Ghi chép: HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG (1937-2023)

Thứ tư - 26/07/2023 15:45

(NCTG) “Bi kịch của Hoàng Phủ Ngọc Tường, kể cả khi những lời phân trần của ông vẫn bị nhiều người cho là không thành thật, là ở đấy, và có lẽ không chỉ là bi kịch của cá nhân ông, một người từng có những vần thơ, tùy bút đẹp...”.

Nhà văn, nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường - Ảnh: Facebook

Nhà văn, nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường - Ảnh: Facebook

Tâm thư” của Hoàng Phủ Ngọc Tường đầu năm 2018 về vai trò bị coi là của ông – và sự “ngoại phạm” của nhà thơ - trong Thảm sát Mậu Thân 1968, có đoạn:

Tôi đã nói rồi, nay xin nhắc lại:

Điều quan trọng còn lại tôi xin ngỏ bầy ở đây, với tư cách là một đứa con của Huế, đã ra đi và trở về, ấy là nỗi thống thiết tận đáy lòng mỗi khi tôi nghĩ về những tang tóc thê thảm mà nhiều gia đình người Huế đã phải gánh chịu, do hành động giết oan của quân nổi dậy trên mặt trận Huế năm Mậu Thân. Đó là một sai lầm không thể nào biện bác được, nhìn từ lương tâm dân tộc, và nhìn trên quan điểm chiến tranh cách mạng
”.

Điều mà ông đã “nói rồi” ấy, cũng như nguyên văn lời “trần tình” trên, đã xuất hiện trong một bài trả lời phỏng vấn nhà phê bình Thụy Khuê (RFI) trước đó 21 năm, từ năm 1997.

Hoàng Phủ Ngọc Tường có ở Huế vào thời điểm định mệnh ấy không, và nếu có ở, vị thế của ông có thể cho phép ông tham gia tới mức nào vào những sự kiện diễn ra khi đó, những câu hỏi này có lẽ vẫn (nên) là đề tài của các công trình nghiên cứu lịch sử khoa học và công tâm, kể cả khi người cầm bút đã qua đời. Bởi lẽ, lịch sử cần được rõ ràng, sòng phẳng và sự thật lịch sử phải là thứ mang tính cảnh báo...

Riêng mình, khi nghĩ tới Hoàng Phủ Ngọc Tường là lại nhớ đoạn clip dài hơn 15 phút mà chính ông xác nhận là “bản gốc cuộc phỏng vấn” năm 1981 của đoàn làm phim “Việt Nam thiên sử truyền hình” (Vietnam: A Television History, 1983), khi nhà thơ nở nụ cười và liếm mép đáng sợ rồi buông những lời dữ dằn ác khẩu khi nhắc tới “những con rắn độc” - nạn nhân mà ông cho là cần trừ khử trong vụ Mậu Thân.
 
Cải táng các thi hài khai quật trong các hố chôn tập thể sau trận Tết Mậu Thân - Ảnh: Wikipedia
Cải táng các thi hài khai quật trong các hố chôn tập thể sau trận Tết Mậu Thân - Ảnh: Wikipedia

Đó là năm 1981, khi còn hăng say cách mạng, tôi đã nghĩ đúng như vậy. Chỉ vài năm sau tôi đã nhận ra sai lầm của mình” - nhà thơ “trần tình” như vậy cách đây 5 năm trong thư ngỏ đọc cho con viết. Bi kịch của Hoàng Phủ Ngọc Tường, kể cả khi những lời phân trần của ông vẫn bị nhiều người cho là không thành thật, là ở đấy, và có lẽ không chỉ là bi kịch của cá nhân ông, một người từng có những vần thơ, tùy bút đẹp...

Giá mà khi nghĩ tới bất cứ người cầm bút nào, cũng chỉ cần nhớ tới những câu chữ nên thơ của họ: “Có một buổi chiều nào như chiều xưa - Anh về trên cát nóng - Đường dài vành môi khát bỏng - Em đến dịu dàng như một cơn mưa - (...) Có buổi nào như chiều nay - Căn phòng anh bóng tối dâng đầy - Anh lặng thầm như là cái bóng - Hoa tàn một mình mà em không hay” (“Dạ khúc”, từng được Phú Quang phổ nhạc).

Nguyễn Hoàng Linh


 
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
 

Những tin cũ hơn