CHUYỆN THU PHÍ VÀO THÀNH PHỐ

Thứ năm - 06/04/2023 03:50

(NCTG) “Ông Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. Hội An biện minh cho việc làm của mình vì lo ngại bình luận rằng Hội An đang trở nên “khu du lịch rẻ tiền”. Với thêm 100 ngàn “tận thu” từ khách lẻ, có chắc phố cổ sẽ trở nên “đắt giá” hơn không?” - góc nhìn của KTS. Bùi Uyên từ Paris.

Đoàn biểu tình với biểu ngữ “Không thu phí vào cửa - Venice là một thành phố”, tháng 11/2022 - Ảnh: Lucie Tournebize (slate.fr)

Đoàn biểu tình với biểu ngữ “Không thu phí vào cửa - Venice là một thành phố”, tháng 11/2022 - Ảnh: Lucie Tournebize (slate.fr)

Cách đây độ hai tuần, lướt Facebook thấy cái ảnh Hội An người tham quan lèn chặt trên phố bên sông, nhìn đông cũng hơi chóng mặt. Thế nên ban đầu nghe tin Hội An định thu vé, mình không hẳn thấy phi lý.

Đi du lịch ở Pháp và Châu Âu, toàn những đô thị hay điểm tham quan làng cổ, thường rất nhỏ, cổ kính hàng trăm hàng ngàn năm, nên quá quen với cảnh người đông nườm nượp trong những ngõ phố bé tí teo. Mình vừa thấy ngột ngạt với những tụ điểm quá đông, vừa cảm thấy mình đang góp phần vào làm nó quá tải, nên cũng không mấy hứng thú đi nữa.

Nên khi Venice tranh cãi thu vé vào cửa, mình cũng nghĩ ở những địa điểm di sản có nguy cơ bị xuống cấp vì du lịch đại trà, nếu để hạn chế bớt du lịch số đông, nhất là lướt qua ào ào một buổi, hoặc bắt họ đóng góp thêm vào chi phí tôn tạo, thì cũng là một cách để “sàng lọc” những người thực sự muốn đến thăm.

Vài năm gần đây, Thái Lan cũng hạn chế lượng người tham quan đến vịnh Maya để hồi sinh cảnh quan tự nhiên của hòn đảo mệnh danh “thiên đường” này, sau hàng chục năm ồ ạt tàu bè cập đảo.

Venice đã không còn cho phép các du thuyền khổng lồ cập bến sát đảo, vốn là nguy cơ lớn đến độ ổn định của nền móng đảo, đồng thời đổ xuống đảo hàng vạn khách mỗi ngày, những du khách chỉ ghé qua vài giờ, không ngủ lại và cũng hiếm khi có thời gian tiêu dùng tại các nhà hàng, quán xá.

Santorini cũng đặt giới hạn giảm khách du lịch trong hai tháng cao điểm mùa hè từ đỉnh điểm 70 ngàn xuống còn 8 ngàn khách mỗi ngày, đặc biệt hạn chế khách du lịch không nghỉ lại đảo, đến từ những tàu khách sạn.

Có thể thấy, với nguy cơ xuống cấp nặng nề, các thành phố này vẫn cố gắng tìm những biện pháp giảm tải có chọn lọc, khoanh vùng, và chưa đâu muốn dùng đến biện pháp cuối cùng là chặn cửa, thu phí.
 
Thu phí vào thành phố luôn là vấn đề phức tạp và gây nhiều tranh cãi, và Hội An không phải ngoại lệ - Ảnh: thanhnien.vn
Thu phí vào thành phố luôn là vấn đề phức tạp và gây nhiều tranh cãi, và Hội An không phải ngoại lệ - Ảnh: thanhnien.vn

Trong khi đó, đọc kỹ lại, mới hay Hội An đã thu phí tham quan từ nhiều năm nay rồi. Mình hơi ngạc nhiên, khi những đô thị di sản UNESCO khác chưa thấy ở đâu thu phí, thì lãnh đạo địa phương tự tin tuyên bố “phù hợp với nguyên tắc bảo vệ di sản, được UNECO ủng hộ”.

Không biết liệu vị chức sắc có nhầm lẫn khi xếp đô thị Hội An tương đương với những di sản “chết”? Như những tòa thành Trung Cổ, phế tích La Mã, lăng tẩm Ai Cập, giờ không còn ai sinh sống, được quây rào bảo vệ, trùng tu giữ nguyên trạng để thăm quan?

Lần này, việc tuyên bố về phí vào cửa xem ra chỉ là để thu chặt chẽ, ráo riết hơn. Vậy là, Hội An làm không với một mục đích để “giảm tải” khách du lịch, đặc biệt khách không lưu lại địa phương, mà dường như là để tận thu tránh không sót một ai! Ngay cả khi Hội An tự tin nhận thấy cần biện pháp này là hợp lý, thì mình nghĩ cũng có thể chấp nhận được nếu có chọn lọc.

Nhưng việc áp dụng liệu đã đủ mềm dẻo và chi tiết? Để có những phân loại, chia đối tượng. Ví dụ chỉ nên thu vé với khách vãng lai không lưu lại, còn miễn phí người địa phương, người làm việc, cho du khách lưu trú trong vùng qua đêm... Khoanh vùng thời gian, chỉ thu phí giờ hoặc ngày, mùa cao điểm, như vậy sẽ giãn đều khách thăm quan để phục vụ tốt hơn.

Có vẻ như “nhờ có” việc thu phí lỏng lẻo (chứ không phải mềm dẻo) từ trước đến nay, chỉ các đoàn du lịch mới thực sự đóng lệ phí này, nên ít người biết đến để nêu ý kiến. Thậm chí nhiều khách thăm quan từ vùng lân cận và người kinh doanh chính trong phố cổ Hội An còn không biết tới nó, nên mới bất bình, sửng sốt khi nghe việc siết chặt thu phí từ 15/5 tới đây.

Mà ngay cả khi mục tiêu không phải là để giảm tải, mà là để “tận thu”, thì trên thế giới không thiếu những kinh nghiệm vừa khéo léo, hiệu quả, vừa khuyến khích du khách lưu lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn, buộc du khách móc hầu bao, mà lại cảm thấy hài lòng. Lợi nhuận thu lại lớn hơn rất nhiều 80-120 ngàn vé vào cổng vừa phản cảm, vừa có nguy cơ cao trở thành cây gậy thọc bánh xe của chính mình.
 
Hallstatt, ngôi làng cổ nổi tiếng của Áo, được mệnh danh là ngôi làng ven hồ đẹp nhất thế giới, từng bàn thảo về việc thu phí vào làng, nhưng rồi không tiến hành
Hallstatt, ngôi làng cổ nổi tiếng của Áo, được mệnh danh là ngôi làng ven hồ đẹp nhất thế giới, từng bàn thảo về việc thu phí vào làng, nhưng rồi không tiến hành

Kể thêm ví dụ một số cách thu phí hoặc bán được nhiều dịch vụ cho khách du lịch ở châu Âu

- Thuế lưu trú (city tax): từ nhiều năm nay, đi du lịch bất kỳ đâu trong Châu Âu, nếu nghỉ tại các khách sạn, khách du lịch tự động phải đóng thuế lưu trú cho mỗi ngày họ lưu lai. Số tiền này tầm 2€/ ngày trở lên.

- Các vé thăm quan theo ngày (city pass, museum pass), vé di chuyển không giới hạn (days pass, forfait): mỗi thành phố có những kiểu vé tích hợp khác nhau, nhưng mục đích chung lợi cả khách tham quan và phía dịch vụ.

Một mặt, mang đến sự thuận tiện, đơn giản cho khách du lịch trong việc đi lại và chủ động thời gian, kích thích họ thăm thú, đi lại nhiều hơn, với tâm lý đi càng nhiều thì càng “lãi” khi đầu tư mua những vé không giới hạn này. Mặt khác, tăng lượng khách viếng thăm, lượng chi phí tiêu dùng, và bình luận, chia sẻ về càng nhiều địa điểm du lịch của một thành phố.

Thường những vé này rất hấp dẫn, chỉ cần bạn viếng thăm nhiều hơn 2-3 địa danh, đi lại vài chuyến tàu là đã “hòa vốn”. Ở Thụy Sỹ, giá phòng lại thường bao gồm cả vé đi lại phương tiện công cộng miễn phí cả ngày.

- Vé liên thông ưu đãi giữa các ngành giao thông, nhà hàng, khách sạn, điểm tham quan: bạn mua vé tàu xe, hay trả phí đỗ xe ở đầu thành phố, thì được miễn phí vé đi lại phương tiện công cộng. Cách này khuyến khích du khách đi lại nhiều nhưng không dùng phương tiện cá nhân, bớt ô nhiễm, ùn tắc.

Đi chơi cái này lại được kèm ưu đãi mua sắm chỗ khác, như đi tàu sông Seine thì được giảm giá khi shopping ở La Fayette, hay mua vé thăm quan núi Thụy Sỹ thì được giảm phần trăm khi vào ăn trong các nhà hàng. Mình thuê phòng ở khu trượt tuyết thì được giảm giá thuê dụng cụ trượt tuyết...

Như vậy, những ưu đãi này kết nối các loại hình kinh doanh, cùng liên kết với nhau để “móc hầu bao” của khách, mà khách thì lại thấy vui vì đang hưởng đủ loại khuyến mãi!

- Chăm sóc, bám sát khách du lịch để gợi ý dịch vụ: bạn vừa đặt vé máy bay thì lập tức có mail hỏi “bạn có muốn thuê xe du lịch không?”, mua vé tàu thì liền có option “bạn có cần ai đó bê hộ va-li không?”, “bạn có muốn đặt chỗ để khỏi phải xếp hàng không?”, v.v... Những gợi ý kiểu này thì dịch vụ tư nhân du lịch Việt Nam không thiếu, nhưng làm một cách chính thống, qua các phần mềm du lịch, vé tàu xe để quản lý chất lượng, thống kê và thu thuế tốt thì chắc còn chưa có.

- Đa dạng tùy chọn vé tham quan: lần du lịch ở Thụy Sĩ, mình mới thấy một loại hình vé mở linh hoạt rất thú vị. Nếu sợ lỡ chuyến do muộn tàu xe hay... ngủ quên, vé tàu Thụy Sĩ có thêm option rất hay mà mình không gặp ở bất cứ nước nào. Đó là mua vé parcours, tức là vé điểm đầu cuối, đi lúc nào cũng được, đắt hơn so với vé giờ chính xác một chút.

Vậy nên mỗi lần tìm vé tàu, thường sẽ có 2-3 option đưa ra: vé rẻ nhất có giờ ấn định, vé tuyến đi đó, bạn dùng 1 ngày đi bất cứ giờ nào, vé đi lại 1 ngày bất kỳ đâu trong toàn vùng, v.v... Sự chênh lệch giá thường không lớn, nên hấp dẫn khách mua lựa chọn option mở. Nhờ đó, những vé tàu này cho phép khách du lịch linh động thời gian, thậm chí đổi lịch trình giờ chót, hoặc nhân thừa thời gian lại tạt thăm thêm một thành phố khác.

*

Trên đây chỉ là một vài ví dụ để thấy cách các địa điểm du lịch và chính sách địa phương, bằng cách tạo thuận lợi cho khách, “tặng” họ những ưu đãi, giảm giá, nhưng thực chất khéo léo giữ chân khách lâu hơn, gợi họ khám phá rộng hơn mục tiêu ban đầu, làm cho họ chi tiêu vui vẻ và nhiều hơn một cách tự nguyện. Thế có hay hơn là dọa dẫm xiết chặt thu phí, gây cảm giác nghi ngại, khó chịu, phiền phức? 

Ông Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. Hội An biện minh cho việc làm của mình vì lo ngại bình luận rằng Hội An đang trở nên “khu du lịch rẻ tiền”. Với thêm 100 ngàn “tận thu” từ khách lẻ, có chắc phố cổ sẽ trở nên “đắt giá” hơn không?

Bùi Uyên, từ Paris


 
 Từ khóa: phí vào cửa, Hội An
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn