết, thì không nên cố bắt nó hồi sinh. Chính điều này làm nảy sinh mâu thuẫn giữa những người tưởng chừng có thể gắn kết với nhau về mặt tình cảm.

Nếu nói từ góc độ này, thậm chí tôi còn cảm thấy khó gần hơn với những người trước cuộc chiến tranh này, có cách tiếp cận “ghét Nga một cách tự động”. Khi lập trang Fanpage trên Facebook về nước Nga năm 2013, tôi thường đưa những tin tức với những cái nhìn đa chiều về nhiều mặt cuộc sống của nước Nga. Tôi nhớ có lần khi đưa những bức ảnh về nông thôn Nga mới được chụp, có thể nói là thê thảm và post được thu hút được không biết bao nhiêu lời rủa xả của các thành viên mạng xã hội đến mức vô học, bậy bạ và tục tĩu. Cách tiếp cận đó của người Việt là “cuồng Nga”. Còn dạng trước tôi vừa đề cập, là dạng “căm ghét Nga” và cả hai đều vô điều kiện, và với tôi thì đều đáng ngại như nhau.

Nó giống như người yêu của bạn vậy, có thể chân cong và mũi tẹt, nhưng bạn vẫn yêu và khi có ai đó nói ra những nhược điểm, bạn có thể cười và nói “chính điều đó làm tôi yêu cô/ anh ấy, nhờ chúng tôi tìm ra được những điều tốt đẹp ẩn giấu đằng sau”. Còn nếu bạn hầm hè với người nói ra đó, thì bạn không phải rồi – nói ra hay không nói ra thì sự thật chân cong vẫn là chân cong chứ nó đâu có thẳng lại được.

Đó là nói về tình cảm. Về lý trí mà nói, những người “ghét Nga” tỏ ra có lý hơn, và thực ra tôi cảm thấy dễ thông cảm hơn. Sống trong môi trường xã hội mấy chục năm “trăng Bắc Kinh tròn hơn trăng Hoa Thịnh Đốn, đồng hồ Liên Xô đập chết đồng hồ Thụy Sỹ” thú thực, người ta không chán mới là lạ. Tuy nhiên dù về tình cảm hay lý trí, đã cực đoan thì chẳng có gì là sáng suốt cả.

Tôi viết đoạn này để giải tỏa băn khoăn khi nhận được lời khen về tình cảm của mình dành cho người Ukraine – như một người bạn chưa bao giờ gặp đang sống ở Ukraine viết: tình yêu to lớn dành cho Ukraine. Không chắc vậy. Tôi không biết gì về Ukraine cả, và tình cảm của tôi là dành cho nước Nga, chứ không phải cho Ukraine. Tôi có bạn người Nga, chắc là nhiều hơn bạn người Ukraine và thật may trong số những người bạn Nga này, không có ai ủng hộ Putin. Đến đây chắc hẳn bạn đọc dần hiểu, với một người như tôi thì 400 ngày qua là 400 ngày của sự mất mát ghê gớm.

Hôm qua, tôi lấy ra cái ổ cứng trong đó chứa hàng trăm bộ phim của điện ảnh Xô-viết ngày xưa, và cả những bộ phim Nga mới sau 1991. Xem lướt qua vài phim, mỗi phim mấy chục phút đã hết buổi tối… Tôi lặng lẽ ngồi nhớ lại mình đã từng thích Sergei Bodrov (con) như thế nào, và sau này trong các diễn viên Nga “mới hơn” đã thích Dmitriy Dyuzhev như thế nào… Tôi chợt nghĩ: nếu Sergei Bodrov (con) còn sống (anh này chết năm 2002 trong một vụ lở tuyết khi quay phim ở vùng núi) thì anh ta sẽ có thái độ ra sao trước cuộc chiến tranh mà đất nước anh ta gây ra cho người hàng xóm, trong khi Dmitriy Dyuzhev đã rất hăng hái ủng hộ nó trong các sự kiện mà Putin cho tổ chức?

Trong số những người bạn thuộc “Hội yêu nước Nga” của tôi ngày trước, không biết tỷ lệ có trạng thái tâm lý như tôi được bao nhiêu, có được một nửa hay không nữa, nhưng hầu hết giữ thái độ im lặng. Thỉnh thoảng, hãn hữu lắm có ai đó viết mấy câu, thể hiện một nỗi buồn sâu thẳm ở đâu đó trong lòng. Còn tôi, tôi cũng không rõ mình có tiếp tục xem lại những bộ phim Nga, những bản nhạc Nga vẫn giữ lâu nay – mà suốt 400 ngày vừa qua tôi không hề đụng đến. Trong suốt 400 ngày qua, tôi cảm thấy vết thương trong lòng mình quá lớn để xem và nghe lại chúng, và tôi đã cất chúng đi. Hôm qua xem và nghe lại, tôi chỉ thấy mình xót xa.

Chưa bao giờ đất nước và nền văn hóa mình yêu quý, lại có vị thế như vậy của ngày hôm nay, nhận được sự căm ghét đến mức ghê tởm từ khắp nơi trên thế giới.

Hãy đừng nói với tôi rằng vẫn còn bao nhiêu nước không phản đối thậm chí ủng hộ Nga – Putin. Đó chỉ là thái độ của lãnh đạo các nước đó mà thôi. Vì thế hãy cố gắng trí tuệ hơn đi các bạn, đừng bao giờ cộng dân số Trung Quốc với dân số Ấn Độ lại và cho rằng số người ủng hộ Nga – Putin vẫn còn nhiều hơn số người phản đối. Nhân dân Việt Nam không ngu muội đến thế, chỉ có cách ứng xử của các bạn làm cho người ta hiểu như thế mà thôi.

Ở đầu bài này tôi có nhắc đến tay luật sư bạn học cùng trường đại học. Cách đây dăm hôm, có ai đó gửi cho tôi đường link đến bài của anh ta viết năm 2015 đăng trên báo mạng lớn nhất Việt Nam. Anh ta viết về “Ngày Chiến thắng 9/5” – “hãy đừng tìm tôi ở đâu, hãy tìm tôi ở Quảng trường Đỏ”. Tôi trả lời người gửi link: “Hắn ta viết hay đấy chứ, nhưng không phải sĩ diện đâu, trước đây tôi viết còn hay hơn đó”. Tay luật sư kia như tôi của cách đây 20 năm vậy, yêu nồng cháy và mù quáng. Và cũng phải nói hồi đó tôi cũng y như vậy: ngày 9/5 không ai được xâm phạm vào quỹ thời gian của tôi hết, mà tôi ngồi trước TV từ lúc duyệt binh đến hết buổi ca nhạc “Pesni Pabedy” (Bài ca Chiến thắng).

Tay luật sư này ắt hẳn lấy cảm hứng từ bài hát – chính xác là lời Việt của bài “Мой адрес Советский Союз” (Địa chỉ của tôi – Liên bang Xô-viết): hãy đừng tìm tôi ở phố xinh đẹp kia, mà hãy tìm tôi ở Liên bang Xô-viết! Ngộ nghĩnh nhất là thời những năm 1980 ở Việt Nam các cán bộ tuyên giáo giải thích “phố xinh đẹp là Hoa Thịnh Đốn, Nữu Ước, Ba Lê… tức là xứ sở tư bản giãy chết đấy”.

Tay luật sư và những người như hắn vẫn tiếp tục tin vào lý thuyết “chống phát-xít” của người Nga. Bọn họ cố tình lờ đi những gì đã và đang diễn ra ở nước Nga trong thời gian qua… Đến đây hẳn bạn đọc sẽ phê bình tôi đã quá ưu ái tay luật sư kia – không phải vì hắn là bạn học cũ đâu, bạn bè gì tầm này nữa. Chẳng qua hắn là luật sư, là giới tinh hoa và nhẽ ra, hắn phải là người đầu tiên nhận ra những nọc độc tư tưởng mà Putin và bộ sậu nhồi vào đầu dân Nga và những người xung quanh.

Nói đến nọc độc tư tưởng, không thể không nói đến Dugin. Nhưng từ trước đó, ngay trước khi Liên Xô tan rã một thời gian ngắn – vào năm 1990 chính Alexander Solzhenitsyn, tác giả của “GULAG – Quần đảo ngục tù”, đã gọi việc Ukraine và Belarus được độc lập (khỏi nước Nga) là “một bi kịch cần phải tránh”. Kinh khủng hơn, Solzhenitsyn coi ngôn ngữ văn học Ukraine được tạo ra một cách giả tạo ở Áo – Hung và “chèn đầy các từ tiếng Đức và tiếng Ba Lan”. Vậy đó, chính nhà văn đoạt giải Nobel lại đã đưa ra lời tuyên bố rằng Ukraine là một “quốc gia nhân tạo” và tiếng Ukraine là một “ngôn ngữ nhân tạo”.

Còn về Dugin, vốn là con trai của một sĩ quan tình báo quân sự, tuổi trẻ của ông ta đã mất nhiều năm trong trại tâm thần… và tư tưởng của ông ta thì ra sao? “Tất cả những người tốt đều là người Nga” (“Все хорошие люди – Русские”). Nghĩa là, người Nga không thể làm điều ác, trong khi ai không phải là người Nga thì không thể tốt như vậy. Năm 1997, ông ta cho xuất bản một cuốn sách tên gọi là “Những nguyên tắc cơ bản của địa chính trị” (“Основы геополитики”), trong đó thế giới được trình bày như một đấu trường đấu tranh giữa các nền văn minh trên đất liền và trên biển – “chế độ bảo kê” của các cường quốc lục địa và “chế độ thalassocracy” (“Thalassocracy” xin tạm hiểu là cường quốc đại dương) của các cường quốc hàng hải. Cái trước tương ứng với thế giới Á-Âu (do Nga lãnh đạo), cái sau tương ứng với thế giới Đại Tây Dương (do Hoa Kỳ lãnh đạo).

Cũng trong cuốn sách này, Dugin đã đưa ra và tiếp cận vấn đề chủ quyền của Ukraine một cách cực kỳ phản động. Dugin là người đầu tiên ở Nga đẻ ra khái niệm “Quỷ xa-tăng Hoa Kỳ” và kêu gọi “giết, giết, giết hết người Ukraine”. Viktor Shnirelman, nhà nghiên cứu chính tại Viện Dân tộc học và Nhân chủng học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, viết: “Chủ nghĩa bài Do Thái bí truyền và (được trình bày một cách) có âm mưu trong các khái niệm của Dugin không phải là ngẫu nhiên”. Theo nhà sử học, nó có liên quan đến ý tưởng phổ biến vào những năm 1990 về “thế giới Do Thái” và là thủ phạm gây ra sự sụp đổ của Liên Xô.

Ý kiến của Viktor Shnirelman được tôi đưa vào để bạn đọc không hiểu sai và đánh đồng về tất cả người Nga. Trong khi “Những nguyên tắc cơ bản của địa chính trị” nhận được sự ngưỡng mộ từ lực lượng an ninh Nga: cuốn sách đã trở thành sách giáo khoa cho Học viện Quân sự Cấp cao của Bộ Tổng tham mưu Quân đội Liên bang Nga (và Dugin trở thành giáo viên tại Học viện). Tạp chí online “Spektr” (“Спектр”) nhận thấy rằng Dugin được trích dẫn rất nhiều trong các sách giáo khoa địa chính trị do Bộ Giáo dục Nga chấp thuận… Thì năm 2010, chủ nghĩa cực đoan của Dugin khiến ông ta mất chức giáo sư tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Mátxcơva.

Khi rất nhiều người Nga tiến bộ nhận ra tính phản động của học thuyết Dugin và việc nó đi sâu vào tư tưởng của Putin và ảnh hưởng đến chính sách nhà nước Nga như thế nào, thì rõ ràng khi tấn công Ukraine, nước Nga đi theo con đường đúng như thế. Chẳng hạn, vào thời điểm cuộc chiến tranh được khoảng một tháng, Dugin đã từng khẳng định “nước Nga cần Ukraine như một phần không thể thiếu để khẳng định lại vị trí của một “đế chế”, “một cực” trong thế giới đa cực”.

Nếu như tôi kể cho bạn đọc nghe về một điều rằng: nhiều người quen của tôi (Việt Nam quốc tịch Nga), những người đang sống tại Nga, đều kể về thái độ của họ và nhiều người Nga nữa về cuộc chiến tranh: bình thản, cho rằng đó là điều không thể tránh khỏi. Thật quá rõ ràng: nếu vẫn tiếp tục cho rằng Ukraine là Nga hay bộ phận của Nga, người Ukraine là người Nga, tiếng Ukraine là tiếng Nga bị pha trộn các nguồn khác… và xu thế đi tìm tự do của “những đứa con lầm lạc đó” là sai lầm – thì đúng là cuộc chiến tranh chắc chắn sẽ nổ ra và đó là điều tất yếu. 

Khi tất cả xung quanh bạn gù lưng, bạn đứng thẳng sẽ bị coi là tàn tật. Ai nói câu đó nhỉ?

Nhưng cũng cần hiểu rằng, đã có lúc gần như tất cả những người Đức gù lưng và những người chống Hitler là tàn tật, nhưng họ đã dũng cảm trở thành những người đứng thẳng. Không phải tất cả những gì thuộc về Stalin đều xấu, và câu này của ông ta tôi thấy rất tâm đắc: “Bọn Hitler xuất hiện rồi diệt vong, nhưng nước Đức, dân tộc Đức tồn tại”. Câu này tôi chưa tìm thấy nguyên bản nhưng trong hồi ký “Nhớ lại và suy nghĩ” của Nguyên soái G.K. Zhukov có nhắc đến nó.

Như hồi đầu chiến tranh tôi đã từng viết ý “Nước Nga có cần cuộc chiến tranh này không?” – tức là cần một cuộc chiến tranh mà họ thất bại thảm hại. Có lẽ giờ đây chúng ta đã nhận ra có điều gì như một định mệnh lịch sử: cuộc chiến tranh là tất yếu, nhưng không phải theo cách nhiều người cả Nga, cả những người ủng hộ Putin nhận định rằng nó tất yếu để biến Nga thành đế chế, mà tất yếu để người Nga hồi tỉnh lại, như người Đức cách đây gần 80 năm.

Có người hỏi tôi hình dung thời kỳ hậu chiến như thế nào – tôi trả lời “không hình dung gì cả” – không ai sắp đặt tương lai cả, mà nó sẽ diễn ra như cách mà nó phải diễn. Những gì tôi dự báo chẳng qua là nhận ra cái nguyên nhân và cho rằng kết quả sẽ là như vậy.

Về quân sự, những yếu kém sẽ dẫn đến thất bại của quân đội Nga trên chiến trường. Về chính trị, người Nga vẫn để cho Putin tại vị và cố, cố, cố quá thành… quá cố, thì nước Nga sẽ đến này lụn bại, càng để lâu càng lụn bại nặng. Về tư tưởng, với tất cả những ai vẫn u mê và mù quáng với những thứ “dạng Solzhenitsyn” hay “dạng Dugin” trên đây, họ sẽ xứng đáng với những gì họ sẽ phải nhận. Nếu như nước Nga có bị vỡ tan ra thành nhiều mảnh, nội chiến hoặc những người Nga hiện nay sẽ bị chia cắt bằng những đường biên giới quốc gia mới, thì đó cũng là cái kết quả xứng đáng với cái nguyên nhân hiện nay họ đang gieo.

Trong trường hợp này, không chống lại Putin cũng là gieo những cái “nhân” rất xấu.

Vì vậy, cuộc chiến tranh chắc chắn thất bại này cần cho người Nga một cách ghê gớm. Họ cần nó để thoát khỏi ách Putin, mà nếu không có nó thì chẳng biết bao giờ mới có thể giũ bỏ cái ách đó.
 
*

Bốn trăm ngày… càng gần cuối xuân, những người ủng hộ Ukraine càng sốt ruột. Hết sốt ruột tình hình Bakhmut (mà những người hiểu biết đã rất cố gắng động viên rằng tình hình không quá bi đát đâu), nay lại sốt ruột rằng chiến tranh kéo dài lâu quá, khổ cho người Ukraine…

Thôi thì chẳng biết nói gì hơn, tôi chỉ xin có ý này: chuẩn bị càng lâu, các sự kiện diễn biến càng nhanh. Cái gì tích tụ đủ về lượng, thì cũng phải đến lúc chuyển hóa về chất. Hòa bình sẽ là tất yếu, vì chiến tranh là một phạm trù hữu hạn, chẳng ai đánh nhau được mãi. Xin hãy đừng lo lắng gì cả, vì nếu Putin thắng thì hắn ta đã thắng được từ lâu rồi chứ không phải đến ngày hôm nay què quặt như vậy.

Và chúng ta, lựa chọn “bưng bô cho hòa bình” là đúng rồi. Còn về người Nga, hãy kệ họ đi, đúng hay sai, định mệnh tất yếu cả. Rồi rất nhiều người trong số họ sẽ cảm thấy cần cảm ơn người Ukraine, đã giúp họ nhận ra con đường tự do khỏi những quái thai lịch sử như Putin, Dugin… và cả Solzhenitsyn nữa. Còn Pushkin thì vẫn sẽ là nhà thơ Nga vĩ đại. Tất cả đều có những vị trí tất yếu của mình trong lịch sử và chẳng ai chối bỏ chúng cả.

Phúc Lai, từ Hà Nội


 
 Từ khóa: Ukraine
Tổng số điểm của bài viết là: 98 trong 22 đánh giá
Xếp hạng: 4.5 - 22 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn