Lời giới thiệu: Tại một hội thảo với chủ đề làm quen tiếng Anh bậc mầm non theo chuẩn quốc tế và ứng dụng công nghệ trong khảo sát năng lực ngoại ngữ do Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM tổ chức ngày 24/3, đã xuất hiện ý kiến từ một số trường mầm non cho rằng nên có chứng chỉ tiếng Anh cho trẻ mầm non ở độ tuổi 3-6 tuổi.
Về mặt khoa học giáo dục và ngôn ngữ, đề xuất nói trên có cơ sở hay không? Sau đây là góc nhìn của tác giả Minh Nguyễn, Tiến sĩ về Ngôn ngữ Ứng dụng, hiện đang giảng dạy tại Đại học Otago (New Zealand). Bài viết đã trích đăng trên báo “Thanh Niên”, bản trên NCTG là bản gốc của tác giả. Xin trân trọng giới thiệu! (NCTG)
Nghiên cứu về đắc thụ ngôn ngữ trẻ em cho thấy trẻ em có thể tiếp thụ bất kỳ ngôn ngữ nào mà các em được tiếp xúc hàng ngày từ môi trường xung quanh, nghĩa là ngôn ngữ mà những người lớn xung quanh các em sử dụng để giao tiếp với nhau và với các em. Việc tiếp thụ này được diễn ra hoàn toàn tự nhiên thông qua giao tiếp, mà không cần phải “học” như cách các em học đọc, học viết sau này ở trường.
Việc tiếp thụ ngôn ngữ mẹ đẻ được hoàn thành trong 5-6 năm đầu đời của trẻ, và khi bước vào tuổi đi học, một em bé phát triển bình thường đã có thể nắm bắt được 90% cấu trúc ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ. Việc hoàn thiện ngữ âm, ngữ pháp, mở rộng từ vựng và học các kỹ năng đọc, viết sẽ được tiếp tục những năm sau này.
Vì vậy có thể nói những năm tháng đầu đời là những năm tháng quan trọng nhất để học tiếng mẹ đẻ. Các nghiên cứu về trẻ nhỏ bị bỏ rơi hay cách ly khỏi giao tiếp với con người đã cho thấy nếu bỏ quan “giai đoạn vàng” này, các em không thể bắt kịp các bạn cùng lứa tuổi về khả năng ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ.
Trẻ em nên học ngoại ngữ từ lứa tuổi nào?
Nghiên cứu về đắc thụ ngôn ngữ hai (được hiểu rộng là ngôn ngữ tiếp thụ sau ngôn ngữ mẹ đẻ, được tiếp thụ ít nhất một phần thông qua dạy học) cho thấy trẻ em có một số lợi thế so với người lớn khi học ngoại ngữ.
Ví dụ, trẻ em có khả năng bắt chước phát âm của người bản ngữ tốt hơn. Trẻ em chưa phải chịu áp lực về “thể diện” như người lớn nên dễ dàng “thử nghiệm” với ngôn ngữ hơn, do đó học nhanh hơn.
Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là có nên dạy ngoại ngữ cho trẻ em từ tuổi mầm non? Có một thực tế là nhiều bố mẹ cho con học tiếng Anh từ 3-4 tuổi, với niềm tin là “học ngoại ngữ càng sớm càng tốt”. Nhưng sự thật có đúng như thế?
Niềm tin này xuất phát từ giả thiết cho rằng khả năng tiếp thụ ngôn ngữ sẽ giảm dần theo tuổi tác và việc học ngôn ngữ hai ở tuổi trưởng thành sẽ không mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên các nghiên cứu về đắc thụ ngôn ngữ hai cho thấy không có bằng chứng để khẳng định điều này.
Các nghiên cứu và thực tế cho thấy nếu có môi trường sử dụng ngôn ngữ, có động lực và phương pháp học tập phù hợp, người lớn vẫn có thể đạt được mức độ thuần thục cao trong ngôn ngữ hai. Ngược lại, việc học ngoại ngữ từ lứa tuổi mầm non không đem lại hiệu quả cao nếu thiếu môi trường ngôn ngữ để thực hành và duy trì.
Lứa tuổi mầm non là lứa tuổi tốt nhất để phát triển năng lực ngôn ngữ mẹ đẻ. Có lẽ không cần phải nhấn mạnh thêm nữa tầm quan trọng của ngôn ngữ tiếng Việt trong đời sống hàng ngày cũng như trong học tập, nghề nghiệp của các em sau này.
Vì vậy thay vì ép con học tiếng Anh ở lứa tuổi này, bố mẹ nên dành thời gian để chơi cùng con, nói chuyện với con, đọc truyện cho con nghe, giúp con phát triển năng lực tiếng Việt một cách tốt nhất.
Trẻ em phát triển nhận thức tốt nhất thông qua ngôn ngữ mà các em thành thạo nhất. Do đó việc giúp con phát triển tiếng Việt sẽ giúp ích cho các em học kiến thức ở trường sau này.
Ngoại ngữ có thể học khi trẻ đã lớn hơn, ví dụ khi bước vào tuổi đi học (sau 6 tuổi). Lợi ích rõ ràng duy nhất của việc học ngoại ngữ trước 6 tuổi là khả năng bắt chước phát âm của người bản ngữ.
Tuy nhiên, khi tiếng Anh được sử dụng như một ngôn ngữ toàn cầu, đồng nghĩa với việc có rất nhiều “phiên bản” tiếng Anh khác nhau như hiện nay, thì việc đạt được “accent” của người bản ngữ không còn được coi là mục đích quan trọng nhất của việc học tiếng Anh, mà quan trọng hơn là khả năng sử dụng phù hợp với mục đích và hoàn cảnh giao tiếp.
Có nên kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ cho trẻ mầm non?
Do đặc điểm về lứa tuổi, trẻ em học ngoại ngữ không giống cách người lớn học ngoại ngữ. Các em học ngoại ngữ chủ yếu thông qua các hoạt động mà qua đó các em được trực tiếp thử nghiệm với ngôn ngữ và có thể gây hứng thú cho các em (thay vì thông qua giảng giải quy tắc ngôn ngữ), ví dụ như trò chơi, câu đố, múa, hát, vẽ, đóng kịch, v.v...
Trẻ nhỏ chưa thể tập trung lâu nên không thể yêu cầu các em ngồi một chỗ để nghe giảng. Các hoạt động cũng phải thường xuyên được thay đổi, làm mới để tạo hứng thú.
Đối với lứa tuổi mẫu giáo, nếu dạy ngoại ngữ cho các em thì mục đích của việc dạy ngoại ngữ này nên là để cho các em làm quen với một ngôn ngữ mới, duy trì hứng thú đối với việc học ngoại ngữ sau này. Do đó việc khảo sát năng lực để cấp chứng chỉ ngoại ngữ cho trẻ nhỏ như đề đạt của một số trường mầm non là là việc không cần thiết và có khả năng khả năng tạo sức ép tâm lý, khiến các em căng thẳng và mất hứng thú học tập.
Chưa nói là năng lực ngôn ngữ ở mỗi trẻ một khác. Ngay cả đối với ngôn ngữ mẹ đẻ, tốc độ phát triển ngôn ngữ của trẻ cũng không giống nhau. Do đó, việc “ép” các em vào một “khung năng lực” chung vô hình chung đã đi ngược lại đặc điểm học ngôn ngữ ở lứa tuổi này.
TS. Minh Nguyễn, Đại học Otago (New Zealand)