NGOẠI TÌNH, NGƯỜI THỨ BA VÀ NHỮNG ĐỨA TRẺ BỊ TỔN THƯƠNG
Thứ hai - 20/03/2023 18:39
(NCTG) “Khi đã cố tình hoặc vô tình phá nát một gia đình, làm tổn thương những đứa con thì đừng đổ lỗi nạn nhân, chớ lên mặt dạy chúng cách chữa lành, cách nó phải bỏ buông những tổn thương và đau khổ đó. Đừng lấy bài học nào đó của bản thân để bao biện, lấp liếm cho cái sai lầm của mình” - góc nhìn của Minh Đỗ từ Hà Nội trong vụ bê bối mới đây liên quan tới một “nghệ sĩ thị giác, giám tuyển độc lập, nhà phê bình nghệ thuật, dịch giả, nhà soạn nhạc và nhà thơ”.
Những chia sẻ động lòng đã khiến cả cộng đồng mạng dậy sóng - Ảnh chụp màn hình
Mỗi khi xuất hiện những drama hay scandal tình ái (và thường bắt nguồn từ mạng Facebbook), tôi đọc vậy cho biết hoặc đôi khi viết “còm” (comment) đôi dòng chứ không thấy cần quá mất thời gian viết dài thành bài bởi nghĩ đó là việc “nhà người ta” (không phải việc của mình). Nhưng tôi cũng có để ý quan tâm xem trong những câu chuyện bê bối đó, đối tượng bị ảnh hưởng chính của drama ấy là ai?
Xót xa thay, đa phần lại là những đối tượng dễ bị tổn thương và ít có khả năng tự bảo vệ, là trẻ em và là con cái.
Những tưởng rồi sự việc cũng qua thôi nhưng nó lại bùng lên khi xuất hiện thêm những bài viết, những đoạn trạng thái muốn tẩy trắng hoặc đổ lỗi cho nạn nhân của hai nhân vật có chút liên quan nhẹ. Một là người bạn gái trước ly hôn của bố cô bé và giờ ở cùng nhà chung sống như vợ chồng, và hai là con trai chị ấy. Và đây mới là điều tôi quan tâm và thấy cần phải viết ra: câu chuyện của người thứ ba và những hạnh phúc vay mượn, phô diễn, chà đạp tiếp nạn nhân.
Không biết các bạn như thế nào, còn tôi thì rất khó để chấp nhận những bao biện, hành xử kém văn minh và thiếu tế nhị của những phụ nữ tự đưa mình vào vị trí kẻ thứ ba này. Có rất nhiều ví dụ trước câu chuyện này.
Họ đều chung một điểm là bám víu vào người đàn ông có tiền, có chút quyền nhưng đang có gia đình hợp pháp (xin nhấn mạnh chữ hợp pháp, bất kể là nội tình vợ chồng họ lục đục hoặc đang giải quyết chuyện ly hôn). Và chuyện tuần qua là của GG và NH khi con gái NH tiết lộ hai người đến với nhau khi bố mẹ cô chưa ly hôn. Hai con người đó chấp nhận bỏ lại chồng vợ để về “góp gạo thổi cơm chung” và phô diễn hạnh phúc.
Qua những câu chuyện đó, chúng ta thấy được gì? Xã hội nào mà pháp luật về hôn nhân gia đình bị xem nhẹ? Người thứ ba - kẻ ngang nhiên xen vào một mối quan hệ vợ chồng hợp pháp (tôi tránh ko dùng từ “cướp chồng”/ “cướp vợ” để tránh bị bắt bẻ là “con người chứ đâu phải đồ vật mà cướp”) vi phạm pháp luật hôn nhân gia đình lại được cổ vũ? Luật bảo vệ bà mẹ trẻ em ở đâu khi không bảo vệ được những đứa trẻ trước những tổn thương tinh thần và tâm lý (dù có thể ngay lúc này chúng chưa nhận ra chúng đang tổn thương)?
Còn về chuyện gia đình và vợ chồng đang trong tình trạng hôn nhân có trục trặc, có ly thân, hoặc chưa chính thức ly hôn. Có ai tự tin giơ tay là gia đình nhỏ của mình không có lúc xô bát, xô đũa? Có tranh cãi, mâu thuẫn kịch liệt và cả đỉnh điểm to tiếng “anh đi đường anh, tôi đi đường tôi”. Đôi ta chia tay, chấm dứt.
Một mối quan hệ yêu đương nên là mối quan hệ của hai người tự do, như vậy sẽ không ai nói gì. Quan hệ vợ chồng, của hai người đến với nhau khi từ khi chưa có gì trong tay (hoặc kể cả có chút gì đó) thì cũng trải qua bao thăng trầm; cùng nhau chăm sóc con cái khi ốm đau, quan tâm lúc học hành, cùng dạy bảo con điều hay lẽ phải, có khi cả quát mắng la lối. Có những nụ cười và cả nhiều nước mắt.
Nhưng có người phụ nữ nào chỉ vì sự hứng tình của bản nhân, sự sĩ diện muốn thể hiện, sự trỗi mạnh của phần con hơn phần người mà sẵn sàng đạp bỏ gia đình, quay lưng buông tay bỏ rơi chồng con đi với bạn trai? Xã hội sẽ nhìn người đàn bà ấy bằng ánh mắt khinh bỉ, đầy phán xét. Ấy nhưng chả lẽ với đàn ông chuyện đó dễ hơn và họ không cảm thấy có chút gì lăn tăn; ngang nhiên chà đạp cảm xúc của vợ, của con?
Còn các cô gái còn xuân hoặc hết tân, có chút nhan sắc, xinh đẹp, giỏi giang và thành đạt, các cô có ế không? Chẳng lẽ các cô gái xinh đẹp như vậy đều không có khả năng tự tìm cho mình đối tượng tự do để làm bạn và cùng xây đắp mối quan hệ. Chẳng lẽ lại muốn ăn không hưởng không và thèm khát tới mức phải nhắm mắt bịt tai lao vào người đàn ông khi họ vẫn còn bìu ríu vợ con, chưa bước ra khỏi cuộc hôn nhân?
Hay bởi sự hấp dẫn tiền, quyền từ những người trưởng thành ấy mà các cô gái chấp nhận lao vào như thiêu thân, bất chấp điều tiếng? Nếu các cô muốn hưởng thành quả thì phải tự xây dựng với họ. Đừng nói là các cô “thích thì nhích”, hoặc các cô chẳng lấy, chẳng cướp của ai! Cái đó nó vô duyên lắm! Nếu đủ tự tin, đủ văn minh, đủ tự trọng bản thân thì phải biết tôn trọng bản thân mình.
Hãy ra tuyên bố cho anh ta về dứt điểm với vợ hợp pháp đi rồi đến với nhau. Như thế mới đủ chứng minh anh ta có thật sự vì các cô không, vì tình yêu của hai người không? Hay là các cô cũng chỉ là qua đường, vui thì đến, chán thì chia tay. Còn tiền cung phụng sung sướng thì còn dan díu ở lại. Các cô có nghĩ tới ngày nào đó con người bạc bẽo ấy ấy cũng sẽ lại bỏ các cô mà đi với em gái xinh trẻ đẹp, giỏi giang khác?
Cuộc đời có vay có trả, và không cho ai cái gì. “Cái gì mình không muốn xảy ra với mình thì đừng làm với người khác!”. Nếu đủ tự tin về tình yêu của hai người, rằng đúng vợ chồng anh ta có vấn đề, rằng vợ chồng họ chỉ còn là cái mác thì thử cứ bảo anh ta dẫn tới gặp vợ hợp pháp, ngồi nói chuyện rõ ràng để vợ chấp nhận. Lúc đó các cô sẽ hiểu anh ta có thực sự vì các cô không.
Chẳng hay ho gì cái kiểu nay đăng ảnh này, mai tải lên ảnh kia bóng gió chuyện tình cảm đẹp đẽ của hai người (nhưng cơ bản là sai trái với luân thường đạo lý của đạo làm người và vi phạm pháp luật). Đừng ở đó truyền tin hoặc thông điệp nào đó thách thức người vợ hợp pháp. Tất cả những ủng hộ, vỗ tay của các “fan” hâm mộ cũng chỉ thêm cho các cô ít ảo tưởng rằng mình đâu có sai, mình không cần dừng lại. Họ không chịu hậu quả thay cho các cô.
Có chăng sự cổ vũ đó chỉ là giá trị của họ hiện tại trùng với giá trị của các cô. Còn những gì sai trái các cô làm có các cô biết. Trời biết. Đất biết. Và sẽ có ngày các cô lãnh đủ. Sớm hay muộn. Vậy nên, chớ có tiếp tục bị lu mờ con mắt bởi đồng tiền, bởi sự bóng bẩy, bởi sự mù lòa của tình yêu.
Con đường sự nghiệp còn ở phía trước. “Nữ hoàng giải trí” bị tẩy chay lên bờ xuống ruộng đã nhận ra những điều không hay trong mối quan hệ sai lầm đó và nhanh chóng dừng lại (dù cũng đã chịu nhiều điều tiếng, sự cắt giảm các hợp đồng của nhãn hàng.) Cô ấy đã bước tiếp và giờ hạnh phúc với những gì đúng của cô ấy. Những điều tốt đẹp cũng dần quay trở lại khi cô ấy kịp thay đổi, sửa mình đi con đường đúng.
Những chị/ em/ bạn khác, hãy thử dừng một chút trong tĩnh lặng. Thực tâm suy nghĩ lại xem mình cần gì, sẽ nên làm gì. Chắc chắn sẽ tìm ra câu trả lời. Và cuộc đời sẽ tươi vui trở lại với bạn khi bạn không đang tâm phá nát thêm các gia đình, giẫm đạp và tổn thương những người vợ, người mẹ và đặc biệt những đứa con.
Và tất nhiên, khi đã cố tình hoặc vô tình phá nát một gia đình, làm tổn thương những đứa con thì đừng đổ lỗi nạn nhân, chớ lên mặt dạy chúng cách chữa lành, cách nó phải bỏ buông những tổn thương và đau khổ đó. Đừng lấy bài học nào đó của bản thân để bao biện, lấp liếm cho cái sai lầm của mình. Các cô mà trong hoàn cảnh đó, chắc gì làm tốt như những đứa trẻ ấy – chúng là nạn nhân của các cô đấy. Nhớ nhé người thứ ba!
Những suy nghĩ này, tôi cũng chỉ muốn nói một lần để chỉ rõ ra cái tệ, cái xấu cần bài trừ. Để những giá trị tốt đẹp của gia đình được trân trọng và thực sự lan tỏa.
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...