QUANH LỆNH BẮT PUTIN CỦA TÒA ÁN HÌNH SỰ QUỐC TẾ

Thứ hai - 20/03/2023 19:12

(NCTG) “Xin dẫn lại lời của một ông tướng Việt Nam về hưu, ông LVC: “Thằng hề 40 tuổi làm sao đấu được ông KGB 70 tuổi”. Bây giờ thì “thằng hề 40” (nhưng thực chất cũng là luật sư đấy) đã biến “ông KGB 70” thành tội phạm hình sự quốc tế. Thật không có gì nhục nhã bằng!” – góc nhìn của tác giả Phúc Lai từ Hà Nội.

Quyết định của ICC khiến công luận thế giới dậy sóng - Ảnh: theguardian.com

Quyết định của ICC khiến công luận thế giới dậy sóng - Ảnh: theguardian.com

Trái ngược với tình hình yên ắng trên chiến trường Ukraine (mặc dù các con số thiệt hại nhân sự tham chiến chẳng “yên ắng” chút nào, vẫn cứ 7-800 lính Nga bị tiễn “lên đường” một ngày), “chiến trường thông tin” lập tức nóng rực vì tin Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) có trụ sở tại La Hague (Hà Lan) phát lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin với cáo buộc “có thể liên quan tội ác chiến tranh” khi đưa trẻ em từ các khu vực bị chiếm đóng của Ukraine sang Nga một cách bất hợp pháp.

Tất nhiên, không cần đọc tin tức quốc tế chúng ta cũng có thể hiểu ngay được rằng, trước một chuyện như thế này thì các phản ứng của Nga sẽ thế nào, nhất là họ là nước chưa phê chuẩn Quy chế Rome ngày 17/7/1998 thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế này. Cũng lại tất nhiên, khi đó thì mọi lệnh và sau này phán quyết của Tòa này sẽ không có hiệu lực thi hành với trường hợp của các công dân Liên bang Nga.

Với chúng ta, câu hỏi đặt ra sẽ là: tại sao người ta (những bên liên quan, ví dụ Nhà nước Ukraine và ICC) lại vẫn hành động khi biết rõ đây sẽ là những lệnh, quyết định, phán quyết… rất khó được thi hành, nếu như không muốn nói rằng “khó hơn lên trời” vì Nga không công nhận tổ chức đó. Về thẩm quyền, Tòa án Hình sự Quốc tế chỉ có thể điều tra và truy tố các tội phạm xảy ra trong các quốc gia thành viên, tội phạm do công dân của các quốc gia thành viên gây ra hoặc tội phạm trong các tình huống do Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đưa ra Tòa án.

Liên bang Nga ký Quy chế Rome ngày 13/9/2000 nhưng đến ngày 30/11/2016, Chính phủ Liên bang Nga đã thông báo cho Tổng Thư ký ICC nội dung sau: “Tôi vinh dự được thông báo với Ngài về ý định của Liên bang Nga không trở thành một bên của Quy chế Rome về Tòa án Hình sự Quốc tế, đã được thông qua tại Rome vào ngày 17/7/1998 và được ký thay mặt cho Liên bang Nga vào ngày 13/9/2000”.

Ukraine đã ký ngày 20/1/2000 nhưng chưa phê chuẩn, nên có thể nói chưa trở thành thành viên chính thức của Quy chế Rome nhưng nếu trong trường hợp Ukraine chấp nhận thẩm quyền của Tòa án, thì Tòa vẫn có thẩm quyền điều tra và truy tố những tội phạm liên quan. Điều này được giải thích theo nguyên tắc dù quốc gia đã ký, chưa phê chuẩn, nhưng tự nguyện công nhận và chấp thuận thì Quy chế và các thẩm quyền của Tòa án Hình sự Quốc tế vẫn tự động phát sinh hiệu lực đối với trường hợp quốc gia đó.

Trong thời gian qua, Ukraine đã gửi yêu cầu Thẩm phán trưởng của ICC, ông Karim Ahmad Khan, điều tra các tội phạm chiến tranh liên quan đến cuộc chiến của Nga – Putin ở Ukraine. Tháng 4/2022, ông Khan cho biết: “Chúng tôi có cơ sở hợp lý để tin rằng các tội ác thuộc thẩm quyền của tòa án đang được thực hiện”. Và 11 tháng sau tuyên bố này, ông nộp đơn xin thành công hai lệnh bắt giữ với cáo buộc Vladimir Putin và Maria Lvova-Belova đã vi phạm hai quy tắc của Quy chế Rome chống lại việc trục xuất, chuyển giao và bắt giữ con tin một cách có hệ thống.

Nguyên tắc này cũng áp dụng với những trường hợp bác nào không phải là thành viên nhưng tự nguyện công nhận một phán quyết riêng lẻ của Tòa. Với trường hợp cụ thể lần này, theo báo chí trong nước - chẳng hạn tờ “Nhân dân”, số ra ngày thứ Bảy (18/03/2023 – 15:31) đưa tin liên quan đến hành động của Hoa Kỳ: “Trong khi đó, hãng tin TASS của Nga dẫn lời Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, Mỹ cho rằng phán quyết của ICC về ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga “có thể hợp lý,” song Mỹ không công nhận quyết định này”.

Thực tế không hẳn như vậy. Chẳng hạn, bản tin của tờ “The Guardian” viết: “Tổng thống Mỹ cho rằng Vladimir Putin rõ ràng đã phạm tội ác chiến tranh và lệnh bắt giữ nhà lãnh đạo Nga đưa ra một “điểm rất mạnh”. “Chà, tôi nghĩ điều đó là hợp lý”, Biden nói về lệnh bắt giữ vào thứ Sáu. “Nhưng câu hỏi đặt ra là [ICC] cũng không được quốc tế công nhận. Nhưng tôi nghĩ rằng nó làm cho một điểm rất mạnh mẽ”.

Chúng ta sẽ không đi sâu vào việc ai là người giải thích sai sự thật hoặc, che giấu sự thật đến đâu. ICC là một tổ chức quốc tế và rõ ràng những quyết định của nó chỉ có hiệu lực với quốc gia thành viên, và ông Biden thể hiện đúng điều đó trong câu phát biểu của mình, hay có thể diễn đạt câu “không được quốc tế công nhận” là chưa được công nhận ở tầm quốc tế hay tất cả các quốc gia – ngay cả Liên Hiệp Quốc cũng chỉ có 193 thành viên trên tổng số 195 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới kia mà.

Tuy nhiên, không thể hiểu câu nói của Tổng thống Hoa Kỳ J. Biden là “Hoa Kỳ cũng không công nhận lệnh của Tòa Hình sự Quốc tế ICC yêu cầu bắt giữ Tổng thống Nga V. Putin” mà đó chỉ là một sự suy diễn cho mục đích tuyên truyền. 

Số nước là thành viên của ICC là 123 nước, nghĩa là chưa được 2/3 số thành viên của Liên Hiệp Quốc, vì thế nếu nói chính xác về pháp lý thì bất cứ phán quyết nào của ICC chỉ có giá trị bắt buộc thi hành đối với các thành viên của nó hoặc những nước tự nguyện thực hiện nó như trường hợp của Ukraine hiện nay mà thôi. Vậy thì, tác dụng của nó là như thế nào khi mà chính việc áp dụng nó còn khó khăn đến vậy và hầu như không có sức mạnh cưỡng chế cần thiết?

Đầu tiên, phải nói rằng, chính cái yếu tố “có ít thành viên” như vậy lại đưa đến một tác dụng khác, là tính chắc chắn về pháp lý. Đã không có nhiều sức mạnh cưỡng chế bắt buộc mà lại còn “ấm ớ”, tức là không đảm bảo về chuyên môn pháp lý nữa, thì vị thế của Tòa án ICC đúng là chỉ có… vứt sọt rác. Chẳng hạn, theo một trong những nguyên tắc của Tòa án Quốc tế Nuremberg là không có thời hiệu đối với tội ác chiến tranh hoặc tội ác chống lại loài người. Như vậy ICC trước hết không có sức ép về thời hạn, cứ làm cho đến khi nào đúng thì thôi. Vì vậy, không có hy vọng cho ý tưởng rằng những kết luận của ICC là sai và vô căn cứ.
 
Bình luận độc hại của một luật sư - Ảnh chụp màn hình
Bình luận độc hại của một luật sư - Ảnh chụp màn hình

Chính một luật sư Việt Nam có tiếng về chuyên môn (anh này đã du học Hoa Kỳ theo chương trình Fulbright), nhưng cũng là người pro-Putin có tiếng khi viết một status ngắn bình luận sự kiện, cũng không dám đề cập đến các vấn đề đúng sai, có căn cứ hay không… của lệnh bắt (xin xem ảnh chụp màn hình). Điều này bất cứ một chuyên gia luật nào cũng có thể xác nhận được rằng một khi ICC đã có hành động pháp lý, tức là không phải chuyện đùa. 

Nhất là khi nó lại còn đụng đến nguyên thủ quốc gia của một nước, thậm chí có thể gọi là cường quốc.

Vì thế, tác dụng đầu tiên của việc ra một lệnh bắt như thế này, là tác dụng có tính chất tham khảo vững chắc. Bất cứ quốc gia nào trên thế giới, dù có phải là thành viên của nó hay không, đều có thể tham khảo, thậm chí yêu cầu ICC cung cấp chứng cứ, văn bản, tài liệu có thể để làm căn cứ xác định chính sách ngoại giao của mình, nhất là trong quan hệ với các nước liên quan như Nga, Mỹ, Ukraine…

Ở đây, có một chi tiết cần để ý: rất nhiều người từ trước đến nay trong những vấn đề liên quan đến Nga, đặc biệt là khi cuộc chiến tranh họ tiến hành ở Ukraine bùng nổ, thì đưa ra câu cửa miệng là “Nga bị cô lập ngay cả ở Liên Hiệp Quốc là do Mỹ giật dây”. Nhưng câu chuyện lệnh bắt của ICC lần này với Putin lại đưa chúng ta đến một khía cạnh khác của vấn đề: Mỹ, Trung Quốc… là những nước không công nhận Quy chế Rome cùng với Nga. Vậy thì có cách nào để Mỹ giật dây ICC đây? Hay là họ ép các các thành viên như Đức, Pháp… giật dây thay cho mình?

Từ tác dụng đầu tiên trên đây, có thể nhận thấy rằng nó còn dẫn đến những tác động khác, chẳng hạn nó đánh thẳng đến tính chính danh của Putin, dù cho đến nay mới chỉ là đề cập đến tội danh “bắt cóc trẻ em”.

Một năm về trước, nước Nga - Putin đưa quân vào xâm lược Ukraine với những lý do: “phi phát-xít hóa”, “phi quân sự hóa” Ukraine… Một đại tá Việt Nam về hưu tên viết tắt LTM, khi kèn cựa với lệnh bắt của ICC, hung hãn cho rằng Ukraine mới là tội phạm vì những tội ác diệt chủng ở Donbas trước chiến tranh. Vậy nếu để đảm bảo tính chính danh, nước Nga của Putin đang là một trong năm ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, đáng ra phải đưa vấn đề ra Hội đồng Bảo an, hoặc đưa ra Đại Hội Đồng. Nhưng họ không làm vậy, mà đã quyết định đưa quân xâm lược, nổ súng tấn công một quốc gia có chủ quyền.

Ngược lại, người Ukraine lại làm rất chuẩn mực và bài bản, đúng là “cây ngay không sợ chết đứng” và đúng như người ta nói, “danh có chính thì ngôn mới thuận”. Sau vụ này mọi lý lẽ của Nga biện hộ cho nguyên nhân gây chiến, đều là rác rưởi.

Trên đây, tôi có nhắc đến tay luật sư – mà có lẽ đến giờ phút này phải nói rằng tôi rất nghi ngờ anh ta từ khía cạnh đạo đức, vì những tội ác của Putin đã rõ ràng mà anh ta vẫn cố bênh vực bằng được. Hơn thế, thái độ của anh ta trong việc dẫn dắt những “fan hâm mộ” cũng vô đạo đức nốt.

Chẳng hạn, cũng trong status nói trên, anh ta viết: “Khi ông đang là tổng thống thì quốc gia thành viên ICC mà ông tới có thể viện dẫn quyền miễn trừ ngoại giao của ông để phớt lờ lệnh của ICC”. Điều này không thực sự sai, nhưng tại sao tôi lại quy kết lập luận của anh ta là nguy hiểm?

Căn cứ vào vị thế và xác định chính sách đối ngoại của một quốc gia thành viên ICC với Nga, quốc gia đó có thể không ra lệnh bắt với Putin nếu Putin đến thăm. Như vậy việc không bắt chỉ do quyết định của quốc gia đó, chứ nó không tự động phát sinh từ “quyền của một tổng thống (như Putin)”, trong khi đó anh luật sư nọ viết chắc như đinh đóng cột là quốc gia đó sẽ hành xử như thế.

Nếu quốc gia đó là Trung Quốc hoặc Việt Nam thì có thể, nhưng nếu đó là Anh quốc thì chưa chắc. Hành vi dẫn dắt người đọc đến sai lầm không chỉ là ngụy biện mà còn là phi đạo đức.

Cũng tương tự như vậy, trong bài viết này anh ta khẳng định “để tránh cho việc rơi vào tình thế khó xử giữa một bên là cam kết quốc gia với một tổ chức không có thực quyền và một bên là nước Nga thì họ sẽ chọn cách rút ra khỏi ICC”. Chi tiết này lại tiếp tục chứng minh tay luật sư này hoàn toàn dám bán đứng thân chủ chỉ vì mấy xu lẻ, vì hắn dám đưa các fan hâm mộ của hắn tới tư duy sai lầm.

Ai bảo ICC không có thực quyền? Trước mắt, nó có quyền với các nước thành viên của nó, và người ta tham gia nó, nhất là với những nước nhỏ và yếu là để được công lý bảo vệ. Với lý do này, sao tay luật sư này lại dám khẳng định là các nước thành viên sẽ bỏ ICC vì Nga? Nga có thể là bố của luật sư, chứ có phải là bố của các nước đó đâu? Nếu bỏ ICC vì Nga, rồi một ngày đẹp trời nào đó bị một ông lớn tương tự như Nga, Mỹ, Trung Quốc… “quại” cho sứt đầu mẻ trán như Ukraine hôm nay thì ai bênh?

Tiếp theo, ICC chỉ không có quyền với các nước không tham gia, nhưng nó lại không cấm các nước không tham gia đó công nhận phán quyết của nó cũng như tự nguyện thực hiện những phán quyết đó phù hợp với lợi ích và chính sách của họ. Vậy nếu Hoa Kỳ cũng sẽ công nhận những lệnh, kết luận, phán quyết của tòa, thì ông luật sư tính sao?

Vì vậy việc viện dẫn quyền miễn trừ ngoại giao làm cho tôi ngờ rằng, tình cảm mù quáng đã dẫn luật sư tới nhận định sai lầm. Về khía cạnh này, ông Karim A. A. Khan nói với “Euronews” rằng vị trí của tổng thống Nga sẽ không cho phép ông ta trốn thoát mà không bị trừng phạt.

Tất nhiên, tôi cũng không cho rằng trong tương lai sẽ không có nước nào rời ICC (như thời gian vừa qua, chẳng hạn tháng 10/2017, Burundi là nước đầu tiên rời ICC). Nhưng, mặt khác tôi lại không cho rằng việc một quốc gia nào đó rời ICC trong tương lai chắc chắn chỉ vì… Putin. Là người có tư duy bình thường, tỉnh táo không bị lừa dối, không bị cuồng vì bất cứ ai hay nước nào thì không cần phải là luật sư, cũng đã phải có những suy nghĩ đúng đắn như vậy rồi.

Còn nếu như tay luật sư vô đạo đức kia viết: “Các nước đầu tiên rút khỏi ICC sẽ là các nước châu Phi. Thời gian cho các thủ tục pháp lý sẽ là 5-10 năm” thì phải nói rằng, quá trình các nước Châu Phi rời ICC đã bắt đầu từ mấy năm trước, ngoài Burundi còn có Gambia và Nam Phi nữa. Đừng cố nhập nhèm nữa, ông bạn! Dù cho các nước kia có do sự kiện này – dọa bắt Putin - làm xúc tác thúc đẩy thêm quá trình rời bỏ, thì cũng chỉ mở ra cơ hội cho Putin đi thăm Gambia thôi mà! 

Còn có một tác dụng nữa của lệnh bắt, là nó có tác dụng bắt buộc với các nước thành viên ICC khá máu mặt: Úc, Áo, Bỉ, Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Iceland, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ireland, Italy, Netherlands, New Zealand, Na Uy, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Anh quốc. Các nước Mỹ La-tinh đọc danh sách cũng… phát khiếp, xin kể sơ sơ: Venezuela, Argentina, Paraguay, Costa Rica, Peru, Ecuador, Panama, Brazil, Bolivia, Uruguay, Honduras, Colombia, Guyana, Cộng hòa Dominika, Mexico, Chile, Grenada, Guatemala, El Salvador…

Như vậy, chỉ nội 2/3 số thành viên Liên Hiệp Quốc là thành viên của ICC, dù cho kế hoạch của tay luật sư kia có thành công tức là nước Nga của Putin phải đi thuyết phục được một số nước quan trọng ví dụ… Colombia rời ICC để sang đó lẩn trốn, cũng là một việc… không bàn được, vì nó đang ở chỗ giời ơi đất hỡi nào đó. Dạng dự đoán như thế chỉ dành cho những kẻ có vấn đề về sức khỏe tâm thần.
 
Nguyên thủ quốc gia một siêu cường trở thành tên tội phạm bị truy lùng - điều chưa từng thấy! - Ảnh: cepa.org
Nguyên thủ quốc gia một siêu cường trở thành tên tội phạm bị truy lùng - điều chưa từng thấy! - Ảnh: cepa.org

Có một người bạn của tôi bình luận vui: Putin khó có cơ hội trốn sang Nam Mỹ rồi. 

Cá nhân tôi thì cho rằng đây mới chỉ là bước đầu tiên (như báo chí viết, lệnh bắt Putin liên quan đến bắt cóc trẻ em) nhưng tương lai có thể còn thêm các tội danh khác, như hành vi xâm lược hoặc/ và tội ác chống lại loài người.

Để kết luận, tôi xin dẫn lại lời của một ông tướng Việt Nam về hưu, ông LVC: “Thằng hề 40 tuổi làm sao đấu được ông KGB 70 tuổi”. Bây giờ thì “thằng hề 40” (nhưng thực chất cũng là luật sư đấy) đã biến “ông KGB 70” thành tội phạm hình sự quốc tế.

Thật không có gì nhục nhã bằng!

Phúc Lai, từ Hà Nội


 
 Từ khóa: Ukraine
Tổng số điểm của bài viết là: 66 trong 14 đánh giá
Xếp hạng: 4.7 - 14 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn