1 năm Nga xâm lược Ukraine: NHỮNG SUY NGHĨ VỤN VẶT

Thứ sáu - 03/03/2023 13:21

(NCTG) “Các bạn dạy cho chúng tôi biết trân trọng và có trách nhiệm hơn với nền tự do, dân chủ đang được thụ hưởng mà chúng ta cùng quý trọng hơn tiền bạc hay sự bình an tù túng” - chia sẻ của tác giả Bùi Uyên từ Paris nhân 1 năm cuộc chiến Ukraine.

Cuộc chiến vệ quốc của Ukraine đồng thời cũng là cuộc chiến của tất những người yêu tự do

Cuộc chiến vệ quốc của Ukraine đồng thời cũng là cuộc chiến của tất những người yêu tự do

Hơn 1 năm chiến tranh nổ ra ở Ukraine khiến tôi muốn viết, vì một năm qua đã bao nhiêu ngày nghĩ về nó, với nhiều tâm trạng hơn, nhiều hệ lụy rõ rệt trong cuộc sống quanh mình.

Những ngày đầu, ai cũng lo lắng không biết Ukraine, trụ được mấy ngày? Rồi người ta truyền nhau câu nói của vị tổng thống, rằng “tôi không cần một chuyến xe, tôi cần đạn dược”. Đến giờ, sau bao bài phát biểu vòng quanh thế giới, đó vẫn là câu nói hùng hồn nhất, để mọi nguyên thủ thế giới phải cảm phục và kính nể, và có lẽ ngoài cả mong đợi của chính người dân Ukraine. Câu chuyện chiến tranh Ukraine năm 2022 không thể tách rời khỏi hình ảnh vị tổng thống này.

Nếu không có cuộc chiến, Zelensky có lẽ mãi là một vị tổng thống mờ nhạt, không đáp ứng mong mỏi của những người bầu cho ông ta. Trên trường quốc tế, ông không tạo được chút niềm tin nào về khả năng giải trừ tham nhũng để đạt tiêu chuẩn bước vào EU. Thời thế tạo anh hùng, 1 năm nay người ta thấy ông ở khía cạnh khác, và có lẽ là ông cũng “trưởng thành” hơn trong vai trò thủ lĩnh đấu tranh bất đắc dĩ này.

Báo giới Pháp và những cuộc phỏng vấn người dân Ukraine cho thấy họ chưa chắc tin rằng trong thời bình, Zelensky sẽ là một tổng thống hiệu quả với những vấn đề của Ukraine, nhưng trong thời chiến, ông hoàn toàn làm tròn trách nhiệm và đóng vai trò to lớn giúp Ukraine trụ vững đến ngày hôm nay, và tiếp tục đến ngày kết thúc chiến tranh.
 
Tổng thống Volodymyr Zelensky cùng Chủ tịch Nghị viện Châu Âu - Ảnh: EP
Tổng thống Volodymyr Zelensky cùng Chủ tịch Nghị viện Châu Âu - Ảnh: EP

Có nhiều người nói xa gần rằng một cách nào đó, đây là một cuộc chiến ủy nhiệm mà Ukraine đang đồng thời đại diện cho nhóm dân chủ chống lại nhóm độc tài. Ukraine đang làm lá chắn, làm bia đỡ đạn khi đứng về phía Châu Âu, về phía dân chủ, tự do. Hay với góc nhìn bài xích hơn, Ukraine ngây thơ bị giật dây, bị dụ dỗ, bị làm vật thí mạng của NATO và Tây Âu, hay thiếu sự khôn ngoan, không biết vị trí của mình, không biết nể “ông anh” để không bị đổ máu, v.v...

Tôi không dành đoạn viết này để phản bác lại những luận điểm đó. Cũng như chuyện bầu cử Mỹ, có những sự khác biệt về hệ giá trị mà tranh cãi là vô ích. Rất nhiều người Việt tỏ ra “cảm thông” cho hành động xâm lược, đổ lỗi cho nạn nhân. Dẫu biết khác biệt tư duy là tất yếu, không ai độc quyền chân lý, nhưng tôi hụt hẫng vì những giá trị cốt lõi hằng tưởng tối thiểu mỗi người phải công nhận, nay lại bị chà đạp ngang nhiên và ngạo nghễ đến vậy.

Ở đây cũng vậy, việc “thà chết để được tự do” dường như là ngu ngốc với nhiều người, nhưng tôi lại thấy nhiều đồng cảm với Euro Maidan 2014 và với sự kháng cự kiên cường như không tưởng từ hơn 12 tháng nay của người dân đất nước bên rìa Đông của Liên Âu này.
 
*

Từ chỗ phẫn nộ vì một cuộc xâm lược không dám gọi tên trên một quốc gia có chủ quyền, người Âu chứng kiến sự kháng cự của đất nước Ukraine, và sớm hiểu rằng cuộc chiến này không chỉ cho người Ukraine, cho lãnh thổ Ukraine, mà còn cho chính Châu Au, và sự an nguy kinh tế, chính trị, và trên hết là cho hệ giá trị tự do, dân chủ mà Châu Âu đại diện.

Có những giai đoạn, trên radio kênh tôi thường nghe, phát chương trình “la voix nue” (“giọng trần”), dành mỗi lần khoảng 10 phút nhường lời cho một người dân Ukraine mà phóng viên liên lạc được, tại chỗ hay từ xa, để họ kể về cuộc sống hàng ngày của họ. Đó chỉ là những câu chuyện đời thường chiến tranh, không phải của những anh hùng. Tôi lặng nghe những lời kể đó, hình dung mình ở vị trí họ và lần nào cũng không cầm được những giọt nước mắt cứ rơi xuống tự lúc nào, trên đường đi làm về.

Họ không kể khổ để mua nước mắt, lời kể chỉ đôi khi kèm tiếng bom đạn làm nền, đôi khi ngập ngừng vì mất mát, nhiều khi lại đầy khích lệ bởi những nỗ lực không tưởng mà họ đang nguy hiểm mạng sống để thực hiện. Như cô gái kia, tôi không nhớ làm nghề nhiếp ảnh hay không, đã chọn ở lại không sơ tán, rồi mang máy ảnh chạy ra đường phố, biến mình thành phóng viên chiến trường. Cô còn thu thập ảnh của những người khác ghi lại, gửi và lan truyền, tạo nên mạng lưới thông tin cập nhật tình hình tấn công của kẻ thù bởi chính người dân Ukraine, vừa giúp phản công, vừa tố cáo với toàn thế giới.
 
Cuộc chiến hủy diệt của những kẻ xâm lược
Cuộc chiến hủy diệt của những kẻ xâm lược

Đất nước Ukraine bị tấn công vì “ngả” theo hướng giá trị này, giờ họ đang chiến đấu để bảo vệ lựa chọn đứng về Châu Âu, xa ảnh hưởng của Nga, nên làm sao Châu Âu không thể làm một điều tối thiểu nhất là làm hậu phương vững chắc cho người Ukraine? Chẳng có gì hiển nhiên hơn việc mở rộng cửa đón những phụ nữ, trẻ em của những người chồng, người cha đang chiến đấu để được chia sẻ chung hệ giá trị với chúng ta. Chẳng có gì thiết thực hơn khi Châu Âu viện trợ, giúp đỡ khí tài cho những người đang đổ máu giữ biên giới an nguy cho chính châu lục này. 

Ở bất kỳ hoàn cảnh nào, việc trân trọng, ủng hộ và biết ơn người chốt giữ tuyến đầu, người hứng hòn tên mũi đạn bảo vệ bình an cho kẻ khác không phải là lựa chọn, mà là nghĩa vụ của những ai còn hưởng hòa bình. Tối hôm trước, bên bàn ăn, sau khi nghe đài nhắc 1 năm chiến tranh, chồng buông lời đặt mình vào hoàn cảnh những người Ukraine: “Nghĩ đang ngồi ăn thế này, mà hôm sau chiến tranh nổ ra thì….”. Hai vợ chồng chẳng nói thêm được lời nào. Thế nên ở Pháp, dù lạm phát, dù bao hệ lụy kinh tế, thì những lời phát ngôn của bất kỳ chính trị gia nào tỏ ý “bớt lo cho Ukraine đi mà lo cho kinh tế của chúng ta” đều phải nhận những lời nhẹ thì chê trách, nặng thì phỉ báng, vì sự nông cạn và ích kỷ của nó.

Còn nhớ những dự báo khủng khiếp về khủng hoảng năng lượng hồi đầu mùa thu 2022, giá từ xăng đến điện tăng vọt. May thay mùa đông đã sắp qua, nước Pháp thở phào qua nguy cơ thiếu điện, dù giá lạnh kéo dài, nhờ vào nỗ lực giảm tiêu thụ điện đạt đến 9% trên cả nước trong những tháng lạnh nhất. Vậy là Châu Âu đã thành công khi các nước dù đối mặt với thiếu đột ngột tỉ lệ lớn năng lượng cung cấp bởi Nga, vẫn không nước nào phải dùng đến biện pháp tệ hại nhất như cắt điện luân phiên, nguồn dự trữ điện cũng không lúc nào rơi xuống mức báo động.

Chắc chắn khó khăn và giảm thiểu tiện nghi, nhưng chẳng đáng kể so với những gì người dân Ukraine phải gánh chịu. Cả người già và trẻ em Ukraine phải chịu cái lạnh có lúc đến -10 độ không sưởi, không điện do sự phá hoại đê tiện của kẻ thù. Nhìn mặt tích cực, thì bị dồn vào chân tường là cơ hội để Châu Âu đẩy mạnh tự chủ và đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, sau nhiều năm nhắm mắt dựa vào nguồn cung giá rẻ của Nga.
 
*

Cách trở lại ổn định và thịnh vượng của Châu Âu gắn liền với chiến thắng của Ukraine. Châu Âu và Ukraine đang trên cùng một con thuyền, chỉ có thể giúp Ukraine để cứu mình. Chính vì thế cộng đồng chung Châu Âu không e ngại tỏ sự đón tiếp tổng thống Ukraine nồng nhiệt nhất, như với một thành viên trong khối EU, để tỏ sự đoàn kết và cam kết đồng hành này.

Tuy vậy, EU từ đầu vẫn cân nhắc cách thức để việc thúc đẩy chiến thắng của Ukraine không làm cái cớ cho leo thang. Nhưng dường như chính những sự thận trọng này cũng là sai lầm. Không ai muốn chiến tranh kéo dài khi nó sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến mỗi người dân Âu. Các nước Châu Âu gửi dần vũ khí hạng nặng hơn cũng là để Ukraine tiếp tục và chiến thắng. Nỗ lực này xem ra không đáng kể khi so với Mỹ, nhưng phải thấy đó là cố gắng rất lớn, khi đa phần các nước Châu Âu sở hữu không nhiều vũ khí với tư duy rằng, ít nhất giữa các nước phát triển, sẽ không còn chiến tranh vũ trang.

Nhiều nhà phân tích cho rằng khó mà chấm dứt hẳn chiến tranh vì Putin không thể nhận thua, thua là bản án chấm dứt sự nghiệp của gã. Ukraine cũng sẽ không thể thất thủ, chắc rằng NATO và châu Âu sẽ phải giúp đỡ khí tài để duy trì điều đó. Giới hạn chiến sự sẽ kéo dài trong một số vùng lãnh thổ miền Đông mà trên thực tế vẫn luôn xung đột từ đợt Nga chiếm Crimea đến nay. Tôi không biết gì hơn để nhận xét về những dự báo này dù thấy nó thực tế nhất, nhưng vẫn muốn rằng nó sai và chiến tranh sẽ kết thúc sớm nay mai.

Tôi đã không mong đợi gì ngày kỷ niệm 1 năm Nga xâm lược Ukraine và càng mong không có ngày này năm sau.
 
Đứng về phía Ukraine cũng là bảo vệ phẩm giá và nền dân chủ
Đứng về phía Ukraine cũng là bảo vệ phẩm giá và nền dân chủ

Đến hôm nay, thế kỷ 21, tiếc rằng nhiều dân tộc vẫn phải đổ máu bởi mong muốn tự do chọn con đường dân chủ. Mấy hôm trước diễn ra cuộc xét xử những “kẻ cầm đầu bạo loạn” của phong trào Dù Vàng ở Hồng Kông. Tôi lặng người nhìn truyền hình quay những chiếc xe buýt chở đầy chặt những “bị can” rất trẻ, những người đại diện cho thế hệ trẻ sinh ra trong một Hông Kông dưới chế độ dân chủ, nên không chịu cúi đầu.

Án tù chung thân là món quà của chế độ toàn trị dành cho những thanh niên độ tuổi đôi mươi này. Lại hiện lên những hình ảnh những bạn trẻ Miến Điện đã bỏ mạng kiên cường trong cuộc phản kháng kéo dài hàng tháng, vùng vẫy chống lại việc trở về với chính thể kiểm soát bởi quân đội. Hay cũng tương tự, những thanh niên Iran xuống đường đổ máu đòi tự do hàng tháng trời nay, khởi nguồn vì một cái chết trong đồn cảnh sát của cô gái trẻ vì luật lệ Hồi giáo hà khắc.

Ukraine hôm nay và bao đấu tranh chưa thấy thành quả rõ rệt của những cuộc cách mạng đòi dân chủ, có những bối cảnh khác nhau, nhưng đều sâu xa từ cuộc đấu tranh của những hệ giá trị.

Người ta hay nghi ngại khi nhìn thấy những cuộc đấu tranh mất mát nhiều hơn là thành quả, thậm chí thành công bước đầu những lại non yếu và chết yểu, để nghi hoặc rằng đó là có lẽ là con đường sai lầm? Hiển nhiên là đấu tranh để vươn lên thì bao giờ chả rủi ro, khó khăn và nhiều nguy cơ thất bại hơn là ngoan ngoãn chấp nhận “có sao chịu vậy”. Con đường tự làm chủ thì sao tránh vấp váp nhiều hơn để người khác dắt đi. Nếu quả là giá trị tự do và dân chủ không đáng để đổi lấy “an yên”, vì sao người ta vẫn lao vào, từ Thiên An Môn đến Dù Vàng, hơn 30 năm vẫn không “khôn ngoan” hơn ?
 
*

Ngồi viết những dòng lan man thế này, tôi chỉ muốn gửi đến bất kỳ người Ukraine nào, rằng Châu Âu và phần lớn dân chúng như tôi luôn hàng ngày ủng hộ, dõi theo và cầu mong chiến thắng, để bình an sớm trở lại với Ukraine.

Chúng tôi có khó khăn, thì cũng mong rằng được đóng góp để chia sẻ khó khăn với các bạn. Cuộc chiến ở đất nước của các bạn không phải chỉ của người Ukraine mà là của cả Châu Âu, của tất những người yêu tự do. Các bạn không đơn độc: có rất nhiều người như tôi, một dân thường sống ở Châu Âu, thấy mình trong cuộc chiến của các bạn, nợ các bạn sự hy sinh này, cảm phục sự quả cảm này. Các bạn dạy cho chúng tôi biết trân trọng và có trách nhiệm hơn với nền tự do, dân chủ đang được thụ hưởng mà chúng ta cùng quý trọng hơn tiền bạc hay sự bình an tù túng.

Bùi Uyên, từ Paris


 
 Từ khóa: Ukraine
Tổng số điểm của bài viết là: 23 trong 5 đánh giá
Xếp hạng: 4.6 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn